Thứ ba, 08/10/2019 09:07

Điện Biên: Khai thác tiềm năng nuôi cá tầm ở trong lồng, bè tại hồ thủy lợi Pe Luông

Là 1 trong 7 tỉnh miền núi phía Bắc với tổng diện tích mặt nước trên 2.326,5 ha, Điện Biên có tiềm năng nuôi trồng về thủy sản, nhất là các loại có giá trị kinh tế cao như cá tầm. Với việc thực hiện thành công dự án: Xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi thương phẩm cá Tầm (Acipenserv spp) trong lồng, bè tại hồ thủy lợi Pe Luông huyện Điện Biên tỉnh Điện Biên, Hợp tác xã thủy sản Pe Luông (đơn vị chủ trì dự án) đã khơi nguồn cảm hứng cho người dân trong việc tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế.

Bản Pe Luông có diện tích 25 ha, nằm cách TP Điện Biên Phủ khoảng 20 km về phía tây. Theo tiếng Thái, Pe Luông có nghĩa là đoàn kết và phát triển. Với ý nghĩa như vậy, dân tộc Thái đã cư trú ở Pe Luông từ bao đời nay và phát triển thành một bản làng dân tộc sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi, thêu ren, dệt vải thổ cẩm truyền thống. Cùng với các giá trị văn hóa dân tộc Thái đặc sắc, bản Pe Luông còn mang vẻ đẹp phong cảnh hữu tình, trên núi, dưới hồ. Trong đó, hồ thủy lợi Pe Luông là một điểm đến rất có tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Hồ thủy lợi Pe Luông với tổng diện tích 15 ha, mực nước sâu 10-15 m, chất lượng nước tương đối sạch, dòng chảy ổn định. Đáy hồ bằng phẳng, ít bùn, không có các vật cản như gốc cây, đá lớn... rất thuận lợi cho nuôi trồng thuỷ sản. Trước đây, người dân trên địa bàn cũng đã tổ chức nuôi lồng một số loại thủy sản như cá rô phi đơn tính, cá lăng chấm, cá quả..., góp ph ần tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân trong vùng. Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng cá tầm và các sản phẩm từ cá tầm không ngừng gia tăng đã góp phần thúc đẩy nhiều địa phương triển khai nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào nuôi trồng loại cá đặc hữu này.
Tại các tỉnh Tây Bắc nơi có điều kiện khí hậu, nguồn nước tương tự tỉnh Điện Biên, trong vài năm gần đây cá tầm đã được nuôi thành công tại nhiều địa phương. Tại tỉnh Lai Châu cá tầm được nuôi nhiều tại hồ thủy điện Bát Chát - Than Uyên; tại Sơn La cá tầm được nuôi tại hồ thủy điện Sơn La; tại Lào Cai, cá tầm cũng được nuôi rất thành công tại Sa Pa. Nhìn chung các mô hình nuôi cá tầm ở các địa phương đều cho hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rộng, khả năng sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Những năm gần đây, tình hình thời tiết, khí hậu ở vùng hồ thủy lợi Pe Luông luôn ổn định, là điều kiện thuận lợi để ngành nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ có dịp phát triển. Tận dụng cơ hội đó, Hợp tác xã thủy sản Pe Luông (một trong những đơn vị tiên phong về lĩnh vực thủy sản của tỉnh, được thành lập từ năm 2003, với hệ thống trang thiết bị được đầu tư bài bản) đã đề xuất và được phê duyệt thực hiện dự án Xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi thương phẩm cá tầm (Acipenserv spp) trong lồng, bè tại hồ thủy lợi Pe Luông huyện Điện Biên tỉnh Điện Biên nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, đa dạng hóa các sản phẩm thủy sản trên địa bàn. Dự án đã hoàn thiện 3 quy trình k ỹ thuật: 1) Quy trình thiết kế lồng bè phù hợp với nuôi cá tầm thương phẩm; 2) Quy trình công nghệ chăm sóc cá trong nuôi cá tầm thương phẩm; 3) Quy trình công nghệ quản lý môi trường, quản lý sức khỏe, phòng trừ dịch bệnh trong nuôi cá tầm phù hợp với điều kiện các hồ trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Thế Nghi, Giám đốc Hợp tác xã thủy sản Pe Luông cho biết, sau 5 tháng thả nuôi, cá tầm có trọng lượng từ 500-600 g/con, tăng trưởng vượt mức so với nhiều địa phương khác mà Hợp tác xã đã khảo sát như Sa Pa, hay Sơn La (từ 400 -500 g/con). Ông Nguyễn Thế Nghi cho hay, cá tầm là giống cá rất nhạy cảm. Vì vậy, trước khi thả nuôi phải xử lý kỹ môi trường, tiêu độc, khử trùng, đo nhiệt độ nước, đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Cá tầm sống ở tầng đáy, ăn thức ăn chìm nên rất ít bị dịch bệnh, đây là một thuận lợi khi nuôi cá tầm. Tuy nhiên, nước hồ Pe Luông vào mùa mưa thường bị vẩn đục nên rất cần sự hợp tác của các nhà khoa học trong việc nghiên cứu, nhằm tìm ra giải pháp phù hợp nhất để thả nuôi vào mùa mưa. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Điện Biên chưa có tổ chức hay cá nhân nuôi và cung ứng loại cá này nên việc tìm nguồn con giống để nuôi thả còn gặp nhiều khó khăn do đó, rất mong nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là từ các viện nghiên cứu trong việc chọn tạo con giống phù hợp với đặc thù của địa phương.

Từ kết quả khả quan của mô hình, mô hình đã được nhiều đoàn trong và ngoài tỉnh thăm quan học hỏi, đến nay tại Hợp tác xã thủy sản Pe Luông, quy mô nuôi cá ttầm thương phẩm đã tăng gấp nhiều lần so với quy mô ban đầu trước khi nhận được sự hỗ trợ của dự án. Dự án đã mở ra triển vọng về nghề nuôi thủy sản trong lồng bè, qua đó giúp tận dụng diện tích mặt nước sẵn có để phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân, đặc biệt là người dân các vùng khó khăn.

Nguyễn Văn An

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)