Chủ nhật, 10/11/2019 15:17

KH&CN Đồng Nai: Đổi mới và hiệu quả

TS Nguyễn Thị Hoàng

 

Giám đốc Sở KH&CN Đồng Nai

 

 

Trong những năm gần đây, ngành KH&CN Đồng Nai đã có nhiều đổi mới nhằm khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, triển khai ứng dụng KH&CN trên các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thực hiện Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, về kiện toàn, tinh gọn bộ máy tổ chức[1], Sở KH&CN Đồng Nai đã thực hiện sáp nhập từ 8 thành 4 phòng chuyên môn; sáp nhập 3 đơn vị sự nghiệp thành Trung tâm KH&CN; sáp nhập Trung tâm Phát triển phần mềm về Trung tâm công nghệ thông tin của tỉnh; đồng thời điều động, sắp xếp nhân sự phù hợp, đảm bảo thực hiện đầy đủ, hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn. Song song với việc đổi mới công tác tổ chức, các hoạt động quản lý, triển khai ứng dụng KH&CN cũng được đẩy mạnh theo hướng hiệu quả, thiết thực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Sở đã liên tục nâng cấp hệ thống văn phòng điện tử thông minh (I-Office) nhằm phục vụ cải cách hành chính của tỉnh. Đến nay hệ thống này đã được chuyển giao và đưa vào ứng dụng tại hơn 100 đơn vị trong và ngoài tỉnh. Để góp phần nâng cao chất lượng phục vụ hành chính cho người dân và doanh nghiệp, Sở đã tiến hành xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống ISO điện tử theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 nhằm tạo ra phương pháp làm việc khoa học, mang tính hệ thống, tăng cường tính giám sát, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công. Hiện tỉnh Đồng Nai đang triển khai thí điểm hàng loạt chương trình truy xuất nguồn gốc cho nông sản, thực phẩm. Trong đó, Sở KH&CN phụ trách việc xây dựng phần mềm nhập liệu sản phẩm/hàng hóa cho hệ thống


[1]Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của  Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng KH&CN, Sở chủ trương đẩy mạnh thực hiện cơ chế đặt hàng. Cụ thể, căn cứ vào phiếu đề xuất đặt hàng nghiên cứu KH&CN của các đơn vị trong tỉnh, Sở tổng hợp, trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục các đề tài nghiên cứu. Căn cứ vào từng đề tài cụ thể, Sở sẽ xem xét giao trực tiếp hoặc tuyển chọn cá nhân, tổ chức thực hiện đề tài. Nhờ quy trình này, hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của Đồng Nai luôn bám sát nhu cầu của cơ sở, phục vụ thiết thực các vấn đề đặt ra từ cuộc sống. Nhiều đề tài/dự án đã thể hiện hiệu quả cao trong thực tế như nghiên cứu chuyển đổi diện tích nuôi trồng thủy sản không hiệu quả sang nuôi cá chẽm tại khu vực nước lợ ở Long Thành, Nhơn Trạch mang lại thu nhập cao cho người dân; xây dựng mô hình sản xuất tiên tiến theo hướng hữu cơ cho quýt Thanh Sơn tại huyện Định Quán (đã đạt chuẩn VietGAP, năng suất tăng từ 10-15%, hiệu quả kinh tế cao hơn từ 20-30% so với trước); xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Cẩm Mỹ; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất măng cụt tăng năng suất, chất lượng và đạt chứng nhận VietGAP tại 2 xã Bình Sơn và Bình An (huyện Long Thành)... Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, đã xây dựng được hệ thống giải pháp phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật và áp dụng hiệu quả trong thực tế. Kết quả công trình nghiên cứu này đã được in thành sách “Phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật - thực trạng và giải pháp” do NXB Đại học Quốc gia phát hành. Trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ bức xạ đã được ứng dụng thành công và mang lại hiệu quả kinh tế cao, như ứng dụng để đo độ dày màng phim, tìm khuyết tật trên bo mạch điện tử...; sản xuất chế phẩm polymer tan trong nước, chịu mặn và chịu nhiệt độ cao phục vụ ngành dầu khí...

Mô hình trồng quýt thuộc đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất tiên tiến theo hướng hữu cơ cho quýt Thanh Sơn tại huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai”.

Về đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2016-2020[1], Sở KH&CN đã xây dựng Kế hoạch và Quy chế triển khai thực hiện Mục tiêu 2 - Đào tạo nhân lực KH&CN trình độ cao ở các ngành mũi nhọn, then chốt mà tỉnh còn thiếu như kỹ thuật điện, điện tử, truyền thông, xây dựng, tự động hóa, công nghệ vật liệu, khoa học nông nghiệp, khoa học pháp lý... Đối tượng tham gia là các cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thông chính trị, các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh. Trong năm 2019, Sở đã tuyển chọn được 51 ứng viên trong tổng 123 hồ sơ tham gia chương trình đào tạo sau đại học. Tính đến nay, Sở đã tổ chức đào tạo cho 2.046 lượt cán bộ học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ nhằm phục vụ tốt công tác chuyên môn. Để đáp ứng nhu cầu của một tỉnh có nền công nghiệp phát triển, Sở KH&CN Đồng Nai luôn xác định, đảm bảo thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước về công nghệ, kỹ thuật, sở hữu trí tuệ… là nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, Sở đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo cập nhật kiến thức và những quy định pháp luật trong các lĩnh vực này.

Công tác quản lý công nghệ, thực hiện theo Thông tư 03 của Bộ KH&CN[2], Sở đã tiến hành thẩm định công nghệ 18 dự án thuộc các lĩnh vực bảo vệ môi trường, đảm bảo các công nghệ đã thẩm định được ứng dụng có hiệu quả tại nhiều nơi với 100% thiết bị mới, tiên tiến, có nguồn gốc xuất xứ từ các nước châu Âu, G7 và các thiết bị có khả năng chế tạo, thay thế bằng thiết bị trong nước. Thẩm định và cấp Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ cho 22 hợp đồng. Hoàn tất công tác điều tra và đánh giá trình độ công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2017, 2018. Đặc biệt, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ.

Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, Sở đã xây dựng và tuyên truyền rộng rãi về Chương trình “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2018-2023”. Năm 2019, Sở đã thành lập Hội đồng tư vấn, điều phối mạng lưới khởi nghiệp ĐMST tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2018-2023; tổ chức phát động cuộc thi Khởi nghiệp ĐMST tỉnh Đồng Nai năm 2019; xây dựng cổng thông tin khởi nghiệp ĐMST của tỉnh. Hiện tại, Sở đang trình UBND tỉnh chủ trương xã hội hóa các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST.

Các hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, thanh tra tiếp tục được duy trì, đảm bảo hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước về KH&CN trên địa bàn tỉnh. Năm 2019, Sở tổ chức đào tạo tại chỗ cho các doanh nghiệp sản xuất có quy mô lớn về phương thức đánh giá toàn diện hoạt động doanh nghiệp theo các tiêu chí của mô hình giải thưởng chất lượng cấp quốc gia; mở 3 khóa đào tạo về năng suất chất lượng liên quan đến xây dựng và áp dụng công cụ MFCA - quản lý chi phí dòng nguyên liệu, kỹ năng quản lý mâu thuẫn xung đột tại nơi làm việc cho hơn 170 học viên. Bên cạnh đó, các quy trình quản lý trong việc áp dụng hệ thống TCVN, QCVN thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn và hội nhập. Hoạt động thanh tra tập trung vào các cuộc thanh tra chuyên đề lĩnh vực an toàn bức xạ và hạt nhân, tiêu chuẩn đo lường chất lượng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ; thanh tra các dự án nông thôn miền núi, đề tài nghiên cứu khoa học, mã số mã vạch về sản phẩm điện, điện tử…

Về công tác thông tin và thống kê KH&CN, Sở đã chuyển đổi mô hình điểm cung cấp thông tin KH&CN thành hệ thống mạng thông tin KH&CN, kết nối 148 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, gắn liền với tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Nhìn chung, trong những năm gần đây, hoạt động KH&CN của Đồng Nai tiếp tục phát triển. Công tác nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KH&CN ngày càng bám sát yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đem lại hiệu quả thiết thực và ngày càng rõ rệt về nhiều mặt trong đời sống ở địa phương. Trong thời gian tới, ngành KH&CN Đồng Nai sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ KH&CN phục vụ phát triển sản xuất (nhất là với một số sản phẩm chủ lực của tỉnh, của vùng); tập trung đẩy mạnh hoạt động ĐMST, tạo dựng thị trường KH&CN; đầu tư trọng điểm cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ, ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN vào sản xuất và đời sống.


[1]Quyết định số 4698/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc ban hành Chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016-2020.

[2]Thông tư số 03/2016/TT-BKHCN ngày 30/3/2016 của Bộ KH&CN quy định về hồ sơ, nội dung và quy trình, thủ tục thẩm định cơ sở khoa học của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, thẩm định công nghệ của dự án đầu tư.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)