Thứ hai, 10/12/2018 00:28

Tạp chí KH&CN Việt Nam - mục tiêu trở thành một trong các tạp chí khoa học mạnh của khu vực

Nguyễn Thị Hương Giang

 

Tạp chí KH&CN Việt Nam

 

Được sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), với sự quyết tâm của Tạp chí KH&CN Việt Nam, từ năm 2013 đến nay, Tạp chí đã có những bước phát triển không ngừng. Đây cũng là kết quả nổi bật của Đề án Nâng cấp Tạp chí theo tiêu chuẩn quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Với những bước đi chắc chắn trong lộ trình phát triển, hiện nay Tạp chí KH&CN Việt Nam phiên bản tiếng Việt và phiên bản tiếng Anh (Vietnam Journal of Science, Technology and Engineering - VJSTE) không chỉ được cộng đồng khoa học trong nước ghi nhận, mà còn được khu vực và quốc tế biết đến thông qua các cơ sở dữ liệu như ACI, CABI… Mục tiêu phía trước của Tạp chí là trở thành một trong các tạp chí khoa học mạnh của khu vực, tiến tới đạt tiêu chuẩn quốc tế Scopus.

Những kết quả ấn tượng

Bên cạnh việc xuất bản đều đặn series A (mỗi tháng 1 số) thực hiện các nhiệm vụ truyền thống của Tạp chí, phục vụ hoạt động quản lý của Bộ KH&CN, hàng tháng, Tạp chí còn xuất bản serie B chuyên đăng tải các công trình khoa học thuộc 5 lĩnh vực: 1) Khoa học tự nhiên; 2) Khoa học kỹ thuật và công nghệ; 3) Khoa học y dược; 4) Khoa học nông nghiệp; 5) Khoa học xã hội và nhân văn. Các bài báo đăng tải trong các số series B đều có tiêu đề và tóm tắt bằng tiếng Anh, được phản biện kín theo các quy định của Scopus. Mỗi số series B có từ 12 đến 13 bài báo khoa học thuộc 1 hay 1-2 lĩnh vực khoa học gần nhau.

Các bài báo khoa học khi gửi đến Tạp chí sẽ được phân loại, biên tập, chuyển đến các thành viên Hội đồng biên tập trong lĩnh vực của bài báo hoặc các nhà khoa học đầu ngành thuộc lĩnh vực liên quan để phản biện. Mỗi bài báo thường có 2 chuyên gia phản biện độc lập, làm việc theo cơ chế mù đôi (double-blind peer review) - tác giả và chuyên gia phản biện không được biết thông tin của nhau, đảm bảo sự khách quan, trung thực và chất lượng tốt nhất cho bài báo. Với chất lượng khoa học ngày càng cao, hiện nay, Tạp chí KH&CN Việt Nam series B đã được 17 Hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành cấp nhà nước tính điểm công trình, trong đó có 8 Hội đồng tính điểm từ 0,75-1 điểm/bài báo khoa học. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, thể hiện sự nỗ lực vượt bậc trong thời gian ngắn của Tạp chí để đạt được những đánh giá cao nhất của các Hội đồng.

Tuy mới xuất bản chưa được 2 năm, nhưng Tạp chí phiên bản tiếng Anh - VJSTE đã thực sự ghi được dấu ấn ngoạn mục bằng việc được công nhận vào các cơ sở dữ liệu quốc tế và khu vực. Từ tháng 1/2018, VJSTE đã được chấp nhận vào cơ sở dữ liệu của CABI Abstracts và Global Health. CABI (Centre for Agriculture and Biosciences International) có trụ sở tại United Kingdom, là một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận có uy tín, được thành lập năm 1913, chuyên phổ biến các tri thức khoa học trên toàn cầu trong các lĩnh vực khoa học sự sống.

Đặc biệt, tại Hội nghị lần thứ 6 của Ban chỉ đạo ASEAN Citation Index (ACI) diễn ra trong 2 ngày 31/10 và 1/11/2018 (Băng Cốc, Thái Lan),  VJSTE đã chính thức được chấp nhận tham gia cơ sở dữ liệu ACI, trở thành 1 trong 9 tạp chí khoa học của Việt Nam được lọt vào cơ sở dữ liệu này, gồm: Biomedical Research and Therapy; Dalat University Journal of Science; Journal of Asian Business and Economic Studies; Journal of Economics and Development; Vietnam Journal of Earth Sciences; Vietnam Journal of Science and Technology; Vietnam Journal of Science, Technology and Engineering; Journal of Information and Telecomunition; Vietnam Journal of Mechanics.

ACI có chức năng lưu trữ, tìm kiếm bài báo và trích dẫn, giúp phân loại và đánh giá chất lượng tạp chí khoa học của các nước ASEAN. Để có mặt trong cơ sở dữ liệu này, các tạp chí khoa học cần phải đạt những tiêu chuẩn về hình thức và nội dung tiệm cận với tiêu chuẩn của Scopus.

Tại Hội nghị lần này, Ban chỉ đạo ACI (do GS Narongrit  Sombatsompop làm Chủ tịch) cũng có buổi làm việc với đại diện của Scopus về kế hoạch lựa chọn những tạp chí khoa học có chất lượng tốt vào cơ sở dữ liệu của Scopus trong những năm tới. Như vậy, với việc tham gia cơ sở dữ liệu của ACI sẽ giúp cho các tạp chí khoa học, trong đó có VJSTE có thêm cơ hội được xét duyệt vào các cơ sở dữ liệu quốc tế như ISI hay Scopus.

Có được những kết quả đó là do VJSTE đã thực hiện bài bản theo quy trình chuẩn mực của các tạp chí khoa học quốc tế. Các bài báo khi được gửi đến nếu phù hợp với các lĩnh vực khoa học của tạp chí (Các khoa học tính toán và máy tính; Các khoa học vật lý; Các khoa học sự sống; Các khoa học về địa lý - địa chất, hải dương học; Các khoa học về môi trường) sẽ được kiểm tra đạo văn bằng phần mềm ithenticate, được gửi 2-3 phản biện kín (trong đó có nhiều phản biện quốc tế), biên tập, hiệu đính ngôn ngữ người bản xứ và được trình bày theo chuẩn bài báo khoa học quốc tế.

Bên cạnh website tiếng Việt, website tiếng Anh của Tạp chí tại địa chỉ vietnamscience.vn cũng ngày càng thu hút sự quan tâm của các độc giả trong và ngoài nước, liên tục cập nhật các bài báo đã được chấp nhận đăng một cách sớm nhất có thể, đồng thời đăng tải full-text các bài báo đã được phát hành ở tạp chí giấy hàng quý.

Những yếu tố quan trọng trong sự phát triển của Tạp chí

Hội đồng biên tập

Điều đặc biệt quan trọng góp phần tạo nên những thành công ban đầu nêu trên là sự đóng góp công sức của Hội đồng biên tập quốc tế gồm 25 thành viên, trong đó có 9 nhà khoa học nước ngoài, 8 nhà khoa học Việt kiều, 8 nhà khoa học trong nước. Các thành viên Hội đồng biên tập đều là các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam và nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trên thế giới như Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Nhật Bản, Canada, Singapore, Phần Lan… Đặc biệt, với vai trò đầu đàn, dẫn dắt và định hướng các nội dung khoa học của Tạp chí, tuy đã ngoài 80 tuổi, nhưng GS.VS Nguyễn Văn Hiệu vẫn thường xuyên quan tâm sâu sát, chỉ bảo, động viên và hướng dẫn vô cùng quý giá cho các biên tập viên của Tạp chí. Với sự giúp đỡ của các nhà khoa học đầu ngành như các GS: Nguyễn Văn Hiệu, Ngô Bảo Châu, Trần Thục, Phạm Gia Khánh…, Tạp chí đã dần dần khẳng định được vai trò, vị thế của mình là một trong số ít tạp chí đa ngành, liên ngành của Việt Nam đã được khu vực và quốc tế ghi nhận chỉ sau một thời gian xuất bản chưa lâu (mới chỉ từ năm 2017).

Với mong muốn thu hút và tập hợp được sự đóng góp, cống hiến của nhiều nhà khoa học trẻ, có kinh nghiệm công bố quốc tế, từ năm 2018 Tạp chí đã xây dựng được Nhóm Assistant Editors gồm 5 thành viên: PGS.TS Bùi Xuân Thành - Trưởng nhóm nghiên cứu BIOSEP - Khoa Môi trường và tài nguyên - Trường Đại học Bách khoa Tp Hồ Chí Minh; PGS.TS Lê Hữu Song - Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu y học Việt Đức; TS Lê Tiến Dũng - Thành viên Hội đồng khoa học ngành Khoa học sự sống của Quỹ NAFOSTED; TS Trần Văn Tuấn - Trưởng phòng Genomic thuộc Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ Enzym và Protein, Chủ nhiệm Bộ môn Vi sinh vật học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội; TS Trần Đăng Khánh - Trưởng Bộ môn Kỹ thuật di truyền - Viện Di truyền nông nghiệp. Đây là các nhân tố có sức lan tỏa, qua đó góp phần giới thiệu các cộng tác viên và phản biện quốc tế cho Tạp chí. Hiện nay, số lượng bài báo có tác giả là người nước ngoài cũng đã nhiều hơn năm trước, hướng tới mục tiêu ngày càng đa dạng hóa, quốc tế hóa tác giả bài báo của Tạp chí.

Cơ sở dữ liệu chuyên gia phản biện

Tạp chí hiện có cơ sở dữ liệu của hàng trăm chuyên gia là các nhà khoa học đầu ngành trong các lĩnh vực khoa học ở trong và ngoài nước, có thể đảm nhiệm yêu cầu phản biện các bài báo khoa học trong các lĩnh vực của Tạp chí. Không chỉ làm công tác phản biện, các nhà khoa học này cũng chính là đội ngũ cộng tác viên thường xuyên đóng góp và giới thiệu các bài báo khoa học có chất lượng cho Tạp chí.

Không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ các tạp chí khoa học trong và ngoài nước

Để có thể trưởng thành như ngày hôm nay, Tạp chí KH&CN Việt Nam luôn cầu thị, học hỏi cách làm của các tạp chí khoa học đi trước. Đó là các tạp chí của Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn Scopus: Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology; Vietnam Journal of Mathmatics; Acta Mathematica Vietnamica; Journal of Science: Advanced Materials and Devices. Tạp chí cũng đã có vinh dự và cơ hội được làm việc và học hỏi các tạp chí danh tiếng thế giới như Science, La Recherche, Japanese Journal of Applied Physics, các nhà xuất bản: Springer, Elsevier…, mở ra cơ hội hợp tác xuất bản quốc tế trong tương lai.

Đội ngũ biên tập viên của Tạp chí cũng thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tham gia các khóa tập huấn, đào tạo về báo chí và khoa học - công nghệ, nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu công việc và đòi hòi ngày càng cao về chất lượng Tạp chí.

Những công việc cần tiếp tục và một số kiến nghị

Có thể nói, Tạp chí KH&CN Việt Nam phiên bản tiếng Việt và VJSTE đã trở thành địa chỉ tin cậy cho các nhà khoa học trong và ngoài nước công bố các công trình nghiên cứu có chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong công tác công bố các kết quả nghiên cứu, mặt khác góp phần tăng cường trao đổi, hợp tác, hội nhập quốc tế về KH&CN của đất nước.

Không chỉ dừng lại ở đó, việc xây dựng Tạp chí KH&CN Việt Nam theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, đạt tiêu chuẩn quốc tế là mục tiêu đã được đặt ra, cần sự quan tâm đặc biệt của Bộ KH&CN cùng sự nỗ lực, đồng lòng của tập thể cán bộ, nhân viên Tạp chí KH&CN Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, Tạp chí sẽ chú trọng các công việc cần thiết như: 1) Thiết lập và duy trì mối quan hệ với các nhà xuất bản quốc tế có uy tín như Elsevier, Springer, Wiley, IOP… để có thể hợp tác xuất bản trong tương lai; 2) Tăng cường quốc tế hóa tác giả bài báo và quốc tế hóa đội ngũ chuyên gia phản biện; 3) Kiện toàn Hội đồng biên tập theo hướng thực sự chất lượng và quốc tế hóa; 4) Xây dựng đội ngũ cộng tác viên chất lượng cao; 5) Tổ chức các hội thảo khoa học tạo nguồn bài chất lượng...

Việc hướng tới xây dựng và phát triển thành một tạp chí khoa học mang tính liên ngành, đa ngành, đa lĩnh vực, theo tiêu chuẩn quốc tế là một vấn đề khó, đòi hỏi các bài viết phải có tính khái quát cao, tác giả phải có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm, có khả năng bao quát vấn đề…, trong khi nhiều nhà khoa học của Việt Nam có kết quả nghiên cứu tốt nhưng kỹ năng viết bài báo khoa học còn chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, việc thu hút các bài báo khoa học có chất lượng cao đăng tải trên Tạp chí KH&CN Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, do các tác giả thường có tâm lý muốn đăng trên các Tạp chí quốc tế danh tiếng (để tính vào thành tích nghiên cứu khoa học). Do vậy, cần có cơ chế khuyến khích các tác giả có công trình nghiên cứu có chất lượng tốt công bố trên các tạp chí khoa học trong nước, trong đó có Tạp chí KH&CN Việt Nam.

Việc xây dựng một tạp chí đa ngành theo tiêu chuẩn quốc tế như Tạp chí KH&CN Việt Nam đòi hỏi phải có cơ chế đặc thù đối với các nhà khoa học, chuyên gia tham gia viết và phản biện bài báo cũng như khuyến khích các biên tập viên chuyên tâm với công việc của mình. Đồng thời cần phải có một quá trình lâu dài, liên tục mới có thể đạt được thành công như mong muốn. Do vậy, sự quan tâm đầu tư một cách lâu dài, bài bản của Bộ KH&CN, sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Bộ là yếu tố mang tính quyết định đối với sự phát triển lên tầm cao mới của Tạp chí KH&CN Việt Nam.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)