Thực trạng và nguyên nhân làm hạn chế số lượng đơn đăng ký sáng chế
Theo báo cáo hàng năm của Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), số lượng đơn đăng ký sáng chế của các viện nghiên cứu, trường đại học ở nước ta trong giai đoạn 2006-2016 là 811, chiếm 17,9% số lượng đơn đăng ký bảo hộ. Số bằng sáng chế mà các đơn vị này được cấp là 99 (chiếm 16,6%) trên tổng số 594 bằng sáng chế được cấp trong giai đoạn 2006-2016 (hình 1). Nếu so sánh với một số nước trong khu vực ASEAN+3 thì chúng ta đứng cuối và cách biệt khá xa với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapo. Cụ thể, theo Tổ chức SHTT thế giới (năm 2017), tổng số đơn sáng chế và giải pháp hữu ích của Thái Lan, Malaysia và Việt Nam lần lượt là 3.133, 1.439 và 669 (số đơn trên 1 nghìn nghiên cứu viên tương đương[1] là 58, 23 và 11).
Bằng sáng chế là một chỉ số quan trọng để so sánh tiềm lực khoa học và công nghệ (KH&CN) của quốc gia này với quốc gia khác. Trong khi trên thế giới có hàng triệu bằng sáng chế thì con số này ở Việt Nam lại chỉ tính bằng trăm (chưa được 1.000[2]). Kết quả điều tra của Cục Thông tin KH&CN Quốc gia và Tổng cục Thống kê năm 2014 cho thấy, Việt Nam có hơn 12.000 tiến sỹ tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (chiếm 9% tổng số người nghiên cứu). Nếu thống kê theo khu vực hoạt động thì số lượng tiến sỹ ở các trường đại học nhiều nhất (chiếm 65%), sau đó là các viện và trung tâm nghiên cứu.
Một tiến sỹ có thể tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khác nhau, giả sử một luận án của tiến sỹ nghiên cứu ứng dụng đều mang tính mới thì chúng ta có thể có 12.000 đơn đăng ký sáng chế. Vậy đâu là những nguyên nhân làm hạn chế số lượng đơn đăng ký sáng chế tại các viện nghiên cứu, trường đại học ở nước ta trong thời gian qua? Theo chúng tôi, có một số nguyên nhân chính sau:
Đăng bài báo quốc tế thuận lợi hơn đăng ký sáng chế: theo thống kê của Bộ KH&CN, tổng số bài báo, công trình khoa học được công bố quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015 là 11.738 (gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2006-2010), với tốc độ tăng bình quân 19,5%[3], trong khi số đơn đăng ký sáng chế từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong giai đoạn 2011-2015 chỉ có 492 đơn. Tuy bài báo khoa học chủ yếu là công bố nghiên cứu cơ bản, sáng chế là các nghiên cứu mang tính ứng dụng thì sự chênh lệch này cũng là đáng kể, thay vì đăng ký sáng chế thì lựa chọn đăng ký bài báo có thể tốt hơn, nguyên nhân là do: i) Kinh phí dành cho đăng bài báo quốc tế phong phú hơn (ngoài kinh phí của viện nghiên cứu, trường đại học còn có nguồn kinh phí từ Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia); ii) Thời gian hoàn thành bài báo nhanh hơn (từ lúc nộp bài cho đến khi xuất bản thường trong vòng 1 năm) việc đăng ký 1 đơn sáng chế (thường phải hơn 3 năm); iii) Kinh phí thực hiện đề tài cấp cơ sở của nhiều trường đại học, viện nghiên cứu eo hẹp và phân bổ dàn trải, do đó rất khó để sáng tạo ra được sáng chế, thường mới chỉ dừng ở công bố bài báo khoa học; iv) Bài báo khoa học được ưu tiên tính điểm phong học hàm hơn sáng chế; v) Một số bài báo có tính mới theo hướng nghiên cứu ứng dụng có thể đăng ký sáng chế, nhưng nhiều tác giả không đăng ký, hoặc không nắm rõ trong Luật SHTT có quy định trong vòng 6 tháng, kể từ ngày công bố báo cáo khoa học vẫn có thể nộp được đơn đăng ký sáng chế[4].
Đăng ký một đơn sáng chế thường mất nhiều thời gian hơn xuất bản bài báo.
Các nhà khoa học ngại viết bản mô tả sáng chế: đây là một nguyên nhân rất quan trọng, vì theo thống kê tỷ lệ cấp bằng/đơn sáng chế của các trường đại học là 10%, viện nghiên cứu là 14%. Để chuẩn bị một đơn đăng ký sáng chế, trước hết nhà nghiên cứu phải viết bản mô tả sáng chế. Nhiều nhà khoa học ngại viết bản mô tả vì ngoài đòi hỏi đáp ứng các tiêu chí để cấp bằng sáng chế như tính mới, tính sáng tạo (trình độ sáng tạo, tính không hiển nhiên), sản xuất công nghiệp (áp dụng công nghiệp) thì để viết được một bản mô tả tốt cần phải hiểu được bản chất kỹ thuật, nắm rõ Luật SHTT, Luật Thương mại sao cho phạm vi bảo hộ của sáng chế rộng nhất có thể.
Thương mại hóa sáng chế khó khăn, dẫn đến nhà khoa học thiếu động lực đăng ký sáng chế: việc thương mại hóa sáng chế luôn không dễ dàng, nhất là khi bối cảnh sự liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp còn hạn chế như hiện nay, điều này dẫn tới việc các nhà khoa học không mặn mà lắm với việc đăng ký bảo hộ sáng chế, bởi đăng ký xong thì cũng khó thương mại hóa. Đồng thời, để thương mại hóa sáng chế thì các trường đại học, viện nghiên cứu phải có quyền làm chủ sáng chế hoặc kết quả nghiên cứu nhưng hiện nay thủ tục cho vấn đề này cũng không đơn giản, nếu thương mại hóa không thành công dễ thất thoát vốn nhà nước, do đó nhiều viện nghiên cứu, trường đại học với tư duy nhiệm kỳ như hiện nay đều chưa quan tâm đúng mức tới vấn đề này. Ngoài ra, việc phân chia lợi nhuận sau khi thương mại hóa sáng chế thành công cũng chưa thành các quy định văn bản trong các viện nghiên cứu, trường đại học, vì thế nhiều nhà khoa học không có nhiều động lực để đăng ký sáng chế từ kết quả nghiên cứu.
Nhận thức về SHTT còn hạn chế: rất ít viện nghiên cứu, trường đại học có bộ phận chuyên trách, chăm lo về SHTT, đa phần là cán bộ kiêm nhiệm nên các nhà nghiên cứu không có điều kiện tham khảo tài liệu hoặc được tư vấn để nâng cao kiến thức về SHTT. Tài sản vô hình, trong đó có tài sản trí tuệ chưa trở thành đối tượng quản lý như đối với tài sản thông thường. SHTT tiếp tục là một lĩnh vực tuy không còn là mới nhưng vẫn không phải là vấn đề cần quan tâm hàng đầu đối với đa số cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, nhà khoa học. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, để sử dụng được các cơ chế về SHTT cần phải có thời gian, sự học hỏi và chi phí tài chính. Môi trường pháp lý hiện nay còn nhiều bất cập, hạn chế làm nhà khoa học khó tin tưởng để đăng ký bảo hộ sáng chế, nhất là khi bị rơi vào các vụ kiện tụng, tranh chấp với những người khác. Ngoài ra, mạng lưới các đại diện SHTT chưa chú trọng nhiều đến đơn sáng chế Việt Nam, vẫn chủ yếu hỗ trợ đơn nước ngoài mà nguyên nhân chủ yếu có thể được lý giải là chi phí làm đơn nước ngoài cao hơn, và một yếu tố nữa không thể không nhắc đến đó là sự tin tưởng giữa đại diện SHTT và các nhà khoa học trong nước còn hạn chế. Mặt khác, thông tin SHTT đang là một trong các khâu yếu nhất trong hoạt động SHTT ở nước ta. Số lượt người khai thác thông tin sáng chế rất thấp, phần lớn các yêu cầu tra cứu thông tin được tiến hành với nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp, chứ không phải là sáng chế. Đó cũng là yếu tố ảnh hưởng đến khả năng đăng ký bảo hộ sáng chế thời gian qua.
Viện Nghiên cứu Sáng chế và Khai thác Công nghệ làm việc với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh về thúc đẩy đăng ký sáng chế.
Quy định chưa rõ ràng: đầu ra của 1 đề tài nghiên cứu do Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia hết sức rõ ràng, nhà khoa học sẽ phải đăng được 1 hoặc 2 bài báo quốc tế. Tuy nhiên, đầu ra của các đề tài nghiên cứu ứng dụng hầu như không yêu cầu phải đăng ký sáng chế hoặc chỉ mang tính khuyến khích, chính điều này đã dẫn đến việc đầu tư nhiều mà đầu ra sáng chế lại ít...
Giải pháp gia tăng số lượng đơn đăng ký sáng chế tại các viện nghiên cứu, trường đại học
Những nguyên nhân nêu trên đã chỉ ra rằng, để nâng cao số lượng đơn đăng ký sáng chế cần một hệ thống các giải pháp có tính đồng bộ, liên kết, có sự tham gia đầy đủ của các viện nghiên cứu, trường đại học.
Cần có chiến lược quốc gia về sáng chế: cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, để theo kịp tốc độ phát triển công nghệ của các quốc gia khác trên thế giới, chúng ta cần có một “Chiến lược sáng chế quốc gia” nhằm bắt kịp về công nghệ với các quốc gia khác, trong đó các viện nghiên cứu, trường đại học sẽ là nguồn lực, doanh nghiệp là trung tâm ứng dụng của nguồn lực đó với các lĩnh vực được ưu tiên phát triển như: công nghệ nano, công nghệ sinh học, bigdata, nông nghiệp công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo... Mục tiêu của chiến lược phải cải thiện đáng kể khả năng làm chủ, sử dụng hệ thống và nguồn lực sáng chế, giúp hệ thống này có thể hỗ trợ tạo ra động lực để Việt Nam có thể trở thành một quốc gia đổi mới cũng như phát triển kinh tế - xã hội và trở thành một cường quốc về sáng chế.
Nâng cao nhận thức, kiến thức về SHTT: đây là giải pháp cốt lõi, cần triển khai liên tục trong nhiều năm nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về SHTT cho các nhà quản lý, nhà khoa học và các đối tượng có liên quan, từ đó sẽ giúp họ nhận thức được giá trị của tài sản trí tuệ, giúp họ tự tin và có trách nhiệm phải đăng ký sáng chế hoặc giải pháp hữu ích để chuyển giao phục vụ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
Yêu cầu đề tài cấp quốc gia thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật phải có đơn đăng ký sáng chế: hội đồng xét duyệt đề cương nghiên cứu tùy theo mục đích, nội dung nhiệm vụ nghiên cứu cần yêu cầu chủ nhiệm đề tài phải có đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích. Nhiều đề tài cấp bộ/tỉnh được thực hiện với mục tiêu giải quyết một nhiệm vụ khoa học mà thực tế đang cần thiết, cấp bách, có nguồn vốn đầu tư ưu đãi cũng cần yêu cầu chủ nhiệm đề tài có đơn đăng ký một sáng chế hay giải pháp hữu ích. Đối với các đề tài, dự án cấp quốc gia nghiên cứu về công nghệ, về các quy trình, giải pháp kỹ thuật, cần gắn trách nhiệm cho chủ nhiệm đề tài, nhóm nghiên cứu phải có đơn đăng ký sáng chế. Đầu ra các đề tài này thường là chấp nhận đơn đăng ký sáng chế, do thời gian kết thúc đề tài thường ngắn hơn thời gian cấp bằng sáng chế, do vậy cần minh bạch thông tin về chuyên gia trong cơ sở dữ liệu chuyên gia. Những chuyên gia nào, nhóm nghiên cứu nào trong chu kỳ 5 năm tỷ lệ cấp bằng cao cần được ưu tiên hơn trong các đề xuất nhiệm vụ KH&CN tiếp theo[5].
Nâng cao kỹ năng viết bản mô tả cho nhà khoa học: nhà khoa học hiện nay còn ngại viết bản mô tả và thực sự cách viết một bản mô tả sáng chế khác với viết chuyên đề khoa học, do đó cần có các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng viết các bản mô tả sáng chế để nhà khoa học chuyên sâu trong các lĩnh vực khác nhau có thể hiểu cách viết các bản mô tả sáng chế khác nhau. Hiện nay, Cục SHTT thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ năng viết bản mô tả sáng chế miễn phí tại Cục dành cho mọi đối tượng. Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng viết bản mô tả sáng chế. Mô hình này cần được phổ biến và nhân rộng hơn nữa trong thời gian tới. Bên cạnh đó, có thể tăng cường khả năng tư vấn viết bản mô tả sáng chế của các cơ quan đại diện SHTT hoặc các tổ chức hội SHTT, nơi tập trung nhiều chuyên gia trong lĩnh vực SHTT. Tất nhiên, các tổ chức này phải có cán bộ tư vấn có trình độ, am hiểu về luật pháp, SHTT, các ngành kỹ thuật và có kinh nghiệm viết bản mô tả sáng chế để hỗ trợ các nhà khoa học.
Thành lập bộ phận chuyên trách về SHTT tại các viện nghiên cứu, trường đại học: tại các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các viện nghiên cứu, trường đại học đều thành lập các trung tâm TLO (Technology Licensing Office) hỗ trợ việc thương mại hóa sáng chế bằng cách hỗ trợ các nhà khoa học viết mô tả sáng chế và xem xét việc đăng ký sáng chế đối với các sáng chế có khả năng thương mại hóa. Ở Việt Nam, những năm gần đây một số viện nghiên cứu, trường đại học đã thành lập các trung tâm chuyển giao công nghệ, có khả năng hỗ trợ các nhà khoa học viết bản mô tả nhưng hiệu quả không cao. Đại đa số cán bộ tại các trung tâm này là kiêm nhiệm và hạn chế về kinh phí hoạt động. Theo chúng tôi, phòng quản lý khoa học là nơi quản lý đề tài nghiên cứu, vì thế phòng này nên có bộ phận chuyên trách về SHTT, như vậy sẽ không phát sinh thêm kinh phí hoạt động. Cán bộ của phòng này phải được đào tạo nâng cao nghiệp vụ tại các khóa học liên quan đến SHTT và thường xuyên có mối liên hệ chặt chẽ với các nhà khoa học để hỗ trợ họ viết các bản mô tả sáng chế.
Vinh danh các nhà sáng chế: để có được một văn bằng độc quyền sáng chế, tác giả sáng chế phải dành nhiều công sức, trí tuệ, thời gian để hoàn thành công trình nghiên cứu, tạo ra sáng chế. Bên cạnh đó, còn phải dành nhiều thời gian chờ đợi để được cấp bằng độc quyền sáng chế. Do vậy, cần có những quy chế vinh danh thỏa đáng đối với những nhà sáng chế, chủ sở hữu sáng chế. Kèm theo sự khen thưởng của các cấp, các viện nghiên cứu, trường đại học cần xem xét nâng bậc lương hoặc đề bạt giữ các vị trí nghiên cứu xứng đáng với sự cống hiến của các nhà sáng chế... Qua đó tạo sự động viên thiết thực trong nghiên cứu khoa học nói chung, của viện nghiên cứu, trường đại học nói riêng và chắc chắn sẽ gia tăng được số lượng đơn đăng ký sáng chế và bằng độc quyền sáng chế trong thời gian tới.
Ngày 31/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 37/2018/QĐ-TTg về việc “Ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư”, trong đó quy định bằng sáng chế được tính từ 1 đến 3 điểm, khác so với thông tư cũ tính từ 0,5 đến 1,5 điểm. Với quyết định này chúng ta hoàn toàn có thể hi vọng các nhà khoa học sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc đăng ký sáng chế.
Thay lời kết
Thay lời kết, xin được dẫn lời một chuyên gia của về SHTT đã nói rằng: “chúng ta tham gia đàm phán đầy đủ các nghị định thư, hiệp ước quốc tế để mong sao những nhà nghiên cứu có bằng sáng chế được bảo vệ đầy đủ như người nước ngoài, nhưng với tình hình hiện nay, tất cả nỗ lực đó chỉ có người nước ngoài được hưởng lợi, vì số lượng bằng sáng chế của họ hơn hẳn chúng ta”. Bài viết này đã chỉ ra được những nguyên nhân cốt lõi làm hạn chế số lượng đơn đăng ký sáng chế của viện nghiên cứu, trường đại học, và các giải pháp nêu trên sẽ giúp gia tăng số lượng đơn đăng ký sáng chế tại các viện, trường trong thời gian tới.
[1]Số nghiên cứu viên tương đương là số nghiên cứu viên được quy đổi theo số nghiên cứu viên làm việc toàn thời gian cho hoạt động nghiên cứu.
[2]Theo thống kê năm 2016 của Cục SHTT, người Việt Nam sở hữu 773 bằng sáng chế tính từ năm 1982-2016.
[3]Báo cáo tổng kết 5 năm 2011-2016 của Bộ KH&CN.
[5]Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (Nafosted) đã triển khai đề tài đột xuất tiềm năng, trong đó đầu vào cá nhân chủ trì đề tài đáp ứng ít nhất 1 trong các tiêu chí phải là tác giả sáng chế, giống cây trồng được cấp văn bằng bảo hộ, có nội dung liên quan đến đề tài đăng ký và được ứng dụng vào thực tiễn trong thời gian 7 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ và kết quả đầu ra Bằng độc quyền sáng chế được chuyên gia đánh giá xác định chất lượng nội dung khoa học hoặc bằng bảo hộ giống cây trồng. Trường hợp chưa được cấp bằng thì phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về khả năng bảo hộ.