Chủ nhật, 01/12/2019 09:30

Phát triển một số loài cây thuốc có giá trị trên hệ sinh thái núi đá vôi của tỉnh Điện Biên

Xác định Đảng sâm, Ý dĩ và Giảo cổ lam là những loài dược liệu quý, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Chuyển giao công nghệ (Trường Đại học Tây Bắc) đã tiến hành thực hiện đề tài “Nghiên cứu gây trồng một số cây thuốc, dược liệu quý trên núi đá vôi tại tỉnh Điện Biên”. Kết quả nghiên cứu đã xác định danh mục và vùng phân bố của các loài cây thuốc trên hệ sinh thái núi đá vôi tại tỉnh Điện Biên; xây dựng 3 mô hình trồng 3 loài cây thuốc có giá trị trên hệ sinh thái núi đá vôi; hoàn thiện 3 quy trình gây trồng của 3 loài cây thuốc có giá trị trên hệ sinh thái núi đá vôi phù hợp với điều kiện tỉnh Điện Biên.

Đảng sâm - một trong những loài dược liệu quý

Đề tài đã tiến hành điều tra, phỏng vấn kinh nghiệm của 270 người dân (trong đó có 64 thầy lang và 206 người dân tại các nông hộ) để thu thập kinh nghiệm trong gây trồng, sử dụng các cây thảo dược làm thuốc. Điều tra thực địa trên núi đá vôi tại 7 huyện và xác định được danh mục 413 loài thực vật được sử dụng làm thuốc tại Điện Biên. 413 loài cây thuốc thuộc 313 chi, 115 họ, trong đó có 10 họ có nhiều loài nhất. Có 24/413 loài cây thuốc người dân thường xuyên thu hái để chữa bệnh và bán cho thương lái, 32 loài cây thuốc trên núi đá vôi ở tỉnh Điện Biên có nguy cơ bị tuyệt chủng được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) và Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam (2006).

Tiến hành nghiên cứu trồng thử nghiệm 3 loài dược liệu là Đảng sâm, Giảo cổ lam, Ý dĩ trên hệ sinh thái núi đá vôi với diện tích 1 ha/mô hình. Kết quả đánh giá sinh trưởng và khảo sát năng suất, khái toán hiệu quả kinh tế cho thấy các loài dược liệu được gây trồng có khả năng sinh trưởng khá tốt và tốt, thích nghi với khí hậu và điều kiện gây trồng tại địa phương. Có khả năng phát triển để nâng cao thu nhập cho ngƣời dân. Kết quả phân tích thành phần một số chất hóa học trong dược liệu Đảng sâm, Ý dĩ, Giảo cổ lam cho thấy, chất lượng dược liệu đạt được là tương đương với Dược điển Việt Nam. Đặc biệt là có một số hoạt chất như Saponin trong Đảng sâm chiếm tỷ lệ khá cao. Đây là cơ sở khoa học để tiếp tục nghiên cứu, phát triển các sản phẩm dược liệu tại địa phương thành hàng hóa.

Dựa trên các kết quả nghiên cứu trồng thử nghiệm, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Tây Bắc đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật gây trồng cây Đảng sâm, Giảo cổ lam, Ý dĩ trên hệ sinh thái núi đá vôi. Các quy trình kỹ thuật đã nêu được những bước cơ bản trong các khâu từ làm đất, xử lý đất đến việc nhân giống, chọn giống, gây trồng, chăm sóc, sơ chế và bảo quản dược liệu. Có thể áp dụng để làm tài liệu hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân trong trồng và chăm sóc cây dược liệu tại địa phương. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu của đề tài thể hiện ở việc tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho người dân.

Có thể nói, hệ sinh thái núi đá vôi tại Điện Biên có sự phân bố đa dạng các loài thực vật dược, có tiềm năng gây trồng và phát triển các loài cây dược liệu nhằm tăng thu nhập cho người dân tại địa phương. Điều kiện tự nhiên tại Điện Biên thuận lợi cho việc phát triển cây dược liệu. Tuy nhiên, khi nhân rộng sản xuất cần tính đến các khó khăn như trình độ khoa học, kỹ thuật của người dân còn hạn chế; giao thông chưa phát triển nên việc vận chuyển cây giống, phân bón, sản phẩm gặp khó khăn do các vùng trồng dược liệu thường ở trên núi cao; thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định… Đây là những khó khăn cần được quan tâm nghiên cứu để bà con vùng núi đá vôi tại Điện Biên có thể mở rộng việc gây trồng các cây dược liệu quý, góp phần nâng cao đời sống, bảo vệ môi trường, giữ rừng…

Nguyễn Văn An

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)