Thứ hai, 05/05/2025 15:41

Thúc đẩy S.T.I.D và chuyển đổi xanh trong phát triển kinh tế tư nhân

Ngày 04/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về về phát triển kinh tế tư nhân. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy kinh tế tư nhân được Bộ Chính trị xác định là  thúc đẩy S.T.I.D và chuyển đổi xanh.

Sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân nước ta đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khu vực kinh tế tư nhân hiện có khoảng hơn 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, là lực lượng quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần xoá đói, giảm nghèo, ổn định đời sống xã hội. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã phát triển lớn mạnh, khẳng định thương hiệu và vươn ra thị trường khu vực, thế giới. Tuy nhiên, kinh tế tư nhân hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, chưa bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh, chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng là lực lượng nòng cốt của kinh tế đất nước...

Để hiện thực hoá mục tiêu phát triển đất nước như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra và đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới, việc đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động cần có những giải pháp tổng thể, toàn diện, đột phá để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân, củng cố niềm tin, tạo khí thế và xung lực mới cho phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là cần thiết và cấp bách.

Theo đó, Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030: kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và các chủ trương, đường lối khác của Đảng; phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân. Có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10-12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55-58% GDP, khoảng 35-40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5-9,5%/năm; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á.

Nghị quyết số 68-NQ/TW đặt mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế.

Tầm nhìn đến năm 2045 của Nghị quyết đưa ra là kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, Nghị quyết của Bộ Chính trị xác định cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, đổi mới tư duy, thống nhất cao về nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân. Theo đó, Nhà nước tập trung vào kiến tạo, phục vụ, hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, không can thiệp hành chính vào hoạt động sản xuất, kinh doanh trái với nguyên tắc thị trường; xây dựng mối quan hệ giữa chính quyền với doanh nghiệp cởi mở, thân thiện, đồng hành, liêm chính phục vụ, kiến tạo phát triển.

Hai là, đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân. Theo đó, cần đổi mới tư duy xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật bảo đảm nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sử dụng các công cụ thị trường để điều tiết nền kinh tế; giảm thiểu sự can thiệp và xoá bỏ các rào cản hành chính, cơ chế "xin - cho", tư duy "không quản được thì cấm"; hoàn thiện hệ thống pháp luật, xoá bỏ các rào cản tiếp cận thị trường đảm bảo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, rõ ràng, nhất quán, ổn định lâu dài, dễ tuân thủ, chi phí thấp. Minh bạch hoá, số hoá, thông minh hoá, tự động hoá, áp dụng triệt để trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong thực hiện các quy trình, thủ tục hành chính; chuyển từ nền hành chính công vụ, quản lý là chủ yếu sang phục vụ và kiến tạo phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; hiện đại hoá quản trị công, quản trị dựa trên dữ liệu; đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng, đa dạng hoá các kênh phân phối, phát triển mạnh các nền tảng số, thương mại điện tử; rà soát, hoàn thiện và thực thi hiệu quả quy định pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu tài sản, trong đó có quyền sở hữu trí tuệ và tài sản vô hình…  

Ba là, tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao. Theo đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh. Có cơ chế, chính sách phù hợp kiểm soát biến động giá đất, đặc biệt là giá đất sản xuất kinh doanh, phi nông nghiệp, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp; cho phép các địa phương sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ, trên cơ sở yêu cầu, các chủ đầu tư dành một phần quỹ đất đã đầu tư cho các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê; đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh; Nhà nước có cơ chế hỗ trợ lãi suất và khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho doanh nghiệp tư nhân vay để triển khai các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG)...

Bốn là, thúc đẩy S.T.I.D, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững trong kinh tế tư nhân. Cụ thể: Triển khai quyết liệt Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong khu vực kinh tế tư nhân; ban hành khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với công nghệ mới, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân tham gia nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, dữ liệu lớn, thương mại điện tử, công nghệ tài chính, y tế thông minh...; cho phép các doanh nghiệp được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển bằng 200% chi phí thực tế của hoạt động này. Có chính sách hỗ trợ chi phí đầu tư mua sắm máy móc, đổi mới công nghệ, chi phí thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh bền vững, tuần hoàn thông qua cơ chế khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc tài trợ qua các quỹ; doanh nghiệp được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển S.T.I.D và nghiên cứu phát triển. Doanh nghiệp được sử dụng quỹ để tự triển khai hoặc đặt hàng nghiên cứu phát triển bên ngoài theo cơ chế khoán sản phẩm; doanh nghiệp, tổ chức tư nhân được sử dụng phòng thí nghiệm, phòng thử nghiệm, phòng hỗ trợ thiết kế và thiết bị nghiên cứu dùng chung, trung tâm thử nghiệm, đo lường, kiểm định, giám định của Nhà nước để phát triển sản phẩm với mức phí hợp lý; có chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, công ty quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo kể từ thời điểm phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp; Nhà nước ưu tiên nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo phục vụ ươm tạo phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển và chuyển giao các công nghệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp…

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng xác định cần tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI; hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp lớn và vừa, các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu; hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh; đề cao đạo đức kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nhân tham gia quản trị đất nước.

CT

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)