Chủ nhật, 05/01/2020 09:36

Giải pháp KH&CN phát triển sản xuất thanh long tại vùng lòng chảo Điện Biên

Sau 3 năm thực hiện đề tài “Nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ (KH&CN) phát triển sản xuất thanh long tại vùng lòng chảo Điện Biên”, nhóm các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Rau Hoa Quả Gia Lâm đã hoàn thành các mục tiêu và nội dung đề ra. Cụ thể là: điều tra đánh giá khả năng phát triển sản xuất thanh long ở vùng lòng chảo Điện Biên; xác định 1-2 giống thanh long đạt năng suất cao, chất lƣợng quả tốt, phù hợp điều kiện sinh thái vùng; xây dựng quy trình kỹ thuật nhân giống thanh long bằng giâm hom đạt hệ số nhân giống cao, giảm giá thành; xây dựng quy trình công nghệ thâm canh thanh long đạt năng suất cao, chất lượng quả tốt, mã quả đẹp; xây dựng mô hình sản xuất thanh long quy mô 1 ha ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề tài, sau trồng 12 tháng ra quả, 24 tháng đạt năng suất >15 tấn/ha.

Phát triển thanh long hàng hóa đạt hiệu quả cao, bền vững trên địa bàn tỉnh Điện Biên

Cây thanh long (Hylocereus spp) thuộc họ Xương rồng (Cactaceae), có nguồn gốc ở các vùng sa mạc Mehico và Colombia. Theo nhiều tài liệu, cây thanh long được người Pháp du nhập vào Việt Nam cách đây khoảng một trăm năm, ban đầu cây thanh long chỉ được trồng với số lượng ít để phục vụ cho vua chúa và sau đó là cho các gia đình quý tộc và để thờ cúng ở các đền, chùa. Thanh long thực sự được trồng rộng rãi và phát triển thành hàng hoá từ năm 1989-1990 trở lại đây, từ khi quả thanh long được xuất khẩu sang các nước và vùng lãnh thổ như: Thái Lan, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore và một số nước châu Âu.

Thanh long là một trong những cây ăn quả chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao ở những nơi không chủ động nước của các tỉnh phía Nam và vùng đất gò đồi của các tỉnh phía Bắc, phù hợp với phương thức canh tác kinh tế hộ gia đình như hiện nay. Cây thanh long sau trồng một năm đã bắt đầu cho quả, thời gian cho quả kéo dài 6-7 tháng trong năm và chia ra thành nhiều đợt quả, tránh được hiện tượng quả bị ế đọng trong mùa vụ. Quả thanh long có giá trị dinh dưỡng cao và khác hẳn với thành phần dinh dưỡng của các loại quả khác.

Giống thanh long ruột đỏ được Viện Cây ăn quả miền Nam tạo ra bằng phương pháp lai hữu tính, giữa giống thanh long ruột trắng Bình Thuận với giống thanh long Mêhicô. Khi giống này được giới thiệu cho sản xuất, diện tích trồng thanh long ruột đỏ đã được tăng nhanh trong những năm gần đây. Đặc điểm của giống này cho năng suất và chất lượng hơn hẳn giống thanh long ruột trắng. Quả khi thu hoạch có khối lượng 300-400 g, vỏ màu đỏ và thịt quả màu đỏ thẫm. Thịt quả ăn ngọt, trung bình đạt 18-20% tổng chất rắn hoà tan, không có vị ngái. Nhờ thịt quả có màu đỏ thẫm tự nhiên, những quả không có khả năng bán để ăn tươi có thể sử dụng làm nguyên liệu chế biến rượu vang để cho ra loại rượu có màu rất hấp dẫn. Hàm lượng dinh dưỡng có trong 100 gam thịt quả thanh long ruột đỏ hàm lượng nước: 82,5-83 g, chất béo: 0,21-0,61 g, Protein: 0,159-0,229 g, chất xơ: 0,7-0,9 g, Carotene: 0,005-0,012 mg, Ca: 6,3-8,8 mg, P205: 30,2-36,1 mg, Fe: 0,55- 0,65 mg, Vitamin C: 8-9 mg, Vitamin B1: 0,028-0,043 mg, Vitamin B2: 0,043-0,045 mg, Vitamin B3: 0,297- 0,43 mg; tro: 0,28 g và chất khác là 0,54-0,68 g.

Điện Biên là một tỉnh miền núi phía Bắc, khả năng canh tác nông nghiệp còn hạn chế, sản xuất thanh long trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói chung và huyện Điện Biên nói riêng vẫn còn mang tính tự phát, theo kinh nghiệm, chưa áp dụng tiến bộ KH&CN, thiếu nguồn cung cấp giống chất lượng tốt nên sản lượng thanh long còn thấp. Người dân vẫn còn quan niệm là giống thanh long dễ trồng, dễ nhân giống nên không để tâm đến nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật trồng trọt. Người dân chưa được phổ biến các kỹ thuật thâm canh tăng năng suất cây thanh long, các giống trồng tại địa phương đều là các giống cũ nên năng suất không cao. Chất lượng, mẫu mã quả chưa đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng nên khả năng cạnh tranh còn thấp, giá bán thanh long không cao. Xuất phát từ những vấn đề này, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Rau Hoa Quả Gia Lâm đã tiến hành thực hiện đề tài: “Nghiên cứu các giải pháp KH&CN phát triển sản xuất thanh long tại vùng lòng chảo Điện Biên” nhằm tuyển chọn các giống thanh long phù hợp với điều kiện địa phương và áp dụng các biện pháp kỹ thuật thúc đẩy việc phát triển sản xuất thanh long hàng hóa đạt hiệu quả cao, bền vững trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Kết quả thực hiện đề tài

Đề tài đã tuyển chọn được 2 giống thanh long ruột đỏ TL4 và TL5. Giống thanh long tuyển chọn có khả năng sinh trưởng khỏe, năng suất cao, chất lượng quả tốt và trồng thích hợp ở vùng lòng chảo Điện Biên. Sau trồng 2 năm, giống TL4 cho 24-26 cành/trụ, khối lượng trung bình quả 360-450 g/quả, năng suất đạt 15,8 kg quả/trụ, tương đương 17,4 tấn/ha, độ brix đạt 17,2-17,80 bx. Sau trồng 3 năm, giống TL5 đạt 23-25 cành/trụ ở năm thứ 2; có khả năng ra 11-12 đợt hoa/năm; năng suất ở vụ quả thứ 2 đạt 15,1 kg/trụ, khối lượng quả trung bình đạt 350-440 g/quả và độ Brix đạt khoảng 18%.

Thông qua nghiên cứu, đã hoàn thiện được quy trình kỹ thuật nhân giống thanh long ruột đỏ TL4 có tỷ lệ cây xuất vườn cao và chất lượng cây giống tốt. Sử dụng cành giâm 9 tháng tuổi, kích thước cành 20 cm kết hợp với sử dụng chất kích thích ra rễ IBA nồng độ 40 ppm và giâm cành thanh long trên nền cát sông + trấu hun rút ngắn thời gian ra rễ của cành giâm, có chất lượng rễ tốt và cho tỷ lệ xuất vườn đạt 100%. Nhóm nghiên cứu cũng đã hoàn thiện được quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc thanh long ruột đỏ ở vùng lòng chảo Điện Biên cho cây sinh trưởng tốt, có khả năng cho năng suất cao và chất lượng quả tốt. Một số khâu chính trong quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc bao gồm: mật độ trồng thích hợp là 1.100 trụ/ha; lượng phân bón thích hợp cho cây 5 năm tuổi trở lên với 500 g N, 500 g P2O5và 500 g K2O trụ/năm. Quy trình kỹ thuật trồng và thâm canh cây thanh long ruột đỏ ở tỉnh Điện Biên cho khả năng đạt năng suất trên 25,5 tấn/ha, chất lượng quả tốt.

Xây dựng 1 ha mô hình trồng và thâm canh giống thanh long ruột đỏ TL4 tại một số xã của huyện Điện Biên áp dụng quy trình kỹ thuật trồng và thâm canh cây thanh long ruột đỏ từ kết quả nghiên cứu thu được của đề tài. Tại các mô hình trồng và thâm canh các giống thanh long ruột đỏ từ sản phẩm của đề tài cho cây có khả năng sinh trưởng khỏe, thời gian từ trồng đến bắt đầu ra hoa ngắn và có tiềm năng cho năng suất đạt 20-25 tấn/ha.

Có thể khẳng định, kết quả thực hiện Đề tài đã góp phần thúc đẩy nghề sản xuất thanh long phát triển, tăng hiệu quả sử dụng đất đai và lao động, bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Nguyễn Văn An

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)