Thứ ba, 17/12/2019 13:50

Chương trình Tây Bắc góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ

Ngày 14/12/2019 tại tỉnh Thái Nguyên, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp với Tỉnh ủy Thái Nguyên tổ chức Hội thảo Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng chí: Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW đã dự và chủ trì Hội nghị.

Nghị quyết 37 đã đi vào cuộc sống
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị (Nghị quyết 37) về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 của Bộ Chính trị, kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể: Tốc độ tăng GDP toàn vùng giai đoạn 2004-2018 tăng bình quân 10%; GRDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 44,86 triệu đồng/người, gấp gần 12,9 lần so với 2004; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng hiện đại; đã phát huy được nội lực, thu hút mạnh các nguồn lực để tập trung đầu tư vào khu vực; an ninh - chính trị được ổn định, đời sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao… Có 9/12 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết 37- NQ/TW đề ra; có 1/12 chỉ tiêu khả năng đạt được vào 2020; có 2/12 chỉ tiêu chưa hoàn thành. Mặc dù vậy, đến nay, Trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất của cả nước. Quy mô kinh tế còn nhỏ so với các vùng khác; nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác hết hoặc được vận hành chưa phù hợp; tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế của phần lớn các địa phương chậm; cơ cấu kinh tế chưa mang dấu ấn vùng. Tỷ lệ đạt tiêu chí nông thôn mới vùng còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo còn cao...

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến nhằm phát triển bền vững vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với các nội dung chủ yếu như: thể chế liên kết, điều phối phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng; định hướng chính sách trong vấn đề giảm nghèo; những đột phá trong bối cảnh mới để phát triển du lịch vùng; phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cơ chế, chính sách huy động và phân bổ các nguồn lực; định hướng phát triển thương mại biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng...
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW đã đánh giá cao những ý kiến tham luận tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý. Đồng chí nhấn mạnh: Nghị quyết 37- NQ/TW đã đi vào cuộc sống; tác động lớn đến mọi mặt đời sống các địa phương trong vùng; là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh các địa phương trong vùng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Các tham luận, trao đổi đã làm sâu sắc hơn về những kết quả trong triển khai chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ thời gian qua. Thời gian tới, phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ phải phù hợp với các chủ trương của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đảm bảo phát triển bền vững; lấy kết cấu hạ tầng giao thông là đột phá; nông nghiệp, công nghiệp chế biến và du lịch là nền tảng; bảo vệ an ninh sinh thái và quốc phòng an ninh là then chốt; hướng tới hình thành không gian kinh tế vùng; dựa vào nội lực là chính nhưng nguồn đầu tư của Trung ương vẫn đóng vai trò quan trọng để dẫn dắt và khai thông các nguồn lực tại chỗ...
Một số khuyến nghị từ Chương trình Tây Bắc
Tại Hội thảo, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) Nguyễn Kim Sơn đã báo cáo một số kết quả đạt được của Chương trình KH&CN cấp Nhà nước phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc (Chương trình Tây Bắc) mà ĐHQGHN là đơn vị chủ trì. Sau 6 năm triển khai, Chương trình đã có 55 đề tài và 3 dự án đã được chọn lọc, trích xuất và tổng hợp để góp ý Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ 14 tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, chuẩn bị để tư vấn các địa phương cho nhiệm kỳ mới 2020-2025. 100% các nhiệm vụ đã và đang được chuyển giao/bàn giao cho các bộ, ban, ngành, địa phương…, góp phần xây dựng, phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; góp phần đổi mới, đa dạng hóa sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trong vùng và đảm bảo tốt hơn an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; đảm bảo sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế bền vững và công bằng xã hội, giữa phát triển nhanh với bảo tồn, bảo vệ di sản văn hóa truyền thống và cảnh quan, môi trường.
Sau khi phân tích các lợi thế, khó khăn của vùng, với tư cách là đơn vị chủ trì Chương trình, để thực hiện phát triển một cách bền vững và hiệu quả, Giám đốc Nguyễn Kim Sơn đã đưa ra những việc cần triển khai về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng như: cần lấy khối kinh tế tư nhân làm chủ lực phát triển kinh tế, phát huy nội lực, thúc đẩy tinh thần doanh nhân của người dân vùng Tây Bắc, xóa bỏ tâm lý ỷ lại, trông chờ vào hỗ trợ, ưu đãi của người dân. Chuyển từ trọng tâm hỗ trợ người dân sang hỗ trợ doanh nghiệp, tạo ra các doanh nghiệp nòng cốt, doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng ở cả vùng Tây Bắc. Nhà nước cần thúc đẩy để giữ ổn định chính sách thương mại biên giới. Giảm nghèo đa chiều gắn với phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới với bốn nhóm tiêu chí quan trọng là sinh kế cho người dân, sức khỏe và dinh dưỡng, giáo dục và điều kiện sống và gắn với phát triển nông nghiệp và nông thôn. Giảm nghèo đa chiều phải gắn các hoạt động xóa đói, giảm nghèo với nhiệm vụ phát triển nông thôn...

Để phát triển bền vững vùng Tây Bắc, đặc biệt để đạt được chỉ số phát triển bền vững tổng hợp đến 2030, tầm nhìn 2045 ở mức trung bình khá (0,6-0,7) cần phải thực hiện một số giải pháp chính:
Một là, tập trung nguồn lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông đồng bộ, hiện đại.
Hai là, xây dựng chính sách phát triển hàng hóa, lựa chọn danh mục các hàng hóa nông sản chủ lực, có thế mạnh đặc trưng của Tây Bắc để phát triển thành các chuỗi giá trị nông sản, hướng đến xuất khẩu và phát triển bền vững: i) xây dựng chính sách hỗ trợ về thông tin thị trường và xúc tiến thương mại, chỉ dẫn địa lý; nâng cao hiệu quả công tác dự báo cung cầu, giá cả hàng hóa và dịch vụ; ii) tăng cường ứng dụng KH&CN vào sản xuất, bảo quản và chế biến sản phẩm nông lâm nghiệp nhằm giảm thiểu chi phí và nâng cao chất lượng, tăng giá trị tăng thêm và sức cạnh tranh; iii) chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với phát huy lợi thế, thế mạnh của từng địa phương; iv) tạo lập các mối quan hệ, liên kết kinh tế - thương mại với các tỉnh trong cả nước nhằm tạo ra những vùng sản xuất lớn, tạo thế mạnh nhất định về sản xuất và xuất khẩu, cạnh tranh và thu hút đầu tư.
Ba là, xây dựng các mô hình chuỗi giá trị nông sản, dược liệu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững ở Tây Bắc, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm của chuỗi.
Bốn là, xây dựng các mô hình kinh tế sinh kế, du lịch sinh thái nhằm khai thác tối đa các nguồn lực sẵn có của Tây Bắc, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh, tiểu vùng.
Năm là, phát triển chính sách tài chính toàn diện nhằm tạo hạ tầng tài chính cho phát triển kinh tế tư nhân, thu hút đầu tư doanh nghiệp tại Tây Bắc tạo đà cho tăng trưởng kinh tế vùng đến năm 2045. Khuyến khích phát triển các sản phẩm có giá trị theo quy mô nhỏ và vừa, phù hợp với đặc điểm của kinh tế hộ, nhất là ở các huyện nghèo, xã nghèo và đồng bào các dân tộc thiểu số.
VNU


 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)