Nghiên cứu, lai tạo các giống lúa đặc sản
Sóc Trăng từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất có những sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, nhất là gạo thơm được sản xuất từ các giống lúa ST do nhóm chuyên gia nông nghiệp của tỉnh nghiên cứu, chọn lọc từ năm 1991 tới nay. Khi nói đến loại gạo này, người tiêu dùng và các doanh nghiệp đều khẳng định: ngon cơm, có mùi thơm đặc trưng, mềm, dẻo, để lâu không khô. Cuối năm 2011, Sóc Trăng là tỉnh đầu tiên trong cả nước vinh dự được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu "Gạo thơm Sóc Trăng". Đây chính là cơ hội để tỉnh nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo, tăng thu nhập cho người trồng lúa.
Những năm qua, bám sát định hướng phát triển chung của tỉnh theo hướng nâng cao tính ứng dụng, hiệu quả, phục vụ trực tiếp cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong sản xuất lúa gạo đã được đẩy mạnh. Nghị quyết số 62/2016/NQ-HĐND ngày 26/7/2016 của HĐND tỉnh Sóc Trăng đã thông qua Đề án phát triển sản xuất lúa đặc sản tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 sản lượng lúa đặc sản đạt 800.000 tấn; xây dựng các vùng sản xuất lúa đặc sản phát triển ổn định và bền vững; ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất để tạo ra sản phẩm có chất lượng và giá trị cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Điểm nổi bật trong hoạt động KH&CN của tỉnh thời gian qua là chú trọng việc nghiên cứu chọn tạo các giống lúa mới; đăng ký bảo hộ, phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh; thúc đẩy hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi nhằm nâng cao giá trị của hạt gạo.
Một số kết quả điển hình đáng ghi nhận như: đã chọn tạo được 6 giống lúa thơm và lúa cao sản kháng rầy nâu; lai tạo và chọn được các giống lúa thơm phục vụ các vùng chuyên canh trồng lúa thơm của tỉnh… Các giống lúa này là nguồn vật liệu phục vụ công tác lai tạo ra các giống lúa ST có năng suất, chất lượng cao, trong đó có giống lúa ST 24 và ST25; xây dựng mô hình ứng dụng KH&CN sản xuất và tiêu thụ lúa đặc sản cao cấp ST19, ST20… Trong suốt gần 30 năm qua, các giống lúa ST không ngừng được nghiên cứu chọn tạo và cho ra đời. Đến nay Trăng đã có bộ sưu tập giống lúa ST từ ST1 đến ST28 và một số giống ST có hàm lượng dinh dưỡng cao. Các giống lúa thơm đặc sản ST, ngoài vị thơm ngon còn có các đặc tính vượt trội về phòng bệnh, kháng mặn và đặc biệt là có thể sản xuất được nhiều vụ trong năm.
Từ năm 2010 tới nay, Sóc Trăng đã triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đạt được nhiều thành tựu nổi bật, thể hiện rõ qua việc tăng diện tích lúa đặc sản, chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, đặc biệt mô hình tôm - lúa bền vững tại huyện Mỹ Xuyên và việc lựa chọn giống lúa ST sản xuất trên nền đất nuôi tôm, nâng cao chất lượng cây lúa. Việc áp dụng KH&CN vào canh tác lúa đã giúp tăng năng suất và sản lượng, giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới sản xuất an toàn, bền vững.
Năm 2011, dòng ST20 nhận được giải thưởng cao nhất tại Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ 2, được trồng phổ biến ở nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính. Hiện giống ST24 đã đoạt giải Nhất cuộc thi gạo ngon Việt Nam lần đầu tiên do Hiệp hội Thực phẩm Việt Nam (VFA) tổ chức năm 2017; cũng trong năm này, gạo ST24 đã lọt vào Top 3 gạo ngon nhất thế giới trong cuộc thi World's Best Rice tổ chức tại Macao. Năm 2019, các giống ST24, ST25 được VFA tuyển chọn dự thi quốc tế lần thứ 11 ở Philippines, và cả hai đã lọt vào Top đầu thế giới, trong đó ST25 đã được trao giải Nhất.
Giải pháp phát triển thương hiệu gạo ST
Hiện nay ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do tính cạnh tranh cao, trong khi giá trị gạo xuất khẩu còn thấp và việc xây dựng thương hiệu cho gạo Việt vẫn chưa hiệu quả, đặc biệt là các loại gạo đặc sản của các địa phương. Những năm gần đây, nhiều loại gạo ST được nông dân sản xuất tại Sóc Trăng đã đạt giá trị xuất khẩu và bán buôn trên thị trường với mức cao khoảng 700 USD/tấn (cao hơn gạo thường khoảng 200-300 USD/tấn). Để nâng cao giá trị gia tăng của hạt gạo, Sóc Trăng không chỉ phấn đấu tăng năng suất lúa mà còn tập trung phát triển lúa đặc sản, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác, góp phần tăng lợi nhuận cho nông dân. Để phát triển thương hiệu ST cho các sản phẩm gạo, những giải pháp quan trọng mà tỉnh đặt ra trong thời gian tới gồm:
Một là, đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp KH&CN vào nghiên cứu các giống ST như tiến hành chọn tạo, khảo nghiệm các giống lúa mới có năng suất cao, ổn định, phẩm chất gạo tốt, kháng sâu bệnh và thích nghi với điều kiện tại các vùng sinh thái, có thị trường tiêu thụ lớn để đưa vào sản xuất. Đầu tư nâng cấp và phát triển hệ thống sản xuất giống lúa ở các trạm, trại; nhân rộng mạng lưới sản xuất giống trong cộng đồng nhằm đáp ứng đủ nhu cầu về giống lúa chất lượng cao phục vụ sản xuất. Hướng dẫn việc áp dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, áp dụng các biện pháp sinh học, công nghệ sinh thái, sản xuất theo hướng hữu cơ sinh học… và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả để nâng cao giá trị và thu nhập trong sản xuất lúa ST. Từ thực tế tại Sóc Trăng cho thấy, để phát triển các giống lúa ST, điều quan trọng là phải ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, cải tạo nguồn gen để thích ứng với những thay đổi của khí hậu và thực hiện việc “liên kết 4 nhà” trong sản xuất.
Hai là, chủ động áp dụng cơ giới hóa vào toàn bộ quá trình sản xuất (từ làm đất, gieo cấy, chăm sóc, đến thu hoạch, chế biến…) phù hợp với điều kiện của từng vùng, nhất là những vùng sản xuất lúa tập trung, góp phần thay đổi tập quán canh tác phân tán, thủ công sang sản xuất công nghiệp với thiết bị hiện đại, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao và giảm tổn thất trong sản xuất.
Ba là, phối hợp với các nhà khoa học, các sở/ngành có liên quan hỗ trợ nhóm nghiên cứu lập hồ sơ để trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm công nhận giống lúa ST25 là giống lúa quốc gia và đăng ký bảo hộ quyền tác giả giống lúa ở trong và ngoài nước; hỗ trợ xúc tiến thương mại, bao tiêu sản phẩm… Hiện tại, Sóc Trăng đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận gạo thơm cho một số giống lúa ST, trong thời gian tới Sở KH&CN cũng sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉnh sửa, bổ sung quy chế quản lý nhãn hiệu này để quản lý, phát triển và khai thác có hiệu quả.
Bốn là, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN nhằm phát triển chuỗi giá trị gạo ST từ giống, quy trình canh tác, công tác thu mua, chế biến, cho đến bảo quản, đóng gói và tiêu thụ.
Năm là, để nâng cao vị thế và thương hiệu gạo ST, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân cũng cần được quan tâm. Người dân phải sử dụng giống lúa cấp xác nhận thay cho những giống lúa thông thường và không nên lấy lúa lương thực làm giống sẽ làm giảm chất lượng gạo. Đồng thời, việc chọn lựa giống lúa gieo sạ phải phù hợp với từng vùng, từng địa phương và tùy vào điều kiện thời tiết nhằm đảm bảo chất lượng gạo luôn ổn định.