Từ nguồn tài nguyên bản địa
Việt Nam là 1 trong 15 nước có trong bản đồ dược liệu thế giới. Không chỉ thu hái cây dược liệu trong tự nhiên, thời gian qua bà con nhiều nơi, đặc biệt là bà con vùng núi cao, đã tổ chức trồng cây dược liệu như một nguồn thu nhập quan trọng. Thống kê cho thấy, việc trồng dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa. Tới nay, có thể nói, phong trào trồng cây dược liệu đã được nhiều địa phương hưởng ứng, thu được nhiều kết quả.
Ðiện Biên được đánh giá là một trong những tỉnh có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú, đa dạng so với các tỉnh khu vực Tây Bắc với hàng trăm loại thảo dược quý hiếm kết hợp với tri thức y học cổ truyền để lại nhiều bài thuốc hay có giá trị. Ðây là nguồn tri thức bản địa quý giá cần được phát huy. Mặc dù đã đạt được một số thành tích, song việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: cây dược liệu có khả năng khai thác tự nhiên còn rất ít, nhiều loài quý hiếm đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Cụ thể, trên địa bàn huyện Tuần Giáo, Mường Ảng có hàng chục điểm thu mua rễ cây hoa mua; huyện Tủa Chùa, Mường Chà… những cây lông cu li, cây máu chó, củ khúc khắc... bị khai thác kiệt. Một số cây dược liệu như: sa nhân, sơn tra, không được trồng theo quy trình, thiếu quy hoạch. Kỹ thuật trồng, chăm sóc chủ yếu theo kinh nghiệm, việc thu hái không tuân thủ theo mùa, vụ và tuổi của cây, làm ảnh hưởng đến chất lượng dược liệu đồng nghĩa với việc ảnh hưởng đến chất lượng thuốc nam... Do đó, việc triển khai các dự án bảo tồn và phát triển cây dược liệu không chỉ góp phần phục hồi một số nguồn gen cây cây dược liệu bản địa mà còn thúc đẩy tạo ra sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng; đồng thời mang lại giá trị kinh tế cho người dân.
Đến nâng cao giá trị nguồn dược liệu
Là tỉnh có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển nhiều loại cây dược liệu giá trị cao như: Đương quy, Tam thất, Bạch chỉ, Đẳng sâm, Ba kích, Hoàng kỳ, Sâm vũ diệp… Tuy nhiên thời gian qua, việc khai thác, phát triển chưa tương xứng tiềm năng và thế mạnh hiện có. Do vậy, để phát triển và sản xuất nguồn dược liệu phong phú trên địa bàn, Điện Biên đã có nhiều cơ chế, chính sách khai thác, phát triển phù hợp, nhất là việc thu hút sự tham gia của doanh nghiệp vào chế biến sâu dược liệu.
Dựa trên kết quả của các nghiên cứu: “Xây dựng một số quy trình sản xuất dược liệu sạch và chế biến sạch để bào chế một số chế phẩm chất lượng cao”, “Ứng dụng tiến bộ KH&CN phát triển sản xuất, chế biến cây thuốc Đương quy, Ngưu tất tại tỉnh Thái Bình”; “Nghiên cứu ảnh hưởng một số biện pháp kỹ thuật trồng trọt đến năng suất, chất lượng dược liệu Bạch chỉ tại khu vực Tây Bắc”…, Công ty Cổ phần thương mại dược và vật tư y tế Khải Hà (Thái Bình) đã xây dựng và được Sở KH&CN Điện Biên phê duyệt thực hiện dự án: “Ứng dụng tiến bộ KH&CN phát triển sản xuất, chế biến cây thuốc Đương quy và Bạch chỉ tại tỉnh Điện Biên” nhằm giúp người dan thay đổi tập quán canh tác thuần nông thành nền sản xuất hàng hoá có định hướng, hiệu quả kinh tế cao hơn; đồng thời tạo ra một điểm sáng để nhân rộng mô hình trồng cây dược liệu ra các địa phương khác trong vùng Tây Bắc, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Dự án đã tiến hành triển khai đồng loạt các giải pháp nhằm đẩy mạnh việc áp dụng KH&CN để làm chủ quy trình công nghệ kỹ thuật nhân giống cây Đương quy và sản xuất hạt Bạch chỉ; quy trình sản xuất cây Đương quy, Bạch chỉ (quy mô 2 ha tập trung); quy trình sản xuất cây Đương quy, Bạch chỉ ở quy mô phân tán trong các hộ dân 5 ha; quy trình thu hoạch củ Đương quy, Bạch chỉ; quy trình sơ chế, bảo quản củ Đương quy, Bạch chỉ; quy trình nấu cao dược liệu Đương quy, Bạch chỉ. Đồng thời tiến hành tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho hơn 50 lượt người tham gia dự án về quy trình, kỹ thuật trồng trọt cây dược liệu Đương quy, Bạch chỉ.
Sinh kế mới giúp người dân thoát nghèo
Ông Nguyễn Văn Khải - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại dược và vật tư y tế Khải Hà cho biết, tỉnh Điện Biên rất có tiềm năng trồng và phát triển cây dược liệu, trong khi đó trồng cây dược liệu quý cho thu nhập cao gấp nhiều lần trồng lúa. Bình quân, 1 ha với thời gian chăm sóc từ 9-10 tháng, trừ chi phí, cây Đương quy có thể cho thu nhập từ 100-220 triệu đồng; Bạch chỉ từ 90-200 triệu đồng (trong khi đó nếu trồng 2 vụ lúa, trừ chi phí thu lãi chỉ khoảng 40-50 triệu đồng. Để nhân rộng các kết quả của dự án, Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Khải khẳng định, Công ty sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ người dân mở rộng diện tích và ký cam kết sẽ bao tiêu sản phẩm cho bà con. Cụ thể, Công ty sẽ ký hợp đồng, cam kết mua đúng giá và hỗ trợ về kỹ thuật để người dân có thể làm giàu trên diện tích đất hiện có.
Có thể khẳng định rằng, với việc Công ty Cổ phần thương mại dược và vật tư y tế Khải Hà thực hiện thành công dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN phát triển sản xuất, chế biến cây thuốc Đương quy và Bạch chỉ tại tỉnh Điện Biên” đã góp phần quan trọng tạo thêm được công ăn việc làm ổn định cho các hộ tham gia dự án, tăng thu nhập cho người lao động, hỗ trợ thiết thực cho chương trình xoá đói giảm nghèo của tỉnh.
Nguyễn Văn An