Thứ hai, 13/01/2020 10:42

Festival khởi nghiệp 2020: cơ hội cho các startup kết nối đầu tư

Ngày 10/1/2020, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Festival Khởi nghiệp 2020. Đây không chỉ là dịp để các startup Việt cùng các nhà đầu tư, chuyên gia, cố vấn/huấn luyện viên giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm mà còn là dịp để kết nối các startup với các doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư tiềm năng, các quỹ đầu tư.

Toàn cảnh Festival khởi nghiệp 2020.

Nhiều dự án độc đáo

Phát biểu khai mạc Festival Khởi nghiệp 2020, Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn - Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia cho biết: Chương trình khởi nghiệp Quốc gia đã trải qua 17 năm (Chương trình do VCCI, các địa phương, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phổi hợp tổ chức thực hiện từ năm 2003), với khoảng 4.600 dự án đã tham gia chương trình. Trong số này nhiều startup đã thành công và phát triển doanh nghiệp lớn mạnh. Năm nay có 600 dự án tham gia cuộc thi, sau nhiều vòng thi, Ban tổ chức đã chọn ra top 6 dự án vào vòng chung kết.

Các dự án tham gia Festival Khởi nghiệp 2020 đa dạng về lĩnh vực và đặc biệt là có tính sáng tạo và thực tiễn cao. Điển hình như Dự án "Sản xuất snack dinh dưỡng cao từ phụ phẩm da cá da trơn" - tận dụng nguồn phụ phẩm của ngành chế biến thủy sản, cụ thể là da cá tra, cá ba sa tẩm thêm nhiều vị khác nhau (trứng muối, wasabi, nước mắm...) để tạo ra một loại snack mới giòn tan, hương vị hấp dẫn, phục vụ nhu cầu ăn vặt của các bạn trẻ. Da cá da trơn chứa một lượng lớn collagen, omega 3, 6, 9, lòng đỏ trứng muối chứa nhiều Beta carotene nên snack da cá sấy trứng muối là một sản phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng. Ngoài ra, việc tận dụng nguồn phụ phẩm là da cá tra, cá ba sa để chế biến còn làm nâng cao giá trị của cá da trơn Đồng Tháp, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nuôi; đồng thời giúp giải quyết được nguồn phụ phẩm trước kia thường bị bỏ đi.

Dự án "Sản xuất cua lột theo mô hình liên kết chuỗi bền vững" của nhóm Vinacrab đã tận dụng thế mạnh về công nghệ để đi tiên phong. Dự án đã xây dựng được Trung tâm phát triển mô hình nuôi cua biển tỉnh Phú Yên hoạt động phi lợi nhuận, có nhiệm vụ hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân. Với mục tiêu xây dựng vùng cua nguyên liệu bền vững, dự án đã góp phần cải thiện môi trường các vùng nuôi hạ lưu ven biển như: Hạ lưu sông Bàn Thạch, Vịnh Xuân Đài, Đầm Cù Mông.

Đại diện Dự án "Sản xuất cua lột theo mô hình liên kết chuỗi bền vững" trình bày ý tưởng.

Dự án "Thanh long sinh thái trồng trên vùng ngập mặn" là một dự án độc đáo, sử dụng giống thanh long địa phương được phục tráng và có khả năng chịu mặn; đưa giống kí sinh lên cây mắm, là một loại cây rất đặc trưng ở những vùng ngập mặn để sinh sống và phát triển. Sự độc đáo là thanh long ruột trắng nhưng lại ngọt hơn thanh long ruột đỏ, đặc biệt, thanh long có vị nhãn. Ngoài ra, dự án còn khai thác tối đa từ cùng một diện tích trồng như: lá mắm làm phân bón hữu cơ, nhang xua muỗi (đang thử nghiệm), thân mắm làm chất đốt, khai thác thủy hải sản dưới chân rừng và nuôi ong để tận dụng nguồn phấn hoa từ hoa thanh long cùng với hoa mắm. Hiện tại dự án đang nắm độc quyền loại giống thanh long này. Không chỉ tạo lợi nhuận mà còn tạo tác động xã hội. Dự án có thể phát triển tại những vùng ngập mặn từ đó giúp cho các hộ dân sinh sống tại địa phương có công ăn việc làm, cũng như giảm thiểu các tác động xấu lên môi trường từ việc an sinh xã hội, trồng thêm cây mắm để giữ đất, gây rừng khi muốn phát triển thêm diện tích của dự án.

Kết nối đầu tư

Festival Khởi nghiệp 2020 đã diễn ra nhiều hoạt động như: thuyết trình kết nối đầu tư; trao giải cuộc thi Khởi nghiệp 2019; phát động Chương trình Khởi nghiệp quốc gia 2020; tuyên dương những tấm gương khởi nghiệp tiêu biểu. Trong đó điểm nhấn là hoạt động kết nối đầu tư.

Ban tổ chức đã làm tốt vai trò kết nối đầu tư giữa các doanh nhân/nhà đầu tư với các doanh nghiệp khởi nghiệp khi tổ chức nhiều hoạt động từ năm 2019 về cố vấn, đào tạo… Đây là cơ hội lớn để các tác giả dự án tìm kiếm những doanh nhân, các nhà đầu tư, vườn ươm, tổ chức thúc đẩy khởi nghiệp để làm cố vấn và đỡ đầu cho các dự án, giúp các bạn trẻ hiện thực hóa ý tưởng của mình một cách hiệu quả.

8 dự án được giới thiệu kết nối đầu tư gồm: SAVA - Nền tảng giải trí tư duy gắn kết sẽ là "chiến binh"; Sản xuất snack dinh dưỡng cao từ phụ phẩm da cá da trơn; Sản xuất cua lột theo mô hình liên kết chuỗi bền vững; Thanh long sinh thái trồng trên vùng ngập mặn; Sản xuất thiết bị cảm ứng dập lửa; RECSPORTS - đưa mô hình thể thao giải trí mới vào Việt Nam; dichobiet (DICHOBIET FLATFORM); IBOT - Giải pháp tự động hóa bán hàng. Sau vòng giới thiệu, 8 dự án đã có 18 nhà đầu tư quan tâm.

Trong phát biểu của mình, ông Phạm Ngọc Tuấn cũng thông tin, mới đây Dự án INut Platform - IoT Platform - hệ sinh thái kết nối vạn vật cho Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (Giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia 2018) đã được Ban tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia giới thiệu và kết nối tham dự Cup Khởi nghiệp toàn cầu (Entrepreneurship World Cup). Dự án này đã trở thành đại diện của Việt Nam, lọt top 100 từ 187 nước với khoảng 103.000 đội thi chính thức tham gia vòng Chung kết Cup Khởi nghiệp toàn cầu. Ông Tuấn hy vọng thời gian tới, các đội tham dự Festival Khởi nghiệp 2020 sẽ kết nối thường xuyên với các nhà đầu tư để hoàn thiện, phát triển để các sản phẩm này ngày một tốt hơn và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

MN

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)