Nhãn là cây ăn quả rất phổ biến và có diện tích khá lớn trên địa bàn tỉnh Điện Biên, hiện nay nhiều diện tích cho năng suất, chất lượng quả không những thấp mà bán không được giá do thoái hóa và do chín tập trung. Ghép cải tạo vườn nhãn tạo ra cây nhãn chín muộn từ một cây mẹ giống tốt với những ưu điểm của gốc ghép có bộ rễ khỏe, chịu được hạn, úng, lạnh, hạn chế sâu bệnh, đặc biệt là bọ xít và do thời điểm ra hoa, đậu quả của cây nhãn ghép lệch so với chính vụ sẽ là một lợi thế để người trồng nhãn và bà con nông dân lựa chọn.
Xuất phát nhu cầu của các hộ gia đình trong địa bàn tỉnh Điện Biên có nhiều diện tích trồng cây nhãn (số lượng cây nhãn còn rất nhiều, trung bình các tuổi cây nhãn từ 10-20 năm). Nhưng do thiếu quy hoạch, không xác định rõ nguồn gốc giống dẫn đến giống chất lượng kém, chủ yếu nhãn nước, nhãn thóc… ăn không ngon, cùi mỏng hạt to, giá trị kinh tế thấp. Từ những thực trạng trên, để nâng cao chất lượng vườn nhãn cho quả ngon, chất lượng tốt, tận dụng số lượng cây nhãn làm gốc ghép, thời gian nhanh cho thu hoạch. Vì vậy, việc cải tạo vườn nhãn lựa chọn các giống có năng suất chất lượng tốt; cùi to dầy, hạt nhỏ, vỏ mỏng, chất lượng tốt, giá bán cao là việc làm cần thiết.
Trước yêu cầu đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Điện Biên đã triển khai dự án “Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật ghép cải tạo nhãn Điện Biên” nhằm đưa giống nhãn được cải tạo thay thế các giống nhãn cũ của bà con nông dân. Đây là giống nhãn đã được tuyển chọn qua các năm, có nguồn gốc tại Hưng Yên, thời gian chín muộn hơn so với nhãn đại trà khoảng 20 ngày. Với chức năng, nhiệm vụ là chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật tới bà con nông dân để áp dụng vào sản xuất đạt hiệu quả cao hơn, trong quá trình triển khai mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tìm kiếm, lựa chọn các cây ghép giống tốt và các mắt ghép từ các cây nhãn gốc có các đặc điểm di truyền tốt, có năng suất cao, chất lượng quả thơm ngon để ghép vào các cây nhãn sẵn có của các hộ tham gia mô hình nhằm cải thiện chất lượng giống, nâng cao tính thích ứng của các giống tốt tạo ra các cây ghép mau ra quả với năng suất, sản lượng, chất lượng cao hơn. Trong quá trình thực hiện, cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám cơ sở, hướng dẫn người dân thực hiện việc trồng, ghép và chăm sóc cây theo đúng quy trình kỹ thuật.
Sau gần 3 năm triển khai, dự án đã thay thế hàng loạt cây nhãn được trồng cách đây từ 10-20 năm, nguồn gốc giống không rõ ràng, chất lượng kém, giá trị kinh tế thấp bằng giống nhãn được cải tạo (PH-M99-1.1) có chất lượng tốt. Hiện nay, 600 cây nhãn ghép trong dự án đều phát triển, sinh trưởng tốt và cho thu hoạch với chất lượng quả to, đều, đẹp, hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần giống nhãn cũ.
Dự án được triển khai công khai tới bà con sau các buổi họp dân và triển khai thực tế tại các gia đình có nhu cầu muốn ghép cải tạo. Trung tâm Khuyến nông tỉnh Điện Biên tổ chức tập huấn theo giai đoạn cho các hộ tham gia mô hình về kỹ thuật ghép cải tạo nhãn: giới thiệu giống và nguồn gốc giống nhãn để ghép; kỹ thuật cưa đốn cành, kỹ thuật chăm sóc mầm ghép; kỹ thuật ghép, cuốn băng ghép, bón phân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; kỹ thuật tháo dỡ dây ghép, chăm sóc sau ghép, phun phòng sâu bệnh, thu hoạch quả. Bên cạnh đó, dự án đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho các hộ tham gia mô hình và tổ chức tập huấn mở rộng nâng cao 2 lớp cho đội ngũ khuyến nông của các xã, phường nằm trong vùng dự án.
Ông Trần Văn Ngọc - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Điện Biên cho biết, mô hình ghép cải tạo nhãn đã giúp các hộ dân nhận thức việc thay thế giống nhãn kém hiệu quả sang giống nhãn có giá trị kinh tế là rất cần thiết. Hiện nay, với giá bán ra thị trường 30.000-35.000 đồng/kg, trừ chi phí (giống mắt ghép và vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) sau 1 năm thu lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/ha. Đây là mô hình rất hiệu quả cho thu nhập kinh tế cao phù hợp với các gia đình có diện tích đất trồng nhãn rộng, ít công chăm sóc so với sản xuất lúa, ngô, đậu tương.
Về việc mở rộng dự án, ông Lê Ngọc Minh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Điện Biên cho biết: trên địa bàn tỉnh còn nhiều diện tích nhãn thóc, nhãn nước, chất lượng quả thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Vì vậy, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ tiếp tục chuyển giao quy trình kỹ thuật ghép cải tạo nhãn cho người dân nhằm đem lại giống nhãn ngon, hiệu quả, giúp nâng cao thu nhập cho bà con. Ðồng thời, có thể chuyển giao kỹ thuật ghép nhãn để người dân tự cải tạo vườn nhãn của gia đình.
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Điện Biên, mô hình ghép cải tạo vườn nhãn đạt kết quả rất khả quan, đa số các mô hình đều thành công và đạt hiệu quả cao, cây ghép chỉ sau 1 đến 2 năm đã được thu hoạch cho ra thị trường sản phẩm quả nhãn chín muộn hơn nhãn chính vụ; năng suất, chất lượng, hiệu quả tăng từ 3 đến 4 lần; quả to, thơm ngon, cùi dày hơn nhãn thường, đem lại thu nhập cao và ổn định cho các hộ sản xuất.
Nguyễn Văn An