Thứ năm, 16/01/2020 15:10

Báo cáo phát triển con người 2019 và những thông điệp về bất bình đẳng

TS Vũ Thanh
 

Viện Nghiên cứu Con người, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

Báo cáo phát triển đầu tiên của Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) ra đời vào năm 1990 cùng với sự giới thiệu và công bố chỉ số phát triển con người (Human Development Index - HDI) của các quốc gia trên thế giới. Từ đó đến nay, đã có 27 báo cáo phát triển con người của thế giới được UNDP công bố (báo cáo mới nhất ra mắt tháng 12/2019). Bên cạnh đó, UNDP cũng có rất nhiều báo cáo phát triển con người của các khu vực và của các quốc gia trên thế giới với những chủ đề khác nhau, phản ánh đa chiều về phát triển con người.

Thông điệp về bất bình đẳng
    Báo cáo phát triển con người 2019 của UNDP tập trung vào chủ đề bình đẳng trong phát triển con người trong thế kỷ XXI. Báo báo đã đưa ra một số thông điệp về bất bình đẳng và phát triển con người:
 Thứ nhất, tình trạng nghèo khó đã được cải thiện nhưng sự chênh lệch về phát triển con người vẫn tồn tại khá phổ biến. Mặc dù trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI đã có những thành tựu đáng kể trong việc giảm nghèo cùng cực, nhưng vẫn tồn tại sự chênh lệch rất lớn về các năng lực - sự tự do để con người có được những điều họ khao khát và trở thành con người như họ mong muốn.
Thứ hai, một thế hệ bất bình đẳng mới đang xuất hiện với sự chênh lệch về những năng lực nâng cao cho dù đã đạt được những năng lực cơ bản. Ở hầu hết các quốc gia, sự chênh lệch về những năng lực cơ bản đang dần được thu hẹp. Tuy nhiên, khi bước vào năm 2020, nhiều năng lực mới sẽ trở thành nền tảng cho đời sống của thế kỷ XXI. Sự bất bình đẳng về những năng lực nâng cao này có ảnh hưởng nhiều hơn so với những năng lực cơ bản và nó có thể dẫn đến những bất bình đẳng mới.
Thứ ba, bất bình đẳng tích lũy trong cuộc sống, phản ánh sự mất cân bằng về quyền lực. Sự bất bình đẳng có thể nảy sinh từ trước khi con người được sinh ra. Nó có ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh trong đời sống của một con người và có thể dẫn tới sự tồn tại dai dẳng tình trạng bất bình đẳng theo nhiều cách, nhất là ảnh hưởng tới mối liên hệ giữa y tế, giáo dục và tình trạng kinh tế của cha mẹ. Sự bất bình đẳng về thu nhập và sự giàu có có thể dẫn tới sự bất bình đẳng về chính trị bởi lẽ bất bình đẳng có thể làm giảm sự tham gia chính trị của một số nhóm xã hội trong khi những nhóm lợi ích khác lại có nhiều không gian hơn để đưa ra những quyết định đem lại lợi ích cho mình. Sự bất cân bằng về quyền lực có thể dẫn đến sự đổ vỡ các chức năng về mặt thiết chế và làm suy yếu hiệu quả của các chính sách.
Thứ tư, đánh giá và ứng phó với sự bất bình đẳng trong phát triển con người đòi hỏi một cuộc cách mạng về số liệu. Những tiêu chuẩn và đo lường bất bình đẳng hiện nay không đủ để cung cấp thông tin giúp ích cho những tranh luận công khai hoặc để hỗ trợ quá trình đưa ra các quyết định. Một thách thức lớn là việc có nhiều cách hiểu khác nhau về bất bình đẳng. Do đó, cần có hệ thống số liệu mới để khắc phục sự thiếu hụt về số liệu khi đo lường những bất bình đẳng khác nhau, ví dụ như bất bình đẳng giữa các nhóm xã hội, giữa các hộ gia đình, bất bình đẳng trong quốc gia và giữa các quốc gia.
Thứ năm, có thể khắc phục tình trạng bất bình đẳng nếu chúng ta hành động ngay hôm nay, trước khi sự mất cân bằng quyền lực kinh tế ảnh hưởng tới sự thống trị về chính trị. Những cải thiện về bất bình đẳng đối với những năng lực cơ bản cho thấy chúng ta có thể đã đạt được sự tiến bộ. Tuy nhiên, những tiến bộ về năng lực cơ bản trước đây không thể đáp ứng được những khát vọng của con người trong thế kỷ này. Chỉ bằng cách chuyển sự chú ý đến việc giải quyết những bất bình đẳng mới về năng lực nâng cao, trong đó có cả những năng lực mới vừa xuất hiện, thì mới có thể tránh được những bất bình đẳng xa hơn nữa về phát triển của con người trong suốt thế kỷ XXI.

Chỉ số phát triển con người
Báo cáo phát triển con người 2019 của UNDP đã công bố số liệu về chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2018 của các quốc gia trên thế giới. Báo cáo phát triển con người 2019 đã xếp hạng chỉ số HDI năm 2018 của 189 quốc gia theo 4 nhóm như sau:
Nhóm 1: nhóm chỉ số HDI rất cao với giá trị chỉ số HDI ở mức trên 0,8. Có 62/189 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới được xếp vào nhóm này. Giá trị HDI trung bình của nhóm này là 0,892. Trong đó, 10 quốc gia/vùng lãnh thổ đứng đầu bảng xếp hạng bao gồm Na Uy, Thụy Sỹ, Phần Lan, Đức, Hồng Kông, Australia, Ai-xơ-len, Thụy Điển, Singgapore và Hà Lan.
Nhóm 2: nhóm quốc gia được xếp hạng vào nhóm có chỉ số HDI cao (với chỉ số HDI ở mức từ 0,7 đến dưới 0,8). Có 54/189 quốc gia trên thế giới được xếp hạng vào nhóm này. Chỉ số HDI trung bình của nhóm quốc gia có chỉ số HDI cao là 0,750.  
Nhóm 3: nhóm quốc gia có chỉ số HDI trung bình (với chỉ số HDI ở mức từ 0,55 đến dưới 0,7). Có 37/189 quốc trên thế giới có chỉ số HDI được xếp vào nhóm này (trong đó có Việt Nam). Chỉ số HDI trung bình của nhóm này là 0,634.
Nhóm 4: nhóm quốc gia có chỉ số HDI thấp (với chỉ số HDI ở mức dưới 0,55). Có 36/189 quốc gia trên thế giới nằm ở nhóm này. Chỉ số HDI trung bình của nhóm có chỉ số HDI thấp là 0,57.
Số liệu về chỉ số HDI trong Báo cáo phát triển con người 2019 của UNDP cũng công bố chỉ số HDI ở các khu vực trên thế giới. Theo đó, khu vực châu Âu và Trung Á có chỉ số HDI cao nhất (0,779); tiếp đến là các khu vực châu Mỹ La Tinh và vùng Ca-ri-bê (0,759) và khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (0,741). Khu vực có chỉ số HDI thấp nhất là khu vực Nam Á (0,642) và tiểu vùng Sa-ha-ra và châu Phi (0,541). Xét riêng ở khu vực Đông Nam Á, quốc gia có chỉ số HDI cao nhất ở khu vực là Singapore (0,935), Singgapore đã đạt được vị trí thứ 9 trên bảng xếp hạng HDI trên thế giới. Cùng với Singgapore, hai quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á là Brunei (0,845) và Malaixia (0,801) cũng được xếp vào nhóm có chỉ số HDI rất cao trên thế giới. Bên cạnh đó, khu vực Đông Nam Á có 3 quốc gia được xếp vào nhóm có chỉ số HDI cao, bao gồm Thái Lan (0,765), Philippine (0,712) và Indonesia (0,707). Các quốc gia còn lại trong khu vực Đông Nam Á được xếp hạng ở nhóm có chỉ số HDI trung bình, bao gồm Việt Nam (0,693), Đông ti mo (0,626), Lào (0,604) và Campuchia (0,581).
Chỉ số HDI của Việt Nam năm 2018 đạt 0,693 - gần tương đương với chỉ số năm 2017 (0,694). Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí thứ 118 trong bảng xếp hạng chỉ số HDI của các quốc gia trên thế giới. Về các chỉ số thành phần trong HDI, có thể thấy, chỉ số tuổi thọ của Việt Nam giảm từ 76,5 tuổi (năm 2017) xuống còn 75,3 tuổi (năm 2018). Tuy nhiên, chỉ số GNI (PPP $) tăng từ 5.859 USD (năm 2017) lên 6.222 USD (năm 2018). Do chưa có số liệu cập nhật mới nên chỉ số giáo dục trong HDI của Việt Nam năm 2018 vẫn sử dụng các chỉ số giáo dục của HDI năm 2017, trong đó, số năm đi học được kỳ vọng là 12,7 năm và số năm đi học trung bình là 8,2 năm.
Xét về sự gia tăng chỉ số HDI của Việt Nam trong những năm qua, Báo cáo phát triển con người 2019 của UNDP cho thấy mức tăng chỉ số HDI trung bình hàng năm của Việt Nam trong giai đoạn từ 1990-2018 là 1,36%. Trong đó, giai đoạn tăng trưởng nhiều nhất là 1990-2000 với mức tăng HDI trung bình hàng năm là 1,99%, tiếp đó là giai đoạn 2000-2010 với mức tăng trung bình hàng năm là 1,23%. Trong những năm gần đây (giai đoạn 2010-2018), chỉ số HDI của Việt Nam tăng chậm lại với mức tăng trung bình hàng năm của giai đoạn này là 1,36%.

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)