Thứ hai, 10/06/2019 13:01

Trước ngưỡng cửa nền kinh tế số

PGS.TS Nguyễn Đức Thành, TS Nguyễn Cẩm Nhung

 

Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội

 

“Trước ngưỡng cửa nền kinh tế số” là chủ đề của Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2019 đã được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố vào tháng 5/2019. Báo cáo năm 2019 tập trung đánh giá tổng thể khả năng chuyển đổi nền kinh tế số của Việt Nam với quan điểm cho rằng cần phải định vị được Việt Nam đang ở đâu trên lộ trình hướng tới tương lai nền kinh tế số để có những giải pháp và chiến lược tổng thể.

Một năm với kết quả ấn tượng của kinh tế vĩ mô

Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 của Việt Nam đạt 7,08%, mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng cao nhất với động lực chính là ngành công nghiệp chế biến chế tạo.

Tính đến hết năm 2018, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) có tháng thứ 37 ở mức trên 50 điểm. Xu hướng này còn tiếp tục trong những tháng đầu năm 2019, đánh dấu sự mở rộng liên tiếp của khu vực sản xuất. Doanh số bán lẻ, đầu tư toàn xã hội hay thương mại quốc tế đều có sự tăng trưởng khá ấn tượng trong năm. Trong đó, khu vực FDI thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội và thương mại quốc tế. Thặng dư thương mại năm 2018 cao gấp gần 3 lần so với năm 2017 với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực bao gồm điện thoại và linh kiện, dệt may... Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, trong khi Trung Quốc dẫn đầu thị trường nhập khẩu.

Giải ngân FDI trong năm đạt mức cao kỷ lục, tuy nhiên vốn giải ngân lại có dấu hiệu tăng chậm hơn những năm trước một cách đáng kể.

Lạm phát trong năm 2018 tiếp tục xu hướng thấp của những năm trước. Tuy nhiên, tình hình đã đảo chiều khi sức ép lạm phát bắt đầu gia tăng mạnh kể từ đầu quý II/2019 sau những điều chỉnh giá năng lượng của Chính phủ từ đầu năm. Theo đà tăng của lạm phát kỳ vọng, lãi suất tại các ngân hàng thương mại đã bắt đầu tăng sau khi có sự ổn định trong cả năm 2018. Ngân hàng thương mại hiện chưa có sự thay đổi nào đối với các công cụ chính sách nhưng điều này có thể thay đổi nếu lạm phát tiếp tục gia tăng. Tăng trưởng tín dụng có xu hướng chậm lại một phần là nhờ sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Công nghiệp chế biến, chế tạo và nông nghiệp là những lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tín dụng của năm.

Với những rủi ro và thuận lợi đan xen trên thị trường quốc tế cũng như trong nước, dự báo trong năm 2019, kinh tế Việt Nam có thể đạt được tốc độ tăng trưởng ở mức 6,7-6,8%, trong khi lạm phát có thể lên tới 4-5%.

Chuỗi giá trị toàn cầu và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Kết nối là yếu tố quan trọng nhằm gia tăng sự tham gia của một quốc gia vào thị trường toàn cầu, đặc biệt thông qua chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Chính sách mở cửa thương mại và đầu tư đã giúp Việt Nam kết nối nhanh vào nền kinh tế thế giới. Việt Nam trở thành công xưởng của châu Á thông qua chuyên môn hoá chức năng lắp ráp cho các công ty nước ngoài. Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam cho thấy các ngành lắp ráp và chế biến thống trị tổng giá trị xuất khẩu với 42% và 40% năm 2015; trong khi tỷ trọng này lần lượt chỉ là 11% và 41% năm 2006. Các nhà sản xuất hàng đầu như Samsung Electronics, LG Electronics, IBM, Nokia và Intel đã đến đầu tư ở Việt Nam. Tuy nhiên, các công ty ở Việt Nam vẫn chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm trung gian từ các chi nhánh của công ty đó ở nước ngoài, tạo ra hiện tượng tham gia mạnh các liên kết ở phía sau, hay còn gọi là liên kết ngược của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài sản phẩm điện tử,Việt Nam cũng tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu ở những ngành thâm dụng lao động như thực phẩm, đồ uống, dệt may và giày dép.

Trong chuỗi giá trị toàn cầu, giá trị được tạo nên qua sự kết hợp của các yếu tố đầu vào, bao gồm yếu tố có nguồn gốc địa phương và yếu tố được nhập khẩu. Do đó, việc tính toán “giá trị gia tăng trong thương mại” của một sản phẩm xuất khẩu đồng nghĩa với sự phân chia giá trị gia tăng thành “giá trị trong nước” và “giá trị nước ngoài”. Cách phân chia này giúp chúng ta xác định vị trí của một quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, cho biết quốc gia đó tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở liên kết phía sau với tư cách quốc gia nhập khẩu sản phẩm trung gian, hay ở liên kết phía trước với tư cách quốc gia cung cấp sản phẩm trung gian cho các quốc gia khác sản xuất hàng xuất khẩu.

Về cơ cấu thương mại theo chủng loại cho thấy, tỷ lệ sản phẩm trung gian trong cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam khá lớn (47,9%) so với tỷ lệ tương tự trong cơ cấu xuất khẩu. Điều đó có nghĩa là Việt Nam đã tham gia mạnh ở liên kết phía sau hơn là phía trước trong chuỗi giá trị toàn cầu. Thực tế cho thấy, Việt Nam đang trở thành trung tâm lắp ráp cho các mặt hàng thiết bị điện tử, máy tính, linh kiện điện tử, dệt may và giày dép. Nhờ vào mô hình tăng trưởng I2E (nhập khẩu cho xuất khẩu), Việt Nam đã liên tục đạt được tăng trưởng kinh tế cao xuyên suốt một thập kỷ và gặt hái được những lợi ích về việc làm, dự trữ ngoại hối và cải thiện mức sống. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là Việt Nam có thể duy trì mô hình tăng trưởng này trong bao lâu? Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta cần phân tích hai khía cạnh đe dọa nghiêm trọng tới sự tăng trưởng kinh tế bền vững dựa vào xuất khẩu của nền kinh tế Việt Nam: thứ nhất, nút thắt nội sinh trong mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu; và thứ hai, cách thức Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Nút thắt nội sinh của trong mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu: mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của Việt Nam có những điểm trùng với mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của Mexico, trở thành trung tâm sản xuất hàng xuất khẩu cho các công ty đa quốc gia để chủ yếu nhận về lương nhân công thay vì phát triển năng lực cho công nghiệp trong nước. Mô hình chiến lược tăng trưởng do xuất khẩu mà Mexico thực hiện khác với mô hình được áp dụng bởi Đức, Nhật Bản hay “Bốn con hổ châu Á” hoặc Trung Quốc đã triển khai. Đây là nút thắt phải được tháo gỡ của Việt Nam nếu muốn duy trì tăng trưởng bền vững dựa vào xuất khẩu.

Cách thức Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu: chúng ta chủ yếu tham gia các liên kết sau ở các ngành máy tính và đồ điện tử, dệt may, giày dép, thực phẩm và đồ uống, máy móc điện. Các ngành công nghiệp này nằm ở các khâu trung nguồn của chuỗi giá trị, có nghĩa là chúng đóng góp phần lớn vào tổng giá trị xuất khẩu, nhưng lại tạo ra giá trị gia tăng rất nhỏ cho nội địa. Kịch bản tốt cho Việt Nam là phát triển chiến lược lắp ráp gắn với chiến lược phát triển năng lực công nghiệp nội địa và nền tảng công nghệ quốc gia; nâng cấp sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị (nâng cấp sản phẩm, quy trình, chức năng, toàn ngành…) để chuyển vai trò từ “trung gian lắp ráp” thành “nhà sản xuất”.

Tương lai xa hơn, trong nỗ lực thực hiện chiến lược “Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam”, Chính phủ kỳ vọng công nghiệp 4.0 được áp dụng để nâng cấp “vị trí sản xuất” của quốc gia lên một tầm cao mới. Theo nhận định của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, việc định hướng sang công nghiệp 4.0 có thể giúp tăng GDP Việt Nam tăng thêm từ 28,5 tỷ USD lên 62,1 tỷ USD vào năm 2030, tương đương với tăng từ 7% GPD hiện tại lên đến 16% trong tương lai. Ngoài ra, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam cũng sẽ tăng thêm 315 đến 640 USD. Trong công nghiệp 4.0, máy móc sẽ tự giao tiếp theo thời gian thực, sản phẩm và hoạt động hậu cần tự tương tác sẽ giúp tăng năng suất và hiệu quả tổng thể, từ đó giúp tăng khả năng cạnh tranh về mặt chi phí. Tuy nhiên, đồng nghĩa với cơ hội này cũng sẽ là những thách thức. Ví dụ, việc sử dụng hệ thống robot sẽ làm giảm lợi thế chi phí của các nước chuyên môn hoá ở khâu sản xuất với chi phí lao động thấp, ảnh hưởng đến cơ hội việc làm có lương lao động thấp ở các nước này. Không chỉ có vậy, việc tăng cường áp dụng công nghệ sản xuất mới (ví dụ như in 3D) sẽ làm dịch chuyển các nhà máy sản xuất gần hơn với các khách hàng cuối cùng. Sự lan rộng của công nghiệp phụ trợ sẽ làm giảm thương mại hàng hóa và sự sẵn có nguyên liệu thô của địa phương cũng sẽ làm giảm thương mại hàng hóa trung gian. Do đó, việc áp dụng công nghiệp 4.0 có khả năng xác định lại vai trò của các quốc gia tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Nhìn lại hai nội dung quan trọng trong mô hình tăng trưởng của Việt Nam (mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu; sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu được dẫn dắt chủ yếu bởi các công ty đa quốc gia) thì lợi ích cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dường như không mấy lạc quan.

Tự động hóa nhiều hơn trong quy trình sản xuất sẽ làm dịch chuyển công việc từ thị trường lao động tay nghề thấp sang thị trường lao động có tay nghề cao, và mô hình tích hợp quy trình sản xuất cuối cùng sẽ đưa các nhà máy sản xuất đến gần với khách hàng hơn. Việt Nam sẽ gặp rủi ro nếu các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam rời đi vì một hoặc cả hai mục đích đó. Tuy nhiên, có nhiều lý do để tin rằng, các công ty đa quốc gia không muốn chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam, bởi vị trí chiến lược của Việt Nam tại Đông Á, bởi lợi ích và sự tham gia của Việt Nam vào một số Hiệp định thương mại ưu đãi (PTA) nếu được phê chuẩn sẽ cho phép Việt Nam miễn thuế khi thâm nhập vào các thị trường quan trọng như Mỹ và EU - nơi cạnh tranh cao về chi phí lao động. Với những lý do tích cực này, rủi ro chỉ xảy ra khi quy trình sản xuất được tự động hóa trong các ngành sản xuất vốn quan trọng với Việt Nam như dệt may, giày dép và điện tử. Nếu trường hợp đó xảy ra, Việt Nam phải nhanh chóng trở thành nơi quản trị toàn bộ chuỗi giá trị toàn cầu chứ không đơn thuần chỉ tham gia một vài khâu được điều khiển bởi các công ty đa quốc gia như hiện tại. Mô hình như Hàn Quốc và Đài Loan đã chứng minh sự thành công này.

Báo cáo quốc gia của Tổ chức lao động thế giới (ILO) năm 2016 cho thấy, khoảng 17% trong tổng số lực lượng 54 triệu lao động tham gia vào lĩnh vực sản xuất chế biến tại Việt Nam, trong đó dệt may, giày dép đóng góp 36% và ngành điện, điện tử chiếm gần 5%. Mặc dù triển vọng hiện tại của hai lĩnh vực này rất tốt, nhưng trong trung và dài hạn, những tiến bộ trong công nghệ mới và tự động hóa có thể mang lại những thay đổi đáng kể. ILO ước tính, 86% công nhân làm việc trong ngành dệt may sẽ phải đối mặt với rủi ro vì tự động hóa. Tương tự, hầu hết các nhà máy sản xuất đồ điện tử tại Việt Nam đều nhằm mục tiêu sản xuất chi phí thấp với nhân công tay nghề thấp, chủ yếu sản xuất các mạch tích hợp, thiết bị bán dẫn và bảng mạch in. Do tính chất lặp đi lặp lại của công việc lắp ráp, trong tương lai, phần lớn công nhân đang hưởng lương sẽ bị rủi ro thất nghiệp bởi sự gia tăng tự động hóa trong những thập kỷ tới.

Ngược lại, kịch bản tương lai của lĩnh vực nông nghiệp lại lạc quan nhờ việc áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa, giúp chúng ta tăng năng suất và đa dạng hóa kinh tế nông thôn. Các ngành công nghiệp ô tô, thực phẩm và đồ uống có mức độ biến thể sản phẩm cao cũng sẽ được hưởng lợi từ mức độ linh hoạt cao hơn. Các ngành công nghiệp như chất bán dẫn, dược phẩm, thực phẩm và đồ uống đòi hỏi chất lượng cao sẽ được hưởng lợi từ hệ thống phân tích dữ liệu của công nghiệp 4.0.

Không thực hiện chuyển đổi số: rủi ro lớn trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

Cách mạng công nghiệp 4.0, với đặc trưng trọng yếu nhất là kỹ thuật số đang diễn ra mạnh mẽ, làm thay đổi một cách sâu rộng nền kinh tế thế giới trên mọi khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội. Cuộc cách mạng này đang tạo ra những thay đổi căn bản về nguồn lực cho phát triển kinh tế, khả năng phá vỡ cấu trúc ngành và thị trường, cùng sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị trên khắp toàn cầu. OECD (2018) dự báo rằng, với mô hình tăng trưởng hiện tại, Việt Nam sẽ không thể đạt được vị thế quốc gia có mức thu nhập cao trước năm 2058, vì vậy cần chuyển đổi nhanh chóng mô hình tăng trưởng để Việt Nam có thể vươn lên vị thế quốc gia có mức thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần thoát khỏi việc phát triển kinh tế dựa vào thâm dụng lao động giá rẻ và thâm dụng tài nguyên thiên nhiên mà phải nhanh chóng chuyển hướng chiến lược sang tăng cường năng suất yếu tố tổng hợp ở tất cả các ngành thông qua ứng dụng các sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ đó tạo nền tảng chuyển đổi sang nền kinh tế số trong tương lai. Vì vậy, Chính phủ cần tập trung ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực sau:

Thứ nhất, cần nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng mạng lưới công nghệ thông tin và truyền thông và năng lượng, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng Internet vạn vật, thí điểm các hệ thống thành phố thông minh và xây dựng “phòng thí nghiệm cuộc sống thành thị” ở khu vực thành thị. Dữ liệu được kết nối và nguồn cung cấp năng lượng ổn định sẽ là yếu tố quyết định phương thức, lĩnh vực và mức độ phát triển của nền kinh tế số Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ hai, cần thiết lập và phát triển năng lực an ninh mạng và quản trị dữ liệu vững mạnh, đặc biệt ở những hệ thống trọng yếu như tài chính, năng lượng, y tế và giao thông thông qua việc ứng dụng các công nghệ mới. Đây là vấn đề vô cùng quan trọng để xây dựng niềm tin trên mạng lưới trong bối cảnh mức độ tổn thất ngày càng cao do các cuộc tấn công mạng. Việt Nam có thể chủ động hợp tác với các tổ chức quốc tế về an ninh mạng và quản trị dữ liệu, như tham gia vào xây dựng thỏa thuận khung về chia sẻ dữ liệu cho khu vực ASEAN hoặc làm việc với các tổ chức quốc tế để giám sát các tội phạm mạng xuyên quốc gia.

Thứ ba, cần nâng cao năng lực số và kỹ năng số cho lực lượng lao động để có thể thực hiện thành công các kế hoạch chuyển đổi số đầy tham vọng trên toàn bộ nền kinh tế và các ngành công nghiệp ở Việt Nam trong thời gian tới. Cần ưu tiên tập trung vào các kỹ năng như lập trình, STEM và máy tính hơn là đào tạo nghề.

Thứ tư, cần đẩy mạnh triển khai chính phủ số và dữ liệu mở thông qua các ứng dụng nền tảng, phân tích dữ liệu lớn, và hệ thống trí tuệ nhân tạo. Dữ liệu mở sẽ tăng cường tính minh bạch và niềm tin vào Chính phủ, cũng như thúc đẩy đổi mới sáng tạo và cắt giảm chi phí cung cấp dịch vụ của khu vực công. Ứng dụng công nghệ số mới nổi có thể giúp Chính phủ trong việc phân tích đa tiêu chí, đổi mới cơ chế mua sắm đấu thầu của Chính phủ và giúp xác định được các khu vực công hiệu quả nhất. Tuy nhiên, để có thể ứng biến được với chuyển đổi này, Chính phủ cần có cơ chế thu hút nhân tài tốt nhất và tăng cường đào tạo trong toàn bộ hệ thống công vụ.

Cuối cùng, cần đẩy mạnh cải cách thuế và cải thiện khung pháp lý hiện hành ở Việt Nam để xóa bỏ các ràng buộc phát triển nền kinh tế số và tạo điều kiện cũng như nắm bắt được những lợi ích từ nền kinh tế số. Đây là điều cần thiết để tránh tình trạng nhiều công ty đa quốc gia (MNCs) đang hoạt động tại Việt Nam và MNCs không có hiện diện tại Việt nam cung cấp dịch vụ xuyên biên giới có hành vi tránh thuế với nhiều hình thức tinh vi, gây mất nguồn thu ngân sách nhà nước trong nhiều năm qua. Ngoài ra, cần thiết có tầm nhìn dài hạn về khung pháp lý và hệ thống thuế đối với các công nghệ số mới bởi các công nghệ blockchain, công nghệ tự động và trí tuệ nhân tạo sẽ nhanh chóng có tác động đến doanh thu thuế trong 25 năm tới. Cần giám sát chặt chẽ những tác động này và xây dựng các phương án dự phòng xử lý những thay đổi lớn về thuế khi các công nghệ số mới này được sử dụng rộng rãi.

Tóm lại, cho đến nay, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp trước thách thức thay đổi toàn cầu. Trong thời gian tới, hướng tới nền kinh tế số tại Việt Nam, Chính phủ cần tập trung cải thiện hệ thống giáo dục, đầu tư cơ sở hạ tầng, đảm bảo an ninh của các mạng lưới, đẩy mạnh hiện đại hóa Chính phủ, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và cải cách thuế, pháp lý. Trong công cuộc chuyển đổi số sẽ không tránh khỏi nhiều rủi ro, nhưng rủi ro lớn nhất trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đó chính là không thực hiện chuyển đổi số.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)