Thứ hai, 10/06/2019 12:58

Những điểm mới của Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018

Lê Hải An

 

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

 

Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Luật Giáo dục đại học (GDĐH) sửa đổi 2018 (sau đây gọi là Luật sửa đổi) đã được thông qua và sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2019. Luật sửa đổi được kỳ vọng sẽ góp phần đưa GDĐH lên một vị thế xứng tầm cũng như đáp ứng kịp sự phát triển của kinh tế - xã hội trong giai đoạn phát triển mới. Sau đây là một số điểm mới căn bản của Luật sửa đổi.

Hệ thống khái niệm mới và các quy định đột phá

Luật sửa đổi đã đưa vào hệ thống khái niệm cập nhật, phù hợp với xu thế phát triển của GDĐH trong giai đoạn phát triển mới. Trước hết, Luật thống nhất chung các tổ chức thực hiện chức năng đào tạo trình độ của GDĐH là “cơ sở GDĐH”; phân biệt “trường đại học” và “đại học”. Luật sửa đổi còn định nghĩa phân biệt “đơn vị trực thuộc” và “đơn vị thuộc” trong cơ cấu tổ chức của cơ sở GDĐH. Khái niệm “quyền tự chủ” đi đôi với “trách nhiệm giải trình” của cơ sở GDĐH; hay cụm từ “quyền chủ động” đổi thành “quyền tự chủ” trong Luật sửa đổi đã làm rõ hướng tự chủ trong hoạt động của cơ sở GDĐH. Cùng với đó, Luật đã có cụm từ “trách nhiệm giải trình” thay cho cụm từ “tự chịu trách nhiệm” hay “trách nhiệm xã hội” chưa rõ nội hàm trước đó. Mặt khác, khái niệm doanh nghiệp ở Luật sửa đổi xuất hiện như một thành tố quan trọng của GDĐH. Trước đây, hầu hết các cơ sở GDĐH đều hoạt động như một đơn vị hành chính thì nay với yếu tố doanh nghiệp, sẽ giúp cơ sở GDĐH có thêm vai trò mới là chuyển giao công nghệ, đảm bảo phù hợp với các luật khác như Luật KH&CN 2013...

Bên cạnh việc quy định thống nhất GDĐH gồm các trình độ: đại học, thạc sĩ, tiến sĩ (trình độ cao đẳng được phân loại trong nhóm giáo dục nghề nghiệp), Luật sửa đổi còn định nghĩa lại khái niệm “cơ sở GDĐH công lập” theo xu hướng tự chủ tài chính, theo đó được “Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu; quy định và phân biệt “cơ sở GDĐH tư thục” với “cơ sở GDĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận” theo xu hướng mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực GDĐH. Mặt khác, Luật sửa đổi còn quy định sửa đổi, bổ sung ngắn gọn, cụ thể các nguyên tắc quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH đáp ứng các điều kiện: 1) Sử dụng hiệu quả nguồn lực; 2) Xây dựng hài hòa hệ thống GDĐH công lập và tư thục; 3) Phát triển cơ sở GDĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; 4) Tạo cơ chế hình thành đại học, các trung tâm đại học lớn của đất nước, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Về tổng thể, Luật sửa đổi có 8 điểm mới cơ bản là:

Một là, xác định rõ hệ thống cơ sở GDĐH, tiệm cận với xu hướng quốc tế, phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam. Trong đó, xét theo hệ thống gồm: trường đại học (học viện), đại học (Điều 4, Điều 7, Điều 14, Điều 15, Điều 37). Luật cũng quy định các trường đại học có thể tự phát triển, thành lập các trường/đại học miễn là đáp ứng đầy đủ các quy định của Chính phủ hoặc trên cơ sở tự nguyện hay được Nhà nước quy định sáp nhập thành các đại học. Nếu xét theo hình thức sử dụng gồm công lập và tư thục và xét theo mục tiêu phát triển, định hướng hoạt động phân thành đại học theo định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng.

Hai là, tạo ra sự bình đẳng giữa cơ sở GDĐH công lập và tư thục, thúc đẩy sự phát triển của GDĐH tư thục. Cụ thể, sự bình đẳng thể hiện trong các khía cạnh như: tiếp cận ngân sách (Điều 12, Điều 65); chính sách cho giảng viên (Điều 12, Điều 54, Điều 55); không phân biệt về cơ hội phát triển, địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn, tên gọi…

Ba là, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH tại Mục 2 Điều 32. Cụ thể, các điều kiện để một cơ sở GDĐH được thực hiện quyền tự chủ gồm: i) Đã thành lập hội đồng trường/hội đồng đại học; đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở GDĐH bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp; ii) Đã ban hành và tổ chức thực hiện quy chế, quy định; quy chế tài chính; quy chế, quy trình, quy định quản lý nội bộ khác và có chính sách bảo đảm chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn do Nhà nước quy định; iii) Thực hiện phân quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đến từng đơn vị/cá nhân trong cơ sở GDĐH; iv) Công khai điều kiện bảo đảm chất lượng, kết quả kiểm định, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và thông tin khác theo quy định của pháp luật.

Bốn là, mở rộng phạm vi, nâng cao hiệu quả tự chủ đại học, gắn với trách nhiệm giải trình. Trong đó 3 nội dung “tự chủ” của cơ sở GDĐH gồm: hoạt động chuyên môn và học thuật (mở ngành, tuyển sinh, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế); tổ chức, nhân sự (cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động; danh mục, tiêu chuẩn, chế độ của từng vị trí việc làm, quyết định nhân sự quản trị quản lý trong nhà trường…); tài chính và tài sản (mức thu học phí và dịch vụ, quản lý và sử dụng các nguồn tài chính, tài sản; thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển…).

Năm là, đổi mới quản trị đại học, đảm bảo thực quyền của hội đồng trường với vai trò là cơ quan quản trị hiệu quả phù hợp với thông lệ quốc tế. Cụ thể là, hiệu trưởng cơ sở GDĐH công lập do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định và được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận. Hội đồng trường có thẩm quyền quy định chiến lược, quy chế tổ chức hoạt động, quy chế tài chính…

Sáu là, đổi mới cơ chế quản lý tài chính, tài sản, các cơ sở GDĐH tự chủ xây dựng và quyết định mức học phí đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo và công bố công khai; được sử dụng tài sản công vào kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật nhằm mục đích phát triển GDĐH. Nhà nước có nhiệm vụ phân bổ ngân sách và nguồn lực theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả và ưu tiên đầu tư phát triển một số cơ sở GDĐH, ngành đào tạo mang tầm khu vực, quốc tế và cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao.

Bảy là, đổi mới quản lý đào tạo. Luật sửa đổi quy định xây dựng các chuẩn GDĐH như chuẩn chương trình, chuẩn giảng viên, chuẩn kiểm định chất lượng, chuẩn đầu ra theo trình độ quốc gia… nhằm tạo không gian thống nhất trong toàn hệ thống GDĐH trong nước, tiệm cận chuẩn quốc tế.

Tám là, đổi mới quản lý nhà nước trong điều kiện tự chủ đại học. Luật sửa đổi đã quy định để thực hiện tự chủ đại học, Nhà nước quản lý theo pháp luật với hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, hướng dẫn thực hiện và thực hiện giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; về phía cơ sở GDĐH thực hiện tự chủ theo chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng được quy định và đã cam kết, đồng thời có trách nhiệm công khai, minh bạch thông tin và thực hiện trách nhiệm giải trình theo quy định.

Triển khai áp dụng Luật

Luật sửa đổi đã nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của các nhà quản lý và toàn xã hội. Tuy nhiên, trong thời gian tới, để có thể áp dụng thành công trong thực tiễn, còn nhiều công việc cần tiếp tục được triển khai. Đối với Chính phủ, trong thời gian tới sẽ sớm triển khai ban hành các Nghị định có liên quan để tạo ra sự đồng bộ của Luật sửa đổi với văn bản hướng dẫn thi hành, như: Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi; Nghị định tự chủ đối với các trường công lập; đồng thời tiến hành triển khai việc xây dựng, thực hiện các chính sách cho phát triển hệ thống GDĐH theo xu hướng quốc tế và thúc đẩy các cơ sở GDĐH tự chủ. Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, sớm rà soát lại hệ thống văn bản có liên quan, các quy chế về tuyển sinh và đào tạo cho phù hợp với Luật. Bên cạnh đó, chuẩn bị quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH và sư phạm; xây dựng các đề án sáp nhập, giải thể, sắp xếp lại các cơ sở này nhằm tạo điều kiện đầy đủ, thuận lợi và phù hợp cho việc áp dụng Luật sửa đổi, từ đó tạo ra vận hội mới cho các cơ sở GDĐH ở nước ta thực hiện vai trò tích cực của mình, đóng góp cho kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ đất nước cũng như thúc đẩy cả hệ thống GDĐH phát triển ngày càng mạnh mẽ. Về phía địa phương và doanh nghiệp, cần tạo điều kiện cho các trường đại học trong triển khai Luật, đặc biệt là phần tài sản và các hỗ trợ có liên quan. Về phía các cơ sở GDĐH, cần nghiên cứu kỹ các nội dung, tinh thần tự chủ của Luật sửa đổi, tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, giảng viên nắm bắt đầy đủ và kịp thời nội dung của Luật sửa đổi; xây dựng, ban hành chiến lược, quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính; đồng thời rà soát bổ sung hệ thống văn bản, quy định của cơ sở cho phù hợp với các quy định mới; phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, đăng ký kiểm định và triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng. Mặt khác, các cơ sở GDĐH cần sớm kiện toàn bộ máy quản trị, quản lý, đặc biệt là phát huy vai trò của hội đồng trường, hiệu trưởng trong các mặt hoạt động của nhà trường, tổ chức thực hiện các hoạt động theo thẩm quyền tự chủ đi đôi với trách nhiệm giải trình đã được đề cập trong Luật sửa đổi.

Với sự nỗ lực, ủng hộ của các cơ quan quản lý nhà nước đồng bộ từ trung ương tới địa phương, sự tích cực chủ động từ phía các trường đại học cùng sự đóng góp của cộng đồng xã hội, các doanh nghiệp, tin tưởng rằng, trong giai đoạn tới, nền GDĐH Việt Nam sẽ bước vào một giai đoạn hội nhập mạnh mẽ và vững chắc, góp phần đưa kinh tế - xã hội đất nước phát triển ổn định và ngày càng phồn vinh.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)