Thứ sáu, 17/01/2020 15:12

Tác động của các dự án nông thôn miền núi đến phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng

ThS Võ Thị Hảo

Giám đốc Sở KH&CN Lâm Đồng

Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), tỉnh Lâm Đồng đã được phê duyệt thực hiện một số dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi. Kết quả thực hiện các dự án đã góp phần đưa tiến bộ KH&CN đến tận cơ sở, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho hàng nghìn lao động địa phương, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Lâm Đồng là tỉnh miền núi thuộc nam Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên hơn 970.000 ha, với dân số khoảng 1,25 triệu người, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 24% dân số toàn tỉnh (dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên chiếm gần 17%) với 43 dân tộc sinh sống. Trong thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó ưu tiên đầu tư nguồn lực xóa đói giảm nghèo, cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao dân trí, bảo tồn văn hóa cho vùng dân tộc thiểu số và đã đạt được những kết quả khả quan.
Song hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của Lâm Đồng, nhất là từ năm 2010 đến nay, Bộ KH&CN đã phê duyệt nhiều dự án ứng dụng tiến bộ KH&CN triển khai trên địa bàn tỉnh trong khuôn khổ Chương trình nông thôn miền núi. Các dự án đã có những tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội vùng dự án được triển khai thông qua việc ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông lâm sản; bố trí lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, đời sống của người dân vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Có thể kể đến một số dự án tiêu biểu như sau:
Dự án “Áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng và sản xuất meo giống một số loại nấm ăn, nấm làm thuốc tại huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng” đã xây dựng được 20 nhà nuôi trồng nấm tập trung với công nghệ cao (diện tích 4.500 m2), 12 nhà nấm phân tán diện tích 3.000 m2, nhận chuyển giao thành công 9 quy trình công nghệ (như quy trình tuyển chọn, bảo quản giống nấm, nhân giống nấm cấp I, II, bảo quản nấm tươi, nấm sấy khô, nuôi trồng nấm bào ngư, mộc nhĩ, linh chi...). Kết quả đã giúp các kỹ thuật viên có thể chủ động áp dụng vào sản xuất tại đơn vị mình, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ nông dân tham gia và nhân rộng mô hình tại vùng triển khai dự án. Trong thời gian thực hiện, dự án đã sản xuất được 900.000 bịch phôi, hơn 590 tấn nấm bào ngư, 15 tấn mộc nhĩ khô và trên 11 tấn nấm các loại khác; đào tạo 8 kỹ thuật viên, tập huấn cho 270 lượt nông dân trong vùng. Dự án đã tạo sức lan tỏa lớn cho vùng nấm Đơn Dương nhờ việc đăng ký thành công nhãn hiệu tập thể “Nấm bào ngư Đơn Dương”, đồng thời tạo được mạng lưới thu mua, tiêu thụ sản phẩm nhằm phát triển bền vững nghề trồng nấm tại địa phương.

Mô hình sản xuất mộc nhĩ tại Đơn Dương.

Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ để phát triển bền vững nghề trồng dâu nuôi tằm ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng” đã hoàn thiện và chuyển giao được hàng chục quy trình trồng dâu, nuôi tằm, phòng trị sâu bệnh hại, sấy và bảo quản kén... phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Bên cạnh đó, dự án đã đào tạo được 16 kỹ thuật viên, tập huấn cho 300 lượt nông dân ứng dụng thành thạo quy trình trồng dâu, nuôi tằm. Dự án đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm ngành dâu tằm của huyện Lâm Hà, bước đầu hình thành mối liên kết từ sản xuất dâu, nuôi tằm đến tiêu thụ sản phẩm cho các hộ sản xuất trong huyện, giúp thu nhập của nông dân tăng gấp 2 lần so với trước khi thực hiện dự án và hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường. Nhận thức của người nông dân cũng như đội ngũ cán bộ kỹ thuật địa phương trong việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất dâu tằm được nâng lên rõ rệt thông qua các lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ và các mô hình thực tiễn.
Dự án “Ứng dụng KH&CN xây dựng và phát triển mô hình sản xuất cà phê bền vững tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng” đã xây dựng được mô hình vườn nhân chồi giống cà phê vối mới với 50.000 cây, cây sinh trưởng tốt và đã cho thu hoạch 150.000 chồi; mô hình vườn sản xuất hạt lai đa dòng (1.100 cây) và vườn sản xuất hạt giống cà phê chè mới (4.500 cây); mô hình ghép cải tạo vườn cà phê giống cũ quy mô 10 ha/10 xã với mục tiêu đạt 3,5 tấn nhân/ha/năm; mô hình quản lý mùa vụ tổng hợp quy mô 10 ha/10 xã với mục tiêu đạt 4 tấn nhân/ha/năm. Dự án đã chuyển giao hàng chục quy trình kỹ thuật về canh tác cà phê trên đất dốc, trồng mới và chăm sóc cà phê giai đoạn kiến thiết cơ bản, ghép cải tạo vườn cà phê giống cũ, tạo hình, tỉa cành cho cây cà phê, tưới tiết kiệm nước; ủ vỏ cà phê làm phân bón, phòng trừ sâu bệnh hại tổng hợp, thu hái, sơ chế và bảo quản cà phê sau thu hoạch...; đào tạo 20 kỹ thuật viên cơ sở và tổ chức 10 buổi tập huấn, tham quan mô hình cho 400 nông dân trồng cà phê tại các xã thuộc huyện Lâm Hà. Nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thu nhập của người dân tham gia dự án tăng hơn 10%, chất lượng cà phê của các hộ cải thiện 10-15% so với trước khi tham gia dự án. Ngoài ra, các hộ tham gia cũng được hỗ trợ để nhận chứng nhận của các tổ chức chứng nhận trong và ngoài nước như VietGap, 4C.

Mô hình trồng cà phê tại Lâm Hà.

Dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN trong chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại tỉnh Lâm Đồng” thực hiện từ năm 2017, đến nay dự án đã nhận chuyển giao thành công 5 quy trình kỹ thuật từ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên về chăn nuôi bò lai hướng thịt chất lượng cao, trồng và sử dụng các giống cỏ chăn nuôi, chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò, vỗ béo bò thịt, vệ sinh chuồng trại và xử lý môi trường chăn nuôi; xây dựng mô hình chăn nuôi bò lai hướng thịt chất lượng cao tại 18 hộ dân thuộc 4 huyện (Lâm Hà, Đơn Dương, Đức Trọng, Cát Tiên) với quy mô 4 con bò nền/hộ; mô hình trồng cỏ phân tán với khoảng 1.100 tấn cỏ/3,6 ha/năm; đào tạo được 6 kỹ thuật viên cơ sở và tập huấn kỹ thuật cho hàng trăm lượt nông dân tham gia dự án. Các mô hình chăn nuôi bò lai hướng thịt chất lượng cao khi ứng dụng đồng bộ các quy trình kỹ thuật cho thu nhập cao hơn chăn nuôi bò truyền thống 25-30%, cung cấp cho xã hội một lượng thực phẩm có giá trị cao, góp phần đảm bảo an ninh thực phẩm và hạn chế tác động của thị trường bên ngoài, góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi và qua đó làm tăng hiệu quả của các chương trình xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn, góp phần hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Chính phủ. 

Mô hình nuôi bò thịt chất lượng cao tại huyện Lâm Hà.

Ngoài ra, còn một số dự án mới được triển khai và bước đầu đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ như: “Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để phát triển bền vững ngành trồng dâu nuôi tằm tại huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng”, “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để xây dựng và vận hành chuỗi rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018-2020”, “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất giống và trồng cây Magic-S (Cyphomandra betaceae) tại vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang, tỉnh Lâm Đồng”…
Có thể nói, việc hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH&CN trong khuôn khổ Chương trình nông thôn miền núi thời gian qua là phù hợp với năng lực tiếp thu của người dân, phát huy được lợi thế so sánh từng vùng, miền, huy động được các nguồn lực xã hội tham gia thực hiện dự án để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, được tỉnh Lâm Đồng đặc biệt quan tâm. Thông qua việc thực hiện các dự án này, nhiều tiến bộ KH&CN đã được chuyển giao cho người dân như các mô hình nhà lưới, nhà kính theo hướng công nghệ cao phục vụ sản xuất, cung cấp giống cây, con cho các hộ dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kỹ thuật trồng và chăm sóc các đối tượng cây trồng (như rau, hoa, cà phê, chè, tiêu, ca cao, dâu tằm, lúa, cam, dứa...) và vật nuôi (như bò, lợn, gà...).
Các dự án đã góp phần đào tạo hàng trăm kỹ thuật viên cơ sở các kiến thức cơ bản về trồng trọt và chăn nuôi, đào tạo chuyên sâu quy trình kỹ thuật về các đối tượng thực hiện trong từng dự án. Qua việc đào tạo lý thuyết và hướng dẫn thực hành trực tiếp trên các mô hình, đội ngũ kỹ thuật viên đã nắm được các quy trình kỹ thuật mà các dự án đã chuyển giao. Sự lan tỏa hiệu quả của các dự án còn được thực hiện qua các hội thảo đầu bờ, tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho hàng ngàn lượt hộ nông dân trực tiếp thực hiện mô hình và người dân trong vùng dự án, giúp bà con nắm vững kỹ thuật bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý để phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi... Bên cạnh đó, các dự án còn triển khai thực hiện các mô hình trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi. Đây là những mô hình điểm cho bà con dân tộc tham quan học tập và nhân rộng mô hình. Nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn áp dụng kiến thức vào thực tế sản xuất của chính gia đình mình, góp phần xóa đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống.
Từ những tác động tích cực của các dự án nông thôn miền núi, trong thời gian tới Lâm Đồng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất giống cây trồng, vật nuôi thích hợp với sinh thái từng vùng, trong đó chú trọng đến lợi thế đặc thù, thế mạnh của địa phương; áp dụng các biện pháp canh tác thâm canh hiệu quả, áp dụng công nghệ sau thu hoạch tiên tiến nhằm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích; thực hiện xây dựng, phát triển các mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ; thực hiện việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số... Định kỳ đánh giá hiệu quả, tác động của các dự án đã và đang triển khai để rút kinh nghiệm nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ từ Chương trình nông thôn miền núi.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)