Thứ tư, 10/07/2019 13:19

Quỹ phi lợi nhuận: Nguồn vốn cho khởi nghiệp chưa được khai phá?

Phan Hoàng Lan, Vũ Hải Anh

 

Bộ Khoa học và Công nghệ

 

Nguồn vốn từ quỹ phi lợi nhuận đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực y, dược, nông nghiệp công nghệ cao, môi trường…, những lĩnh vực tốn nhiều tiền đầu tư nhưng cần thời gian dài chờ đợi kết quả, cũng như sự ảnh hưởng đến xã hội mà các nhà đầu tư vì lợi nhuận thông thường ít quan tâm đến. Tuy nhiên ở Việt Nam, nguồn vốn này hầu như chưa được “khai phá”. Bài viết giới thiệu về loại hình quỹ phi lợi nhuận và nêu những đề xuất cụ thể cho Việt Nam.

Quỹ phi lợi nhuận là gì?

Trên thực tế, chưa có một định nghĩa thống nhất về quỹ phi lợi nhuận. Mỗi cơ quan, tổ chức hay chính bản thân các đơn vị hoạt động dưới hình thức quỹ này lại có một định nghĩa riêng cho nó. Tại Hoa Kỳ, Hội đồng quỹ phi lợi nhuận (Council of Foundations - CoF) - một hiệp hội lãnh đạo các quỹ tài trợ (grantmaking foundations) được thành lập từ năm 1941 - định nghĩa quỹ phi lợi nhuận là một loại tổ chức hỗ trợ các hoạt động từ thiện bằng việc cung cấp các khoản tài trợ cho các tổ chức và thiết chế khác nhau hoặc cho các cá nhân vì mục đích khoa học, giáo dục, văn hóa, tôn giáo, và các mục tiêu từ thiện khác[1]. CoF phân chia các quỹ này thành hai loại là quỹ tư nhân (private foundations)quỹ từ thiện (public charity). Nguồn tài chính của các quỹ tư nhân thường đến từ những nguồn nhỏ hoặc từ một nguồn, như tiền tài trợ của một cá nhân, một gia đình, hay một doanh nghiệp; còn các quỹ từ thiện thường bao gồm nhiều và đa dạng các tổ chức từ thiện, từ bệnh viện, trường học, nhà thờ, cho đến các nhà tài trợ cho tổ chức, cá nhân khác.

Tại Việt Nam, Nghị định số 30/2012/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện (Nghị định 30) của Chính phủ thừa nhận hai loại quỹ là quỹ từ thiệnquỹ xã hội, và định nghĩa các quỹ này là “tổ chức phi chính phủ do cá nhân, tổ chức tự nguyện dành một khoản tài sản nhất định để thành lập hoặc thành lập thông qua hợp đồng, hiến tặng, di chúc; có mục đích tổ chức, hoạt động theo quy định tại Điều 2 Nghị định này, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập, công nhận điều lệ”. Theo đó, quỹ từ thiện hoạt động với mục đích chính nhằm hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và các đối tượng khác thuộc diện khó khăn cần sự trợ giúp của xã hội, không vì mục đích lợi nhuận; quỹ xã hội được tổ chức, hoạt động với mục đích chính nhằm hỗ trợ và khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, khoa học và các mục đích phát triển cộng đồng, không vì mục đích lợi nhuận.

Tựu chung lại quỹ phi lợi nhuận hay quỹ từ thiện, quỹ xã hội (gọi chung là quỹ phi lợi nhuận) là một hình thức pháp nhân độc lập, có con dấu, tài khoản riêng; cung cấp khoản tiền tài trợ hoặc các hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân khác hoặc cung cấp kinh phí cho mục đích từ thiện.

Quỹ phi lợi nhuận có thể được điều hành bởi một tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp như một dạng quỹ cộng đồng hoặc dưới hình thức quỹ cá nhân, thường được tài trợ bởi một cá nhân, hoặc một gia đình.

Sử dụng quỹ phi lợi nhuận đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo

Không chỉ được sử dụng cho các mục tiêu vì cộng đồng hay nhân đạo, các quỹ phi lợi nhuận cũng là một nguồn tài chính tiềm năng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Việc sử dụng các quỹ phi lợi nhuận để đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo xuất phát từ tư duy và nhận thức rằng nếu như tiền bạc được sử dụng đúng cách và bền vững thì không những chúng có thể phát triển các doanh nghiệp, mà còn có thể giải quyết các vấn đề xã hội và vấn đề môi trường sinh thái[2]. Năm 2000, Quỹ Cystic Fibrosis Foundation - CFF (Mỹ) bắt đầu rót tiền vào một công ty công nghệ sinh học nhỏ tên là Aurora Bioscatics (nay là Vertex Cosmetics) với mong muốn công ty có thể tìm ra một loại thuốc có thể góp phần sửa chữa các khuyết điểm di truyền cốt lõi ở người mắc bệnh xơ nang[3]. Số tiền đầu tư của CFF lên tới 40 triệu USD và được coi là một “canh bạc” lớn không có gì đảm bảo. Đầu năm 2012, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt loại thuốc đầu tiên để giải quyết nguyên nhân cơ bản của bệnh xơ nang do Aurora Bioscatics sản xuất tên là Kalydeco. Khoản đầu tư của CFF vào Aurora Bioscatics đã được đền đáp. Năm 2014, Quỹ đã bán bản quyền các phương pháp điều trị xơ nang do Aurora Bioscatics phát triển với giá 3,3 tỷ USD. Hiện nay CFF vẫn đang tài trợ cho các chương trình nghiên cứu của các công ty dược phẩm sinh học hàng đầu thế giới: Pfizer, Genzyme, Editas và Corbus. Tổng cộng, Quỹ đã đầu tư 425 triệu USD như là một phần của mô hình từ thiện mạo hiểm của mình để đẩy nhanh quá trình phát triển thuốc điều trị bệnh xơ nang[4]. Nhiều quỹ phi lợi nhuận khác cũng làm như CFF: thay vì chỉ đầu tư theo các kênh truyền thống, thì nay, có thể đầu tư cho các công ty khởi nghiệp.

Bill & Melinda Gates Foundation - quỹ từ thiện lớn nhất thế giới do vợ chồng tỷ phú Bill Gates sáng lập - đã bắt đầu triển khai và phát triển các hoạt động đầu tư kể từ khi bắt đầu thành lập năm 2009. Theo đó, giá trị đầu tư này đã tăng từ 400 triệu USD lên 1,5 tỷ USD. Các hoạt động đầu tư của Quỹ tập trung vào các doanh nghiệp liên quan đến sinh học, y học, dược phẩm... Vào năm 2015, Quỹ này đã đầu tư 52 triệu USD vào một công ty công nghệ sinh học của Đức tên là CureVac. Năm 2014, Michael J. Fox Foundation (Quỹ do diễn viên Mỹ Michael J Fox sáng lập nhằm chống lại căn bệnh parkinson) đã rót 17 triệu USD vào một công ty dược đang nghiên cứu phương pháp chữa bệnh parkinson. Các quỹ này đều thu lại hàng triệu USD với khoản đầu tư của mình. Tuy nhiên, các quỹ đều cho rằng lợi nhuận họ nhận lại không nhiều, thậm chí là không đáng kể, vì mục tiêu của họ là đẩy được các sản phẩm, dịch vụ sáng tạo có ý nghĩa xã hội ra thị trường nhanh hơn. Đổi lại, các quỹ nắm giữ cổ phần, quyền phân chia doanh số trong tương lai của các công ty dược mà họ đầu tư, hoặc yêu cầu được trả lợi tức khi các sản phẩm sáng tạo, công nghệ của doanh nghiệp khởi nghiệp đạt đến một mốc doanh thu nhất định[5].

Kể từ năm 1969, Chính phủ Mỹ đã có những ưu đãi thuế dành cho các quỹ phi lợi nhuận để cho phép chúng sử dụng những ưu thế về thuế của mình cho hoạt động đầu tư. Nhưng mãi đến năm 2012, Bộ Ngân khố Mỹ mới hoàn thiện quy định về hoạt động đầu tư của các quỹ tư nhân. Theo đó, các quỹ tư nhân được phép thực hiện các khoản đầu tư liên quan đến mục tiêu của chương trình (Program-Related Investments - PRIs) bao gồm: cho vay, bảo lãnh vay, hoặc đầu tư chiếm cổ phần, để thực hiện và thúc đẩy các mục tiêu của quỹ mà không nhận lại lợi nhuận về mặt tài chính[6]. Theo hướng dẫn năm 2012 của Bộ Ngân khố, thì các quỹ phi lợi nhuận bị cấm đầu tư mạo hiểm (quy định tại Điều 4944(a) của Bộ luật thuế vụ[7]). Tuy nhiên, trong hướng dẫn sửa đổi năm 2016, Bộ Ngân khố đã mở rộng định nghĩa về các khoản đầu tư của quỹ. Theo đó, các quỹ có thể đầu tư vào các lĩnh vực rộng hơn, trong đó có cả đầu tư cho các doanh nghiệp mới, khởi nghiệp. Quy định mới này khuyến khích các quỹ đầu tư vào các hoạt động đổi mới sáng tạo mà không cần lo vi phạm quy định về đầu tư mạo hiểm. 

Đối với Việt Nam, quỹ phi lợi nhuận đầu tiên đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo là Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (Startup Vietnam Foundation - SVF), đây là một quỹ xã hội hóa và phi lợi nhuận, ra đời nhằm hỗ trợ các hoạt động phát triển khởi nghiệp. Quỹ đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao với mục tiêu nâng tầm giá trị công nghệ Việt Nam. SVF huy động vốn từ các thành viên góp vốn, các tổ chức, cá nhân trong xã hội…, đặc biệt là các tổ chức nước ngoài, tổ chức phi chính phủ. Ngoài ra, SVF còn góp phần tích cực trong việc phát triển hệ sinh thái cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam, kết nối cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp (Start-ups), Hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp (Business Acceelerator) và các Quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital)[8].

Một số đề xuất cho Việt Nam

Theo xu hướng trên thế giới, nguồn vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm[9] vẫn là nguồn vốn quan trọng đối với startup. Tuy nhiên, nguồn vốn từ đầu tư mạo hiểm cũng ngày càng cạnh tranh hơn, khi số lượng các quỹ đầu tư mạo hiểm có giới hạn mà nhu cầu về vốn của startup thì ngày càng tăng. Do đó, nguồn vốn từ quỹ phi lợi nhuận có khả năng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực y, dược, nông nghiệp công nghệ cao, môi trường… những lĩnh vực cần nhiều tiền đầu tư nhưng cần thời gian dài chờ đợi kết quả và sự quan tâm đến ảnh hưởng xã hội mà nhà các nhà đầu tư vì lợi nhuận thông thường không có được. Với các thế mạnh của quỹ phi lợi nhuận dành cho khởi nghiệp, rõ ràng cần có cơ chế cụ thể để khuyến khích hình thành nhiều hơn các quỹ như vậy.

Trước hết, hình thức quỹ phi lợi nhuận tài trợ, đầu tư cho khởi nghiệp cần được ghi nhận trong các văn bản quy phạm pháp luật. Hiện nay, chúng ta mới chỉ có Nghị định 30 quy định về việc sử dụng quỹ phi lợi nhuận cho các hoạt động xã hội, nhân đạo, mà chưa có quy định nào khác nói về việc sử dụng quỹ phi lợi nhuận để đầu tư cho khởi nghiệp, chưa có một cơ chế hiệu quả để sử dụng nguồn vốn từ các quỹ này nhằm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Do đó, cần xây dựng được cơ chế rõ ràng và cụ thể về việc sử dụng nguồn vốn từ các quỹ phi lợi nhuận để đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, các phương thức đầu tư, rót vốn, các điều kiện để sử dụng quỹ phi lợi nhuận hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Chúng tôi đề xuất bổ sung các quy định về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo trong Nghị định 30, hoặc có một văn bản khác quy định riêng về việc sử dụng nguồn vốn từ quỹ phi lợi nhuận cho khởi nghiệp.

Thứ hai, hiện nay đã có các chính sách ưu đãi thuế dành cho hoạt động của hai loại hình độc lập là quỹ phi lợi nhuận (Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp - ưu đãi đối với các khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, văn hoá, nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo và hoạt động xã hội khác tại Việt Nam) và quỹ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo (Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa - ưu đãi đối với nhà đầu khởi nghiệp sáng tạo). Tuy nhiên, loại hình gộp giữa hai hình thức này - quỹ phi lợi nhuận đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo - vẫn cần có những ưu đãi chính sách cụ thể, đồng thời cần được ưu tiên trong các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như các dự án, chương trình hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo gắn với phát triển tiềm lực địa phương, hay phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo gắn với tác động xã hội.

Thứ ba, hiện tại đơn vị đóng góp chính cho Quỹ SVF - quỹ phi lợi nhuận dành cho khởi nghiệp đầu tiên tại Việt Nam là Tập đoàn Sơn KOVA với người sáng lập là PGS.TS Nguyễn Thị Hòe, doanh nhân khởi nghiệp từ khoa học và công nghệ và có mong muốn được hỗ trợ trở lại cho các thế hệ doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo, khởi nghiệp công nghệ tương lai của Việt Nam. Trong khi đó, rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn có các nguồn tài chính phục vụ trách nhiệm xã hội lại chưa quan tâm đến vấn đề hỗ trợ khởi nghiệp. Rất cần các hoạt động truyền thông, truyền cảm hứng để có thể  thu hút các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, tập đoàn tham gia đóng góp, đầu tư vào các quỹ phi lợi nhuận đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo.

Hy vọng rằng, các cơ chế, chính sách nêu trên, nếu được triển khai, sẽ là động lực để phát triển loại hình quỹ phi lợi nhuận hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, bổ sung thêm nguồn vốn phát triển mà các nhà khởi nghiệp tiềm năng đang tìm kiếm, đồng thời thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp dựa trên tác động xã hội.

 



[1]https://www.cof.org/content/foundation-basics#what_is_a_foundation.

[2]https://www.scheuch-foundation.org/en/why-we-believe-foundations-have-everything-to-invest-in-social-startups/.

[3]Một bệnh di truyền nguy hiểm, gây ra bởi các bất thường của CFTR (protein điều hòa dẫn truyền qua màng xơ nang).

[4]http://fortune.com/2015/05/27/charities-acting-like-venture-capitalists/.

[5]http://fortune.com/2015/05/27/charities-acting-like-venture-capitalists/.

[6]Steps to Catalyze Private Foundation Impact Investing, David Wilkinson, https://obamawhitehouse.archives.gov/blog/2016/04/21/steps-catalyze-private-foundation-impact-investing.

[7]Examples of Program-Related Investments, https://www.federalregister.gov/documents/2016/04/25/2016-09396/examples-of-program-related-investments.

[8]https://startup.gov.vn/noidung/csdl/Pages/QuyDauTu.aspx?ItemID=22.

[9]Nguồn vốn đầu tư vào những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có rủi ro cao nhưng có khả năng mang lại lợi nhuận cao.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)