Thứ hai, 10/06/2019 13:09

Giảng dạy kinh tế học - kinh nghiệm từ một trường đại học ở Áo

PGS.TS Vũ Kim Dũng, TS Nguyễn Hoàng Oanh

 

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

 

Kinh tế học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và có liên quan tới các nguyên tắc được ứng dụng trong đời sống xã hội và nhiều lĩnh vực như: thương mại, tài chính, hành chính công… Giảng dạy kinh tế học có vai trò quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng nghiên cứu về kinh tế cũng như kết quả đào tạo nguồn nhân lực của các trường đại học khối kinh tế và quản trị kinh doanh. Trong điều kiện hội nhập, nhu cầu đổi mới việc giảng dạy các môn khoa học kinh tế tại các trường đào tạo kinh tế, quản trị kinh doanh ở nước ta đang đặt ra khá cấp thiết. Bài viết đề cập kinh nghiệm của Đại học Kinh tế và Kinh doanh TP Viên thuộc Cộng hòa Áo (WU) - một trường đại học có thứ hạng cao trên thế giới, từ đó có sự so sánh với thực tiễn ở Việt Nam với mong muốn góp phần thúc đẩy việc nâng cao chất lượng đào tạo kinh tế học của các trường đại học trong giai đoạn hội nhập.

Hoạt động đào tạo về kinh tế học của WU

Là một trong các trường đào tạo về kinh tế học và kinh doanh hàng đầu ở Cộng hòa Áo nói riêng và châu Âu nói chung, WU xếp thứ hạng cao trên thế giới[1], cung cấp các chương trình đào tạo bằng tiếng Đức truyền thống và tiếng Anh trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Chương trình và nội dung giảng dạy

Là môn học cơ sở của tất cả các trường đại học kinh tế, quản lý và kinh doanh, thông thường các môn học về kinh tế do khoa kinh tế học đảm nhiệm. Tuy nhiên, việc giảng dạy phụ thuộc vào cơ cấu tổ chức và quy mô của từng trường[2]. Khoa Kinh tế học thuộc WU đào tạo chuyên ngành kinh tế học ở cả 3 bậc đào tạo (cử nhân, thạc sỹ và tiến sỹ), phụ trách giảng dạy các môn thuộc chuyên ngành này và hàng năm, Khoa chủ động xây dựng chương trình giảng dạy các môn kinh tế học cho các chuyên ngành khác ở giai đoạn I và II bậc cử nhân. Hệ đào tạo cử nhân của WU cũng chia thành các giai đoạn như ở Việt Nam, gồm: Giai đoạn I (giai đoạn cơ sở/đại cương dành cho tất cả các chuyên ngành): ở giai đoạn này, môn đại cương về kinh tế học (Fundamentals of Economics) được giảng dạy cho tất cả các chuyên ngành với sự hỗ trợ bằng tài liệu trực tuyến. Mục tiêu của môn học này là giúp sinh viên hiểu các khái niệm căn bản và biết đưa ra những lập luận dựa trên nền tảng lý thuyết. Đối với những chuyên ngành thuộc khối kinh tế, sinh viên chuyên ngành nào sẽ được học các môn học thiết kế riêng cho chuyên ngành đó. Giai đoạn II (đối với các chuyên ngành quản trị kinh doanh, quản trị kinh doanh quốc tế và hệ thống thông tin), Khoa Kinh tế học đảm nhiệm giảng dạy các môn thuộc Khối kiến thức chung (Common Body of Knowledge - CBK) như: kinh tế vi mô ứng dụng, kinh tế vĩ mô quốc tế, chính sách kinh tế và tài chính. Các môn học này giúp phát triển các kỹ năng và kiến thức mà sinh viên đã học được ở giai đoạn đại cương và mở rộng để tăng tính vận dụng thực tiễn. Đối với các chuyên ngành quản trị kinh doanh và quản trị kinh doanh quốc tế, Khoa Kinh tế học còn chịu trách nhiệm giảng các môn lựa chọn (4 giờ/tuần/môn) thuộc lĩnh vực kinh tế học như: kinh tế học trong tổ chức và ngành (Industrial and Organizational Economics), kinh tế học hạ tầng và khu vực công (Infrastructure Economics and the Public Sector), thể chế và hành động của doanh nghiệp (Institutions and Entrepreneurial Action), kinh tế học và phát triển quốc tế (International Economics and Development), kinh tế học truyền thông (Media Economics), kinh tế lượng và chính sách xã hội (Econometrics and Social Policy). Đối với chuyên ngành kinh tế học và khoa học xã hội, vì sinh viên học chuyên sâu về kinh tế học sau khi đã hoàn thành giai đoạn cơ sở, các môn học về lĩnh vực kinh tế học giảng cho chuyên ngành này đều ở cấp độ nâng cao hơn (đề cập rất nhiều vấn đề và phương pháp giảng dạy đa dạng theo cách tiếp cận thực tế và định hướng chính sách) so với những môn đã học trong CBK. Như vậy, có thể thấy rằng, các môn học về kinh tế học ở các mức độ khác nhau đều do Khoa Kinh tế học thực hiện cho tất cả các chuyên ngành của WU và sinh viên có các môn học tự chọn từ Khoa tùy thuộc nhu cầu và mục tiêu học tập.

Phương pháp giảng dạy

Phương pháp giảng dạy các môn học ở các bậc đào tạo tại WU đa dạng, mang tính thực hành và định hướng mục tiêu (chính sách). Kế hoạch giảng dạy được sắp xếp theo từng năm học. Mỗi kỳ, trung bình mỗi giảng viên chỉ giảng 1-2 lớp/môn[3] và để giảng 1 môn/lớp, giảng viên phải dành 1 học kỳ để chuẩn bị đề cương môn học, tài liệu và cập nhật bài giảng cũng như bài tập, bài kiểm tra, bài thi… cho phù hợp với đối tượng. Nội dung đề cương các môn học được đưa lên mục “Classes” trên trang web của Khoa từ trước 1 học kỳ (để sinh viên lựa chọn và đăng ký môn học). Giảng viên gồm 2 loại: biên chế cố định và hợp đồng có thời hạn (loại hợp đồng thường là các tân tiến sỹ có thành tích cao về học tập, nghiên cứu và được tuyển dụng toàn cầu để đảm bảo sự đa dạng của tri thức[4]), và các nghiên cứu sinh có thể tham gia giảng dạy (trợ giảng), nhất là việc thực hiện seminar cho các GS[5]. Giảng viên chính (biên chế) đều có kiến thức sâu rộng, mạnh về nghiên cứu và có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy nên họ rất sáng tạo và linh hoạt trong giảng dạy.

Tùy thuộc vào tính chất của môn học mà WU có các hình thức tổ chức phù hợp. Ví dụ, các môn đại cương (nguyên lý kinh tế học…) diễn ra tại các giảng đường lớn hàng trăm chỗ và sinh viên có thể truy cập bài giảng từ xa, không bắt buộc tham gia. Đối với các môn học có phần thảo luận, việc điểm danh là bắt buộc, sinh viên đọc trước một hoặc vài chương giáo trình liên quan tới một vấn đề và các bài tập tình huống. Trên lớp, giảng viên không giảng lý thuyết mà chủ yếu hướng dẫn sinh viên thảo luận các bài tập tình huống đã giao, giúp người học vận dụng lý thuyết để giải thích tình huống. Mô hình lớp từ 15-20 sinh viên ngồi thành vòng tròn hoặc hình chữ U. Bên cạnh thảo luận theo nhóm, thuyết trình trước lớp, sinh viên có thể gặp riêng trao đổi thêm về bài học, bài tập, hoặc những vấn đề liên quan tới lĩnh vực nghiên cứu của giảng viên mà sinh viên quan tâm. Mỗi môn học thường có 1 trợ giảng là các nghiên cứu sinh đang học tập, làm nghiên cứu tại khoa đảm nhiệm các giờ chữa bài tập và giải đáp thắc mắc của sinh viên.

Về đánh giá

Giảng viên được linh hoạt trong đánh giá kết quả học tập của sinh viên và mỗi môn thường có nhiều điểm thành phần để đảm bảo đánh giá được chính xác năng lực của người học. Đặc biệt, kỹ năng tự làm việc (thông qua bài tiểu luận hoặc bài tập lớn) và kỹ năng thuyết trình thường được coi trọng; việc kiểm tra và thi cử được thực hiện hết sức nghiêm túc và khách quan. Đối với mỗi môn học, sinh viên đều được thông báo về nguyên tắc đánh giá, các lỗi và các hình thức phạt khi mắc lỗi, trong đó, lỗi sao chép là nghiêm trọng nhất (lỗi này có mức phạt từ “trượt” đến “đuổi học”).

Giáo trình, tài liệu học tập và môi trường, điều kiện phục vụ cho giảng dạy và học tập

Giảng viên của WU được chủ động chọn giáo trình giảng dạy (thường là các sách kinh điển, được quốc tế công nhận và sử dụng rộng rãi). Giáo trình, tài liệu học tập ở thư viện khoa hoặc thư viện của nhà trường bằng cả tiếng Đức và tiếng Anh đều sẵn có. Khoa Kinh tế học của WU có tài liệu biên soạn hướng dẫn cho các môn học và các giáo trình nổi tiếng của Mỹ được dịch ra tiếng Đức phục vụ cho khối học bằng tiếng Đức. Nhìn chung, thư viện đáp ứng tốt các nhu cầu của người học về giáo trình và tài liệu tham khảo. Là một trường đại học định hướng nghiên cứu, thư viện của WU không chỉ có các tài liệu về kinh tế và kinh doanh phong phú hàng đầu mà cơ sở hạ tầng còn hiện đại bậc nhất trong khu vực nói tiếng Đức. Ở đây, sinh viên có thể tiếp cận hệ thống thư viện điện tử và được phục vụ ở mức tốt nhất có thể trong suốt quá trình học tập, nghiên cứu. Giảng viên và nghiên cứu sinh của WU đều có không gian làm việc riêng yên tĩnh, đảm bảo có thể truy cập các nguồn tài liệu một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Giảng dạy các môn kinh tế học ở Việt Nam và bài học rút ra

Đến nay, một số trường đào tạo kinh tế, quản trị kinh doanh lớn ở Việt Nam như Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh… đều có khoa kinh tế học. Trong những năm đầu tiên của thời kỳ đổi mới, các môn học về kinh tế học được giới thiệu ở dạng chuyên đề, sau đó, các môn học phát triển nhanh và được giảng dạy với khối lượng tăng dần. Đến nay, hầu hết các trường kinh tế và quản trị kinh doanh ở Việt Nam đều giảng dạy môn kinh tế vi mô và kinh tế vĩ mô cho tất cả sinh viên giống như môn nguyên lý kinh tế học ở WU. Đối với các chuyên ngành sâu về kinh tế như kinh tế học, kinh tế phát triển, kinh tế quốc tế… các môn kinh tế vi mô và vĩ mô được giảng dạy nhiều hơn[6].

Về hình thức giảng dạy, trong những năm qua các trường đều chuyển sang hệ thống tín chỉ để phù hợp với thông lệ quốc tế. Đặc biệt, từ năm học 2018-2019, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã thử nghiệm giảng dạy các môn kinh tế học theo hệ lý thuyết - thảo luận (lecture - tutorials) nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho học viên, theo đó giảng viên giảng 30 tiết lý thuyết riêng biệt với lớp học quy mô lớn và chia nhỏ lớp trong các buổi thảo luận. Tuy nhiên, không ít trường đại học do số giảng viên/sinh viên còn hạn chế nên các buổi học vẫn diễn ra ở hội trường lớn với số người học đông, việc thảo luận khá ít và chưa thực sự hiệu quả.

V giáo trình và tài liệu tham khảo, trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã chủ động biên soạn tập bài giảng về kinh tế học dựa trên các tài liệu của các khóa học do WB và UNDP tổ chức, và nhiều trường đại học khác đã sử dụng tập bài giảng này. Giáo trình Kinh tế vi mô và Kinh tế vĩ mô cho khối học kinh tế của Trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận vào năm 2000. Gần đây, hầu hết các trường đại học đã triển khai biên soạn giáo trình kinh tế học riêng của mình và 3 trường đại học: Kinh tế Quốc dân, Kinh tế TP Hồ Chí Minh và Ngoại thương đã tiên phong sử dụng các giáo trình bằng tiếng Anh để giảng dạy cho chương trình tiên tiến và các chương trình liên kết.

Về đánh giá môn học, ở các trường đại học đã bắt đầu đánh giá kết quả theo quá trình học tập, gồm điểm tham gia, điểm kiểm tra và thi cuối kỳ để đảm bảo tính khách quan và công bằng trong đánh giá người học.

Về đội ngũ giảng viên, đây là điểm yếu nhất của Việt Nam so các trường đại học ở Áo nói chung và WU nói riêng. Về số lượng, số tiến sỹ chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 50% và còn nhiều hạn chế về ngoại ngữ. Về chất lượng, do giảng viên còn tham gia giảng dạy nhiều để đảm bảo thu nhập nên lĩnh vực nghiên cứu còn khiêm tốn, ít có cơ hội du học hoặc thực tập nâng cao trình độ chuyên môn. Trong khi đó, 1 giảng viên của WU phải được đào tạo để đảm đương giảng dạy nhiều môn học đảm bảo tính đa dạng của tri thức (yêu cầu phải có kiến thức rộng) và mỗi bộ môn đều có một GS phụ trách (ở nhiều trường đại học của Việt Nam gần như rất khó tồn tại bộ môn nếu áp dụng tiêu chuẩn này). Trong thời gian qua, chỉ có các trường đại học hàng đầu về kinh tế và quản trị kinh doanh mới có điều kiện đầu tư phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn cao và chất lượng tốt cho các môn kinh tế học, còn ở không ít trường đội ngũ này rất bất cập do hạn chế nguồn lực. Các môn học được thực hiện bằng tiếng Anh để nâng cao tính hội nhập quốc tế là chưa nhiều. Bên cạnh đó, việc sử dụng các giáo trình nổi tiếng về kinh tế học của thế giới thông qua mua bản quyền để dịch ra tiếng Việt hoặc dùng sách nguyên bản cho các chương trình bằng tiếng Anh còn bất cập[7].

Qua phân tích so sánh việc giảng dạy và điều kiện nghiên cứu kinh tế học của WU - Áo với bối cảnh của Việt Nam có thể rút ra một số bài học để việc giảng dạy các môn kinh tế học trong thời gian tới đạt kết quả cao. Trước mắt, cần tập trung triển khai 2 vấn đề mấu chốt: Một là, tập trung đào tạo liên tục một đội ngũ giảng viên có kiến thức chuyên sâu, rộng, có năng lực nghiên cứu tốt và thành thạo ngoại ngữ thông qua các khóa học và thực tập ở nước ngoài như các nước phát triển đã thực hiện. Kinh nghiệm của WU để giảng 1 môn/1 lớp, giảng viên phải dành 1 học kỳ để chuẩn bị có thể xem xét có lộ trình từng bước áp dụng ở Việt Nam - trước hết với các chương trình chất lượng cao rồi áp dụng đại trà. Bên cạnh xây dựng và kiện toàn đội ngũ cán bộ giảng dạy, xúc tiến việc sử dụng các nghiên cứu sinh phụ giảng và chữa bài tập cho sinh viên năm thứ 1, 2, 3 (giảm tải việc lên lớp cho các GS, PGS… để họ có thêm thời gian dành cho nghiên cứu, viết mới hoặc bổ sung giáo trình...). Đối với sinh viên, có chính sách đánh giá các kỹ năng tự học, tự nghiên cứu bên cạnh kỹ năng thuyết trình, đưa vào áp dụng phần mềm kiểm tra đạo văn cũng như tiếp cận cách đánh giá khách quan và công bằng của quốc tế... Hai là, mạnh dạn sử dụng các giáo trình kinh tế học nổi tiếng của thế giới cho các trường đại học đào tạo kinh tế, quản trị kinh doanh ở Việt Nam. Điều này góp phần nâng cao trình độ giảng viên, đồng thời mở ra cơ hội tiếp cận tri thức xã hội cho tất cả sinh viên. Thực hiện thành công hai vấn đề trên có ý nghĩa quyết định trong việc đổi mới việc giảng dạy các môn khoa học kinh tế ở mạng lưới các trường đào tạo kinh tế, quản trị kinh doanh của nước ta trong điều kiện hội nhập.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1. Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành kinh tế học trong điều kiện hội nhập, NXB Lao động, Hà Nội, 2017.

     2. Đổi mới công tác đào tạo ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân để phù hợp với việc xây dựng trường trọng điểm quốc gia, Đề tài cấp bộ mã số 36-69-2000.

     3. Vũ Kim Dũng (2008), “Kinh nghiệm giảng dạy và học tập kinh tế học tại Đại học Chuo (Nhật Bản) và Bermingham (Vương quốc Anh)”, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, tháng 3/2008.

     4. National Economics University website.

     5. Vienna University of Economics and Business website.

 

 



[1]Hiện WU được Tổ chức QS xếp thứ 38 trong bảng xếp hạng các trường đại học về kinh tế và quản trị kinh doanh.

[2]Tại Đại học Roma Sapienza, khoa được tổ chức như một trường con và giảng viên của từng khoa tự dạy môn kinh tế học cho khoa mình.

 

[3]Để trở thành giảng viên đại học, Áo quy định rất chặt chẽ về điều kiện khoa học và quá trình đào tạo. Ví dụ, học viên tốt nghiệp WU không thể ở lại WU làm giảng viên mà phải trải qua nhiều trường đại học khác để đảm bảo sự đa dạng kiến thức. Họ thường tốt nghiệp tiến sỹ tại các trường danh tiếng trên thế giới và làm việc có thời hạn cho WU.

[4]Một giảng viên giảng dạy nhiều môn học.

[5]Mỗi bộ môn có một GS phụ trách.

[6]Ở Việt Nam, gọi là kinh tế vi mô 2 và kinh tế vĩ mô 2.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)