Thứ năm, 10/10/2019 13:53

Việt Nam có 3 cơ sở giáo dục đại học lọt vào bảng xếp hạng của Times Higher Education 2020

Tuyết Nga

 

Ngày 11/9/2019, Thời báo Giáo dục đại học (Times Higher Education - THE, một trong những tổ chức uy tín nhất về xếp hạng đại học trên thế giới) đã công bố kết quả xếp hạng đại học thế giới năm 2020 (World University Rankings 2020). Theo đó, Việt Nam có 3 cơ sở giáo dục đại học được THE xếp hạng là Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (đạt mức điểm 22,2-28,2) đều thuộc nhóm 801-1.000; Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (đạt mức điểm 10,7-22,1) trong nhóm 1.000+. Xếp hạng đại học là công cụ để đối sánh, đánh giá chất lượng, từ đó phát huy điểm mạnh, hạn chế điểm yếu, phấn đấu trở thành những trường đại học có thứ hạng cao trên thế giới. Đó là vấn đề mà các cơ sở giáo dục đại học nước ta cần lưu tâm.

Phương pháp xếp hạng của THE

Hiện nay, trên thế giới có nhiều bảng xếp hạng đại học, mỗi bảng có các tiêu chí xếp hạng khác nhau, trong đó có các bảng xếp hạng được đánh giá cao là: THE University Rankings (thuộc Times Higher Education, Vương quốc Anh), QS University Rankings (thuộc Quacquarelli Symonds, Vương quốc Anh), Academic Ranking of World Universities (ARWU, ShanghaiRanking Consultancy, Trung Quốc), Webometrics (Cybermetrics Lab, Tây Ban Nha), US News (Mỹ), University Ranking by Academic Performance (URAP, Thổ Nhĩ Kỳ)… Các bảng xếp hạng này có thể được chia làm 2 nhóm theo cách lấy dữ liệu để xếp hạng: nhóm thứ nhất,  xếp hạng tự động thông qua việc thu thập các dữ liệu có sẵn trên Internet và các cơ sở dữ liệu học thuật như Nature & Science, Web of Science, Scopus...; nhóm thứ hai, sử dụng nhiều nguồn dữ liệu khác nhau, không chỉ bao gồm các loại dữ liệu trên mạng mà còn dựa vào các dữ liệu do các trường đại học cung cấp và các nguồn dữ liệu do các tổ chức xếp hạng trực tiếp khảo sát, thu thập.

THE University Rankings đánh giá các đại học theo cách thứ hai. Các bảng xếp hạng thuộc nhóm này chỉ xếp hạng khi trường đại học đăng ký xếp hạng và gửi dữ liệu. Tuy nhiên, không phải trường đại học nào đăng ký cũng được xếp hạng mà chỉ các trường đại học có các tiêu chí xếp hạng đạt tiêu chuẩn mới được xếp hạng. Với các trường đại học ở Việt Nam, trong bối cảnh tính quốc tế hoá chưa cao thì việc tham gia các bảng xếp hạng không chỉ sử dụng các dữ liệu trên mạng mà sử dụng nhiều nguồn dữ liệu như THE sẽ phù hợp hơn, phản ánh đúng hơn trình độ và chất lượng của một trường đại học.

THE xếp hạng theo 5 tiêu chí: giảng dạy, nghiên cứu, trích dẫn, quốc tế hóa và thu nhập từ doanh nghiệp.

Xếp hạng thế giới của THE dựa trên 5 nhóm tiêu chí:

- Giảng dạy (môi trường học tập) với trọng số điểm xếp hạng là 30% với 5 tiểu tiêu chí xếp hạng (kết quả khảo sát về uy tín giảng dạy: 15%, tỷ lệ giảng viên/sinh viên: 4,5%, tỷ lệ học viên nghiên cứu sinh/sinh viên đại học: 2,25%, tỷ lệ giảng viên là tiến sỹ: 6% và thu nhập của đơn vị: 2,25%). Thu nhập của trường đại học được THE tính thông qua chỉ số sức mua tương đương, phản ánh mức độ đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho hoạt động dạy và học ở trường đại học.

- Nghiên cứu (số lượng, thu nhập, uy tín) với trọng số 30%, bao gồm: kết quả khảo sát về uy tín nghiên cứu khoa học (18%), thu nhập từ nghiên cứu (6%) và năng suất nghiên cứu (6%).

- Trích dẫn (số trích dẫn quốc tế trung bình của một công trình của trường đại học) với trọng số 30%. Dữ liệu được tính thông qua 23.400 tạp chí khoa học thuộc cơ sở dữ liệu Scopus trong giai đoạn 2014-2018. Lượng trích dẫn được tính cho các ấn phẩm này trong giai đoạn từ 2014-2019. Đã có 12,8 triệu công bố và 77,4 triệu trích dẫn được tính toán.

- Quốc tế hóa (về cán bộ, sinh viên, nghiên cứu) với trọng số 7,5%, bao gồm: tỷ lệ giảng viên quốc tế (2,5%), tỷ lệ sinh viên quốc tế (2,5%) và chỉ số hợp tác quốc tế (2,5%), thông qua số công bố khoa học có ít nhất 1 đồng tác giả là học giả quốc tế.

- Thu nhập từ doanh nghiệp (chuyển giao tri thức) với trọng số 2,5% tính thông qua tổng thu nhập từ chuyển giao công nghệ và tri thức cho doanh nghiệp.

Để có dữ liệu xếp hạng, THE căn cứ vào cơ sở dữ liệu khoa học SCOPUS (của Nhà xuất bản Elsevier) cho các tiêu chí về năng suất nghiên cứu, trích dẫn khoa học và hợp tác quốc tế. Các khảo sát về uy tín giảng dạy và nghiên cứu khoa học được THE chủ động gửi cho các tác giả có công bố trong cơ sở dữ liệu SCOPUS. Các tiêu chí về thu nhập được chuẩn hóa dựa trên chỉ số sức mua tương đương (PPP). Các tiêu chí còn lại được THE đánh giá dựa trên dữ liệu do trường đại học cung cấp. Việc tính điểm và xử lý dữ liệu của THE được tổ chức kiểm toán độc lập, chuyên nghiệp là PricewaterhouseCoopers (PwC) giám sát đầy đủ và độc lập.

Các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu trên thế giới và trong khu vực

Năm nay, THE xếp hạng cho 1.395/1.820 cơ sở giáo dục đại học tham gia xếp hạng. Đây là con số lớn nhất từ trước đến nay trong quy mô xếp hạng đại học thế giới của THE. Các cơ sở giáo dục này thuộc 92 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo Bảng xếp hạng thế giới 2020 của THE, Đại học Oxford (Vương quốc Anh) tiếp tục giữ vị trí số 1 thế giới, tiếp theo là: 2) Viện công nghệ California (Mỹ), 3) Đại học Cambridge (Vương quốc Anh), 4) Đại học Standford (Mỹ), 5) Học viện công nghệ Massachusetts (Mỹ), 6) Đại học Princeton (Mỹ), 7) Đại học Havard (Mỹ), 8) Đại học Yale (Mỹ), 9) Đại học Chicago (Mỹ), 10) Đại học Hoàng gia London (Vương quốc Anh)… Nằm trong top 200, Mỹ vẫn đang dẫn đầu với 60 cơ sở giáo dục đại học, Vương quốc Anh: 28 cơ sở, Đức: 23 cơ sở. Tiếp theo: Australia và Hà Lan: 11 cơ sở; Canada, Trung Quốc, Thụy Sỹ: 7 cơ sở; Hàn Quốc: 6 cơ sở; Pháp, Hồng Kông, Thủy Điển: 5 cơ sở.

Trong khu vực châu Á, các trường đứng đầu bao gồm Đại học Thanh Hoa (thứ 23 thế giới), Đại học Bắc Kinh (24) và Đại học Quốc gia Singapore (25). Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan có 16 cơ sở lọt vào top 1.000, Malaysia có 13 cơ sở, Indonesia có 6 cơ sở, Singapore có 2 cơ sở, Việt Nam có 2 cơ sở. Singapore có 2 cơ sở nhưng đều nằm trong top 100 (Đại học quốc gia Singapore đứng thứ 25 và Đại học Công nghệ Nanyang đứng thứ 48).

Điểm yếu và việc nâng cao thứ hạng của các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam

Trong khu vực, Singapore chỉ có 2 đại học được xếp hạng nhưng lại có thứ hạng cao hơn hẳn các đại học còn lại đó là Đại học Quốc gia Singapore đứng thứ 25 và Đại học Công nghệ Nanyang đứng thứ 48. Các quốc gia khác có nhiều đại học lọt vào bảng xếp hạng của THE nhưng chỉ ở thứ hạng trung bình. So với các đại học này, Đại học Quốc gia Hà Nội có lĩnh vực hợp tác quốc tế (đạt 47,4 điểm), ở mức ngang với các trường hàng đầu trong khu vực (Đại học Mahidol - Thái Lan: 46,1 điểm, Đại học Chulalongkorn: 37,8 điểm); chỉ số về trích dẫn các bài báo khoa học (38,8 điểm), gần với các đại học trong khu vực (Đại học Malaya - Malaysia: 56,6 điểm, Đại học Mahidol: 45,2 điểm, Đại học Chulalongkorn: 22,2 điểm).

Thông qua bảng xếp hạng của THE, chúng ta có thể nhận thấy tiêu chí nghiên cứu là điểm yếu nhất của 3 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam được THE xếp hạng (điểm về nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh lần lượt là 9,1, 8,4 và 8,7 điểm). Trong khi đó các trường trong khu vực như Đại học Mahidol, Đại học Chulalongkorn và Đại học Malaya có lần lượt điểm nghiên cứu là 21, 21,7 và 30,5 điểm.

 

Có thể nói, các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam không/chưa lấy việc xếp hạng làm mục đích của cho các hoạt động của mình. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là duy trì và nâng cao thứ hạng sẽ giúp các cơ sở giáo dục đại học có những động lực phát triển tốt, đồng thời thuận lợi trong truyền thông, khẳng định vị thế và uy tín của mình. Các cơ sở giáo dục đại học không nên đợi đến khi xếp hạng mới nhận ra các điểm yếu trong hoạt động mà cần phải chủ động tìm ra các giải pháp khắc phục điểm yếu, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Các cơ sở giáo dục đại học cũng cần phát huy thế mạnh truyền thống của mình, ví dụ, Đại học Quốc gia Hà Nội cần tiếp tục phát huy các nghiên cứu khoa học cơ bản, nhưng chú trọng yếu tố chất lượng của công trình nghiên cứu hơn yếu tố số lượng; khuyến khích các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn tham gia công bố quốc tế; phát huy sức mạnh của nghiên cứu liên lĩnh vực; mở rộng hợp tác quốc tế.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)