Về tổ chức khoa học và công nghệ
Triển khai quy định của Luật KH&CN năm 2013, Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật KH&CN năm 2013, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư số 03/2014/TT-BKHCN quy định điều kiện thành lập và đăng ký hoạt động của tổ chức KH&CN, văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức KH&CN (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 15/2023/TT-BKHCN ngày 26/07/2023).
Tính đến ngày 31/12/2023, đã có 5057 tổ chức KH&CN được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động KH&CN tại Bộ KH&CN (2036 tổ chức KH&CN công lập và 3021 tổ chức KH&CN ngoài công lập) và 2.561 số tổ chức KH&CN được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động KH&CN tại địa phương do các Sở KH&CN cấp (1.101 tổ chức KH&CN công lập và 1.460 tổ chức KH&CN ngoài công lập).
Cơ chế quản lý hoạt động của các tổ chức KH&CN được đổi mới cơ bản theo chủ trương chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và hình thành doanh nghiệp KH&CN; cho phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức KH&CN, doanh nghiệp KH&CN liên doanh hoặc 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong một số lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu; hình thành tổ chức nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp.
Đến nay, hầu hết các tổ chức KH&CN công lập đã được giao quyền tự chủ ở các mức độ khác nhau. Các tổ chức nghiên cứu cơ bản, chiến lược chính sách và cung cấp dịch vụ công tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên theo phương thức khoán và được giao quyền tự chủ trong hoạt động. Nhiều tổ chức KH&CN được chuyển đổi đã phát huy hiệu quả trong hoạt động.
Về văn phòng đại diện của tổ chức KH&CN nước ngoài tại Việt Nam, Bộ KH&CN đã cấp giấy phép thành lập cho 06 văn phòng đại diện của tổ chức KH&CN nước ngoài tại Việt Nam. Các văn phòng đại diện của tổ chức KH&CN nước ngoài tại Việt Nam đã tích cực, chủ động trong việc thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế, trong đó có việc thiết lập và tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài nhằm tranh thủ kinh nghiệm của đối tác, sự hỗ trợ về cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Về cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ
Trong thời gian qua, ngoài quy định tại Luật KH&CN năm 2013, Nghị định 08/2014/NĐ-CP còn có nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành, quy định về các chế độ, chính sách liên quan đến cá nhân hoạt động KH&CN như Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12/05/2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 27/2020/NĐ-CP ngày 01/03/2020), Thông tư số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành KH&CN… Các chính sách trọng dụng đối với nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng và nhà khoa học trẻ tài năng dựa trên những kết quả, thành tích trong hoạt động KH&CN, không phân biệt trong nước hay người Việt Nam ở nước ngoài. Cũng trên cơ sở Luật KH&CN năm 2013, Bộ KH&CN đã phối hợp với Bộ Ngoại giao xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2014/NĐCP ngày 22/9/2014 về thu hút cá nhân hoạt động KH&CN là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN tại Việt Nam. Trong năm 2020, hai Nghị định này đã được Chính phủ sửa đổi, bổ sung trên cơ sở đề xuất của Bộ KH&CN (Nghị định số 27/2020/NĐ-CP ngày 01/03/2020). Đây là những quy định pháp lý đầu tiên thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về chính sách đối với trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động KH&CN trong nước.
Những quy định về chính sách sử dụng, trọng dụng và đào tạo nhân lực KH&CN tại Luật KH&CN năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã thể hiện sự nỗ lực của Nhà nước trong việc hoàn thiện các chính sách thu hút, đãi ngộ đối với các nhà khoa học, chuyên gia tham gia vào các hoạt động KH&CN.
Tính đến năm 2021, cả nước có 187.298 người tham gia hoạt động nghiên cứu và phát triển, tập trung nhiều ở các tổ chức giáo dục đại học, chiếm 51,99%, tiếp theo là các tổ chức nghiên cứu và phát triển chiếm 17,85%. Nhân lực làm nghiên cứu và phát triển trong khu vực doanh nghiệp chiếm 15,28%. Trong đó, số lượng nghiên cứu viên chiếm 83,63% (khoảng 156.588 người), nhân lực kỹ thuật dưới 7% (khoảng 12.424 người) và nhân lực hỗ trợ dưới 10% (18286 người)1. Trong những năm qua, số lượng và trình độ của đội ngũ nhân lực nghiên cứu đã được cải thiện, tỷ lệ nhân lực nghiên cứu có trình độ trên đại học (tiến sỹ, thạc sỹ) trong tổng số nhân lực nghiên cứu đã tăng từ khoảng 50% (năm 2015) lên gần 57,6% (2021). Trong đó, tỷ lệ nhân lực có trình độ cao (tiến sỹ) tăng nhanh từ khoảng 11% lên 15,62%.
Với đội ngũ nhân lực KH&CN này, KH&CN Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể, đóng góp thiết thực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Một số lĩnh vực trong khoa học tự nhiên (toán, vật lý lý thuyết) có thứ hạng khá cao trong khu vực ASEAN2.
Bên cạnh đội ngũ nhân lực KH&CN đang làm việc trong các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp trong nước, lực lượng các nhà khoa học và chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài cũng là nguồn lực quan trọng, có nhiều tiềm năng, góp phần kết nối và thúc đẩy trao đổi kỹ năng và ý tưởng, cùng nhau sáng tạo vì mục tiêu phát triển chung của đất nước.
Về hạ tầng khoa học và công nghệ
Xây dựng cơ sở hạ tầng KH&CN được quy định từ Điều 66 đến Điều 68 Luật KH&CN năm 2013. Thực hiện Quyết định số 317/QĐ-TTg ngày của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao năng lực của trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến nay có 53/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phê duyệt đầu tư 167 dự án, trong đó, 88 dự án đầu tư xây dựng mới trụ sở, nhà xưởng, phòng thí nghiệm, trại thực nghiệm và các trang thiết bị kỹ thuật, 25 dự án nâng cấp, sửa chữa trụ sở làm việc, khu, trạm thực nghiệm; 54 dự án tăng cường trang thiết bị, máy móc với tổng kinh phí được phê duyệt 3.956,51 tỷ đồng.
Mô hình thí nghiệm Công trình Chà Rang - Khánh Hòa do Phòng Thí nghiệm trọng điểm quốc gia về động lực học sông biển thực hiện.
Thông tin, thống kê KH&CN đã và đang được nhìn nhận là một trong những yếu tố hàng đầu phục vụ phát triển kinh tế tri thức. Trong điều kiện cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với quy mô rộng lớn, KH&CN ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp của xã hội thì thông tin KH&CN đang trở thành nguồn lực quan trọng không thể thiếu trong xã hội hiện đại. Hiện nay, hành lang pháp lý về thông tin, thống kê KH&CN đã tương đối đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động này và phục vụ quản lý nhà nước. Hoạt động thông tin, thống kê KH&CN đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình quản lý, chỉ đạo, điều hành, hoạch định chính sách, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tăng cường tiềm lực KH&CN, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Vai trò, vị trí của thông tin, thống kê KH&CN đã từng bước được khẳng định, nhiều nội dung đã được thể hiện trong các văn bản quan trọng của Đảng, Nhà nước, cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật. Mạng lưới tổ chức hoạt động thông tin, thống kê KH&CN đã có sự gắn kết trong quá trình triển khai. Công tác phục vụ thông tin, đặc biệt là phục vụ hoạt động lãnh đạo, nghiên cứu và đào tạo, doanh nghiệp tiếp tục được chú trọng; nâng cao chất lượng cả về nội dung và hình thức.
Về đầu tư, tài chính phục vụ phát triển khoa học và công nghệ
Trong thời gian qua, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về KH&CN đã góp phần huy động nguồn lực cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy sự phát triển đồng bộ các lĩnh vực KH&CN phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; đưa nội dung khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn bó chặt chẽ và phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.
Về phân bổ và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước: Hiện nay, cơ chế quản lý tài chính đối với phân bổ, sử dụng chi sự nghiệp KH&CN được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), Luật KH&CN, Điều 14 Nghị định số 95/2014/NĐ-CP và các Thông tư liên tịch giữa Bộ KH&CN và Bộ Tài chính và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên đã tương đối đầy đủ, tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý tài chính cho hoạt động KH&CN.
Việc xác định và phê duyệt nhiệm vụ KH&CN được thực hiện trên cơ sở dự toán nguồn NSNN được phê duyệt và các nguồn kinh phí khác cân đối cho việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN trong năm kế hoạch và các năm tiếp theo tương ứng với thời gian thực hiện nhiệm vụ KH&CN.
Cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng và khoán chi từng phần đối với nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN được thực hiện theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Nghị định số 95/2014/NĐ-CP, được cụ thể hóa tại Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC. Nội dung khoán chi tại Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC được thực hiện theo tinh thần quản lý thực hiện nhiệm vụ KH&CN dựa vào hiệu quả hoạt động và kết quả đầu ra.
Về cơ bản, các tổ chức được giao kinh phí thực hiện các nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN đã sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn kinh phí vào mục đích nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Công tác thanh quyết toán kinh phí đầy đủ, kịp thời, đúng chế độ. Công tác quản lý việc sử dụng kinh phí cơ bản chặt chẽ, đúng chế độ, chính sách quy định. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ việc báo cáo theo yêu cầu của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có liên quan đảm bảo chất lượng và tiến độ yêu cầu.
Việc phân bổ giao dự toán NSNN, quản lý và sử dụng kinh phí chi sự nghiệp KH&CN đảm bảo nguồn lực thực hiện đầy đủ, kịp thời các hoạt động KH&CN, cơ bản đáp ứng yêu cầu hoạt động của ngành KH&CN.
Kinh phí sự nghiệp khoa học địa phương: Qua số liệu tổng hợp, thực tế kiểm tra, khảo sát tại một số địa phương có thể nhận thấy, trong điều kiện kinh tế, NSNN còn khó khăn nhưng các địa phương luôn quan tâm đầu tư cho hoạt động KH&CN, trong đó nguồn ngân sách sự nghiệp chi cho KH&CN được nhiều địa phương bố trí cao hơn số Trung ương giao. Hầu hết các địa phương đều sử dụng hết số kinh phí được UBND tỉnh/thành phố phê duyệt.
Theo báo cáo, các địa phương dành 60-70% kinh phí sự nghiệp KH&CN cho công tác nghiên cứu, ứng dụng. Với chủ trương hoạt động nghiên cứu triển khai phải tập trung theo hướng ứng dụng là chính, do đó các địa phương đã rất chú trọng công tác này, đặc biệt đối với các kết quả có khả năng thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có thế mạnh của địa phương và của vùng3.
1Nguồn: Cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN.
2Xếp hạng một số lĩnh vực nghiên cứu cơ bản của Việt Nam (Toán học: thứ hai ASEAN; vật lý lý thuyết: thứ ba ASEAN; toán tối ưu: 19 thế giới và đứng đầu khu vực ASEAN.). Nguồn: Nhà xuất bản Elsevier.
3Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Bộ KH&CN năm 2024.