Khởi nghiệp công nghệ lên ngôi
Chuyên gia Sonali de Rycker (Công ty đầu tư mạo hiểm Accel, Mỹ) nhận định khởi nghiệp công nghệ châu Âu đang ở thời kỳ “hoàng kim”, chất lượng của tài năng, mức độ tham vọng, sự sẵn sàng của dòng vốn đều đang ở quy mô hoàn toàn khác trước kia.
Trái ngược với mức độ tăng trưởng chậm chạp của nền kinh tế (1,74%), doanh thu trung bình của các startup châu Âu đã tăng 25% kể từ năm 2013. Số lượng các nhà khởi nghiệp trên toàn khu vực cũng đang tăng nhanh chóng, hiện ở mức 5,7 triệu và sắp vượt Mỹ. Báo cáo về hiện trạng công nghệ châu Âu của Tập đoàn Atomico cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp nơi đây đang thể hiện những đặc điểm nổi bật sau:
Fintech lên ngôi: năm 2019, hầu hết các lĩnh vực ở châu Âu đều có sự gia tăng mạnh mẽ trong thu hút đầu tư, nhưng fintech là lĩnh vực tăng trưởng mạnh mẽ nhất. 9 tỷ USD đã được đầu tư vào lĩnh vực này, với các gói đầu tư lớn như 800 triệu USD cho Greensill vào tháng 5; 460 triệu USD cho Klarna vào tháng 8; 440 triệu USD cho OakNorth vào tháng 2... Theo các chuyên gia, điều này không có gì ngạc nhiên vì đây là một trong những thế mạnh của châu Âu, thậm chí có nhiều lợi thế phát triển hơn cả Mỹ. Các lĩnh vực đang chậm lại là game, thời trang và truyền thông.
Thực hiện nhiều IPO công nghệ hơn Mỹ: trái với niềm tin phổ biến của mọi người, châu Âu hiện đang có số thương vụ IPO nhiều hơn Mỹ. Báo cáo của Atomico
cho thấy điều này đã xảy ra trong ít nhất trong 5 năm liên tiếp. Năm 2019 cũng không ngoại lệ. Năm 2018, châu Âu đã thực hiện 87 IPO công nghệ (gấp đôi Mỹ). Đến tháng 9/2019, con số này ở châu Âu là 33, trong khi ở Mỹ là 29. Ngoài ra, các startup châu Âu lên sàn có cổ phiếu tăng trung bình cao gấp khoảng gần 5 lần so với các startup của Mỹ.
So sánh số công ty công nghệ thực hiện IPO có giá trị từ 1 tỷ USD tại Mỹ và châu Âu.
Các startup ngày càng nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu: trong số những người trả lời khảo sát của Atomico, hầu hết đều đồng ý rằng các nhà khởi nghiệp sáng tạo ở châu Âu có thể cạnh tranh bình đẳng với giới công nghệ toàn cầu. Thậm chí niềm tin này từ bên ngoài còn lớn hơn cả chính các nhà khởi nghiệp châu Âu.
Đầu tư mạo hiểm liên tục tăng cao: 34,3 tỷ USD đã được đầu tư vào khởi nghiệp công nghệ châu Âu trong năm 2019. Năm 2017, 2018 con số này lần lượt là 18 và 23 tỷ USD. Điều đáng nói là năm 2013 mức đầu tư mạo hiểm ở khu vực này chỉ có 5 tỷ USD.
Số liệu đầu tư mạo hiểm vào châu Âu qua các năm.
Các nhà đầu tư đang đổ về châu Âu: khởi nghiệp công nghệ châu Âu đang ngày càng thu hút các nhà đầu tư Mỹ và châu Á. Thống kê cho thấy, 20% số vòng huy động vốn ở châu Âu hiện nay bao gồm ít nhất một nhà đầu tư Mỹ. Năm 2015, con số này chỉ là 9%. Trong khi đó, 4% số vòng huy động vốn bao gồm ít nhất một nhà đầu tư châu Á. Tổng cộng số tiền đầu tư vào châu Âu từ các nhà đầu tư có trụ sở tại Mỹ trong năm nay là gần 10 tỷ USD, tăng gấp 3 lần kể từ năm 2015.
Châu Âu đã làm gì?
Để tạo điều kiện cho các startup công nghệ có điều kiện phát triển, bên cạnh sự nỗ lực của mỗi quốc gia thành viên, Ủy ban châu Âu đã có những hành động phù hợp mang tính nền tảng.
Đầu tiên có thể kể đến là việc xây dựng và phát triển một “học thuyết” mới về kiểm soát thông tin. Mỹ là nơi có 15 trong số 20 công ty công nghệ có giá trị nhất thế giới, châu Âu chỉ có 1. Nhưng các ông trùm công nghệ Mỹ đang phải đối mặt với cuộc phản công lớn từ châu Âu. Tháng 3/2019, Cơ quan chống độc quyền của Liên minh châu Âu đã ra quyết định phạt số tiền 1,49 tỷ Euro (tương đương 1,69 tỷ USD) đối với Alphabet, công ty mẹ của Google, vì cố tình chặn các quảng cáo tìm kiếm trực tuyến của đối thủ. Cơ quan này cho biết, Google đã đưa ra hợp đồng độc quyền với các chủ website để họ loại bỏ kết quả tìm kiếm liên quan tới các đối thủ của Google. Margrethe Vestager (Ủy viên phụ trách chống độc quyền của Ủy ban châu Âu) cho biết, Google đã cản trở quyền "cạnh tranh và sáng tạo công bằng" trên thị trường quảng cáo trực tuyến. Theo The Economist, châu Âu đã tiên phong phát triển một học thuyết công nghệ riêng biệt nhằm đảm bảo rằng cá nhân có quyền kiểm soát thông tin và lợi nhuận từ những thông tin đó, đồng thời trao quyền cạnh tranh nhiều hơn cho các công ty công nghệ.
Để việc làm được điều này, châu Âu đã lựa chọn 2 cách tiếp cận, một là từ văn hóa của các thành viên, dù có những khác biệt, nhưng đều có xu hướng bảo vệ quyền riêng tư. Hai là sử dụng quyền lực pháp lý để thúc đẩy cạnh tranh. Cách tiếp cận đầu tiên dẫn đến sự khẳng định rằng các cá nhân có chủ quyền đối với dữ liệu của họ: họ có quyền truy cập, sửa đổi chúng và xác định ai có thể sử dụng thông tin của mình. Đây là bản chất của Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) đã được nhiều quốc gia trên thế giới học hỏi. Cách tiếp cận thứ hai là các công ty không được đóng cửa cạnh tranh, để tạo sự đối xử bình đẳng giữa tất cả các công ty đang sử dụng nền tảng của họ. Các nguyên tắc này sẽ giúp nền kinh tế không bị thống trị bởi một vài gã khổng lồ dữ liệu, đồng thời ngăn chặn những gã khổng lồ công nghệ này thâu tóm các công ty khởi nghiệp công nghệ.
Song song đó, Ủy ban châu Âu đã đưa ra sáng kiến Khởi nghiệp châu Âu (Startup Europe). Mục tiêu của Startup Europe là điều phối công việc của châu Âu để kết nối các cụm và hệ sinh thái trên khắp khu vực, mang lại sự gắn kết cao hơn giữa các sáng kiến khác nhau của các nước thành viên. Tính đến năm 2017 đã có 14 dự án được tài trợ để xây dựng cầu nối giữa các startup với nhau trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Đặc biệt Startup Europe chú trọng vào việc xây dựng các dự án hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ. Sở dĩ như vậy vì hơn 70% startup ở châu Âu hoạt động trong các lĩnh vực thông tin truyền thông và vật liệu mới. Tiếp theo, năm 2016, Ủy ban châu Âu tiếp tục đưa ra Sáng kiến khởi nghiệp và mở rộng quy mô (Startup Scaleup), tập trung vào hoạt động hỗ trợ các công ty khởi nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế. Cùng với việc vận hành Startup Europe, Startup Scaleup, Ủy ban châu Âu tiếp tục đưa ra nhiều biện pháp tạo điều kiện về tiếp thu các công nghệ mới, tiếp cận tài chính và nâng cao kỹ năng cho các startup; tối đa hóa hiệu quả của hệ sinh thái châu Âu.
Khởi nghiệp công nghệ của châu Âu sẽ không thể có được thành quả hôm nay nếu không có sự sáng tạo và tham vọng của chính những startup và sự nỗ lực của mỗi quốc gia thành viên. Nhưng đồng thời nó cũng là kết quả của các chính sách công ở cấp khu vực của toàn châu Âu, nhằm tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuận lợi.
Chu Hải Ninh (tổng hợp)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. https://publications.jrc.ec.europa.eu/repository/bitstream/JRC110945/jrc110945_
jrc110945_the_startup_europe_ecosystem.pdf
2. (https://nhipcaudautu.vn/biz-tech/chau-au-phan-cong-big-tech-cua-my-3328488/)
3. https://sifted.eu/articles/european-tech-atomico-startups/
4. https://www.economist.com/leaders/2019/03/23/why-big-tech-should-fear-europe