Tiềm năng phát triển đàn bò tại địa phương
Thịt, trứng, sữa là những thực phẩm không thể thiếu của con người. Nhu cầu sử dụng thịt động vật hiện nay tăng rất nhanh theo thời gian. Đặc biệt, đối với người Việt Nam, từ tập quán sử dụng thịt tươi sống đã đặt ra yêu cầu không nhỏ cho phát triển chăn nuôi tại chỗ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Chính vì vậy, bên cạnh các vật nuôi khác, phát triển chăn nuôi bò là mục tiêu quan trọng của tỉnh Thái Bình để tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới.
Lãnh đạo Sở KH&CN Thái Bình kiểm tra kết quả đề tài.
Thái Bình là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng với nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp, bao gồm cả trồng trọt và chăn nuôi. Những năm qua, sản xuất chăn nuôi của tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, tổng đàn lợn đạt trên 1 triệu con, đàn gia cầm trên 12 triệu con. Trên cơ sở điều kiện tự nhiên và nhu cầu về tiêu thụ thịt của xã hội, UBND tỉnh đã có định hướng cụ thể về phát triển ngành chăn nuôi (được thể hiện trong Quyết định số 3312/QĐ-UBND ngày 29/12/2015 về việc phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030). Trong đó xác định tốc độ tăng trưởng toàn ngành trung bình giai đoạn 2016-2020 đạt 2,5%/năm: trồng trọt 0,4%; chăn nuôi 3,5%; thủy sản 6%; tỷ trọng các ngành trong tổng cơ cấu nông, lâm, thủy sản: trồng trọt 32%; chăn nuôi 31%, dịch vụ 6,9%, lâm nghiệp 0,1% và thủy sản 30%; ổn định đàn lợn khoảng 1-1,1 triệu con, phát triển đàn bò lên 100 nghìn con, đàn gia cầm lên 13 triệu con; sản lượng thịt bò tăng 80-90% thông qua việc tăng cường phối giống bằng thụ tinh nhân tạo bò lai Sind với nhóm bò Zebu.
Theo số liệu thống kê của tỉnh Thái Bình, toàn tỉnh hiện có 3.455 ha đất màu bãi, đây là diện tích đất có thể trồng thức ăn thô xanh phục vụ phát triển chăn nuôi bò ở địa phương. Tuy nhiên, thực trạng phát triển đàn bò của tỉnh còn nhiều hạn chế so với tiềm năng vốn có. Giai đoạn 2013-2018, tốc độ tăng trưởng (về số lượng) đạt 2,03% (từ 44.100 con năm 2013 lên 48.600 con năm 2018). Tổng đàn trâu, bò mới chiếm tỷ lệ chưa tới 1% trong tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh. Phương thức chăn nuôi bò chủ yếu là phân tán, nhỏ lẻ, tận dụng thức ăn sẵn có trong các hộ nông dân. Mặc dù tỉnh đã có chương trình Sind hóa đàn bò, song tỷ lệ máu lai còn thấp, do đó thể vóc bò còn nhỏ, tốc độ sinh trưởng chậm, chất lượng thịt xẻ còn thấp. Để góp phần đạt được mục tiêu theo Quyết định số 3312/QĐ-UBND của UBND tỉnh cần có các giải pháp cụ thể, trong đó KH&CN được xác định là giải pháp mang tính đột phá.
Theo tinh thần đó, năm 2016, Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình phối hợp với Viện Công nghệ sinh học đã triển khai thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh sản để lai tạo bò lai F1 hướng thịt (Bò đực Blanc Blue Belge lai với bò cái lai Sind) nhằm tăng năng suất, chất lượng đàn bò tại Thái Bình”. Mục tiêu của đề tài là lai tạo đàn bò hướng thịt năng suất, chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm; từ đó, nâng cao nhận thức cũng như trang bị các kỹ thuật cho người dân trong chăn nuôi bò theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Sản phẩm bê lai F1 BBB.
Kết quả đạt được
Để hoàn thành tốt mục tiêu đề ra, đề tài đã đưa ra tiêu chuẩn chọn lựa bò cái lai Sind phù hợp để phối giống tinh bò BBB. Tinh bò BBB được nhập khẩu trực tiếp từ Bỉ, sau đó được đánh giá lại tiêu chuẩn chất lượng trước khi phối giống cho bò cái.
Đề tài đã tổ chức tuyển chọn được 250 bò cái nền lai Sind tại các huyện Hưng Hà và Vũ Thư. Trong đó, số bò đủ tiêu chuẩn phối giống là 170 con. Sau khi tổ chức khám sản khoa, nhóm nghiên cứu đã sử dụng hormone gây động dục cho bò cái lai Sind và tiến hành thụ tinh nhân tạo cho bò.
Từ 170 bò mẹ được tuyển chọn và gây động dục, sau khi được thụ tinh nhân tạo đã có 160 bò mẹ mang thai, đẻ được 161 bê con (có 01 trường hợp bò sinh 2); tỷ lệ bò mẹ mang thai đủ ngày và đẻ đạt 100%; tỷ lệ bê con sống đạt 99% (01 bê con bị chết); khối lượng bê F1 BBB sơ sinh dao động trong khoảng từ 28 đến 33 kg.
Đã xây dựng được 01 Quy trình tuyển chọn bò cái nền lai Sind; 01 Quy trình thụ tinh nhân tạo cho bò; 01 Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc bê lai.
Đã đào tạo được 10 cán bộ kỹ thuật của địa phương về thụ tinh nhân tạo, chăm sóc bò cái khi mang thai; kỹ thuật đỡ đẻ và chăm sóc bê lai; tổ chức được 03 lớp tập huấn cho 400 cán bộ thú y và hộ nông dân về các quy trình kỹ thuật trong tuyển chọn bò cái, chăm sóc bò cái khi mang thai; kỹ thuật đỡ đẻ và chăm sóc bê lai.
160 bê lai đều sinh trưởng phát triển tốt; giai đoạn 6 tháng tuổi, khối lượng bê đạt trung bình 210,86 kg; giai đoạn 9 tháng tuổi, khối lượng bê đạt trung bình 315,93 kg.
Xét về hiệu quả kinh tế, mỗi bê lai F1 BBB 4-6 tháng tuổi có giá bán trung bình 18 triệu đồng/bê. Như vậy, với 160 bê lai tạo ra, số kinh phí thu được sau khi bán ước đạt 2 tỷ 880 triệu đồng, giúp tăng thu nhập cho các hộ và trang trại chăn nuôi bò hướng thịt. So với bê lai Sind, mỗi bê lai F1 BBB có giá cao hơn 8-10 triệu đồng.
Tóm lại, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, kết quả của đề tài Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh sản để lai tạo bò lai F1 hướng thịt (bò đực Blanc Blue Belge lai với bò cái lai Sind) được triển khai thực hiện ở Thái Bình cho thấy, giống bò Blanc Blue Belge BBB là giống hướng thịt, giúp nâng cao năng suất, hiệu quả trong chăn nuôi bò ở Thái Bình. Dùng tinh bò BBB để cải tạo đàn bò đã đem lại hiệu quả rõ rệt, giúp phát huy được thế mạnh hiện nay của tỉnh là có số lượng bò cái lai Sind khá nhiều; bò lai F1 BBB có khối lượng cơ thể lớn, cho năng suất cao, thịt thơm ngon và thích nghi với điều kiện chăn nuôi của địa phương. Thành công của đề tài đã góp phần tích cực trong tái cơ cấu ngành chăn nuôi của tỉnh, tạo ra đàn bò hướng thịt có tốc độ tăng trọng nhanh, chất lượng thịt tốt và định hướng cho sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho người chăn nuôi ở Thái Bình./.