Thứ hai, 09/12/2024 07:50

Sự cần thiết ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ*

Ngày 15/05/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 76/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN). Sau hơn 06 năm thực thi, Nghị định số 76/2018/NĐ-CP đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên theo tổng hợp của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) trong quá trình áp dụng, triển khai đã phát sinh một số bất cập, cần thiết phải được tổng kết, đánh giá và đưa ra các giải pháp đề xuất sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và thực hiện cải cách thủ tục hành chính nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ, phát triển thị trường KH&CN.

Những kết quả đạt được

Hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, chính sách liên quan đến hoạt động chuyển giao công nghệ, ứng dụng, đổi mới công nghệ và phát triển thị trường khoa học và công nghệ: Thực hiện quy định của Nghị định số 76/2018/NĐ-CP, các Bộ, ngành, địa phương đã xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn về CGCN góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý và triển khai hoạt động CGCN, ứng dụng, đổi mới công nghệ và phát triển thị trường KH&CN nhằm thúc đẩy sự phát triển đồng bộ các lĩnh vực của hoạt động KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ban hành 5 Thông tư về hướng dẫn đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất; quy định các biểu mẫu phục vụ thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ dự án đầu tư; hướng dẫn sử dụng quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp nhằm phát huy hiệu quả việc sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp… Bên cạnh đó, một số Bộ, ngành cũng đã ban hành những quy định nhằm hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến hoạt động CGCN phù hợp với đặc thù của mình.

Thực hiện các quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng, đổi mới công nghệ đã đạt được một số kết quả nhất định đối với các chính sách: Cụ thể là ưu đãi về thuế theo quy định pháp luật về thuế cho các đối tượng ưu đãi được quy định tại Điều 39 Luật CGCN; cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay để thực hiện CGCN; hỗ trợ kinh phí thông qua thực hiện nhiệm vụ KH&CN hoặc hỗ trợ trực tiếp để hỗ trợ doanh nghiệp có dự án thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư nhận CGCN từ tổ chức KH&CN; khuyến khích hình thức hợp tác giữa doanh nghiệp với cơ quan, tổ chức, cá nhân để triển khai các dự án đầu tư đổi mới công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển KH&CN, hoạt động nghiên cứu chung; hỗ trợ, ưu đãi doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động giải mã công nghệ, tổ chức, cá nhân thực hiện việc giải mã công nghệ.

Thực hiện các quy định về chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thị trường khoa hoc và công nghệ đã đạt được một số kết quả nhất định: Cụ thể, Nghị định số 76/2018/NĐ-CP đã góp phần thúc đẩy khai thác, sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ý tưởng công nghệ; phát triển công nghệ tạo ra và hoàn thiện các sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp; hỗ trợ phát triển tổ chức trung gian của thị trường KH&CN; hỗ trợ, nâng cao năng lực khai thác thông tin phục vụ tổ chức dịch vụ CGCN.

(nguồn: https://vneconomy.vn/)

Đăng ký chuyển giao công nghệ và quản lý hoạt động chuyển giao công nghệ: Tính đến hết năm 2023, cả nước có 579 thỏa thuận CGCN được cấp Giấy chứng nhận đăng ký (bao gồm cấp mới, gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung CGCN), với giá trị các hợp đồng trên 110 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có 493 hợp đồng CGCN tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (chiếm 85% số lượng hợp đồng), với giá trị khoảng trên 106 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 93% giá trị các hợp đồng), thuộc đối tượng CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam (bắt buộc phải đăng ký CGCN). Có 2 hợp đồng CGCN từ Việt Nam ra nước ngoài (Nhật Bản, Thuỵ Sỹ). Các hợp đồng CGCN chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất điện tử, ô tô, xe máy (bao gồm sản xuất linh kiện, phụ tùng), dược phẩm, thiết bị y tế, hóa dầu, mỹ phẩm, đồ uống, sinh học, chăn nuôi, khai thác chế biến khoảng sản, xây dựng. Bên CGCN chủ yếu là các doanh nghiệp đến từ các nước có nền công nghiệp phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, một số nước châu Âu (Tây Ban Nha, Hà Lan, Áo, Đức, Anh…), một số nước trong khối ASEAN (Thái Lan, Singapore). Riêng Trung Quốc chủ yếu là các hợp đồng CGCN có liên quan đến ô tô, xe máy điện (sản xuất ắc quy, động cơ điện cho xe ô tô điện, xe máy điện).

Sự cần thiết ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung

Việc nghiên cứu, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2018/NĐ-CP xuất phát từ những lý do sau:

Một là, tiếp tục thể chế hóa chủ trương, chỉ đạo về hoạt động CGCN đã được nêu tại các văn bản của Đảng, Nhà nước, như: Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/08/2019 của Bộ Chính trị về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 có quan điểm "Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch". Đồng thời Nghị quyết yêu cầu "có chính sách khuyến khích hợp tác, CGCN dựa trên cơ sở thoả thuận, tự nguyện"; "Khuyến khích CGCN và quản trị cho doanh nghiệp Việt Nam". Kết luận số 69-KL/TW ngày 11/01/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế có yêu cầu thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN…

Hai là, để giải quyết những vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn áp dụng Nghị định số 76/2018/NĐ-CP. Sau hơn 06 năm thực hiện Nghị định, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Trên cơ sở tổng hợp thông tin và các kiến nghị của các Bộ, ngành, địa phương, cũng như qua thực hiện công tác quản lý nhà nước của mình, Bộ KH&CN nhận thấy có những tồn tại, hạn chế trong quá tình triển khai thực hiện Nghị định số 76/2018/NĐ-CP như sau:

Về đăng ký chuyển giao công nghệ và quản lý hoạt động chuyển giao công nghệ: Chưa có quy định việc đăng ký CGCN đối với trường hợp thỏa thuận CGCN đã được các bên ký kết trước ngày Luật CGCN có hiệu lực nhưng sau ngày Luật có hiệu lực, các bên có thỏa thuận sửa đổi, bổ sung CGCN mà thỏa thuận này thuộc trường hợp phải đăng ký CGCN theo quy định tại khoản 1 Điều 31 của Luật CGCN. Điều này, dẫn đến tổ chức, cá nhân không đăng ký CGCN khi sửa đổi, bổ sung hợp đồng CGCN; chưa có hướng dẫn để xác định thời hạn hợp đồng CGCN phù hợp với thời hạn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng công nghệ chuyển giao. Theo đó, có trường hợp thỏa thuận CGCN có thời hạn vượt quá thời hạn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hoặc thời hạn hoạt động dự án đầu tư; chưa hướng dẫn các trường hợp phải chứng minh quyền CGCN khi đăng ký CGCN, trong khi trên thực tế có trường hợp chuyển giao đối tượng công nghệ đã được cấp bảo hộ quyền sử hữu trí tuệ hoặc pháp luật doanh nghiệp quy định phải chứng minh quyền sỡ hữu công nghệ khi góp vốn bằng công nghệ…

VDanh mục công nghệ: Ba Danh mục công nghệ khuyến khích, hạn chế và cấm chuyển giao quy định tại Nghị định số 76/2018/NĐ-CP được xây dựng và triển khai áp dụng từ ngày 01/7/2018. Tuy nhiên, với bối cảnh Chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi, tốc độ phát triển và đổi mới công nghệ diễn ra và thay đổi mạnh mẽ trên thế giới làm xuất hiện những loại công nghệ hoàn toàn mới cần xem xét bổ sung vào Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao. Đồng thời, một số công nghệ trở lên lạc hậu, cần xem xét đưa ra khỏi Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao hoặc cần xem xét bổ sung vào Danh mục công nghệ hạn chế, cấm chuyển giao. Mặt khác, qua quá trình triển khai áp dụng cho thấy 03 Danh mục công nghệ này còn có một số bất cập tồn tại như: chưa phân theo các nhóm công nghệ tương ứng với từng ngành, lĩnh vực kinh tế; có những công nghệ có tên còn chung chung, chưa được cụ thể dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng, khó xác định khi triển khai áp dụng các chính sách liên quan.

Bên cạnh đó, một số quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ CGCN, ứng dụng, đổi mới công nghệ đã có kết quả nhất định. Tuy nhiên, qua tổng kết, rà soát cho thấy thực tiễn triển khai còn hạn chế, cần phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với yêu cầu, quy định của Luật CGCN và có tính khả thi hơn trong thực tiễn triển khai...

Ba là, thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và nâng cao hiệu quả hoạt động CGCN. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính còn chưa có quy định về hình thức nộp hồ sơ trực tuyến; quy định chưa rõ ràng về thành phần hồ sơ, phân cấp giải quyết thủ tục hành chính; quy định nguồn kinh phí giải quyết thủ tục hành chính nhưng không quy định rõ nội dung chi và mức chi; biểu mẫu áp dụng còn có những tồn tại, hạn chế cần phải được sửa đổi cho phù hợp khi áp dụng.

CT

 

 

 

*Bài viết được tổng hợp từ Báo cáo Tổng kết tình hình thực hiện Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)