Thứ năm, 10/01/2019 00:37

6 đột phá trong đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH&CN tạo nên thành công của NAFOSTED

TS Lê Đình Tiến

Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản lý NAFOSTED

 

 

Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) được thành lập theo Nghị định số 122/2003/NĐ-CP ngày 22/10/2003 của Chính phủ và bắt đầu hoạt động từ năm 2008. Qua 10 năm hoạt động, NAFOSTED đã khẳng định được vai trò tích cực trong thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trên phạm vi cả nước, trở thành một thương hiệu gắn với chất lượng nghiên cứu khoa học của Việt Nam, được cộng đồng các nhà khoa học đánh giá là bước đột phá trong đổi mới cơ chế quản lý KH&CN ở nước ta... Theo tác giả, có được thành công như vậy là nhờ những đột phá trong đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH&CN của NAFOSTED.

Trước hết, để hiểu rõ nguồn gốc hình thành NAFOSTED, chúng ta hãy quay trở lại 18 năm về trước, khi Luật KH&CN đầu tiên của Việt Nam được Quốc hội thông qua (năm 2000). Đây là khung pháp lý đầy đủ nhất (cho đến thời điểm đó) quy định về tổ chức và hoạt động KH&CN của nước nhà. Có hai điểm đáng lưu ý trong những vấn đề quan trọng nhất được thông qua trong Luật này, đó là cam kết về ngân sách nhà nước dành cho phát triển KH&CN (Điều 37) và NAFOSTED (Điều 39). Sau khi Luật KH&CN được thông qua, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ KH&CN) được Chính phủ giao soạn thảo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, trong đó có Nghị định về thành lập NAFOSTED và Điều lệ tổ chức và hoạt động của NAFOSTED (Nghị định số 122/2003/NĐ-CP ban hành ngày 22/10/2003 của Chính phủ về thành lập NAFOSTED).

Mặc dù Nghị định của Chính phủ được ban hành từ năm 2003, nhưng đến năm 2008 NAFOSTED mới chính thức khai trương và triển khai các hoạt động tài trợ, hỗ trợ từ năm 2009. Dù có một số chức năng như tài trợ, hỗ trợ, cho vay, nhưng để triển khai thành công các chức năng này, Hội đồng Quản lý NAFOSTED đã chọn nội dung tài trợ cho nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên làm khâu thực hiện áp dụng cơ chế quản lý mới đầu tiên. Sau đó, hoạt động của NAFOSTED từng bước được mở rộng về lĩnh vực, đối tượng và phương thức tài trợ, hỗ trợ... Với tôn chỉ hoạt động đảm bảo cao nhất về chất lượng nghiên cứu và thực hiện đánh giá, xem xét tài trợ một cách khách quan, hoạt động của NAFOSTED đã nhận được sự tham gia nhiệt tình của cộng đồng các nhà khoa học. Đến nay, đã có trên 10.000 lượt nhà khoa học tham gia nghiên cứu, trên 2.400 tiến sỹ được đào tạo, trên 4.000 bài báo ISI được công bố thông qua việc thực hiện hơn 2.700 đề tài nghiên cứu do NAFOSTED tài trợ, hỗ trợ...

Qua 10 năm hoạt động, giới khoa học và các nhà quản lý KH&CN đều thừa nhận và đánh giá cao những thành quả mà NAFOSTED đã đạt được trong thời gian qua. Theo chúng tôi, một trong những yếu tố quyết định, tạo nên thành công của NAFOSTED là nhờ 6 đột phá trong đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH&CN dưới đây.

Đột phá 1: áp dụng chuẩn mực quốc tế trong đánh giá chất lượng sản phẩm nghiên cứu khoa học. Đây là đột phá mang tính mục tiêu của NAFOSTED nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu của các nhà khoa học, thúc đẩy hội nhập quốc tế trong KH&CN của Việt Nam, và cũng là bước đổi mới quan trọng nhất trong cơ chế quản lý KH&CN của NAFOSTED. Điều kiện bắt buộc đối với các nhà khoa học muốn nhận được tài trợ của NAFOSTED là trong vòng 5 năm gần nhất phải có bài báo đăng tạp chí khoa học quốc tế (SCI hoặc ISI), và khi kết thúc nghiên cứu đề tài phải có bài báo đăng tạp chí khoa học quốc tế. Yêu cầu này nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của NAFOSTED tương đương với tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Sau này, đối với nghiên cứu ứng dụng, NAFOSTED cũng quy định tương tự, phải có bằng sáng chế hoặc giải pháp hữu ích là điều kiện bắt buộc. Với yêu cầu cụ thể, công khai, minh bạch, NAFOSTED đã tạo ra môi trường dân chủ, bình đẳng cho các nhà khoa học (cả nhà khoa học thâm niên cao cũng như các nhà khoa học trẻ tuổi). Quy định mới này như một cú huých, làm cho số lượng các bài báo đăng tạp chí khoa học quốc tế của NAFOSTED tăng lên vượt trội, bình quân 20-25%/năm, chứng tỏ tiềm năng lớn trong cộng đồng khoa học đã được phát huy. Với quy định này, NAFOSTED đã thu hút được nhiều nhà khoa học trẻ được đào tạo trình độ cao ở nước ngoài trở về nước làm việc tại các trường đại học, viện nghiên cứu, vì họ được tiếp tục làm việc trong môi trường khoa học giống như ở các nước tiên tiến. Cơ chế mới của NAFOSTED cũng có tác động tích cực đến các tiêu chuẩn đánh giá khoa học của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước cũng như các viện nghiên cứu, trường đại học trong cả nước.

Đột phá 2: hội đồng khoa học do các nhà khoa học tự đề xuất thành viên và tự chủ trong hoạt động chuyên môn. Các hội đồng khoa học của các chương trình nghiên cứu khác đều do cơ quan quản lý đề xuất thành viên và hoạt động theo quy định của cơ quan quản lý. Các hội đồng khoa học chuyên ngành của NAFOSTED được hình thành dựa trên đề xuất của các nhà khoa học (các vị trí chủ tịch, phó chủ tịch, thư ký khoa học và các ủy viên), căn cứ vào thành tích khoa học do NAFOSTED cung cấp và được thực hiện khách quan, minh bạch trên mạng Internet. Sau đó NAFOSTED tổng hợp kết quả đề xuất của cộng đồng khoa học và gửi thư mời các nhà khoa học được tín nhiệm tham gia hội đồng khoa học của NAFOSTED. Hoạt động của hội đồng khoa học chuyên ngành mang tính độc lập về chuyên môn, Cơ quan điều hành NAFOSTED chỉ hỗ trợ các điều kiện về hành chính, tổ chức và các điều kiện đảm bảo khác. Cơ quan điều hành NAFOSTED đã xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia riêng theo tiêu chuẩn của NAFOSTED, cũng như tin học hóa quản lý các hoạt động KH&CN của NAFOSTED. Với cách làm như vậy, thành viên hội đồng khoa học chuyên ngành thực sự là những nhà khoa học có thành tích khoa học xuất sắc, được cộng đồng khoa học tín nhiệm và tôn vinh, làm việc độc lập, khách quan và công tâm, nhờ đó đã nâng cao uy tín của các hội đồng nói riêng và NAFOSTED nói chung.

Đột phá 3: đổi mới cơ chế đánh giá đầu vào, đầu ra của các đề tài khoa học. Nhờ áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng khoa học theo chuẩn mực quốc tế (các bài báo đăng trên các tạp chí ISI và SCI), nên việc đánh giá được thực hiện khách quan, minh bạch. Các hội đồng khoa học chuyên ngành tập trung vào kiểm tra, đánh giá chất lượng khoa học của các công trình nghiên cứu theo quy định. Các nhà khoa học chủ trì đề tài chỉ tập trung vào các sản phẩm đã đăng ký (các bài báo quốc tế), không phải mất thời gian cho các sản phẩm trung gian, thủ tục hành chính rườm rà như ở các chương trình nghiên cứu khác. Sau này, NAFOSTED đã mời các nhà khoa học ở các quốc gia phát triển tham gia đánh giá đầu vào các đề tài của NAFOSTED.

Đột phá 4: lần đầu tiên hình thành lĩnh vực nghiên cứu cơ bản trong khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam, và được tài trợ bởi NAFOSTED. Sau 2 năm đi vào hoạt động và thử nghiệm nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên thành công, NAFOSTED tiếp tục triển khai lĩnh vực nghiên cứu cơ bản trong khoa học xã hội và nhân văn. Khó khăn khi triển khai nghiên cứu cơ bản trong khoa học xã hội và nhân văn là việc áp dụng chuẩn mực quốc tế trong nghiên cứu. Nhiều nhà khoa học xã hội chưa quen với việc công bố quốc tế, nên lấy lý do lĩnh vực này mang tính đặc thù, nhạy cảm, vì vậy các công trình nghiên cứu chủ yếu công bố ở tạp chí khoa học trong nước. Để phù hợp với thực tiễn, NAFOSTED đã thực hiện giai đoạn chuyển tiếp, sử dụng cả công bố trong nước và quốc tế làm tiêu chuẩn, sau đó nâng cao dần tỷ lệ công bố quốc tế. Đến nay, các công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã tăng lên đáng kể. Các nhà khoa học xã hội và nhân văn đánh giá cao và hưởng ứng tích cực hướng đi này của NAFOSTED.

Đột phá 5: đổi mới cơ chế tài chính trong nghiên cứu khoa học. Đây là một khâu rất quan trọng nhưng mang tính phương tiện, đảm bảo cho hoạt động KH&CN của NAFOSTED. Cơ chế tài chính mới trong nghiên cứu khoa học có mục tiêu là thúc đẩy chất lượng, năng suất nghiên cứu và đào tạo nhân lực KH&CN chứ không phải là kiểm soát chặt chẽ quá trình chi tiêu. Với triết lý như vậy, NAFOSTED đã đề xuất cơ chế khoán sản phẩm với tiêu chí về chất lượng và năng suất rõ ràng (các bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín ISI, SCI), từ đó đơn giản hóa, giảm thiểu các thủ tục về hành chính và kế toán. Tiếp đến, NAFOSTED xác định các vị trí nghiên cứu và số lượng nhân lực cần thiết tham gia trong một đề tài (chủ nhiệm đề tài, nghiên cứu viên chủ chốt, nghiên cứu sinh, kỹ thuật viên) và hệ số khoa học cho các vị trí này để tính mức thù lao, dựa trên số tháng làm việc quy đổi và mức lương tối thiểu (thay đổi theo quy định của Nhà nước ở từng thời kỳ). Thực ra, khi đề xuất công thức tính mức thù lao cho mỗi vị trí nghiên cứu, NAFOSTED đã cố gắng tìm phương thức hợp lý để làm sao cho mỗi vị trí có mức thu nhập cao hơn so với mức lương tương ứng của nghiên cứu viên cao cấp, nghiên cứu viên chính và nghiên cứu viên (gấp 1,5-3,0 lần, tùy theo vị trí) để sao cho các nhà khoa học có thu nhập ở mức khá, chuyên tâm vào công việc nghiên cứu. Cũng trong cơ chế mới này, lần đầu tiên nghiên cứu sinh được chính thức đưa vào như một thành viên của đề tài, thực hiện nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của thày và được hưởng thù lao của nghiên cứu viên, góp phần tích cực nâng cao chất lượng đào tạo tiến sỹ. Do cơ chế mới nên lần đầu tiên được ban hành dưới dạng văn bản tạm thời để thử nghiệm, sau này mới ban hành dưới dạng thông tư chính thức.

Đột phá 6: thành lập Giải thưởng Tạ Quang Bửu về nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Luật KH&CN đã có quy định Giải thưởng về KH&CN như: Giải thưởng Hồ Chí Minh; Giải thưởng Nhà nước; các giải thưởng cấp bộ/ngành và cấp tỉnh. Tuy nhiên, các giải thưởng này tập trung vào các nghiên cứu ứng dụng, có kết quả đã được ứng dụng thành công vào thực tiễn, mang lại hiệu quả lớn về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Năm 2013, Bộ KH&CN ban hành Quyết định số 2635/QĐ-BKHCN ngày 26/8/2013 thành lập Giải thưởng Tạ Quang Bửu nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản, có đóng góp thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản nói riêng và KH&CN Việt Nam nói chung tiếp cận trình độ quốc tế, tạo tiền đề cho KH&CN của đất nước hội nhập và phát triển. Việc ra đời của Giải thưởng này đã khích lệ, động viên các nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, thúc đẩy nâng cao chất lượng nghiên cứu của Việt Nam ở tầm quốc tế.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018 cho TS Đỗ Quốc Tuấn.

Những đổi mới cơ chế nêu trên đã hình thành một hệ thống cơ chế quản lý mới khá hoàn chỉnh của NAFOSTED, nếu thiếu một trong số đó sẽ gây khó khăn và hạn chế kết quả hoạt động của NAFOSTED. Hệ thống cơ chế mới này cùng với sự nỗ lực cố gắng của tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên NAFOSTED cùng đội ngũ các nhà khoa học đã góp phần tạo nên những thành công bước đầu của NAFOSTED, từ đó đã có những tác động tích cực đối với hoạt động KH&CN chung của nước nhà. Một số cơ chế mới của NAFOSTED như cơ chế tài chính đã được Bộ KH&CN ban hành thành văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng chung cho các nhiệm vụ KH&CN khác trong cả nước… Nhìn lại chặng đường 10 năm hình thành và phát triển của NAFOSTED vừa qua, những mục tiêu ban đầu đặt ra của Lãnh đạo Bộ KH&CN về thử nghiệm và nhân rộng cơ chế quản lý mới trong KH&CN đã dần trở thành hiện thực, tạo nền móng vững chắc và tiền đề cho giai đoạn phát triển theo chiều sâu của NAFOSTED tới đây, đồng thời đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển KH&CN của nước nhà.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)