Đặt vấn đề
Từ khi đổi mới (1986) đến nay, Việt Nam đã phát triển nhanh chóng và toàn diện, với tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 6,7%; đồng thời đã cam kết mở cửa thương mại quốc tế, cải cách việc sử dụng đất và sản xuất nông nghiệp, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và phát triển sản xuất [1, 2]. Đầu tư công vào cơ sở hạ tầng, phổ cập giáo dục và y tế đã giúp hơn 40 triệu người dân Việt Nam thoát khỏi đói nghèo và trở thành tầng lớp trung lưu, góp phần thúc đẩy tiêu dùng trong nước và phát triển mạnh kinh tế vùng.
Với tư cách là một quốc gia đạt được mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2010, sau đó tiếp tục đạt được tốc độ tăng trưởng cao, chỉ đứng sau Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm kể từ năm 2010 [3], Việt Nam đang tìm hướng phát triển để có thể đạt được mức thu nhập cao trong vòng 20-25 năm tới. Tuy nhiên, kinh nghiệm của nhiều quốc gia thu nhập trung bình cho thấy, con đường để đạt mức thu nhập cao rất khó. Một số ý kiến cho rằng, nhiều nước bị mắc kẹt vào “bẫy thu nhập trung bình” hoặc chững lại khoảng 20-40 năm ở mức thu nhập trung bình và chậm tiến đến mức thu nhập cao [4].
Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình cùng thời điểm với sự phát triển toàn cầu của một loạt các công nghệ kỹ thuật số: trí tuệ nhân tạo (AI), các dịch vụ dựa trên nền tảng đám mây, các hệ thống dựa trên blockchain, thực tế tăng cường và thực tế ảo (AR-VR), in 3D, robot và tự động hoá... trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Không chỉ giúp rút ngắn hoặc tạo ra bước nhảy vọt cho những phương pháp sản xuất hiện có; trong nhiều trường hợp, những xu hướng công nghệ nêu trên đem lại cho các quốc gia đang phát triển cơ hội gia nhập sâu rộng vào thị trường toàn cầu với chi phí thấp nhờ mang lại sự minh bạch cho sản phẩm xuất khẩu thông qua khả năng hỗ trợ truy xuất nguồn gốc của nguyên vật liệu và thực phẩm, thậm chí còn theo dõi cả quá trình thiết kế và sản xuất. Sự tăng trưởng nhanh của Việt Nam, khi kết hợp với những công cụ kỹ thuật số mới phục vụ tăng năng suất - cụ thể là năng suất yếu tố tổng hợp, sẽ tạo ra cơ hội lớn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội nếu được quản lý tốt.
Tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo là xu hướng tất yếu
Theo báo cáo Tương lai nền kinh tế số Việt Nam, nếu Việt Nam phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ số của các nước khác vào phát triển kinh tế (công nghệ ứng dụng chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài), đến năm 2045 nền kinh tế Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 103 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu Việt Nam đầu tư vào phát triển công nghệ, thì đến năm 2045, chỉ riêng tăng trưởng của các ngành công nghệ số sẽ giúp nền kinh tế tăng thêm khoảng 66 tỷ USD nữa (nâng tác động của kỹ thuật số với nền sản xuất của Việt Nam lên gần 170 tỷ USD vào năm 2045) [5].
Mặc dù mô hình kinh tế lượng trên chưa tính đến chi phí đầu tư cho phát triển hay ứng dụng công nghệ số, nhưng những con số đó cũng cho thấy, với mức phát triển như hiện tại, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng nhiều hơn thông qua việc ứng dụng các công nghệ sẵn có, thay vì đầu tư phát triển công nghệ mới. Công nghệ kỹ thuật số có thể làm thay đổi các chiến lược phát triển, thông qua việc thay đổi khả năng tiếp cận và “bắt kịp” để thực hiện đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đây về các nền kinh tế có hiệu suất cao đã chỉ ra rằng, đến một thời điểm, tại đó chiến lược “bắt kịp” công nghệ không đủ để tăng năng suất và duy trì mức tăng trưởng cao, yêu cầu các quốc gia phải chú trọng nhiều hơn vào đầu tư cho sáng tạo và phát triển công nghệ. Chính sự phát triển công nghệ theo hướng này sẽ thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm thâm dụng tri thức và trở thành một nền kinh tế tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo [6].
Theo phân tích trên, Việt Nam cần có sự thay đổi trong chiến lược kinh tế hiện tại để tập trung vào tăng trưởng năng suất yếu tố tổng hợp ở tất cả các ngành thông qua việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ. Điều này đã và đang được tiến hành với các chính sách tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và các hành động cụ thể khác đang được xây dựng. Tuy nhiên, sẽ cần phải có một bước chuyển đổi về mặt chiến lược, ở một thời điểm phù hợp khác, khi Việt Nam tiếp cận gần hơn “ngưỡng công nghệ” thì cần thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, khởi nghiệp và tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia để trở thành một nền kinh tế đi đầu về đổi mới sáng tạo - một nhà phát triển công nghệ.
Phát triển kinh tế rất đa diện. Đó không chỉ là sự tăng trưởng của tổng sản phẩm quốc nội, mà còn là sự chuyển đổi cơ bản của một nền kinh tế, từ cấu trúc ngành và nền tảng nhân khẩu học, xã hội cũng như thể chế của nó. Dưới đây là một số điểm cần lưu ý khi Việt Nam phát triển nền kinh tế dựa vào đổi mới sáng tạo:
Tăng trưởng theo hướng đổi mới và tình trạng thất nghiệp: khi phát triển đổi mới sáng tạo trong sản xuất sẽ tạo ra sự thay đổi lớn ở thị trường lao động do các việc làm với công nghệ cũ bị thay thế bằng các công nghệ và mô hình kinh doanh mới. Tự động hóa công nghiệp sẽ dẫn đến sự dịch chuyển lao động đáng kể trên thị trường việc làm. Hai tập đoàn CISCO và Oxford Economics dự báo, AI có thể dẫn đến việc thay thế khoảng 14% lực lượng lao động tại Việt Nam vào năm 2028 [7]. Tuy nhiên, điều này có thể được bù lại bởi những việc làm mới sẽ được tạo ra từ các công ty mới gia nhập thị trường, tạo ra tác động cao hơn đến quá trình tăng trưởng kinh tế nhờ nâng cao năng suất. Tác động cuối cùng của đổi mới công nghệ đối với việc làm sẽ phụ thuộc vào các chính sách và hệ thống hỗ trợ của Việt Nam trong quá trình tái cơ cấu, đào tạo và đào tạo lại.
Đổi mới sáng tạo và bất bình đẳng: mối liên hệ giữa tăng trưởng và bất bình đẳng vẫn còn chưa rõ. Aghion và cộng sự (2019) đã tìm thấy mối tương quan thuận chiều giữa tăng trưởng trong đổi mới sáng tạo (thông qua đăng ký sáng chế) và bất bình đẳng thu nhập ở cả Hoa Kỳ và Ấn Độ [8]. Bất bình đẳng thu nhập của Việt Nam hiện tại tương đối thấp, với hệ số GINI 35,3% năm 2016, nhưng con số này đang ngày càng tăng. Theo thống kê, năm 2002, người Kinh thu nhập gấp 1,6 lần so với người dân tộc thiểu số, nhưng đến năm 2014, con số này đã tăng gấp đôi [9]. Cũng đã có sự tăng lên về số người giàu và “siêu giàu” trong 2 thập kỷ qua. Năm 2017, hơn 200 cá nhân tại Việt Nam được ước tính có trị giá tài sản từ 30 triệu USD trở lên [10]. Nhìn từ góc độ khác, có nhiều ví dụ cho thấy đổi mới sáng tạo sẽ có những đóng góp to lớn cho tăng trưởng toàn diện. Thứ nhất, phúc lợi xã hội có thể được cải thiện thông qua dòng chảy ngày càng tăng của các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao với giá cả phải chăng hơn. Y tế điện tử, giáo dục điện tử là các ví dụ về ngành có tiềm năng cung cấp các dịch vụ đại chúng cho người dân ở vùng sâu, vùng xa và nông thôn. Thứ hai, công nghệ kỹ thuật số có thể làm giảm sự bất cân xứng thông tin trong nhiều ngành, giúp giảm chi phí giao dịch và tạo ra các mô hình kinh doanh mới như kinh tế nền tảng, thương mại điện tử, cung cấp cơ hội cho các doanh nghiệp siêu nhỏ ở nhóm thu nhập thấp hơn.
Đổi mới sáng tạo và nền kinh tế xanh: các công nghệ mới mang lại cả tác động tích cực và tiêu cực đến môi trường. Ví dụ, các nền tảng chia sẻ cho phép mọi người chia sẻ tài sản, hàng hóa và dịch vụ nhàn rỗi. Sự phát triển bùng nổ của Internet kết nối vạn vật, phân tích dữ liệu lớn cũng cung cấp các giải pháp hiệu quả để quản lý và giải quyết các vấn đề môi trường như biến đổi khí hậu hoặc rối loạn hệ sinh thái. Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được sự cân bằng lâu dài giữa phát triển kinh tế và gìn giữ môi trường tự nhiên. Các công nghệ kỹ thuật số như lưới điện thông minh, thành phố thông minh được cho là sẽ góp phần phát triển một thế giới bền vững và tiết kiệm năng lượng hơn. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, tác động của công nghệ còn phụ thuộc vào mục đích mà chúng được triển khai.
Phát triển nền kinh tế số Việt Nam trong tương lai
Trong báo cáo Tương lai nền kinh tế số Việt Nam, bên cạnh lộ trình được xây dựng, các chuyên gia còn đưa ra một số khuyến nghị:
Một là, trong khi Việt Nam đang ở giai đoạn đầu, có mức thu nhập trung bình và thấp, chi tiêu Chính phủ nên tập trung ưu tiên vào cơ sở hạ tầng hỗ trợ diện rộng như mạng kỹ thuật số và hệ thống cung cấp năng lượng bền vững, an toàn [5]. Cơ sở hạ tầng này sẽ cung cấp năng lực trên diện quốc gia cho việc ứng dụng và triển khai công nghệ, đồng thời cũng là con đường để trả nợ ngay lập tức nhờ tạo ra nguồn thu trong ngắn hạn. Bảo đảm an ninh cho các mạng kỹ thuật số được liệt kê là ưu tiên thứ hai trong lộ trình. Điều này được thực hiện thông qua việc áp dụng và phát triển năng lực, chuyên môn về an ninh mạng từ các nền kinh tế tiên tiến hơn.
Hai là, đầu tư vào các kỹ năng số diện rộng, thông qua các trường đại học, cao đẳng và ứng dụng giáo dục từ xa thông qua các nền tảng giáo dục số sẽ có tác dụng đồng thời với hiệu quả đầu tư vào băng thông rộng và các mạng khác, hỗ trợ cho các thay đổi mang tính công bằng. Hiện đại hóa chính phủ điện tử thông qua đổi mới kỹ thuật số vừa cung cấp công việc, phát triển kỹ năng đầu tư trong lĩnh vực kỹ thuật số Việt Nam, vừa tạo ra hiệu quả ngay lập tức, giúp giảm thiểu chi phí trong việc cung cấp các dịch vụ từ chính phủ. Tài sản trí tuệ được phát triển cho các dịch vụ chính phủ điện tử hiện đại sử dụng AI, blockchain, robot... có thể được thương mại hóa thông qua các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ để xuất khẩu.
Ba là, lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số được coi là con đường ngắn nhất để Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao, vượt ra khỏi trạng thái thu nhập trung bình thấp và tiến tới mức thu nhập cao [4, 11]. Những đặc tính như trẻ, linh hoạt và các công ty với các doanh nhân được đào tạo trình độ cao đi lên từ các cộng đồng khởi nghiệp trên toàn cầu là yếu tố quan trọng để phát triển một nền kinh tế đổi mới hàng đầu. Những đặc điểm này cũng sẽ đưa đất nước vượt ra khỏi giai đoạn ứng dụng công nghệ.
Bốn là, tại thời điểm này, việc thu hút và giữ chân các doanh nhân cùng những nhà sáng tạo kỹ thuật số đòi hỏi sự phát triển của các nền văn hóa cởi mở về chính trị và tự do biểu đạt. Đồng thời, cũng cần phải phát triển đời sống đô thị và các môi trường khác lành mạnh và hấp dẫn về mặt văn hóa đối với tầng lớp sáng tạo toàn cầu.
Năm là, những bước cuối cùng trong lộ trình báo hiệu sự chuyển đổi sang nền kinh tế dựa vào đổi mới sẽ đưa Việt Nam đến vị thế quốc gia có thu nhập cao. Những bước này bao gồm cải cách pháp lý trên diện rộng và các hành động thực hiện đầu tư để xây dựng hệ thống nghiên cứu và phát triển, mạng lưới đổi mới sáng tạo quốc gia, bao gồm việc tạo ra quy trình đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đáng tin cậy. Điều này sẽ hỗ trợ các công ty khởi nghiệp công nghệ và cho phép tạo ra sự thịnh vượng thông qua xuất khẩu dựa trên tri thức.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] M. Breu, et al. (2012), Sustaining Vietnam's Growth: the productivity challenge, McKinsey Global Institute.
[2] OECD (2018), Urban Policy Reviews - Vietnam.
[3] Oxford Business Group (2017), The Report: Vietnam 2017, United Arab Emirates.
[4] E. Barbour-Lacey (2014), Has Vietnam Fallen into the Middle Inocme Trap? , in Vietnam Briefing.
[5] A. Cameron, P.T. Atherton, D.H. Nguyen, T.P. Nguyen, S.T. Tran (2019), Vietnam's future digital economy - Towards 2030 and 2045 (Forthcoming), Innovative joint project between Australia’s Data61|CSIRO and Vietnam’s Ministry for Science and Technology.
[6] J. Aizenman, B. Eichengreen, D. Park (2018), “Overcoming the Middle-Income Challenge”, Emerging Markets Finance and Trade, 54(6), pp.1205-1207.
[7] CISCO (2018), Technology and the future of ASEAN jobs - The impact of AI on workers in ASEAN's six largest economies, Oxford, England.
[8] U.A. Philippe Aghion, Antonin Bergeaud, Richard Blundell, David Hémous (2019), “Innovation and Top income inquality”, The Review of Economic Studies, 86(1), pp.1-45.
[9] D. Benjamin, L. Brandt, B. McCaig (2017), “Growth with equity: income inequality in Vietnam, 2002-14”, The Journal of Economic Inequality, 15(1), pp.25-46.
[10] K.F. Research (2017), The Wealth Report, http://www.knightfrank.com/wealthreport.
[11] VNS (2017), Productivity key to escaping mid-income trap, Viet Nam News.