Thứ hai, 10/06/2019 13:03

Công nhận - Thành tố quan trọng của cơ sở hạ tầng chất lượng quốc gia

Vũ Xuân Thủy

 

Văn phòng Công nhận Chất lượng

 

Trong Thông điệp Ngày công nhận thế giới năm nay, Chủ tịch IAF và ILAC cũng đã nêu rõ “Công nhận cùng với các cơ sở hạ tầng chất lượng khác như tiêu chuẩn, đo lường và đánh giá sự phù hợp giúp cung cấp những cách thức được chấp nhận rộng rãi giúp tạo thêm giá trị cho chuỗi cung ứng. Các cách thức này đem lại sự tin cậy, sự đảm bảo cho sản phẩm và dịch vụ trên thị trường”. Trong bài viết này, tác giả đề cập đến khía cạnh công nhận là một thành tố quan trọng của cơ sở hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI - National Quality Infrastructure). Từ đó đề xuất hướng phát triển hoạt động công nhận tại Việt Nam.

 

Thành tố quan trọng của NQI

Hiện nay NQI được nhìn nhận là một trong những vấn đề quan trọng của mỗi quốc gia. Ở cấp độ khu vực, các nước ASEAN đã có nhiều cuộc thảo luận chia sẻ nghiêm túc về vấn đề này. Gần đây nhất là vào tháng 3/2019, ASEAN đã tổ chức Hội thảo về NQI, trong đó đã chỉ rõ NQI bao gồm: công nhận, đo lường, tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp; NQI  là cơ sở cho việc xác định và triển khai các quy định và yêu cầu kỹ thuật trong từng nước và trong ASEAN, đây là các cơ sở hạ tầng quan trọng để đảm bảo và chứng tỏ về chất lượng, là cơ sở cho việc thừa nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

NQI được thể hiện theo cấu trúc như sau:

Ở cấp độ khu vực, nhiều nước ASEAN đã rất nghiêm túc trong việc tiếp cận và xây dựng NQI. Ví dụ Bộ Khoa học và Công nghệ Thái Lan đã soạn thảo Báo cáo về NQI với sự tham gia của các bên gồm cơ quan quản lý, cơ quan tiêu chuẩn, viện đo lường, tổ chức công nhận. Một số đề xuất đáng chú ý trong Báo cáo này là việc cần thiết phải có Luật về NQI; phát triển chiến lược về NQI và kế hoạch phát triển về nhân sự phục vụ cho NQI. Mục tiêu trong việc hoạch định NQI của Thái Lan là nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược trong từng giai đoạn: Giai đoạn 1 nhằm giúp cho hệ thống NQI của Thái Lan mang tính kết nối và có định hướng; Giai đoạn 2 nhằm hướng tới xây dựng NQI đủ mạnh để phục vụ cho nền công nghiệp hiện tại và tương lai của Thái Lan, phục vụ cho kế hoạch “chế tạo tại Thái Lan - Made in Thailan”; Giai đoạn 3 hướng tới nâng tầm NQI trong công nghiệp dịch vụ để đảm bảo dịch vụ của Thái Lan có thể cung cấp cho khu vực, được quốc tế thừa nhận và phục vụ cho các sản phẩm cao cấp và sáng tạo.

Kinh nghiệm được rút ra từ vấn đề này là việc tiếp cận tầm quốc gia trong việc xây dựng chính sách phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng một cách đồng bộ, có chủ đích, được hoạch định và có cái nhìn tổng thể do mối liên hệ và tương tác lẫn nhau của các cấu thành trong NQI. Có như vậy từng quốc gia mới có được NQI đáp ứng yêu cầu của quản lý và phát triển quốc gia mình. Việc xây dựng riêng rẽ, không kết nối các cấu thành trong NQI sẽ làm cho hệ thống NQI thiếu kết nối, kém hiệu quả và không đạt được mục tiêu đã định trong dài hạn.

 

NQI tại Việt Nam

Hoạt động công nhận của Việt Nam hiện nay có một số vấn đề đáng lưu tâm và nếu không có cách tiếp cận, xử lý có thể sẽ có ảnh hưởng đến việc phát triển lâu dài không đáp ứng được việc hỗ trợ tốt, kịp thời cho doanh nghiệp và cho phát triển kinh tế. Hiện tại, chúng ta còn thiếu một kế hoạch tổng thể kết nối các cấu thành trong NQI với các mục tiêu chiến lược cụ thể cho từng giai đoạn phục vụ cho các sản phẩm trọng điểm như Thái Lan đã xây dựng được. Các chương trình nâng cao năng lực của chúng ta thường cho các mục tiêu cho từng cấu thành riêng rẽ như tiêu chuẩn, đo lường hoặc công nhận. Ít có sự kết nối, tương tác giữa các cấu thành này và thiếu một chương trình quốc gia thống nhất trong các cấu thành được xây dựng liên kết với nhau vì một mục tiêu chiến lược cụ thể.

Do vai trò của công nhận là ở tầng trên cùng của hệ thống đánh giá sự phù hợp để kiểm tra, xác nhận năng lực của các tổ chức đánh giá sự phù hợp, tức đảm bảo về mặt kỹ thuật cho cả hệ thống đánh giá sự phù hợp, do vậy công nhận cần được coi là một dịch vụ đặc biệt nhằm tạo sự kiểm soát năng lực các tổ chức đánh giá sự phù hợp (thường bị thị trường chi phối). Công nhận phải là dịch vụ phục vụ đắc lực cho quản lý nhà nước và được nhà nước quản lý thống nhất, tập trung.

Mặc dù hoạt động công nhận ở Việt Nam với lịch sử gần 30 năm (từ năm 1990) đã đạt được những thành tích nhất định, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp tại nước ta và hỗ trợ tích cực cho quá trình hội nhập, tuy vậy để cho hoạt động công nhận có định hướng tốt và phát triển bền vững theo xu hướng của thế giới, xứng đáng là 1 trong 3 trụ cột của NQI, những vấn đề tồn tại trong hoạt động công nhận cần được nhận diện và giải quyết.

Vấn đề về triết lý phát triển tổng thể hệ thống công nhận cần phải được xác định rõ. Trong các cấu thành của NQI, tiêu chuẩn và đo lường đã được xác định là tổ chức quốc gia, tuy nhiên chúng ta hiện lại không xác định rõ Việt Nam có nên xây dựng hoặc xác lập tổ chức công nhận quốc gia hay không? Trong các nước ASEAN, các nước gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thailand đã xây dựng tổ chức công nhận quốc gia. Và 4 nước đang trong quá trình xây dựng tổ chức công nhận là Brunei Darussalam, Cambodia, Laos và Myanmar, nhưng các nước này sẽ theo định hướng xây dựng tổ chức công nhận quốc gia.

Như vậy, có thể thấy các quốc gia láng giềng của Việt Nam hoặc là xây dựng tổ chức công nhận quốc gia duy nhất (như trường hợp của Indonesia, Malaysia, Philippine, Singapore) hoặc xác lập liên kết các tổ chức công nhận đang tồn tại do lịch sử để lại (Thái Lan gộp 5 tổ chức) để hình thành hệ thống tổ chức công nhận quốc gia thống nhất, kết nối và hợp tác trong một chính sách chung không cạnh tranh lẫn nhau. Điểm lưu ý đối với các nước này là không có tổ chức công nhận không thuộc khu vực nhà nước.

Vậy còn ở Việt Nam thì sao? Với tư cách là một người đã làm việc lâu năm trong lĩnh vực công nhận, tôi xin nêu một số kiến nghị liên quan đến thiết kế tổ chức công nhận quốc gia như sau:

-  Thứ nhất, Việt Nam cần có những nghiên cứu, tranh luận thấu đáo ở tầm quốc gia để xác định lại về quản lý và tổ chức của hoạt động công nhận dựa trên thực tiễn của Việt Nam và kinh nghiệm của thế giới. Phải có những câu trả lời và lý giải xác đáng với các câu hỏi sau:

+ Có xác định tổ chức công nhận quốc gia hay không?

+ Hoạt động công nhận là dịch vụ đặc biệt hay dịch vụ kinh doanh?

+ Sử dụng kết quả công nhận trong chỉ định phục vụ quản lý nhà nước?

- Thứ hai, sau khi có các cơ sở khoa học xác đáng, cần tiến hành soát xét lại hệ thống văn bản pháp lý quy định về hoạt động công nhận. Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã ra đời được hơn 10 năm, đây cũng là khoảng thời gian đủ dài để chúng ta tích lũy trong thực tiễn và các bài học rút ra để soát xét lại Luật này. Từ đó làm cơ sở để đưa ra những đề xuất thay đổi phù hợp với thực tiễn.

Thứ ba, từ quan điểm cá nhân chúng tôi cho rằng, để đảm bảo gắn và phục vụ quản lý nhà nước và thuận lợi trong trao đổi thương mại cũng như theo kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam nên xây dựng hay xác lập có tổ chức công nhận quốc gia. Việc thừa nhận tổ chức công nhận quốc gia sẽ giúp tập trung nguồn lực tốt hơn, tạo sự liên kết tốt hơn giữa hoạt động công nhận và quản lý nhà nước, tạo thuận lợi hơn trong hợp tác quốc tế về công nhận và có tiếng nói thống nhất ở quốc tế.

Bên cạnh đó, mô hình tổ chức công nhận quốc gia là cách tiếp cận mang tính phổ biến hiện nay trên thế giới. Hầu như tất cả các nước trên thế giới đều đang có tổ chức công nhận quốc gia hoặc đang cố gắng tiếp cận, liên kết để xây dựng nên tổ chức công nhận quốc gia thống nhất từ hoạt động công nhận phân tán do lịch sử để lại. Do đó, với tình hình thực tiễn như hiện nay, Việt Nam nên: i) Chỉ định tổ chức công nhận quốc gia hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực là đại diện của Việt Nam tại các tổ chức quốc tế về công nhận; ii) Thiết kế lại cách tiếp cận của các chương trình đánh giá xác nhận năng lực trong lĩnh vực Bộ/ngành quản lý, không yêu cầu hoạt động công nhận này theo chuẩn mực quốc tế. Hoạt động đánh giá xác nhận năng lực của Bộ/ngành chỉ nhằm giúp các Bộ/ngành chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp khi cần thiết. Hoạt động này cần phải có sự liên thông chấp nhận kết quả công nhận với chương trình công nhận quốc gia đã được quốc tế thừa nhận. Điều này sẽ đem lại tiết kiệm chi phí chung cho xã hội./.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)