Tác động của Chương trình nông thôn miền núi đối với sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương
Từ năm 2001 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã được Bộ KH&CN phê duyệt thực hiện 20 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi. Các nhiệm vụ đề xuất tham gia Chương trình đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng, tập trung vào các cây trồng, vật nuôi chủ lực của địa phương như mía, luồng, vầu, các loại cây dược liệu quý, chăn nuôi dê, bò, lợn, gà, đà điểu… Thông qua việc triển khai thực hiện các dự án nông thôn miền núi, tỉnh Thanh Hoá đã tiếp nhận được nhiều tiến bộ KH&CN áp dụng vào sản xuất, đời sống tại các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người; góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Bước đầu đã hình thành được các vùng sản xuất rau an toàn với diện tích gần 1.000 ha; chăn nuôi phát triển theo hướng gia trại, trang trại; xây dựng vùng thâm canh luồng tập trung với diện tích hàng chục nghìn ha; cải tạo và khai thác tốt rừng vầu, đảm bảo nguyên liệu phục vụ sản xuất ngành hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Các địa phương nơi triển khai dự án đã được tiếp nhận và ứng dụng công nghệ để chủ động sản xuất các giống cây trồng trong nông nghiệp, lâm nghiệp, phát triển các sản phẩm có lợi thế của địa phương về nghề trồng nấm, đan đèn lồng xuất khẩu, du nhập và cải tạo các giống vật nuôi thích hợp với hàng trăm quy trình kỹ thuật công nghệ tiên tiến; đào tạo hàng trăm kỹ thuật viên cơ sở và tập huấn các tiến bộ KH&CN cho gần 3.000 lượt nông dân. Kết quả các dự án đã tạo ra được nhiều mô hình ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất đạt hiệu quả cao, có thể kể đến như:
Mô hình sản xuất giống và trồng dược liệu ở huyện Bá Thước[1] đã tạo cho người dân miền núi làm quen với kỹ thuật sản xuất giống và trồng dược liệu, có khả năng độc lập nhân rộng mô hình sản xuất hàng hóa và có thêm thực tiễn về khả năng chuyển dịch cơ cấu cây trồng ngày càng có hiệu quả trên vùng đất gắn bó lâu đời với nền sản xuất nông nghiệp tự cung, tự cấp; có thêm cơ hội tự so sánh đánh giá việc trồng cây thuốc với cây trồng khác, đặc biệt là đối với người dân các bản Son - Bá - Mười (xã Lũng Cao) và các vùng lân cận khó khăn về đời sống do điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Sự thành công của mô hình trồng hoa tươi chất lượng cao tại TP Thanh Hóa[2] đã thu hút được một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động khu vực thành phố và vùng phụ cận, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần thực hiện có kết quả chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, làm tăng giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác. Đến nay, người dân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại TP Thanh Hóa đã mở rộng diện tích trồng hoa lên gấp hàng chục lần so với các mô hình dự án đã xây dựng, đặc biệt một số mô hình trồng hoa công nghệ cao đã cho thu nhập 500-700 triệu đồng/ha/năm.
Từ kết quả mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu theo hướng công nghiệp tại Thanh Hóa[3], đến nay đã hình thành và phát triển nghề trồng nấm tại 24/27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, chủ động cung ứng giống nấm ăn, nấm dược liệu tại chỗ, đáp ứng nhu cầu sản xuất nấm tại địa phương, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn (bình quân 100.000-150.000 đồng/ngày), tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, bã mía...) góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, dự án còn chuyển giao thành công kỹ thuật nhân giống và sản xuất nấm thương phẩm cho tỉnh Hủa Phăn, CHDCND Lào.
[1]Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất giống và trồng dược liệu tại huyện Bá Thước, Thanh Hóa” do UBND huyện Bá Thước chủ trì.
[2]Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất hoa tươi chất lượng cao có hiệu quả ở vùng ngoại ô, TP Thanh Hóa” do UBND TP Thanh Hóa chủ trì.
[3]Dự án“Xây dựng mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu theo hướng công nghiệp tại Thanh Hóa” do Trung tâm Nuôi cấy mô thực vật Thanh Hóa chủ trì.
Mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm tại 6 xã đặc biệt khó khăn của huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa[1] đã góp phần nâng cao dân trí, thay đổi tập quán chăn nuôi kém hiệu quả, mở ra hướng sản xuất mới có khả năng bảo vệ và phát triển nguồn giống dê, lợn, gà, chất lượng cao, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội cho người dân vùng nông thôn miền núi của tỉnh Thanh Hóa.
Các mô hình của dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình phát triển kinh tế theo hướng sinh thái tổng hợp cho người dân tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Thanh Hóa” (do Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông chủ trì) đã tiếp nhận các quy trình nông lâm kết hợp, các quy trình trồng xen cây lâu năm và cây ngắn ngày. Trồng 50 ha rừng luồng thâm canh; chăn nuôi bò cái sinh sản kết hợp trồng cỏ Voi VA06; nuôi gà đồi và vịt cổ lũng; trồng xen cây lâu năm ngắn ngày. Kết quả của dự án đã góp phần làm thay đổi tập quan canh tác, nâng cao nhận thức của người dân, là mô hình điểm để các hộ còn lại trong các thôn, bản, xã, vùng lân cận làm theo, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, hạn chế việc khai thác rừng không đúng quy định, tạo được sự gắn kết giữa các hoạt động bảo tồn, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng tại Khu bảo tồn.
Việc xây dựng và nhân rộng thành công mô hình nuôi nhím, nhân giống cây lâm nghiệp, trồng rừng thâm canh và phát triển kinh tế theo hướng sinh thái tổng hợp phục vụ phát triển, ổn định kinh tế - xã hội vùng đệm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên[2] đã tác động tích cực đến xã hội và môi trường. Thông qua dự án đã tạo thêm việc làm, nâng cao hiệu quả kinh tế và tạo thu nhập ổn định cho người dân; giảm thiểu chặt phá rừng, tăng độ che phủ, hạn chế xói mòn, bảo vệ đất, tiết kiệm nguồn nước dự trữ cho vùng lòng hồ tại vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên. Dự án đã sản xuất thành công giống cây keo lai nuôi cấy mô, xây dựng thành công mô hình chiết luồng, mô hình trám ghép và các mô hình trồng rừng thâm canh (trồng được 10 ha luồng thâm canh, 15 ha keo lai...). Mô hình nuôi nhím sinh sản và thương phẩm đạt kết quả tốt với trọng lượng trung bình đàn nhím đạt 8-9 kg/con, tăng 0,7-0,8 kg/con so với nuôi bình thường.
Chương trình nông thôn miền núi đã mang lại kết quả rất lớn, những hiệu quả tích cực, thể hiện được vai trò của KH&CN trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại vùng nông thôn miền núi còn nhiều khó. Từ thực tiễn triển khai thực hiện và quản lý các dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ năm 2001 đến nay, để Chương trình này phát huy hiệu quả hơn nữa, chúng tôi xin đề xuất một số vấn đề sau:
Một là, cần ban hành cơ chế phối hợp, lồng ghép với các chương trình khác để tập trung sức mạnh tổng hợp về nguồn tài chính và đội ngũ kỹ thuật viên các dự án tại cùng một địa bàn, nhằm huy động được nhiều nguồn lực xã hội thực hiện chuyển giao công nghệ, nhân rộng kết quả các mô hình, đồng thời có giải pháp phối hợp như vay vốn ưu đãi, thông tin tuyên truyền, đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm.
Hai là, cần có chính sách và cơ chế ưu đãi thúc đẩy các nhà khoa học tìm giải pháp hỗ trợ các địa phương trong việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong các dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi để góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại vùng nông thôn và miền núi.
Lãnh đạo Vụ Phát triển KH&CN địa phương và Văn phòng Nông thôn miền núi của Bộ KH&CN và Lãnh đạo Sở KH&CN Thanh Hóa kiểm tra mô hình trồng cam công nghệ cao (dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi) năm 2018.
Ba là, có cơ chế quy định việc phối hợp, kết hợp giữa cơ quan chủ trì, chủ nhiệm đề tài, chính quyền địa phương nơi triển khai dự án, cơ quan quản lý ngành trong việc tổng kết, đánh giá kết quả các dự án triển khai có hiệu quả để xây dựng kế hoạch duy trì và nhân rộng.
Bốn là, những dự án thuộc nhóm Trung ương quản lý nên cân đối kinh phí quản lý cho Sở KH&CN địa phương để phục vụ cho việc phối hợp giám sát, kiểm tra tiến độ, hướng dẫn báo cáo. Đồng thời, xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ của Chương trình cho dự án. Cơ chế hỗ trợ hiện tại của Chương trình là Nhà nước chỉ hỗ trợ tối đa 30% tổng kinh phí thực hiện dự án, còn lại là đối ứng của doanh nghiệp và người dân, nên việc thực hiện các mô hình dự án gặp nhiều khó khăn vì người dân và các doanh nghiệp tham gia Chương trình thuộc vùng nông thôn miền núi có tiềm lực hạn chế.
Năm là, trong thời gian tới, Chương trình nông thôn miền núi cần hỗ trợ để phát triển các loại cây, con đặc sản, duy trì phát triển các nghề truyền thống nhằm nâng cao giá trị và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.
[1]Dự án“Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm tại 6 xã đặc biệt khó khăn huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa” do UBND huyện Thạch Thành chủ trì.
[2]Dự án“Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi nhím, nhân giống cây lâm nghiệp và trồng rừng thâm canh phục vụ phát triển, ổn định kinh tế - xã hội vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, tỉnh Thanh Hoá” do Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên chủ trì.