Hệ sinh thái khởi nghiệp và vai trò của trường đại học
Nhằm hỗ trợ các ý tưởng kinh doanh và doanh nghiệp khởi nghiệp, các vườn ươm doanh nghiệp đã bắt đầu được hình thành từ giữa thế kỷ XX. Những năm 1980, vườn ươm doanh nghiệp đã phát triển mạnh cả về loại hình và số lượng ở các cơ sở giáo dục đại học của Mỹ, sau đó lan sang các nước châu Âu, châu Á... Đến nay, hệ thống vườn ươm này trở thành động lực thúc đẩy kinh tế; liên kết kinh tế - giáo dục và tạo việc làm ở các quốc gia. Có thể nói, ở châu Á, Trung Quốc là một trường hợp rất thành công: trong số 4 triệu doanh nghiệp đã “tốt nghiệp” vườn ươm khởi nghiệp thì khoảng 30% đạt doanh thu trên 10 triệu Nhân dân tệ/năm và vì thế đã giúp tỷ lệ thương mại hóa kết quả nghiên cứu của trường đại học gia tăng từ 25-30% lên hơn 70%. Hay trường hợp Đài Loan, 81% vườn ươm là trực thuộc các trường đại học, đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển thông qua hoạt động đào tạo khởi nghiệp và kinh doanh.
Tại Mỹ, các vườn ươm doanh nghiệp đã giúp giảm đáng kể tỷ lệ thất bại cho các doanh nghiệp mới hình thành. Cụ thể, tỷ lệ thất bại đối với doanh nghiệp khởi nghiệp trong 5 năm đầu thành lập trong các vườn ươm khởi nghiệp chỉ là 6-9% - so với 32% doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại do không được trải qua ươm tạo khởi nghiệp tại các vườn ươm này. Chưa kể, các vườn ươm khởi nghiệp còn đóng góp tích cực trong hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn và các khu vực kém phát triển ở quốc gia này.
Khi nói về vị trí của trường đại học, Scott Stern - GS Trường Quản lý MIT Sloan thuộc Đại học Utrecht, Hà Lan đã khẳng định: “Là một tổ chức có nguồn gốc từ một địa phương nhất định (tỉnh/thành phố), trường đại học không chỉ là một địa chỉ đổi mới sáng tạo quan trọng có nhiệm vụ kết nối với nhiều bên liên quan, mà còn là nơi khuyến khích phát triển các kỹ năng mới cho người học - những chủ nhân trong tương lai”. Còn theo chuyên gia khởi nghiệp người Mỹ Ed Morrison, trường đại học là trung tâm trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với một số vai trò, chức năng được cụ thể hóa ở hình 1.
Hình 1. Vai trò của trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp.
Nguồn: Ed Morison.
Từ một góc độ khác, sứ mệnh của trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp cũng đã được Diễn đàn Kinh tế thế giới (2014) đề cập, bao gồm: thúc đẩy văn hóa và tôn trọng tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên; giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành ý tưởng (idea-formation) về các lĩnh vực và ngành nghề mới; cung cấp nguồn nhân lực phù hợp cho các doanh nghiệp, lĩnh vực và ngành nghề mới… Như vậy, trong hệ sinh thái này, trường đại học phải tham gia đào tạo nguồn nhân lực phù hợp phục vụ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Mô hình vườn ươm khởi nghiệp trong trường đại học tại Việt Nam: Trường hợp Đại học Ngoại thương
Ở nước ta, trong khoảng 1 thập kỷ vừa qua, việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, trong đó nhấn mạnh trường đại học là một trong những thành tố quan trọng cấu thành hệ thống. Trên thực tế, hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam đã có chuyển biến tích cực trong hoạt động ươm tạo, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, và bước đầu các trường đại học đã thành lập một số doanh nghiệp KH&CN và vườn ươm khởi nghiệp. Khu vực phía Nam có Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, Đại học Cần Thơ…; ở phía Bắc có: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Ngoại thương… Cùng với đó, trên phạm vi quốc gia, 2 Đề án của Chính phủ: “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (theo Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016) và “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (theo Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017) đã được phê duyệt nhằm mục tiêu tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp đồng bộ, hiệu quả và toàn diện, trong đó trường đại học là một trong những chủ thể quan trọng.
Nhận thấy tầm quan trọng của hoạt động ươm tạo khởi nghiệp, Trường Đại học Ngoại thương (FTU) đã thành lập Trung tâm sáng tạo và ươm tạo (FIIS) nhằm tạo lập vườn ươm khởi nghiệp kết nối các hoạt động giữa nhà trường và doanh nghiệp, tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp một cách bài bản. Để triển khai, FIIS đã xây dựng, thiết kế một loạt chương trình có liên quan như: FTalk truyền cảm hứng sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên; Chương trình hỗ trợ và định hướng sinh viên khởi nghiệp (Support and Orientation for Startup - SOS); Chuỗi khóa đào tạo Tôi tự tin sáng tạo (Turn on Innovation); Chương trình Pre-Incubation Bootcamp/Hackathon huấn luyện nâng cao giúp các ý tưởng sáng tạo thành các dự án khả thi, được phối hợp triển khai với các đối tác doanh nghiệp, các trường đại học khu vực và quốc tế... FIIS còn bảo trợ chuyên môn cho các câu lạc bộ; các cuộc thi đổi mới sáng tạo, khoa học kỹ thuật của sinh viên các trường phổ thông trung học. FIIS phối hợp với các đối tác như Vietnam Silicon Valley (VSV), Chương trình đổi mới sáng tạo Việt Nam Phần Lan (IPP) hay Trường Đại học Quốc gia Malaysia... tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho giảng viên/cán bộ hỗ trợ khởi nghiệp... Bên cạnh đó, FIIS cũng tham gia tích cực các sự kiện trong và ngoài nước như Techfest, Ngày hội khởi nghiệp của học sinh và sinh viên SWISS, Trại hè khởi nghiệp toàn cầu (Global Entrepreneurship Bootcamp)… Nhờ vậy, trong hệ thống các trường phía Bắc, các sinh viên của Nhà trường đã nhận được nhiều giải thưởng và được tham gia các khóa đào tạo nâng cao về quản trị - kinh doanh của các tổ chức, quỹ chuyên nghiệp.
Tuy mới ở giai đoạn đầu hoạt động, kết quả còn khiêm tốn nhưng qua thực tiễn đã cho thấy hoạt động đào tạo khởi nghiệp cho sinh viên và ươm tạo doanh nghiệp từ các vườn ươm thuộc trường đại học đã có hướng đích. Là trường đại học đào tạo về kinh doanh, thường thiếu các kết quả nghiên cứu về công nghệ trong chương trình đào tạo nhưng với việc mở rộng phạm vi tuyển chọn các dự án cho các chương trình ươm tạo khởi nghiệp ở quy mô đại học đã mang lại các kết quả khả quan cho hoạt động đào tạo khởi nghiệp của Nhà trường. Một số chương trình, trong đó có SIP100 do FIIS chủ trì phối hợp với các tổ chức/quỹ… tổ chức luôn được đánh giá cao. Đây là chương trình mục tiêu nhằm hỗ trợ các sinh viên khởi nghiệp có ý tưởng triển vọng có thể tìm thấy mô hình kinh doanh (bằng cách nâng cao năng lực đội ngũ sáng lập, cho ra sản phẩm thử cũng như kết nối nhà đầu tư có tiềm năng). Năm 2018, đã có 7 dự án Startup thuộc SIP100 trong các lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ được chọn để tiếp tục tham gia các vòng “khởi nghiệp” gồm: Dự án Vinarongbien: thực hiện chế biến dạng thô của rong biển thành các sản phẩm nước uống đóng chai, trà thảo dược, mặt nạ dưỡng da…; Dự án Slide Factory Vietnam: cung cấp dịch vụ thiết kế bài thuyết trình phục vụ khách hàng là người đi làm và doanh nghiệp tại khu vực Đông Nam Á. Khách hàng có nhu cầu có thể đặt hàng dịch vụ yêu cầu thiết kế qua website và nhận được sản phẩm tối đa trong vòng 48 giờ; Dự án ứng dụng trò chuyện với người lạ Hearty: là ứng dụng trò chuyện, tâm sự, giúp kết nối những người xa lạ lại gần nhau hơn dựa trên các tiêu chí phù hợp về độ tuổi, sở thích, giới tính, khoảng cách địa lý…; Dự án vườn ươm cây giống theo công nghệ Israel: nhóm đang là nhà phân phối độc quyền khoảng 60 loại hạt giống Israel tại thị trường Việt Nam và đưa ra đề án về một vườn ươm cây giống theo công nghệ Israel; Dự án mô hình lọc nước bằng phương pháp màng sinh học: xây dựng bộ thiết bị lọc chậm bằng cát và than hoạt tính được thiết kế dành cho hộ gia đình bằng phương pháp màng sinh học; Dự án sản xuất chế phẩm vi sinh bột bã mía phục vụ nuôi tôm thâm canh: tận dụng bã mía kết hợp với các dòng vi sinh vật có lợi giúp phân hủy chất thải hữu cơ ở đáy ao, hạn chế các khí độc trong nuôi tôm; Dự án hệ thống nhận diện khuôn mặt BKFace: sử dụng kỹ thuật học sâu trong trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm thực hiện thao tác liên quan đến nhận diện, phân tích và xác thực khuôn mặt. Đây là các dự án đầu tiên nhận được sự hợp tác của VSV cùng đồng hành, ươm tạo các ý tưởng khởi nghiệp, thúc đẩy mô hình kinh doanh của sinh viên tuyển chọn trong số hàng trăm dự án dự thi được các quỹ thúc đẩy khởi nghiệp của VSV, Topica tiếp nhận và đầu tư để cho ra sản phẩm và đi vào thị trường.
Ra mắt 8 nhóm khởi nghiệp mùa 3 lựa chọn từ 250 nhóm ý tưởng khởi nghiệp.
Một vài kiến nghị
Từ thực tiễn hoạt động bước đầu của FIIS và một số vườn ươm ở nước ta, xin mạnh dạn đưa ra một số đề xuất nhằm phát huy tốt vai trò của một vườn ươm trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo:
Một là, khởi nghiệp cần được coi như hoạt động hỗ trợ và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên của nhà trường từ năm thứ hai trở đi để họ có quá trình tích lũy tri thức và chuẩn bị các nguồn lực cần thiết, hướng tới những điều kiện thuận lợi nhất cho khởi nghiệp trong mối quan hệ hài hòa giữa sinh viên với nhà trường - gia đình và doanh nghiệp. Muốn vậy thì cần hình thành mạng lưới đào tạo đội ngũ giảng viên ở cấp quốc gia và đối tượng “máy cái” này phải được tham gia các khóa tập huấn theo kế hoạch, chuyên đề và cấp chứng chỉ; đồng thời hệ thống khởi nghiệp cần sớm hình thành hệ thống website và kết nối với nhau cung cấp các cơ sở dữ liệu, thông tin của các cơ sở đào tạo, hệ thống giảng viên, các chương trình/khóa đào tạo khởi nghiệp phong phú để đáp ứng nhu cầu đào tạo trực tuyến của người học, sinh viên.
Hai là, những vấn đề liên quan đến khởi nghiệp, đặc biệt là tinh thần đổi mới sáng tạo, tôn trọng sự khác biệt và khuyến khích các ý tưởng mới cần được thể hiện thống nhất, liên tục và xuyên suốt qua mọi môn học ở trường đại học. Thực tiễn cho thấy, ở những nơi mà không gian trao đổi, tranh luận, chia sẻ càng rộng thì người học sẽ được truyền cảm hứng mạnh mẽ và có nhiều động lực trong khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đây cũng là cơ sở để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với bối cảnh kinh tế mới cũng như cho các công ty khởi nghiệp.
Ba là, tập trung và kết nối các nguồn lực giữa trường đại học, chuyên gia, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp lớn để hỗ trợ và đồng hành cho một số dự án khởi nghiệp và hướng tới sự thành công trong tương lai để quảng bá cho các nhà trường và các đối tác.
Bốn là, khuyến khích các sinh viên trong các lĩnh vực khác nhau cùng thành lập đội/nhóm khởi nghiệp như: công nghệ, công nghệ thông tin, nông nghiệp, y tế… để các dự án khởi nghiệp không chỉ mang tính đột phá mà còn có tính khả thi, không chỉ đổi mới sáng tạo mà còn gắn với thị trường với các sản phẩm/giải pháp thiết thực.
Năm là, để kết nối các nguồn lực nhằm thúc đẩy thành công những ý tưởng và dự án khởi nghiệp ở tầm khu vực và quốc tế cần thành lập Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp trong trường đại học. Hiện nay có một số quỹ hay một số doanh nghiệp, ngân hàng… đã thực hiện tài trợ cho một số cuộc thi khởi nghiệp ở các trường nhưng về lâu dài, để vườn ươm khởi nghiệp trong trường đại học có thể hoạt động tốt và phát huy hiệu quả ươm tạo doanh nghiệp như nhiều quốc gia khác thì cần có một nguồn kinh phí “cứng” để các trường đại học đầu tư thường xuyên/định kỳ cho hoạt động này.
Nâng cao vai trò của trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chính là nâng cao vai trò của các tác nhân hỗ trợ quá trình khởi nghiệp, các vườn ươm khởi nghiệp trong trường đại học thì trước hết trường đại học cần trở thành chủ thể của quá trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. S. Moica, T. Socaciu & E. Rădulescu (2012), “Model innovation system for economical development using entrepreneurship education”, Procedia Economics and Finance, 3, pp.521-526.
2. J.A. Timmons & S. Spinelli (1999), New venture creation: Entrepreneurship for the 21st century, Singapore: McGrawHill.
3. R.D. Hisrich Hisrich, M.P. Peters & D.A. Shepherd (2013), Entrepreneurship 9th ed. New York: McGraw Hill.
4. C. Boulton & P. Turner (2006), Mastering Business in Asia: Entrepreneurship, John Wiley & Sons.
5. R.S. Schillo, A. Persaud & M. Jin (2016), “Entrepreneurial readiness in the context of national systems of entrepreneurship”, Small Business Economics, 46(4), pp.619-637.