
PGS.TS Huỳnh Văn Thới - Nguyên Quyền Giám đốc Phân hiệu Học viện Hành chính và Quản trị công tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ ý kiến tại Tọa đàm (Ảnh: H.Q.).
Chia sẻ tại Tọa đàm, PGS.TS Huỳnh Văn Thới - Nguyên Quyền Giám đốc Phân hiệu Học viện Hành chính và Quản trị công tại TP Hồ Chí Minh cho biết, hệ thống tổ chức chính quyền địa phương hiện nay vẫn mang dấu ấn của Hiến pháp năm 1980, trong đó chính quyền các cấp được thiết lập dựa trên đơn vị lãnh thổ và vận hành như một bản sao thu nhỏ của cấp Trung ương. Tuy nhiên, xu thế quốc tế hiện nay đang thiên về việc tinh gọn các cấp trung gian như cấp huyện, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả quản trị. Từ đó, mô hình hai cấp trở thành xu hướng tất yếu, không chỉ để giảm đầu mối quản lý mà còn nhằm tạo điều kiện cho việc phân quyền rõ ràng và hợp lý hơn.
PGS.TS Huỳnh Văn Thới nhấn mạnh, trong quá trình phân quyền, cần tránh hai cực đoan: một là, lo ngại chính quyền cấp dưới không đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ; hai là, triển khai phân quyền tràn lan mà không đánh giá kỹ lưỡng về điều kiện thực tế, dễ dẫn tới việc thiếu kiểm soát, chồng chéo chức năng.
Ở góc nhìn vĩ mô, GS.TS Võ Khánh Vinh - Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, việc tổ chức lại bộ máy hành chính không chỉ là điều chỉnh mang tính kỹ thuật mà là biểu hiện cụ thể của một cuộc đổi mới tư duy trong quản trị nhà nước. Các nghị quyết của Đảng, như Nghị quyết số 18-NQ/TW năm 2017 và Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2022, đều đã đặt ra yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả và phục vụ tốt hơn cho người dân. Khi chuyển sang mô hình hai cấp, cấu trúc quyền lực tại địa phương sẽ có sự thay đổi lớn, đặt ra yêu cầu mới về kiểm soát quyền lực, phân định rõ ràng chức năng và thẩm quyền giữa các cấp. Đây là yếu tố then chốt để tránh tình trạng lạm quyền hoặc bỏ trống trách nhiệm trong bối cảnh cơ cấu bộ máy đang được tinh giản.
TS Phí Vĩnh Tường - Quyền Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới tập trung vào yếu tố con người và nguồn lực trong quá trình tổ chức lại bộ máy hành chính. Ông nhắc lại đề xuất từng được TP Hồ Chí Minh đưa ra về việc tự chủ trong quản lý nhân sự và tài chính, coi đây là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng dịch vụ công và thúc đẩy sự phát triển toàn diện tại địa phương. Theo TS Phí Vĩnh Tường, nếu các địa phương không được giao quyền tự chủ tương xứng thì rất khó để đạt được mục tiêu cải cách thực chất. Ngoài ra, việc tổ chức lại chính quyền địa phương cần đồng thời thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảm bảo đủ năng lực gánh vác thêm công việc khi bộ máy được tinh giản. Ông đề nghị, tăng cường ngân sách cho cấp xã để bảo đảm khả năng cung cấp dịch vụ công và đáp ứng yêu cầu của người dân, nhất là khi cấp xã sẽ phải đảm nhiệm thêm nhiều chức năng trong mô hình hai cấp. Một vấn đề quan trọng khác được TS Phí Vĩnh Tường nêu ra là cần làm rõ trách nhiệm trong quá trình chuyển giao giữa các cấp, đặc biệt là đối với các dự án đầu tư công, xây dựng hạ tầng cơ bản và các chương trình mục tiêu. Theo ông, nếu không có quy trình chuyển tiếp rõ ràng và kiểm soát hiệu quả, dễ xảy ra thất thoát, lãng phí hoặc chất lượng công trình không được bảo đảm.

PGS.TS Vũ Tuấn Hưng - Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ phát biểu tại Tọa đàm (Ảnh: H.Q.).
Tổng kết Tọa đàm, PGS.TS Vũ Tuấn Hưng - Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ khẳng định, việc chuyển sang mô hình chính quyền hai cấp không chỉ xuất phát từ yêu cầu nội tại của quá trình phát triển đất nước mà còn phù hợp với xu hướng toàn cầu về cải cách hành chính và xây dựng nhà nước kiến tạo. Sự thay đổi này sẽ góp phần quan trọng trong việc hiện đại hóa nền hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số, tăng tính minh bạch và nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân. Theo PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, để mô hình hai cấp phát huy hiệu quả, cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan, xác lập ranh giới rõ ràng giữa chức năng quản lý của cấp tỉnh và cấp xã, đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp về thể chế, nhân lực và công nghệ. Chỉ khi những yếu tố này được đảm bảo, chính quyền địa phương mới thực sự hoạt động hiệu quả, đáp ứng kỳ vọng của người dân trong bối cảnh đổi mới và hội nhập ngày càng sâu rộng.
Xuân Bình