Thứ tư, 10/01/2018 14:00

Quảng Ninh: Lấy doanh nghiệp làm hạt nhân trong ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp KH&CN

Xác định được vai trò quan trọng của ươm tạo công nghệ và sự phát triển tất yếu của các doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN), tỉnh Quảng Ninh đã có những động thái tích cực và quyết liệt nhằm đẩy mạnh các hoạt động này kể từ năm 2017. Đây sẽ là những trung tâm ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp KH&CN đầu tiên của Quảng Ninh hoạt động theo mô hình tổ chức KH&CN ngoài công lập, do doanh nghiệp vận hành và quản lý theo cơ chế tự chủ, hứa hẹn nhiều sự đổi mới công nghệ và xã hội hóa KH&CN trong những năm tới.

Đặt vấn đề

Trong những năm qua, hoạt động KH&CN của tỉnh Quảng Ninh đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh quan tâm và đã có những đóng góp cụ thể cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển, KH&CN tỉnh Quảng Ninh vẫn còn nhiều bất cập cần giải quyết, đặc biệt là vấn đề kinh phí và tổ chức KH&CN. Hàng năm, kinh phí đầu tư cho KH&CN của tỉnh mới chỉ đạt 0,5-0,6% giá trị tổng sản phẩm của tỉnh và chủ yếu là từ ngân sách tỉnh, chưa huy động được nguồn vốn của doanh nghiệp vào KH&CN. Việc phân bổ kinh phí chủ yếu cho hoạt động nghiên cứu, chưa chú trọng đến hỗ trợ đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp, kinh phí hỗ trợ thấp, chưa mở ra diện rộng nên chưa đủ kích thích nhiều doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để có thể tạo bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Mặt khác, các tổ chức KH&CN của tỉnh tuy đã được đầu tư và mở rộng hơn so với trước đây nhưng vẫn trong tình trạng thiếu và yếu (chưa có trung tâm, viện nghiên cứu mạnh; các trường đại học không tiến hành nghiên cứu, phổ biến, chuyển giao công nghệ; chưa có nhiều doanh nghiệp có bộ phận nghiên cứu - triển khai). Nhân lực KH&CN còn ít, thiếu cán bộ đủ năng lực làm việc tại các tổ chức KH&CN; cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho hoạt động KH&CN còn hạn chế... Có thể nói, tỉnh chưa hỗ trợ được nhiều cho hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp cũng như chưa thành lập được doanh nghiệp KH&CN.

Mở đường cho những doanh nghiệp KH&CN đầu tiên của tỉnh

Xác định được tầm quan trọng của các doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, gần đây tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm hỗ trợ các hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp cũng như hình thành các doanh nghiệp KH&CN của tỉnh. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 3079/QĐ-UBND ngày 09/8/2017 về việc phê duyệt Đề án Xây dựng Trung tâm Ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp KH&CN tỉnh Quảng Ninh (do Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc là đơn vị tư vấn cho tỉnh) và Kế hoạch số 56/KH-UBND ngày 24/10/2017 về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017-2020. Đây cũng chính những nội dung quan trọng nhằm cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 13/3/2017 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển KH&CN đến năm 2020.

Mục tiêu của Đề án Xây dựng Trung tâm Ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp KH&CN tỉnh Quảng Ninh là nhằm tạo lập và thúc đẩy quá trình thương mại hóa các công trình nghiên cứu khoa học bằng cách tập trung và nuôi dưỡng những ý tưởng công nghệ có nhiều cơ hội thành công nhất trên thị trường; cung cấp các dịch vụ tư vấn và đào tạo khởi nghiệp, giúp tạo nên các doanh nghiệp KH&CN sản xuất sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao nhờ phát triển công nghệ và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Tỉnh cũng xác định đến năm 2020 chỉ ưu tiên các lĩnh vực mà tỉnh đang chỉ đạo phát triển trong những năm tới cũng như khả năng thực tế của các doanh nghiệp, đồng thời gắn với địa chỉ cụ thể các đơn vị, doanh nghiệp đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ và nguồn nhân lực, nhiệt tình tham gia chương trình để thành lập các trung tâm ươm tạo công nghệ theo các lĩnh vực đã định hướng.

Với quan điểm lấy doanh nghiệp làm hạt nhân trong ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp KH&CN (các trung tâm ươm tạo do doanh nghiệp thành lập và quản lý điều hành), tỉnh đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 ưu tiên hình thành 2 trung tâm ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp KH&CN trong 2 lĩnh vực có tiềm năng là dược liệu và gốm sứ. Dưới đây xin điểm qua đôi nét về tiềm lực và nội dung nhiệm vụ ươm tạo công nghệ và thành lập doanh nghiệp KH&CN của 2 đơn vị này, được bắt đầu triển khai thực hiện từ tháng 11/2017.

Trung tâm Ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp KH&CN gốm sứ mỹ nghệ tỉnh Quảng Ninh

Nghề gốm sứ tại Quảng Ninh mặc dù còn rất non trẻ so với các làng nghề gốm sứ truyền thống của các địa phương khác, tuy nhiên lại rất có tiềm năng phát triển và hiện đang được nhân rộng. Đến nay, trên địa bàn đã có 10 doanh nghiệp với khoảng trên 50 lò gốm đang hoạt động, thu hút được gần 1.500 lao động địa phương. Khách hàng nước ngoài đánh giá rất cao chất lượng hàng sứ của Đông Triều, Quảng Ninh. Các mặt hàng sứ, đặc biệt là các sản phẩm trang trí nội thất đã được xuất khẩu sang rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới như Hàn Quốc, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Đài Loan, Canada… Do đó, việc kết hợp mục tiêu hỗ trợ phát triển công nghệ và doanh nghiệp KH&CN trong lĩnh vực sản xuất gốm sứ mỹ nghệ tỉnh Quảng Ninh thông qua xây dựng một trung tâm ươm tạo công nghệ gốm sứ mỹ nghệ cho tỉnh là hết sức cần thiết và phù hợp với điều kiện thực tế.

Chi nhánh Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh là đơn vị chuyên ngành về sản xuất và kinh doanh gốm sứ được thành lập từ năm 2001. Với mong muốn góp phần thúc đẩy phát triển ngành nghề gốm sứ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ngày càng bền vững, dựa trên nền tảng KH&CN để có được sản phẩm gốm đạt chất lượng và giá trị cao, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, Chi nhánh đã quyết định dành một phần quỹ đất của mình để đầu tư, xây dựng Trung tâm Ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp KH&CN gốm sứ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Trung tâm sẽ do doanh nghiệp đầu tư, quản lý và vận hành hoạt động. Hiện nay, các hoạt động đầu tiên xúc tiến việc thành lập Trung tâm đã được thực hiện, như: Đầu tư, trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật (mặt bằng, phòng thí nghiệm, trang thiết bị dùng chung cần thiết phục vụ hoạt động ươm tạo, cơ sở dữ liệu…); nghiên cứu xây dựng trang thông tin điện tử phục vụ quảng bá, marketing cho các sản phẩm và doanh nghiệp ươm tạo tại Trung tâm; đào tạo nhân lực phục vụ hoạt động quản lý, điều hành của Trung tâm về các kỹ năng ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, quản trị doanh nghiệp, tư vấn đầu tư, tài chính.

Trung tâm Ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp KH&CN dược tỉnh Quảng Ninh

Quảng Ninh là một trong 8 vùng dược liệu trọng điểm của cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2013 về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Nguồn tài nguyên dược liệu của Quảng Ninh vô cùng phong phú, từ dược liệu vùng núi thấp, núi cao cho đến vùng đồng bằng, cửa sông, vùng triều, thềm lục địa, hải đảo... Trong đó, có nhiều loài đặc hữu hoặc có chất lượng độc đáo, có giá trị chăm sóc sức khỏe và chữa trị bệnh cao như Trà hoa vàng, Ba kích, Cát sâm, Quế, Hồi... Ngày 13/4/2017, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành Quyết định số 1105/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Quảng Ninh. Do đó, việc kết hợp mục tiêu hỗ trợ phát triển công nghệ và doanh nghiệp KH&CN trong lĩnh vực dược liệu tỉnh Quảng Ninh thông qua việc xây dựng Trung tâm Ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp KH&CN dược tỉnh Quảng Ninh sẽ đáp ứng được nhu cầu thực tiễn và phù hợp với đặc thù của tỉnh. Trong số các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dược ở Quảng Ninh, nổi bật là Công ty cổ phần Dược vật tư y tế Quảng Ninh có đủ các tiêu chí và có nhu cầu, mong muốn ươm tạo công nghệ, trở thành doanh nghiệp KH&CN như định hướng của tỉnh. Do vậy, Trung tâm Ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp KH&CN dược tỉnh Quảng Ninh đã được thành lập trực thuộc Công ty cổ phần Dược vật tư y tế Quảng Ninh, hoạt động theo mô hình tổ chức KH&CN ngoài công lập, do doanh nghiệp đầu tư, quản lý và vận hành hoạt động. Hiện nay, bên cạnh các hoạt động đầu tư về trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật cho Trung tâm vận hành, các hoạt động nghiên cứu, khảo sát học hỏi kinh nghiệm của các tổ chức ươm tạo công nghệ, doanh nghiệp KH&CN khác ở trong cả nước cũng đang được thực hiện để có thể áp dụng một cách phù hợp vào hoạt động của Trung tâm… Đây là nhiệm vụ có tính đặc thù, tuy nhiên, khả năng duy trì và mở rộng quy mô của Trung tâm là hoàn toàn khả thi.

Hướng tới tương lai

Với quan điểm lấy doanh nghiệp làm hạt nhân trong việc ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp KH&CN, Đề án Xây dựng Trung tâm ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp KH&CN tỉnh Quảng Ninh được thực hiện nhằm tạo lập sự liên kết giữa các cơ sở nghiên cứu, phát triển công nghệ với các nhà đầu tư; thúc đẩy quá trình thương mại hóa các công trình nghiên cứu khoa học bằng cách tập trung và nuôi dưỡng những ý tưởng công nghệ có nhiều cơ hội thành công nhất trên thị trường. Hiện tại, tỉnh Quảng Ninh đã xác định: Từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 chỉ ưu tiên phát triển xây dựng Trung tâm Ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp KH&CN ở các lĩnh vực: Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị, sản xuất dược, sản xuất gốm sứ, công nghệ thông tin. Đặc biệt, trong lĩnh vực dược liệu và chế biến dược liệu, sẽ hỗ trợ ươm tạo, hoàn thiện hoặc đổi mới từ 2-3 sản phẩm mới/năm; ươm tạo 3-5 doanh nghiệp KH&CN mới, trong đó chú trọng phát triển, nâng tầm các bài thuốc dân gian, gia truyền độc đáo thành các sản phẩm có đủ điều kiện để thương mại hóa trên thị trường trong và ngoài nước. Đối với lĩnh vực thủ công mỹ nghệ - gốm sứ, sẽ hỗ trợ ươm tạo, hoàn thiện hoặc đổi mới 3-4 sản phẩm mới/năm; ươm tạo 3-5 doanh nghiệp KH&CN gốm sứ mới.

Tuy nhiên, lĩnh vực ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp KH&CN đang là nội dung khá mới, hiện chưa có nhiều đơn vị triển khai, đặc biệt, việc hình thành các vườn ươm chủ yếu là do các đơn vị sự nghiệp công lập và hoạt động phụ thuộc hoàn toàn vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Quảng Ninh là một trong số ít địa phương đầu tiên trong cả nước đưa ra quan điểm hình thành mô hình này tại doanh nghiệp ngoài công lập. Do vậy, trong khi thực hiện rất cần có sự tham gia của các viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà khoa học, nhà quản lý có chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn, giúp thúc đẩy việc hình thành mô hình Trung tâm ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp KH&CN tại Quảng Ninh.

GT

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)