4 công trình đoạt giải đã xuất sắc vượt qua gần 1.500 đề cử đến từ hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Với phạm vi bao quát các lĩnh vực cốt lõi như khoa học máy tính, y tế công cộng và sức khỏe toàn cầu, khoa học vật liệu và y học tái tạo, các công trình đều là những sáng kiến đột phá, không chỉ mang đến giải pháp cho các thách thức chung toàn cầu mà còn góp phần định hình tương lai của nhân loại.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại Lễ trao giải.
Phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Giải thưởng VinFuture 2024 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục vinh danh các công trình nghiên cứu mang tính đột phá, có tác động sâu rộng, giúp nhân loại vượt qua khó khăn và chạm tới những đỉnh cao mới. Thủ tướng đánh giá cao và cảm ơn 2 nhà sáng lập Giải thưởng là ông Phạm Nhật Vượng và phu nhân Phạm Thu Hương vì đã hình thành, phát triển và khẳng định tầm vóc quốc tế của Quỹ VinFuture.
Thủ tướng cho biết thêm, Đảng và Nhà nước Việt Nam tin tưởng rằng, Giải thưởng VinFuture sẽ tiếp tục tạo động lực, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các nhà khoa học, doanh nhân, nhất là đối với thế hệ trẻ Việt Nam sự nhiệt huyết, khát vọng, ý chí vươn lên và sự kiên trì, bền bỉ để hiện thực hóa những ước mơ, hoài bão. Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm đến khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đây là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, là ưu tiên hàng đầu và là quốc sách để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Giải thưởng Chính VinFuture 2024
Giải thưởng Chính VinFuture 2024 đã được trao cho 5 nhà khoa học: GS Yoshua Bengio (Đại học Montreal, Canada), GS Geoffrey E. Hinton (Viện Vector, Canada), ông Jen-Hsun Huang (Tập đoàn Nvidia, Mỹ), GS Yann LeCun (Tập đoàn Nền tảng Meta và Đại học New York, Mỹ) và GS Fei-Fei Li (Đại học Stanford, Mỹ) vì những đóng góp đột phá để thúc đẩy sự tiến bộ của học sâu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Giải thưởng Chính VinFuture 2024 cho các nhà khoa học: GS Yoshua Bengio (ngoài cùng bên trái), GS Yann LeCun (ngoài cùng bên phải) và ông Jen-Hsun Huang (thứ 2 từ phải vào).
Những tiến bộ trong học sâu đã mở ra một kỷ nguyên đột phá cho những đổi mới sáng tạo về công nghệ, nhờ đó máy móc có thể “học” từ lượng dữ liệu khổng lồ và đạt được độ chính xác đáng kinh ngạc trong các tác vụ như nhận diện hình ảnh, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và đưa ra quyết định.
Thành tựu này có được là nhờ những đóng góp mang tính cách mạng cho mạng nơ-ron và các thuật toán học sâu của GS Geoff E. Hinton, GS Yann LeCun và GS Yoshua Bengio. Trong đó, ông Jen-Hsun Huang là người tiên phong trong việc phát triển các nền tảng điện toán tăng tốc, thúc đẩy sự bùng nổ của kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI) hiện đại. Việc GS Fei-Fei Li tạo ra tập dữ liệu ImageNet cũng đã thúc đẩy sự tiến bộ trong hệ thống nhận diện hình ảnh, giúp huấn luyện các mô hình học sâu ở quy mô lớn.
Giải Đặc biệt VinFuture 2024 dành cho Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới
Giải Đặc biệt VinFuture 2024 dành cho Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới đã được trao cho GS Zelig Eshhar (Viện Khoa học Weizmann và Trung tâm Y tế Tel Aviv Sourasky, Israel), GS Carl H. June (Đại học Pennsylvania, Mỹ) và GS Michel Sadelain (Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering, Mỹ) vì sự phát triển liệu pháp tế bào CAR-T để điều trị ung thư và các bệnh khác.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trao Giải Đặc biệt VinFuture 2024 dành cho Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới: GS Michel Sadelain (ngoài cùng bên trái), GS Carl H. June (thứ 2 từ trái sang) và bà Sharon Eshhar (con gái của GS Zelig Eshhar, thứ 3 từ trái sang).
Nghiên cứu đột phá của các nhà khoa học đã cách mạng hóa phương pháp điều trị ung thư bằng cách phát triển liệu pháp tế bào CAR-T, từ đó cứu sống rất nhiều bệnh nhân và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm sinh học. Sự đổi mới này mang lại hy vọng cho các ứng dụng mới trong y học và mang lại các phương pháp điều trị với chi phí hợp lý cho người dân trên toàn thế giới.
Nhờ kết quả của công trình tiên phong của ba nhà khoa học, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt cho liệu pháp tế bào CAR-T đầu tiên vào năm 2017 để điều trị bệnh bạch cầu lympho cấp tính ở trẻ em và thanh thiếu niên. Hiện nay, liệu pháp này đang được xem xét áp dụng trong chăm sóc lâm sàng trên thế giới. Đến nay, đã có 6 liệu pháp tế bào CAR-T được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ phê duyệt để điều trị bệnh ung thư máu, với tỷ lệ đáp ứng điều trị từ 60-90%, giúp cứu sống hàng nghìn bệnh nhân mỗi năm.
Giải Đặc biệt VinFuture 2024 dành cho Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển
Giải thưởng này đã vinh danh TS Firdausi Qadri (Trung tâm Nghiên cứu bệnh Tả Quốc tế, Bangladesh) với công trình "Đổi mới cải tiến vaccine dạng uống ngừa bệnh tả ở các nước đang phát triển".
GS Nguyễn Thục Quyên - Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture trao Giải Đặc biệt VinFuture 2024 cho TS Firdausi Qadri.
Các nghiên cứu lâm sàng quy mô lớn sử dụng một chủng vaccine sống giảm động lực của Việt Nam đã giúp các nhà khoa học Bangladesh tối ưu và phổ cập thành công 2 loại vaccine phòng bệnh tả dạng uống có tên là Shanchol và Cholvax. Chỉ với 1 liều vaccine uống duy nhất, có thể giúp tăng khả năng chống lại bệnh tả lên tới 65% trong 2 năm đầu.
Vaccine dạng uống giúp việc vận chuyển, lưu trữ và sử dụng dễ dàng, thuận tiện hơn, đặc biệt tại các vùng xa xôi, điều kiện kinh tế khó khăn, nơi việc bảo quản lạnh gần như không thực hiện được. Quan trọng hơn, tại Bangladesh, giá của 2 loại vaccine dạng uống này đều rất hợp lý, dao động từ 4-9 đô la Mỹ 1 liều, rẻ hơn gần 5 lần so với loại vaccine khác trên thị trường. Việc dự phòng sớm để kiểm soát dịch tả giúp tăng cường an ninh y tế và ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh trên toàn cầu.
Giải Đặc biệt VinFuture 2024 dành cho Nhà khoa học Nữ
GS Kristi S. Anseth (Đại học Colorado Boulder, Mỹ) được trao Giải Đặc biệt VinFuture 2024 dành cho Nhà khoa học Nữ vì những tiến bộ trong thiết kế vật liệu polymer và các phương pháp cho ứng dụng y sinh.
Giáo sư Richard Henry Friend - Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture trao Giải Đặc biệt VinFuture 2024 cho GS Kristi S. Anseth.
GS Kristi Anseth đã tiên phong phát triển các hệ thống nuôi cấy tế bào dựa trên vật liệu sinh học để giải mã các tín hiệu của chất nền ngoại bào (ECM) trong quá trình điều hòa sự phát triển, duy trì và tái tạo mô. Bằng việc nghiên cứu cách các tế bào trao đổi thông tin với ECM, GS Kristi Anseth đã thiết kế các vật liệu sinh học có khả năng tái tạo mô, điều trị các trạng thái bệnh lý, cũng như sàng lọc thuốc. Bà đã kết hợp sinh học phân tử và tế bào với kỹ thuật và toán học để tạo ra các vật liệu sinh học mới thay thế mô, có khả năng phục hồi, duy trì hoặc cải thiện chức năng của mô.
Chia sẻ về kết quả của Giải thưởng VinFuture 2024, GS Richard Henry Friend - Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture cho biết: Tất cả chủ nhân của Giải thưởng năm nay đều đã tạo nên những tiến bộ làm thay đổi thế giới, mang đến những công cụ mới vô cùng mạnh mẽ. Tầm nhìn của những nhà sáng lập Giải thưởng VinFuture đặt ra - tôn vinh tiềm năng tác động của những khám phá và phát kiến khoa học để mang đến lợi ích thiết thực cho cuộc sống nhân loại đã được minh chứng rõ nét qua các công trình đoạt giải năm nay.
Bắc Lê