Phân luồng từ bậc phổ thông
Từ lớp 9, học sinh Hà Lan đã được phân luồng, dựa trên kết quả kiểm tra năng khiếu, ý kiến của cha mẹ và khuyến nghị của giáo viên trong năm học lớp 8. Học sinh có thể chọn 1 trong 3 luồng và có thể chuyển sang luồng khác để tiếp tục nếu muốn khi đáp ứng đủ yêu cầu: i) “VMBO” tương đương với trình độ sơ cấp ở nước ta, gồm 4 lớp, học xong có thể tiếp tục chương trình trung học nghề, sau khi được cấp bằng trung học nghề sẽ đủ điều kiện đăng ký vào các trường ĐH định hướng nghề nghiệp - ứng dụng (hay còn gọi là trường ĐHƯD); ii) “HAVO” có 5 lớp, học sinh hoàn thành chương trình HAVO được đăng ký vào các trường ĐH ứng dụng để được cấp bằng cử nhân; iii) “VWO” có 6 lớp, sau khi học xong, học sinh có thể vào các trường ĐHNC (đào tạo 3 năm cho bằng cử nhân, 1 hoặc 2 năm tiếp theo cho bằng thạc sỹ và 4 năm nếu đào tạo tiến sỹ) [1].
Theo khái niệm “phân tầng” (stratified system/multi-tier system) của GDĐH Hà Lan thì ĐHNC hay ĐHƯD không hề có ý nghĩa là trường nào có chất lượng cao hơn mà chỉ có nghĩa là mỗi trường có một sứ mạng khác nhau. Điều này xuất phát từ yêu cầu thực tiễn: cả hai loại hình này đều không thể thiếu trong xã hội. Nhờ vậy, ở quốc gia này đã không xảy ra tình trạng tất cả các trường ĐH đều chạy theo những thành tích về ấn phẩm khoa học mà “lơ là” những nhiệm vụ trọng yếu khác về đào tạo hay ứng dụng thực tiễn. Trái lại, cả ĐHNC và ĐHƯD đều trở thành những yếu tố tích cực tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội (số lượng sinh viên quốc tế theo học ở các trường đại học Hà Lan luôn chiếm trên 50%).
Đại học nghiên cứu
Điều thú vị là Chính phủ Hà Lan không phân loại hoặc giao nhiệm vụ trường đại học nào là ĐHNC, trường đại học nào là ĐHƯD mà là một quá trình hình thành dài lâu trong lịch sử đưa đến sự phân công tự nhiên và định hình như ngày nay. Các trường ĐHNC của Hà Lan nằm trong top 120 trong bảng xếp hạng đại học của thế giới đều là những trường có bề dày lịch sử, thành tích nghiên cứu đạt thứ hạng cao như: Đại học Leiden được thành lập vào năm 1575, đến nay có hơn 40 viện nghiên cứu trực thuộc với 16 người đoạt Giải thưởng Nobel. Đại học TU Delft được thành lập vào năm 1842, hiện xếp hạng thứ 52 trên thế giới, đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực STEM như: kỹ thuật dân dụng và kết cấu, kỹ sư cơ khí, nghiên cứu môi trường, kỹ thuật và công nghệ, kiến trúc. Đại học Amsterdam được thành lập năm 1632 ở vị trí 58 trong bảng xếp hạng đại học của QS World University Rankings. Đại học Utrecht được thành lập vào năm 1636 với 12 Giải thưởng Nobel, 13 nhà khoa học thuộc Trường đã được trao Giải thưởng Spinoza - một giải thưởng thường niên về khoa học danh giá nhất của Hà Lan. Đại học Kỹ thuật Eindhoven (xếp hạng 104) với các nghiên cứu cấp cao, liên kết với nhiều công ty/tập đoàn về công nghệ cao (như Philips, ASML và DAF). Công bố khoa học hàng năm của Trường đạt xấp xỉ 3000 ấn phẩm, với 140 giải thưởng các loại… [2, 3].
Một số đặc điểm nổi bật của các trường ĐHNC ở Hà Lan như: giảng viên dành 80% thời gian cho hoạt động nghiên cứu và 20% cho giảng dạy; chỉ các ĐHNC mới được đào tạo cấp bằng tiến sỹ và đào tạo thạc sỹ nghiên cứu (thiên về nghiên cứu học thuật và lý thuyết); kinh phí nhà nước cấp cho ĐHNC chủ yếu dành cho hoạt động nghiên cứu, chứ không dựa trên số lượng sinh viên như ở các trường ĐHƯD. Đối với ĐHNC, ngân sách nhà nước chiếm 60% tổng kinh phí hoạt động, phần còn lại là từ học phí, các quỹ hỗ trợ của châu Âu và từ các hợp đồng nghiên cứu.
Đại học ứng dụng
Các trường ĐHƯD ở Hà Lan là cây cầu nối giữa tri thức hàn lâm và thực tiễn. Các trường này vừa thực hiện đào tạo chất lượng cao trong chuyên ngành, vừa trở thành đối tác tri thức của các tổ chức và doanh nghiệp trong các lĩnh vực chuyên ngành, chủ động đáp ứng những đòi hỏi quan trọng của xã hội, tham gia giải quyết những vấn đề thời sự đặt ra từ thực tiễn (sự hội nhập, kết nối và phát triển bền vững) cũng như tăng cường sáng tạo và đổi mới công nghệ. Do đó, Chính phủ Hà Lan vẫn dành một khoản ngân sách cho các nghiên cứu ứng dụng ở những trường này. Mục tiêu của ĐHƯD là đào tạo sinh viên trong một lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể, trong đó các kỹ năng, năng lực và thái độ được xây dựng trên nền tảng nắm vững kiến thức khoa học cộng với những trải nghiệm thực tế. Hoạt động học tập của sinh viên thông qua môi trường làm việc trong các công ty, nhà máy, bệnh viện… đã đem đến những trải nghiệm nghề nghiệp thực sự. Giảng viên là người hướng dẫn và tổ chức hoạt động học tập cũng như đo lường và đánh giá sự tiến bộ trong các bước phát triển năng lực của sinh viên, khích lệ tinh thần tự chịu trách nhiệm, tự nhận thức và khả năng học tập suốt đời của họ. Chương trình đào tạo của các trường ĐHƯD thoát khỏi xu hướng tập trung vào việc ghi nhớ các sự kiện hay kiến thức hàn lâm thuần túy mà chú trọng trải nghiệm thực tế.
Một điểm nổi bật của các trường ĐHƯD là sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, thể hiện ở hoạt động tổ chức thực tập và tìm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp; chuyển giao công nghệ và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu… Điều đáng chú ý khác là vai trò của nhà nước trong mối quan hệ này rất mờ nhạt. Do các trường ĐHƯD cũng như các doanh nghiệp đều là những thực thể tự chủ cao, mối quan hệ giữa 2 bên tồn tại và phát triển dựa vào chính lợi ích của các bên, được xây dựng lâu dài qua thời gian. Các trường ĐHƯD hợp tác với doanh nghiệp trong việc biên soạn chương trình đào tạo, tổ chức thực tập cho sinh viên, còn doanh nghiệp tham gia vào hội đồng giám sát nhà trường. Đây là quy định bắt buộc, là tiêu chuẩn khi kiểm định chất lượng giáo dục.
Việt Nam có thể học hỏi những gì?
Không phải ngẫu nhiên mà Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam lựa chọn chương trình GDĐH định hướng nghề nghiệp (POHE)[*] của Hà Lan để thí điểm áp dụng từ 2005 tới nay. Chắc chắn các nhà làm chính sách GDĐH ở nước ta đã nhận ra khả năng đáp ứng nguồn nhân lực có chất lượng cao cho đất nước trong giai đoạn tới của chương trình đào tạo thuộc mô hình ĐHƯD của xứ sở hoa tuy líp. Thông qua một số quan sát được từ phân tầng đại học ở Hà Lan với 2 mô hình trường đại học, xin nêu lên một số khuyến nghị cho Việt Nam:
Một là, chính sách về phân tầng và xếp hạng các trường đại học ở nước ta đều chưa đầy đủ và hoàn thiện để giúp các trường đại học phát triển trong dài hạn và hội nhập quốc tế hiệu quả. Sắp tới, cần có một hệ thống phân tầng thực sự, trong đó các trường ĐHNC thực sự trở thành nơi tạo ra tri thức mới và nói chung tiếng nói với giới hàn lâm quốc tế, còn các trường ĐHƯD phải thực sự gắn với các doanh nghiệp và thị trường lao động. Cùng với đó, xây dựng khung chính sách về cấp kinh phí hoạt động và các cơ chế tài chính phù hợp với đặc điểm, sứ mệnh của từng loại trường đại học, sao cho mỗi loại trường đều có đủ không gian để phát triển và về lâu dài không nảy sinh nhu cầu muốn chuyển đổi từ loại hình này sang loại hình khác.
Hai là, cần có tiêu chí kiểm định chất lượng khác nhau cho các trường ĐHNC và ĐHƯD. Đối với ĐHNC, cần được đo lường bằng các công trình khoa học lý thuyết, tuy nhiên không có lý do gì dùng số lượng công bố khoa học này để đo lường kết quả hoạt động của các trường ĐHƯD. Thay vào đó, cần phải đo chất lượng ĐHƯD bằng số lượng bằng sáng chế, hợp đồng chuyển giao công nghệ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, sự gắn kết với thị trường lao động, chất lượng các kỳ thực tập, khả năng tìm được việc làm và sự hài lòng của cựu sinh viên và các nhà tuyển dụng.
Ba là, hiện nay, các chương trình GDĐH định hướng nghề nghiệp POHE (thuộc Dự án GDĐH Việt Nam - Hà Lan) từ 2005 áp dụng tại 8 cơ sở GDĐH (Học viện Nông nghiệp, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Ngoại thương…) chưa được công nhận bằng một hệ thống tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của Nhà nước. Do vậy, cần có các giải pháp truyền thông để xã hội hiểu hơn về POHE, từ đó tạo động lực để phát triển các trường ĐHƯD.
Tóm lại, chính sách phân tầng GDĐH rõ ràng, ổn định sớm được bổ sung sẽ giúp các trường đại học ở nước ta có điều kiện thuận lợi để phát triển trong dài hạn, từ đó tạo nên hệ thống các trường ĐHNC, ĐHƯD phù hợp với sứ mệnh được giao. Về lâu dài, hàng năm cần có số liệu dự báo về nguồn nhân lực trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội để giúp các trường đại học chủ động hơn trong hợp tác, như mời giới doanh nghiệp, hàn lâm tham gia công tác đào tạo cũng như các hoạt động nghiên cứu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] http://www.oecd.org/newsroom/47930053.pdf.
[2] https://www.topuniversities.com/where-to-study/europe/netherlands/guide .
[3] https://www.tue.nl/en/university/news-and-press/news/record-of-eight-veni-grants-for-tue/.
[*]POHE là một dự án GDĐH hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan.