Thứ hai, 02/06/2025 14:11

Nâng cao tri thức công nghệ trong khung năng lực TPACK cho giáo viên trong bối cảnh AI

Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng được tích hợp sâu vào hoạt động giáo dục, việc nâng cao tri thức công nghệ trong khung năng lực TPACK (Technological Pedagogical Content Knowledge) trở thành yêu cầu thiết yếu đối với giáo viên phổ thông.

Khung TPACK là gì?

Theo Koehler và Mishra (2009), TPACK là mô hình lý thuyết mô tả sự tích hợp hiệu quả giữa tri thức chuyên môn (CK), tri thức sư phạm (PK) và tri thức công nghệ (TK) trong quá trình giảng dạy. Năng lực này không chỉ giúp giáo viên ứng dụng công nghệ hiệu quả mà còn đảm bảo tính sư phạm và phù hợp nội dung môn học trong môi trường học tập đổi mới, đặc biệt là khi AI đang làm thay đổi sâu sắc vai trò của người dạy và người học. Cụ thể:

Tri thức nội dung: Kiến thức về môn học mà giáo viên giảng dạy. Đây là hiểu biết chuyên sâu về các nguyên lý, lý thuyết, sự kiện và các yếu tố cốt lõi của môn học đó.

Tri thức sư phạm: Kiến thức về các phương pháp và chiến lược giảng dạy, cách tổ chức lớp học, cách thức tạo môi trường học tập hiệu quả, và các cách thức đánh giá học sinh. Đây là sự hiểu biết về việc làm thế nào để giảng dạy một cách tốt nhất.

Tri thức công nghệ: Kiến thức về các công cụ công nghệ và cách thức sử dụng chúng. Đây có thể bao gồm phần mềm, phần cứng, ứng dụng, mô hình AI, nền tảng học trực tuyến, và các công cụ hỗ trợ học tập khác.

Giáo viên cần nâng cao tri thức công nghệ khung TPACK trong kỷ nguyên AI.

Mô hình TPACK không chỉ đơn giản là việc giáo viên có kiến thức về công nghệ, mà còn là khả năng tích hợp hiệu quả giữa ba yếu tố này của giáo viên như: Technological Pedagogical Knowledge (TPK) - Biết về cách sử dụng công nghệ phù hợp với các phương pháp giảng dạy; Pedagogical Content Knowledge (PCK) - Kết hợp được kiến thức chuyên môn và phương pháp giảng dạy; Technological Content Knowledge (TCK) -  Khả năng kết hợp công nghệ với nội dung học để nâng cao hiệu quả giảng dạy.

Ví dụ, giáo viên môn Lịch sử có thể sử dụng ChatGPT để tạo các kịch bản nhập vai cho học sinh vào vai các nhân vật lịch sử, kết hợp phương pháp học tập trải nghiệm và công cụ AI để tăng mức độ nhập tâm và hiểu sâu kiến thức. Giáo viên Toán sử dụng phần mềm GeoGebra để minh họa hình học không gian giúp học sinh dễ hình dung, hoặc dùng AI tạo bài tập tùy chỉnh theo trình độ từng nhóm học sinh.

Khi cả ba yếu tố này kết hợp một cách hiệu quả, giáo viên sẽ có thể tạo ra một môi trường học tập tối ưu, nơi công nghệ hỗ trợ việc giảng dạy và học tập, giúp học sinh phát triển tốt nhất. Khung TPACK giúp giáo viên có một cái nhìn toàn diện về cách thức giảng dạy hiện đại, nơi công nghệ không chỉ là một công cụ hỗ trợ, mà là một phần không thể thiếu trong quá trình giáo dục.

Vai trò của TPACK trong kỷ nguyên AI

Trong kỷ nguyên AI, TPACK trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi giáo viên cần kết hợp công nghệ AI với nội dung môn học và phương pháp sư phạm để nâng cao chất lượng dạy và học. Trí tuệ nhân tạo không chỉ cung cấp các công cụ tạo nội dung, chấm điểm tự động, phân tích dữ liệu học tập mà còn mở ra khả năng cá nhân hóa quá trình học. Tuy nhiên, để AI phát huy hiệu quả, giáo viên cần nhận thức rõ vai trò của từng thành tố trong TPACK.

Với tri thức nội dung, cần hiểu rõ AI không thay thế giáo viên trong việc truyền tải kiến thức, nhưng giúp giáo viên có thêm nguồn tài nguyên phong phú, cập nhật thông tin nhanh chóng. Đồng thời, giáo viên cần biết cách chọn lọc và xác thực thông tin, hướng dẫn học sinh tư duy phản biện thay vì chỉ tiếp nhận kiến thức thụ động từ AI. Ngoài ra, một số môn học còn có thể ứng dụng AI trực tiếp như lập trình, toán học, khoa học dữ liệu, giúp học sinh làm quen với công nghệ từ sớm.

Với tri thức sư phạm, AI giúp cá nhân hóa việc học, giúp giáo viên có thể điều chỉnh phương pháp giảng dạy dựa trên phân tích dữ liệu học tập của từng học sinh. Các mô hình học tập kết hợp, học tập dựa trên dự án, hay học tập chủ động có thể kết hợp AI để tăng hiệu quả.

Với tri thức công nghệ, giáo viên không cần có kiến thức và năng lực của một lập trình viên, nhưng cần có hiểu biết để sử dụng AI hỗ trợ mà không phụ thuộc hoàn toàn vào nó. AI có thể giúp tạo ra hàng loạt nội dung giảng dạy, chấm điểm tự động, phân tích dữ liệu học tập nhằm hỗ trợ giáo viên đưa ra các phương pháp phù hợp.

Trong kỷ nguyên AI, giáo viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người hướng dẫn, giúp học sinh sử dụng công nghệ một cách thông minh và có trách nhiệm. Chính vì vậy mà TPACK giúp giáo viên tận dụng AI một cách hiệu quả, không chỉ để truyền đạt kiến thức mà còn đổi mới phương pháp giảng dạy, cá nhân hóa trải nghiệm học tập và phát triển tư duy sáng tạo cho học sinh.

Nâng cao tri thức công nghệ khung TPACK trong kỷ nguyên AI

Để hiện thực hóa việc tích hợp công nghệ một cách hiệu quả, giáo viên cần phát triển đồng thời cả ba thành tố trong mô hình TPACK. Cụ thể:

Tri thức công nghệ: Giáo viên cần am hiểu và thành thạo trong việc sử dụng công cụ số như Canva, ChatGPT, Google Workspace nhằm hỗ trợ việc thiết kế học liệu, cá nhân hóa nội dung và đánh giá kết quả học tập. Tri thức công nghệ không chỉ là khả năng sử dụng công nghệ mà còn là năng lực đánh giá tính phù hợp và tích hợp công nghệ vào mục tiêu học tập cụ thể.

Tri thức sư phạm: Trong môi trường học tập hỗ trợ bởi AI, giáo viên cần đổi mới phương pháp giảng dạy, áp dụng các chiến lược dạy học tích cực như học tập qua dự án, học tập cá nhân hóa... để khai thác tối đa tiềm năng công nghệ trong việc nâng cao tương tác và động lực học tập.

Tri thức nội dung: Việc ứng dụng AI không thể tách rời tri thức nội dung môn học. Ví dụ, trong môn Văn, giáo viên có thể sử dụng AI để phân tích các phong cách ngôn ngữ văn học, từ đó gợi mở tư duy phản biện cho học sinh. Tuy nhiên, nếu giáo viên chỉ dựa vào các công cụ AI mà thiếu tri thức sư phạm vững chắc hoặc thiếu kiểm chứng tri thức nội dung, thì dễ dẫn đến việc sử dụng công nghệ một cách hình thức, gây nhiễu thông tin và làm giảm hiệu quả giáo dục. Việc ứng dụng AI cần đặt trong nền tảng sư phạm vững chắc, đảm bảo sự hướng dẫn và kiểm soát của giáo viên.

Việc nâng cao tri thức công nghệ trong khung năng lực TPACK là yêu cầu không thể trì hoãn đối với đội ngũ giáo viên hiện nay. Để hỗ trợ quá trình này, cần xây dựng các chương trình bồi dưỡng giáo viên theo hướng cá nhân hóa, kết hợp học tập cộng đồng chuyên môn và các mô-đun học tập ngắn hạn (học từng kỹ năng nhỏ qua AI tạo sinh, video, podcast, tài liệu mở…), đồng thời áp dụng hệ thống đánh giá năng lực số theo chuẩn quốc tế như khung DigCompEdu của Liên minh châu Âu. Chỉ khi giáo viên thực sự làm chủ công nghệ, họ mới có thể đồng hành cùng AI để xây dựng môi trường học tập chất lượng, đáp ứng nhu cầu học tập trong kỷ nguyên AI.

Bên cạnh đó, cần tạo cơ hội cho giáo viên thực hành với công cụ AI, khuyến khích thử nghiệm mô hình lớp học đảo ngược, tổ chức các cuộc thi sáng tạo ứng dụng AI trong dạy học và thiết lập công cụ đánh giá năng lực công nghệ của giáo viên theo từng cấp độ.

ThS Võ Thị Mỹ Duyên, ThS Công Minh

TAGS :

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)