Thứ hai, 05/05/2025 16:25

Đổi mới công tác giảng dạy đại học trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW

Đổi mới phương pháp giảng dạy toàn diện, từ đào tạo, nghiên cứu đến chuyển đổi số… là yêu cầu đặt ra đối với các cơ sở giáo dục đại học trước xu hướng hội nhập và trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây là ý kiến của các đại biểu được đưa ra tại Hội thảo “Đổi mới công tác giảng dạy đại học trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW” do Trường Đại học Điện lực tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Đổi mới để sẵn sàng hội nhập

Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (S.T.I.D) quốc gia. Bên cạnh nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển S.T.I.D quốc gia. Nghị quyết số 57-NQ/TW còn đề ra nhiệm vụ tăng cường đầu tư, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển S.T.I.D quốc gia. Do đó, yêu cầu đặt ra đối với các cơ sở giáo dục đại học cần phải đổi mới toàn diện, từ đào tạo, nghiên cứu đến chuyển đổi số…

TS Đặng Thành Chung - Trưởng khoa Khoa Lý luận chính trị và Pháp luật, Trường Đại học Điện lực phát biểu đề dẫn tại Hội thảo.

TS Đặng Thành Chung - Trưởng khoa Khoa Lý luận chính trị và Pháp luật, Trường Đại học Điện lực cho biết, trong kỷ nguyên số, đổi mới phương pháp giảng dạy không chỉ là yêu cầu tất yếu mà còn là thách thức lớn đối với tất cả các cơ sở giáo dục đại học. Chúng ta đang sống trong một thế giới có sự thay đổi không ngừng của công nghệ và thông tin. Các phương pháp giảng dạy truyền thống đang dần bộc lộ hạn chế, không còn đáp ứng được nhu cầu của người học và yêu cầu phát triển của xã hội. Do đó, đổi mới phương pháp giảng dạy không chỉ để nâng cao chất lượng giáo dục mà còn để chuẩn bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết, sẵn sàng hội nhập và phát triển trong một kỷ nguyên mới. Đặc biệt, đối với các môn lý luận chính trị và pháp luật, công tác giảng dạy đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Làm sao để khơi dậy tính tích cực và hứng thú của người học trong một lĩnh vực đôi khi được cho là khô khan, lý thuyết và ít gắn liền với thực tiễn đời sống? Làm thế nào để sinh viên không chỉ học thuộc bài, mà còn thấu hiểu, cảm nhận được giá trị của các lý thuyết chính trị, pháp luật trong cuộc sống hằng ngày và qua đó áp dụng chúng một cách sáng tạo? Đây chính là câu hỏi mà các giảng viên môn lý luận chính trị, pháp luật và tất cả chúng ta cần phải tìm lời giải.

Để giải quyết các thách thức đó, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW là một bước đi vô cùng quan trọng và cần thiết. Nghị quyết số 57-NQ/TW đã chỉ ra rằng, để phát triển đất nước, chúng ta phải phát huy tối đa tiềm năng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đồng thời tích cực ứng dụng công nghệ số vào mọi lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Việc ứng dụng Nghị quyết số 57-NQ/TW trong ngành giáo dục, đặc biệt là trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy đại học, là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra thế hệ sinh viên vừa có kiến thức lý luận vững vàng, vừa có khả năng vận dụng vào thực tiễn một cách sáng tạo.

ThS Nguyễn Thị Thanh Mai - Khoa Lý Luận Chính trị và Pháp luật, Trường Đại học Điện lực cho rằng, chuyển đổi số là xu thế trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung và phương pháp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nói riêng. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ra đời tạo ra bước đột phá lớn về mặt khoa học và công nghệ trên thế giới, xóa bỏ mọi ranh giới giữa các vật thể, thế giới số hóa, thế giới sinh học. Internet vạn vật giúp con người kết nối với nhau thông qua công nghệ số, làm cho cuộc sống ngày một tiện lợi, sản xuất đạt năng suất cao hơn. Để tạo thành nó thì không thể thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, có trí tuệ, đạo đức nghề nghiệp tốt. Từ đó, đặt ra cho các cơ sở đào tạo phải có chiến lược cụ thể, sáng tạo trong chương trình giảng dạy, bắt kịp với xu hướng thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy chuyển đổi

Chia sẻ về những vướng mắc trong quá trình triển khai vào thực tiễn, TS Nguyễn Diệu Linh - Trường Đại học Điện lực cho rằng, Nghị quyết số 57-NQ/TW sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy các trường đại học, trong đó có Trường Đại học Điện lực phát triển. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện, Nhà trường cũng gặp phải những vướng mắc cần phải vượt qua như: áp lực duy trì ổn định tài chính trong bối cảnh tự chủ. Từ năm 2022, Trường Đại học Điện lực đã thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện, không còn nhận ngân sách thường xuyên từ Nhà nước; công tác tuyển sinh ngày càng khó khăn do có sự cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục đại học; cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo mặc dù đã được trang bị đồng bộ và hiện đại song vẫn chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của công nghệ… Do đó, để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nhà trường cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp như: Xây dựng hệ thống giáo dục đại học mở, linh hoạt, hiện đại, tiếp cận chuẩn mực quốc tế; tăng cường tự chủ đại học, đổi mới quản trị theo hướng hiện đại, hiệu quả; gắn đào tạo với thực tiễn sản xuất, kinh doanh và nhu cầu thị trường lao động; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong toàn bộ quá trình giáo dục và đào tạo; phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học đạt chuẩn quốc tế. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng đào tạo, các phương pháp giảng dạy kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, sử dụng công nghệ thông tin, học liệu số và các phương tiện giảng dạy hiện đại để giúp sinh viên tiếp cận tri thức một cách hiệu quả nhất cần phải được tiến hành; không ngừng bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên, khuyến khích sáng tạo và đổi mới trong phương pháp giảng dạy, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ chuyển đổi số.

Đồng tình với quan điểm trên, ThS Cao Thị Phương Nhung - Phó Trưởng khoa Khoa Văn hóa và Kiến thức cơ bản, Học viện Múa Việt Nam cho rằng, để nâng cao vị thế, uy tín đào tạo đại học trong giai đoạn hiện nay - thời đại công nghệ 4.0, mỗi cơ sở đào tạo cần phải quan tâm, đầu tư đồng bộ nhiều yếu tố như: Nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; tuyển chọn kỹ lưỡng đầu vào sinh viên; chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy; xây dựng và tuyển chọn giáo trình dạy - học....

Đổi mới công tác giảng dạy đại học trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là một nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trên, gắn với việc triển khai sâu rộng Nghị quyết số 57-NQ/TW sẽ tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy hệ thống giáo dục đại học Việt Nam phát triển đột phá, đạt chuẩn khu vực và quốc tế.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.

Phong Vũ

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)