Chủ nhật, 10/06/2018 22:14

Cơ học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Bảo vệ thành công luận án TS tại Đại học Tổng hợp Matxcơva mang tên Lômônôxốp (Liên bang Nga), TSKH tại Viện Những vấn đề cơ học (Viện Hàn lâm Khoa học Nga), về nước, GS.TSKH Dương Ngọc Hải từng là Trưởng ban Ban Ứng dụng và Phát triển công nghệ (2004-2008), đứng đầu các cơ quan nghiên cứu - đào tạo (Viện Cơ học, Viện Vật lý Địa cầu, Học viện Khoa học và Công nghệ), Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, ủy viên Ban chấp hành Hội Cơ học Việt Nam… Ông cũng đã chủ trì, tham gia nhiều đề tài, hợp đồng nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực cơ học, tính toán ô nhiễm môi trường, năng lượng, khai thác dầu khí và công bố công trình trên các tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế. Gắn bó với KH&CN nói chung, cơ học nói riêng trong gần 40 năm với nhiều đóng góp, GS.TSKH Dương Ngọc Hải đã được Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất... Hiện nay, ông là ủy viên Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư ngành cơ học, ủy viên điều hành Ủy ban Cơ học chất lỏng châu Á, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cơ học.

Dưới đây là những trao đổi của Tạp chí KH&CN Việt Nam với GS.TSKH Dương Ngọc Hải xung quanh vấn đề đẩy mạnh đóng góp của cơ học trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước.

Cơ học vẫn chưa đáp ứng kịp nền kinh tế và đời sống - xã hội dù giàu tính ứng dụng

Xin GS chia sẻ về khái niệm cơ học? Trong sự phát triển của ngành này ở nước ta, ý kiến nào phản ánh đúng vị trí của ngành cơ học mà GS thấy tâm đắc?

Cơ học là lĩnh vực nghiên cứu về trạng thái cân bằng, về chuyển động của vật chất và tương tác giữa chúng. Có nhà khoa học đã nói một cách hình ảnh, cơ học như là khoa học cơ bản của những ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như: cơ khí, chế tạo máy, giao thông, xây dựng, KH&CN biển, khí tượng thủy văn, khoa học hàng không - vũ trụ, thử nghiệm, áp dụng vật liệu mới… Trong sự phát triển nền kinh tế mà CNH, HĐH là nền tảng và chủ đạo, rất cần có một nền cơ học song hành phát triển kịp yêu cầu để đi trước, lý giải, thúc đẩy các ứng dụng vào nền kinh tế gắn chặt với sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực khác, gồm cả các vấn đề cổ điển và hiện đại. Cơ học có nhiều lĩnh vực, chuyên ngành sâu như: cơ học lý thuyết, cơ học vật rắn biến dạng, cơ học chất lỏng, chất khí và plasma; cơ học kết cấu, công trình; cơ học đất, đá và nền móng; cơ học máy, cơ điện tử, cơ học môi trường không đồng nhất nhiều pha, nhiều thành phần, lý thuyết dao động...

Xin dẫn một đoạn trong bài viết (đăng trên Tạp chí Khoa học và Tổ quốc tháng 9/1981) về cơ học đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa của cố GS.TSKH Viện sỹ Nguyễn Văn Đạo - Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000, viện trưởng đầu tiên của Viện Cơ học: “Cơ học là một trong những khoa học ra đời sớm nhất trong lịch sử loài người. Phát minh lớn về quy luật đòn bẩy và mặt phẳng nghiêng đã có cách đây bảy nghìn năm. Ta còn nhớ nhà cơ học thiên tài Ácsimét với câu nói nổi tiếng từ 23 thế kỷ về trước: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ bẩy được cả Trái đất này”. Cơ học đã từng đóng vai trò tiên phong trong cuộc cách mạng khoa học ở thế kỷ XVI. Ngày nay, cơ học được xem là hòn đá tảng của lâu đài khoa học thế giới. Nói theo nghĩa hẹp thì cơ học là khoa học nghiên cứu trạng thái cân bằng và chuyển động của các vật thể. Cơ học được dùng làm cơ sở khoa học cho nhiều ngành kỹ thuật quan trọng: cơ khí, xây dựng, giao thông vận tải, thủy lợi, luyện kim, năng lượng”.

       Theo GS, nền cơ học nước ta hiện đã theo sát sự phát triển của kinh tế - xã hội và đáp ứng kịp nền CNH, HĐH chưa?

Cơ học đã bám sát thời cuộc và có khá nhiều thành tựu. Ở cấp độ ngành, việc hội nghị cơ học toàn quốc được tổ chức đều đặn 5 năm/lần, các hội nghị chuyên ngành như hội nghị cơ học thủy khí toàn quốc, hội nghị cơ học vật rắn biến dạng toàn quốc, hội nghị cơ điện tử toàn quốc... thường xuyên hơn 1 năm hoặc 2 năm/lần, là một điểm mạnh của cơ học mà không phải ngành, lĩnh vực khoa học nào ở trong nước cũng làm được. Các hội nghị đã thu hút, quy tụ được đông đảo đội ngũ cán bộ nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực của ngành cơ học. Kỳ thi Olympic Cơ học dành cho sinh viên được tổ chức trên toàn quốc 2 năm/lần. Tạp chí Cơ học in toàn bộ bằng tiếng Anh được xuất bản đã gần 40 năm nay là một trong những tạp chí khoa học có uy tín của Việt Nam… Mặc dù vậy, trên thực tế cơ học vẫn chưa đáp ứng kịp đòi hỏi của đời sống kinh tế - xã hội và chưa đáp ứng kịp nền CNH, HĐH. Điều này có thể thấy rõ từ: 1- Nhận thức của xã hội về cơ học chưa đầy đủ, vì thế sự đầu tư, hỗ trợ phát triển chưa tương xứng như bản chất và tiềm năng đóng góp của nó; 2- Chúng ta chưa có một chương trình bài bản để phát triển nghiên cứu cơ học và đẩy mạnh cơ học áp dụng vào đời sống, kinh tế - xã hội trong khi tính ứng dụng, liên ngành của cơ học là rất lớn và dễ thấy; 3- Mặc cho tính đa dạng của cơ học, theo quyết định mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ có ba mã ngành dành cho đào tạo TS trong lĩnh vực cơ học (là quá ít). Nếu so sánh ba lĩnh vực trong Khoa Toán - Cơ - Tin học của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, phần Cơ học đã có chiều hướng bị giảm nhiều so với hai lĩnh vực còn lại. Chương trình đại học trong khá nhiều lĩnh vực, số tín chỉ dành cho những môn cơ bản của cơ học, trong đó có môn Cơ học các môi trường liên tục bị cắt giảm nhiều so với trước đây.

Nguyên nhân nào dẫn tới những bất cập nêu trên, thưa GS?

Cơ học không nằm ngoài tình trạng chung của xã hội. Bên cạnh một số nguyên nhân tương tự nhiều ngành/lĩnh vực khoa học khác về mặt cơ chế, chính sách, tổ chức quản lý, có thể nêu một số nguyên nhân chính sau: 1- Cơ học bên cạnh nghiên cứu lý thuyết thì rất cần các nghiên cứu thực nghiệm, nếu không muốn nói là nền tảng, mà phần thực nghiệm trong lĩnh vực cơ học ở ta còn yếu do còn hạn chế về cơ sở vật chất dành cho nghiên cứu (thông thường, phòng thí nghiệm cho cơ học đòi hỏi chi phí lớn, các trang thiết bị đắt đỏ, chỉ có Nhà nước hoặc các công ty lớn mới có tiềm năng đầu tư, đảm bảo chi phí vận hành); 2- Các hội nghị khoa học ngành cơ học hay sinh hoạt học thuật ở các đơn vị mạnh về cơ học được tổ chức khá đều đặn, thường xuyên, qua đó giúp hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh nhưng chưa có một chương trình quốc gia về phát triển cơ học, trong khi tính quan trọng, giá trị ứng dụng của cơ học là rất lớn; 3- Các công ty/doanh nghiệp trong nước phụ thuộc nhiều vào trang thiết bị, máy móc, công nghệ của nước ngoài nên nhu cầu, điều kiện cải tiến, đổi mới và sử dụng cái mới bị phụ thuộc. Việc thiếu đội ngũ chuyên gia có hiểu biết chuyên sâu ở cơ sở sản xuất làm cho khả năng hợp tác với đơn vị nghiên cứu, cũng như khả năng đặt vấn đề, đặt “đầu bài” còn hạn chế; 4- Liên kết giữa các khu vực công - tư, viện, trường với doanh nghiệp trong nghiên cứu cơ học còn lẻ tẻ, mới trong giai đoạn hình thành.

Xây dựng nhân lực trong lĩnh vực cơ học

Nhóm nghiên cứu cơ học hiện được phân bố và tập hợp ra sao ở các đơn vị nghiên cứu - đào tạo, thưa GS?

Sự chuyển tiếp thế hệ trong lĩnh vực cơ học đã nhìn thấy, tuy nhiên trong sự phát triển quá độ của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa kéo theo một số thay đổi không nhỏ về hệ giá trị, hiện có ít người giỏi theo học và theo đuổi các ngành KH&CN, trong đó có cơ học). Điều này ảnh hưởng khá lớn tới đội ngũ kế cận lĩnh vực cơ học. Trong đào tạo đại học các ngành kỹ thuật, số tín chỉ cơ học, lượng kiến thức tối thiểu về cơ học có xu hướng giảm trong thời gian gần đây và do vậy, đội ngũ kỹ sư được đào tạo không đảm bảo về lượng tri thức cơ bản tối thiểu. Bên cạnh đó, tại các đơn vị nghiên cứu về cơ học (Viện Cơ học, Viện Cơ tin và ứng dụng thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) và một số trường đại học/học viện đoạt nhiều giải thưởng cơ học dành cho sinh viên đã hình thành một số nhóm nghiên chuyên ngành khá mạnh (nhóm nghiên cứu về cơ học tính toán, về vật liệu mới, vật liệu và kết cấu composit, nano-composit, về dao động phi tuyến (do cố GS. TSKH.VS Nguyễn Văn Đạo đặt nền tảng), về động lực học sông - biển, về dòng chảy nhiều pha, nhóm nghiên cứu về chẩn đoán kỹ thuật, về vật liệu mới, vật liệu composit, vật liệu thông minh, về tính toán khí động lực học…) song rất tiếc là vẫn chưa tạo thành một “cơn sóng” cơ học lớn bởi chưa được đầu tư “tới hạn” và còn hạn chế trong tập hợp đội ngũ này.

Hợp tác quốc tế có thể giúp chúng ta xây dựng một nguồn nhân lực cơ học mạnh không? GS có đề xuất gì đối với các quỹ/chương trình nghiên cứu hiện có với việc thúc đẩy đào tạo cán bộ nghiên cứu cơ học?

Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu có thể kết hợp để xây dựng nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực cơ học. Nghiên cứu cơ học rất cần và thuận lợi trong hợp tác quốc tế, và chính các quốc gia phát triển cũng có nhu cầu hợp tác quốc tế. Song điều kiện cần và đủ cho hợp tác là hai bên cùng có mối quan tâm chung, có con người và cơ sở phù hợp về điều kiện và trình độ mới có hợp tác quốc tế tốt, đặc biệt là mới hấp thụ hiệu quả tính ưu việt, cái mới… thông qua hợp tác nghiên cứu. Tương tự như hợp tác khoa học trong nước: gồm về đào tạo (đào tạo ThS, TS…), về nghiên cứu (cùng thực hiện đề tài, dự án, hợp tác, chia sẻ sử dụng, khai thác tài nguyên…) được thực hiện đồng thời và lồng ghép, hợp tác quốc tế trong cơ học nên chú trọng nhiều tới cách tiếp cận vấn đề, phương pháp nghiên cứu tiên tiến; học hỏi cách sử dụng, khai thác những trang thiết bị nghiên cứu… cho đội ngũ cán bộ tham gia.

Bên cạnh hợp tác quốc tế thì nội lực trong xây dựng đội ngũ là hết sức quan trọng. Trong những năm qua, đầu tư cho KH&CN của chúng ta có những bước tiến đáng kể, quỹ đầu tư của nhà nước cho các nghiên cứu cơ bản về cơ học đã tiếp cận đúng đối tượng đưa ra các công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín của quốc tế, từ đó góp phần nâng cao trình độ cho các nhà khoa học lĩnh vực cơ học. Tuy nhiên, với đặc thù của một ngành có khả năng ứng dụng cao như ngành cơ học thì còn cần có sự bao quát, đa dạng trong vận hành các quỹ/nguồn đầu tư hơn nữa. Nên chăng, ở một số đề tài cơ bản, cơ bản - ứng dụng trong cơ học thuộc quỹ quốc gia quản lý, nhà khoa học được quyền sử dụng số kinh phí tài trợ mua thêm các trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, để sau khi hoàn thành một đề tài thì “để lại” một số thiết bị phục vụ các nghiên cứu tiến hành sau đó. Với cách làm này, vừa có bài báo quốc tế, vừa có thêm cơ sở cho nhiều nghiên cứu ứng dụng từ các nghiên cứu cơ bản. Sự “tích lũy” này cho phép cơ sở vật chất cho ngành cơ học ngày càng được tăng cường để phục vụ hiệu quả cho các nghiên cứu tiếp theo và làm nền tảng cho các hợp tác quốc tế trong lĩnh vực cơ học.

Ngoài ra, Nhà nước có kế hoạch sử dụng số nhân lực được đào tạo trong và ngoài nước cho các nghiên cứu quốc gia nhằm giải quyết các bài toán kinh tế - xã hội lớn. Đây là cách tốt nhất để nâng cao vai trò, vị trí và sự đóng góp của đội ngũ cán bộ và ngành cơ học.

Chính sách nào thúc đẩy cơ học phát triển

Cùng với một nguồn nhân lực phù hợp thì chính sách tổng thể nào sẽ giúp nền cơ học nước ta phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn CNH, HĐH để phục vụ kịp nền kinh tế, thưa GS?

Một là, lồng ghép đưa vào chương trình bậc học phổ thông môn STEM để hình thành cho các em học sinh THCS, THPT năng lực, sự yêu thích về kỹ thuật công nghệ, tạo “nguồn” cho bậc đại học. Tại các trường đại  học, đặc biệt là trong các trường đại học đa lĩnh vực, các trường đại học kỹ thuật chuyên ngành ứng dụng nhiều kiến thức cơ học (như đại học công nghệ, kỹ thuật, bách khoa, giao thông, xây dựng, kiến trúc…) cần tăng cường, nâng cao chất lượng đào tạo kiến thức cơ học bằng việc đảm bảo thời lượng, chất lượng giáo trình, nội dung môn học...

Hai là, xây dựng những phòng thí nghiệm có trang thiết bị tốt phục vụ cho nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, xây dựng các tập thể/nhóm nghiên cứu mạnh về cơ học, đẩy mạnh công bố quốc tế.

Ba là, tiến tới nghiên cứu đưa ra một số sản phẩm cơ học mục tiêu cấp quốc gia và tìm biện pháp triển khai thực hiện cho được.

Bốn là, tương tự như toán học hay vật lý, cần thiết xây dựng một Chương trình quốc gia phát triển cơ học đến năm 2025, hoặc 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó gồm một số nội dung như: Tổ chức, tăng cường trang thiết bị, củng cố phát triển các cơ sở nghiên cứu mạnh; nghiên cứu, lựa chọn hướng tập trung nghiên cứu, ứng dụng trọng điểm; khối lượng và nội dung kiến thức cơ học cho các lĩnh vực ứng dụng; chương trình đào tạo, đội ngũ cán bộ; gắn kết giữa trường, viện nghiên cứu và các công ty, cơ sở sản xuất và các cơ sở khác hiện đang triển khai...

Nói tóm lại, sắp tới, ngành cơ học cần được ủng hộ, tạo điều kiện để phát triển bài bản, dài hạn đồng bộ từ đội ngũ tới cơ sở vật chất nhằm đưa ra những ứng dụng lớn trong thực tiễn, chứ không chỉ dừng lại các sản phẩm đơn chiếc, nhỏ lẻ như hiện nay.

Xin trân trọng cảm ơn GS.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)