Thứ tư, 04/12/2024 17:38

Phát triển vật liệu xanh: Chìa khóa cho tương lai bền vững

Sáng ngày 04/12/2024, tại Hà Nội, Quỹ VinFuture đã chính thức khai mạc chuỗi Tọa đàm "Khoa học vì cuộc sống" bằng phiên thảo luận đầu tiên với chủ đề "Vật liệu cho tương lai bền vững". Sự kiện nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024.

Tại phiên thảo luận đầu tiên, các chuyên gia đã tập trung nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển vật liệu và năng lượng xanh trong bối cảnh thế giới đẩy mạnh chuyển đổi xanh và thực hiện mục tiêu Net-zero. Các loại vật liệu mới được đánh giá là giải pháp đột phá, giúp tăng khả năng thu thập và lưu trữ năng lượng tái tạo, đồng thời hỗ trợ giảm phát thải carbon trong các quy trình công nghiệp. Những đổi mới này không chỉ thúc đẩy nền kinh tế xanh và tuần hoàn, mà còn tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững toàn cầu.

Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh - PGS.TS Vũ Hải Quân phát biểu tại Tọa đàm.

Phát biểu tại phiên thảo luận, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nhận định: không một quốc gia nào có thể giải quyết được các vấn đề phát triển bền vững nếu không có một tầm nhìn chung thống nhất. Hiện nay, việc nghiên cứu và phát triển các vật liệu mới cho pin mặt trời và các ứng dụng bền vững là một yếu tố cốt lõi trong việc mở rộng ứng dụng năng lượng tái tạo, từ đó đóng góp trực tiếp vào mục tiêu phát triển bền vững của thế giới. Ông nhấn mạnh, với cam kết đóng góp vào tương lai phát triển bền vững của toàn cầu, các cuộc tọa đàm của Quỹ VinFuture không chỉ là diễn đàn học thuật chia sẻ tri thức mà còn giúp định hình, là “chất xúc tác” của nhiều ý tưởng đột phá, giải pháp cốt lõi góp phần thúc đẩy phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu.

Tiềm năng phát triển vật liệu cho pin mặt trời

Các nhà khoa học thuyết trình tại Tọa đàm.

Tại Tọa đàm, GS Martin Andrew Green (Đại học New South Wales, Úc) đã trình bày bức tranh tổng thể về hướng đi của silicon trong sự phát triển của năng lượng mặt trời. Theo GS Martin Andrew Green, trong 10 năm qua, những thay đổi trong công nghệ và vật liệu chế tạo pin năng lượng mặt trời đã giúp chuyển đổi năng lượng mặt trời thành điện năng với hiệu suất cao và chi phí rất thấp. Cụ thể, giá bán pin mặt trời giảm từ 1 đô la Mỹ/1 W vào năm 2009, đến nay chỉ có giá 10 cent/W, 1 tấm panel chỉ còn 70 đô la Mỹ. Công suất đầu ra của nhà máy năng lượng có thể thay thế 10 nhà máy nhiệt than.

Báo cáo tại Tọa đàm, GS Marina Freitag (Đại học Newcastle, Vương quốc Anh) cho biết, nhu cầu năng lượng toàn cầu dự kiến sẽ tăng 25-40% vào năm 2050. Các công nghệ pin mặt trời hiện tại đang phải đối mặt với thách thức tăng hiệu suất, tối ưu hóa không gian và sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên một cách hiệu quả. Để giải quyết vấn đề này, công nghệ kết hợp vật liệu perovskite với silicon sẽ giúp giảm 80% lượng silicon cần dùng mà tạo được nhiều năng lượng hơn, thuận lợi để tự lắp đặt và tái chế hơn.  

Những bước tiến này không chỉ mở rộng khả năng tiếp cận năng lượng sạch mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường. Nghiên cứu và phát triển vật liệu mới cho pin mặt trời và các ứng dụng bền vững được xem là yếu tố then chốt, góp phần trực tiếp vào việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.

Thách thức và giải pháp cho tương lai bền vững

Các nhà khoa học tham gia thảo luận tại Tọa đàm.

Trong phần thảo luận, các chuyên gia đã đưa ra một số vấn đề cần phải chú ý trong quá trình xây dựng, phát triển vật liệu và năng lượng bền vững toàn cầu, trong đó nổi bật với 2 vấn đề chính. Đầu tiên, trong bối cảnh AI hỗ trợ đắc lực cho quá trình nghiên cứu và phát triển các vật liệu liên tiến, GS Richard Henry Friend (Đại học Cambridge, Vương quốc Anh; Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture) cho rằng, chúng ta cần có một bộ dữ liệu chung để đánh giá được các kết quả tích luỹ trong quá trình sử dụng AI để nghiên cứu về vật liệu cho tương lai bền vững. Nhất trí với ý kiến này, GS Nguyễn Thục Quyên - Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture cho rằng, một hệ thống dữ liệu tiêu chuẩn hóa là điều kiện tiên quyết để AI có thể hỗ trợ nghiên cứu và phát triển vật liệu, thúc đẩy tính bền vững.

Bên cạnh đó, tái chế là một trong những giải pháp cốt lõi nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và giảm thải rác thải, khí thải. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng, chi phí để tái chế, tái sử dụng các vật liệu này, cụ thể hơn là tái chế pin mặt trời cao hơn rất nhiều so với chi phí mua mới. Giải đáp vấn đề này, GS Nguyễn Thục Quyên cho rằng, cần có những chính sách, quy định để thúc đẩy tinh thần tự giác trong mỗi cá nhân, doanh nghiệp, biến việc tái chế trở thành trách nhiệm của cả cộng đồng.

Bắc Lê, Hằng Dương

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)