Thứ ba, 03/12/2024 17:09

Nafosted: Phát triển và nâng cao chất lượng nghiên cứu của Việt Nam

Từ khi Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN) năm 2013 có hiệu lực, việc triển khai các hoạt động của Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (Nafosted) đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận trong việc trong việc phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu KH&CN trình độ cao, nâng cao chất lượng nghiên cứu của Việt Nam. Quỹ đã khẳng định là một mô hình quản lý ngân sách dành cho KH&CN tiên tiến, tiệm cận thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia được quy định tại Điều 60 Luật KH&CN năm 2013. Theo quy định tại Nghị định số 23/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 19/2021/NĐ-CP ngày 15/03/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 23/2014/NĐ-CP, Quỹ là đơn vị sự nghiệp, trực thuộc Bộ KH&CN. Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có chức năng tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN, hỗ trợ hoạt động nâng cao năng lực KH&CN quốc gia. Hoạt động hỗ trợ, tài trợ của Quỹ là không hoàn lại. Về ngân sách hoạt động, Quỹ được ngân sách nhà nước cấp kinh phí để tài trợ, hỗ trợ, cho vay, chi hoạt động quản lý của Quỹ và được bổ sung hằng năm để bảo đảm kinh phí tài trợ, hỗ trợ hàng năm ít nhất 500 tỷ đồng. Với việc cấp kinh phí cho Quỹ bằng lệnh chi, nguồn kinh phí được cấp bổ sung kịp thời và số dư trong năm tài chính được chuyển nguồn sang năm tiếp theo, tổ chức hoạt động theo mô hình cơ quan tài trợ nghiên cứu khoa học tiên tiến tại các nước phát triển (gồm Hội đồng quản lý Quỹ, Cơ quan điều hành Quỹ, Ban Kiểm soát Quỹ và các Hội đồng khoa học) đã giúp Quỹ chủ động tổ chức tài trợ, hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ KH&CN theo các định hướng phát triển kinh tế - xã hội và Chiến lược phát triển KH&CN. Quỹ đã khẳng định là một mô hình quản lý ngân sách dành cho KH&CN tiên tiến, tiệm cận thông lệ và chuẩn mực quốc tế1.

Từ khi Luật KH&CN năm 2013 có hiệu lực, việc triển khai các hoạt động của Quỹ đã mang lại có những kết quả đáng ghi nhận, cụ thể:

Tạo lập môi trường nghiên cứu lành mạnh, thuận lợi, thu hút các nhà khoa học có năng lực thực sự cần sự hỗ trợ, tài trợ: Mô hình tổ chức và cách triển khai các chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ thuận lợi cho các nhà khoa học khi đăng ký đề nghị Quỹ tài trợ, hỗ trợ. Hầu hết các nhà khoa học thực sự có năng lực, cần sự hỗ trợ của Quỹ đăng ký tham gia các trương trình của Quỹ đều được tài trợ, hỗ trợ. Như vậy, có thể thấy tác động đầu tiên của Quỹ là sự kích thích nghiên cứu khoa học mạnh mẽ cho cá nhân các nhà khoa học cũng như các đơn vị nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, các chương trình của Quỹ cũng giúp các tổ chức KH&CN nhìn nhận, đánh giá lại lực lượng nghiên cứu của mình một cách đúng mức, vì kết quả đánh giá nghiệm thu đề tài nghiên cứu Quỹ tài trợ phản ánh trung thực năng lực chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu. Các nhà khoa học tham gia các chương trình của Quỹ đạt được kết quả xuất sắc, được Quỹ tôn vinh, ghi nhận cũng làm tăng vị thế của tổ chức KH&CN nơi nhà khoa học công tác. Các chương trình của Quỹ đã dần trở thành kênh tài trợ, hỗ trợ thường xuyên, quan trọng, giúp tạo môi trường nghiên cứu thuận lợi, nâng cao chất lượng nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản và phát triển nguồn lực trong các lĩnh vực KH&CN.

Góp tỷ trọng lớn trong số lượng, chất lượng công bố quốc tế, chỉ số trích dẫn, đóng góp trực tiếp thực hiện các mục tiêu của Chiến lược khoa học và công nghệ; giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ cấp thiết, nghiên cứu hướng ứng dụng: Trong giai đoạn 2014-2023, các chương trình tài trợ, hỗ trợ (đặc biệt là chương trình nghiên cứu cơ bản) được triển khai với phù hợp quy mô và chất lượng phát triển nguồn nhân lực KH&CN tại các trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước. Các nhiệm vụ KH&CN đã thực hiện được khối lượng lớn các sản phẩm khoa học (công trình công bố trên tạp chí khoa học trong nước và quốc tế, trình bày tại các hội nghị khoa học trong và ngoài nước, sách chuyên khảo, sáng chế…). Số lượng công bố quốc tế của Việt Nam ngày càng tăng mạnh, nâng cao rõ rệt vị trí xếp hạng của khoa học Việt Nam trên thế giới. Năm 2009, Việt Nam công bố 1.768 bài báo khoa học, xếp thứ 65 trên thế giới. Đến năm 2021, Việt Nam đã vươn lên vị trí 45, vào Top 50 thế giới với 18.551 bài báo được công bố, năm 2022 là 18.587 bài báo và năm 2023 là 19.406 bài báo. Số lượng công trình công bố quốc tế của các nhà khoa học Việt Nam tăng trung bình trên 20% mỗi năm2. Năm 2018, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan, xếp thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á (chỉ sau Singapore và Malaysia) về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII gắn với công bố khoa học quốc tế (chỉ số số lượng công bố khoa học quốc tế trên 01 tỷ đô la Mỹ tính theo sức mua tương đương).

Đến nay, phần lớn kết quả nghiên cứu cơ bản của Việt Nam đã được công bố theo thông lệ quốc tế, rất nhiều kết quả đã vượt qua các đánh giá phản biện quốc tế độc lập khắt khe, có tính cạnh tranh cao để được đăng tải trên những tạp chí khoa học uy tín nhất trên thế giới3. Điều này mở ra cơ hội cho các nhà khoa học Việt Nam có thể làm việc tại các cơ sở nghiên cứu hàng đầu của các cường quốc về KH&CN, trao đổi học thuật tại các hội thảo khoa học quốc tế uy tín ở nước ngoài và tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc tế ở Việt Nam với sự góp mặt của các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng trên thế giới.

Kết quả tài trợ của Quỹ có đóng góp quan trọng trong cải thiện bộ chỉ số đầu ra về tri thức KH&CN trong bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và bộ chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 (GCI 4.0) theo đánh giá của Tổ chức Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), góp phần thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước hằng năm.

Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ quốc gia, hình thành nhiều tập thể khoa học mạnh đạt trình độ quốc tế: Thông qua hoạt động tài trợ hằng năm (khoảng 300 nhiệm vụ KH&CN mới, hơn 12.000 lượt nhà khoa học) giúp số lượng lớn các nhà khoa học tiếp tục duy trì hoạt động nghiên cứu chuyên sâu, có chất lượng, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản. Trong chương trình nghiên cứu cơ bản do Quỹ tài trợ, trung bình mỗi đề tài có đào tạo một nghiên cứu sinh gắn với công bố quốc tế uy tín, góp phần quan trọng đưa công tác đào tạo nhân lực trình độ cao của Việt Nam đi vào thực chất, hội nhập với thế giới. Bên cạnh đó, chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực KH&CN quốc gia cũng góp phần hỗ trợ đáng kể cho các nhà khoa học, đặc biệt là nhà khoa học trẻ; hình thành 30 tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng giải quyết vấn đề trọng yếu quốc gia (các chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ hướng tới hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, giúp phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh của Viện Hàn lâm KH&CN, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội).

Công Thường

 

1Hằng năm, Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia tài trợ, hỗ trợ thực hiện khoảng 300-400 đề tài nghiên cứu cơ bản, 30-50 đề tài nghiên cứu hướng ứng dụng, 100-200 hoạt động nâng cao năng lực KH&CN quốc gia. Mỗi năm có khoảng 1.500-2.000 nhà khoa học ở 200-300 trường đại học, viện nghiên cứu được tạo điều kiện thực hiện các nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật với nhà khoa học trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu KH&CN trình độ cao, nâng cao chất lượng nghiên cứu của Việt Nam.

Sản phẩm đề tài nghiên cứu cơ bản do Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia tài trợ mỗi năm có trên 1.000 bài báo được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín thuộc danh mục Web of Science (trung bình chiếm ~50% công bố khoa học quốc tế của Việt Nam là sản phẩm các nhiệm vụ từ ngân sách nhà nước), tạo ra xu thế công bố khoa học quốc tế tại Việt Nam hơn 10 năm qua, thúc đẩy tăng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) gắn với công bố khoa học quốc tế của Việt Nam, tăng vị trí xếp hạng các trường đại học của Việt Nam trên các bảng xếp hạng đại học quốc tế.

- Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực nghiên cứu KH&CN trình độ cao: Tăng số lượng nhà khoa học có năng lực chủ trì nhiệm vụ cấp quốc gia và tương đương và có công bố khoa học quốc tế; gia tăng nguồn nhân lực nghiên cứu KH&CN tại hệ thống viện nghiên cứu - trường đại học tham gia giải quyết nhiệm vụ KH&CN tại các doanh nghiệp KH&CN tại Việt Nam (nhiều chủ nhiệm nhiệm vụ do Quỹ tài trợ đã chủ trì nhiệm vụ KH&CN của Viettel, Phenikka, Rạng Đông, VinGroup). 

- Đóng góp quan trọng trong thực hiện Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học, Chương trình phát triển vật lý đến năm 2025, Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực hóa học, khoa học sự sống, khoa học Trái đất và khoa học biển giai đoạn 2017-2025; thực hiện một số mục tiêu của Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020; Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030.

2Nguồn: Cơ sở dữ liệu Scopus.

3Tính đến thời điểm tháng 11/2022, tổng số lượt trích dẫn các bài báo quốc tế (WoS) do Quỹ tài trợ đạt 81.500 lượt, H index của các công bố quốc tế do Quỹ tài trợ là 79, số lượt trích dẫn trung bình của các công bố này khá tương đồng với các công bố quốc tế do Việt Nam tài trợ nhưng còn khiêm tốn so với các công bố quốc tế có địa chỉ Việt Nam được tài trợ từ các nguồn khác (nước ngoài hoặc không xác định).

 

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)