Thứ ba, 22/10/2024 11:07

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc: Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Trong những năm qua, việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn đã mang lại hiệu quả trong mọi lĩnh vực, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của vùng Trung du và miền núi phía Bắc (TD&MNPB). Mặc dù vậy, các địa phương trong vùng cần tiếp tục bám sát quan điểm phát triển đất nước tại Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030 là “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST”, tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, quyết tâm, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để đạt được nhiều thành tựu hơn nữa, đóng góp hiệu quả cho phát triển KT-XH của từng địa phương trong vùng và đất nước.

Đây là các nhận định được nêu lên tại Hội nghị Giao ban khoa học và công nghệ (KH&CN) Vùng TD&MNPB lần thứ XIX diễn ra ngày 10/10/2024 tại Cao Bằng.

Trong khuôn khổ của Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cùng Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng đã tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo khoa học “Thúc đẩy ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng TD&MNPB nhanh và bền vững”. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhận định, vùng TD&MNPB bao gồm 14 tỉnh với tổng diện tích hơn 95.000 km2, chiếm 1/3 diện tích lãnh thổ của cả nước; là nơi sinh sống của hơn 13 triệu người với trên 30 dân tộc khác nhau; là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về KT-XH, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; có tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, khai khoáng, du lịch và kinh tế cửa khẩu… Tuy nhiên, nơi đây vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất của cả nước; quy mô kinh tế của các tỉnh còn nhỏ. Bộ trưởng hy vọng rằng, Hội thảo sẽ thu được nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất giải pháp để tổ chức thực hiện thành công các mục tiêu mà các nghị quyết, chiến lược đã đặt ra. Từ đó, giúp các nhà quản lý, nhà khoa học định hướng được những nhiệm vụ, giải pháp khoa học, giải pháp tổ chức thực hiện thiết thực đối với từng địa phương trong vùng.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Một số kết quả nổi bật của vùng

Theo Báo cáo tại Hội nghị (do Bộ KH&CN tổng hợp báo cáo từ các địa phương), giai đoạn 2022-2024, 14 tỉnh TD&MNPB có 86 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia với tổng kinh phí thực hiện là 636,1 tỷ đồng. Trong đó, số kinh phí thực hiện hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương là 269,6 tỷ đồng, nguồn ngân sách địa phương là 50,9 tỷ đồng, đối ứng nguồn vốn khác là 315,6 tỷ đồng.

Thông qua việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, nhiều tiến bộ kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất các sản phẩm theo hướng chuỗi giá trị qua đó giúp nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm trọng điểm, chủ lực, có lợi thế của địa phương; hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; giải quyết các vấn đề cấp thiết của địa phương như quản lý tổng hợp một số dịch bệnh chính hại cây trồng, vật nuôi; phát triển giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu; các vấn đề về địa chất, thổ nhưỡng, chống sạt lở, bảo vệ môi trường… Hàng trăm mô hình ứng dụng cho hiệu quả cao, hàng nghìn lượt người dân được tập huấn kỹ thuật, thu hút sự quan tâm, đóng góp của nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài nước tham gia. Các dự án hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật phục vụ phát triển nông thôn, miền núi tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần thay đổi phương thức sản xuất theo hướng hiện đại, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp, đồng thời tạo việc làm, sinh kế cho người dân, góp phần thiết thực thúc đẩy phát triển KT-XH của các địa phương, nâng cao đời sống người dân.

Giai đoạn 2022-2024, vùng TD&MNPB đã có 9 nhiệm vụ được hỗ trợ xây dựng và bảo hộ sở hữu trí tuệ. Tuy số lượng còn khiêm tốn, song các nhiệm vụ này đã từng bước giúp một số sản phẩm nông sản đặc thù, sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của địa phương được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn như: Dược liệu Bắc Hà, Đương quy Bát Xát, Hà Thủ ô đỏ Lào Cai; Gà đồi Thanh Ba...

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng thăm gian hàng trưng bày các sản phẩm khoa học và công nghệ - một trong những hoạt động diễn ra trong khuôn khổ của Hội nghị.

Kết quả ứng dụng, chuyển giao công nghệ thể hiện tại một số địa phương như: Sơn La: ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa quá trình sản xuất nông nghiệp, xây dựng thương hiệu, bảo hộ tài sản trí tuệ, nâng giá trị sản xuất bình quân tăng 2-3 lần so với sản xuất nông nghiệp truyền thống; Phú Thọ: giai đoạn 2022-2024 đã thực hiện hỗ trợ 18 dự án đầu tư đổi mới công nghệ, các dự án này đã góp phần đổi mới, hiện đại hóa công nghệ, máy móc, thiết bị của doanh nghiệp được hỗ trợ, mang lại hiệu quả sản xuất, kinh doanh rõ rệt, tăng doanh thu của doanh nghiệp, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường; Thái Nguyên: chủ động phối hợp với các đơn vị của Bộ KH&CN tổ chức các buổi làm việc với đoàn cán bộ đại diện KH&CN Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên...

Các nhiệm vụ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST), hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tiếp tục được các địa phương quan tâm, mở rộng triển khai. Một số cơ chế, chính sách liên quan đến hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST đã được ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST hoạt động hiệu quả. Nhiều hoạt động khởi nghiệp ĐMST được tổ chức đạt chất lượng cao, thu hút sự quan tâm lớn của xã hội, giúp các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, các chuyên gia, nhà đầu tư về khởi nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước cùng nhau trao đổi, chia sẻ những quan điểm, góc nhìn, kinh nghiệm vận hành, từ đó tạo nguồn năng lượng mới cho hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Một số hoạt động điển hình đã được các địa phương tổ chức như: Bắc Giang: lần đầu tiên tổ chức Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Techfest Bắc Giang 2023) và trình diễn kết nối cung cầu công nghệ; UBND tỉnh Sơn La ban hành Quyết định số 1884/QĐ-UBND ngày 12/9/2022 về việc thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Sơn La trực thuộc Sở KH&CN, thực hiện chức năng hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST và các nhiệm vụ KH&CN khác; tỉnh Thái Nguyên đã hình thành các tổ chức hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp như: Trung tâm Ươm tạo - Khởi nghiệp và cung ứng nhân lực thuộc Đại học Thái Nguyên, Trung tâm Ươm tạo công nghệ và hỗ trợ khởi nghiệp trực thuộc Đại học Nông Lâm Thái Nguyên…; xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin khởi nghiệp ĐMST tạo tỉnh Cao Bằng (http://startup.caobang.gov.vn) nhằm cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng…

Khó khăn, thách thức

Nói về những đóng góp của KH,CN&ĐMST đối với các địa phương trong vùng, tham luận của các đại biểu tham dự Hội nghị đều có chung nhận định: trong những năm qua, việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn đã mang lại hiệu quả trong mọi lĩnh vực, KT-XH có sự chuyển biến rõ rệt, năng suất, sản lượng cây trồng vật nuôi tăng đáng kể, góp phần tạo thêm việc làm, cải thiện sức khỏe đời sống người dân và bảo tồn, phát huy được giá trị truyền thống của các dân tộc của từng địa phương nói riêng và toàn vùng nói chung. Chỉ số năng lực cạnh tranh của ngành và chỉ số cải cách hành chính từng bước được cải thiện. Một số địa phương trong vùng có thành tích nổi bật trong những năm gần đây như: Bắc Giang nhiều năm liền nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP), xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 02 năm liên tiếp (2023, 2024) nằm trong nhóm 05 tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước và đứng đầu vùng TD&MNPB; Thái Nguyên tiếp tục khẳng định vị thế là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học vùng TD&MNPB, năm 2023, Thái Nguyên là địa phương đứng thứ 10 cả nước và đứng đầu các tỉnh vùng TD&MNPB về Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII), KH,CN&ĐMST của tỉnh có trình độ tiên tiến trong nước, một số lĩnh vực có trình độ tiên tiến trong khu vực…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng Trịnh Trường Huy phát biểu tại Hội nghị.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu tham dự Hội nghị cũng nêu lên một số tồn tại, khó khăn, thách thức và đề xuất kiến nghị cụ thể, trong đó tập trung vào những vấn đề sau:

Thứ nhất, hầu hết các tỉnh trong vùng chưa tự cân đối được ngân sách dẫn đến kinh phí dành cho KH,CN&ĐMST mặc dù đã được quan tâm, song vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Chưa có giải pháp đủ mạnh để huy động được nhiều hơn các nguồn lực xã hội (xã hội hóa) đầu tư cho phát triển KH,CN&ĐMST; cơ sở vật chất, kỹ thuật của các tổ chức KH&CN trong vùng đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ KH&CN lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao.

Thứ hai, việc chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp KH&CN tại các địa phương trong vùng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Chất lượng nguồn nhân lực KH&CN, nhất là nhân lực có trình độ cao, chuyên gia đầu ngành của từng địa phương và tổng thể toàn vùng nhìn chung còn thiếu và yếu.

Thứ ba, thị trường KH&CN còn tồn tại nhiều rào cản, vướng mắc, điểm nghẽn; năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp trong vùng còn hạn chế; mật độ doanh nghiệp thấp nhất cả nước, số doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ không nhiều; liên kết vùng vẫn còn thiếu và yếu, chưa mang dấu ấn riêng, chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, lợi thế của vùng. Chưa hình thành được các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng quy mô lớn, có tính liên ngành, liên vùng để tạo ra sản phẩm theo chuỗi giá trị gia tăng lớn, tác động mạnh đến phát triển KT-XH của địa phương và vùng.

Thứ tư, TD&MNPB là vùng khó khăn về mọi mặt như giao thông, hạ tầng kỹ thuật, trình độ dân trí, điều kiện sản xuất kinh doanh... Điều kiện địa lý, khí hậu, đất đai với địa hình phức tạp, hạn hán, lũ lụt, gió lốc, mưa đá, sương muối, dịch bệnh thường xuyên xảy ra hằng năm. Trình độ dân trí ở một số địa phương trong vùng còn thấp, gây cản trở trong việc tiếp thu ứng dụng các tiến bộ KH&CN và làm chủ công nghệ.

Thứ năm, hệ thống các tổ chức trung gian hỗ trợ giải mã, hoàn thiện công nghệ, thí nghiệm, thiết kế và phát triển sản phẩm, định giá công nghệ và tài sản trí tuệ còn thiếu và chưa phát triển. Thông tin, cơ sở dữ liệu, tài liệu về công nghệ, sáng kiến, sáng chế, kết quả nghiên cứu chưa được phổ biến rộng rãi tới các doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp khó tiếp cận được các nguồn vốn, tín dụng để tiến hành đổi mới công nghệ do vướng mắc về điều kiện tài sản bảo đảm, số năm kinh nghiệm hoạt động...

Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới

Phát biểu kết luận Hội nghị Giao ban KH&CN vùng TD&MNPB lần thứ XIX, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh đã ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực và các kết quả đạt được trong hoạt động KH,CN&ĐMST tại các địa phương thời gian qua. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức và cả những vướng mắc về một số cơ chế, chính sách, nhưng nhờ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo các địa phương, đặc biệt là sự chủ động, sáng tạo của 14 sở KH&CN trong vùng, hoạt động KH,CN&ĐMST giai đoạn 2022-2024 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp thiết thực, hiệu quả vào phát triển KT-XH của từng địa phương và toàn vùng. Để nâng cao hiệu quả hoạt động KH,CN&ĐMST trong thời gian tới, Thứ trưởng Hoàng Minh đề nghị các sở KH&CN trong vùng tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục chủ động, tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về KH,CN&ĐMST sao cho thống nhất, đồng bộ, khả thi từ Trung ương đến địa phương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST tại địa phương. Tham gia, phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN hoàn thiện thể chế, chính sách về KH,CN&ĐMST, trọng tâm là việc sửa đổi, bổ sung Luật KH&CN, các quy định về cơ chế tài chính, đầu tư cho hoạt động KH&CN...

Hai là, tiếp tục tham mưu cấp có thẩm quyền ưu tiên bố trí kinh phí, tăng cường đầu tư nâng cao tiềm lực KH&CN địa phương; tăng cường đầu tư tiềm lực, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cho KH&CN; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KH&CN tại địa phương để đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ KH&CN phục vụ phát triển KT-XH; sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách cấp cho hoạt động KH,CN&ĐMST tại địa phương; huy động tối đa nguồn lực của xã hội cho phát triển KH&CN.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh phát biểu kết luận Hội nghị.

Ba là, chủ động tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ KH&CN phục vụ trực tiếp cho mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, bám sát các nghị quyết, quy hoạch, kế hoạch về phát triển KT-XH của địa phương và vùng. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình KH&CN cấp quốc gia phục vụ trực tiếp cho phát triển KT-XH của các địa phương và của vùng.

Bốn là, triển khai đồng bộ, hiệu quả hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, nhất là ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong phát triển sản phẩm trọng điểm, chủ lực có lợi thế của địa phương; tăng cường hợp tác, liên kết địa phương, liên kết vùng, tích cực, chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế về KH,CN&ĐMST.

Năm là, đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN. Tiếp tục triển khai và nghiên cứu giải pháp cải thiện Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương.

Sáu là, cần khẩn trương tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch, chương trình KH&CN giai đoạn 2020-2025 nhằm cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ cho việc xây dựng văn kiện đại hội đảng nhiệm kỳ 2025-2030 các cấp ở địa phương và Văn kiện đại hội đại biểu lần thứ XIV của Đảng.

Đối với các đơn vị thuộc Bộ, Thứ trưởng Hoàng Minh yêu cầu: cần căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động nghiên cứu, tiếp tục trao đổi, hướng dẫn địa phương trong vùng TD&MNPB tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, lắng nghe ý kiến của địa phương, tham mưu đề xuất cho Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền. Trước tiên, tập trung rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách thuận lợi cho hoạt động KH,CN&ĐMST của vùng TD&MNPB nói riêng và cả nước nói chung; đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách về tài chính, đầu tư cho KH,CN&ĐMST... Triển khai hiệu quả các chương trình KH&CN cấp quốc gia, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển KT-XH; nghiên cứu các cơ chế, chính sách tăng cường liên kết vùng… nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2030, vùng TD&MNPB là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện.

Thứ trưởng nhấn mạnh, các địa phương trong vùng TD&MNPB cần bám sát quan điểm phát triển đất nước tại Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030 là: “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào KH,CN&ĐMST”. Từ đó, tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, quyết tâm, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để đạt được nhiều thành tựu hơn nữa, đóng góp hiệu quả cho phát triển KT-XH của từng địa phương trong vùng và đất nước.

Vũ Hưng

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)