Thứ hai, 21/10/2024 10:28

Xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia về trí tuệ nhân tạo

Trong năm 2024-2025, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan tập trung xây dựng 17 tiêu chuẩn quốc gia về trí tuệ nhân tạo (AI), cùng một số tiêu chuẩn quốc gia về các công nghệ mới như: Điện toán đám mây, Big data…

Tiêu chuẩn quốc gia về về trí tuệ nhân tạo giúp thiết lập vòng đời đảm bảo chất lượng và minh bạch của các mô - đun trí tuệ nhân tạo

AI hiện đang phát triển với một tốc độ nhanh chóng, mang lại nhiều lợi cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và chất lượng cuộc sống của con người. Tuy nhiên, lĩnh vực AI rất phức tạp và cũng đem lại không ít thách thức đáng lo ngại. Việc hiểu biết đúng về AI là cần thiết để mỗi cá nhân, tổ chức và quốc gia có thể nắm bắt cơ hội cũng như đối mặt với những thách thức từ công nghệ này. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế và khu vực hiện nay đã đưa ra nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan đến AI. Mặc dù vậy, tại Việt Nam, lĩnh vực tiêu chuẩn hóa cho AI vẫn còn nhiều thiếu sót và chưa có một tiêu chuẩn cụ thể nào. Hiện tại, Việt Nam chỉ đang áp dụng một số tiêu chuẩn liên quan nhất định đến AI.

Trước tình hình đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng và thu thập ý kiến phản hồi về dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia liên quan đến AI. Dự thảo này bao gồm quy trình vòng đời và các yêu cầu về chất lượng, chia thành hai phần chính: siêu mô hình chất lượng và độ bền vững. Dự thảo tiêu chuẩn này đã được Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị; Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ công bố.

Việc thiết lập các tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật không chỉ tạo ra một nền tảng an toàn, chất lượng và đáng tin cậy cho AI mà còn giúp chúng trở nên dễ hiểu. Những tiêu chuẩn này có vai trò quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền công nghệ, thúc đẩy sự minh bạch và định hướng phát triển. Mục tiêu chính của những tiêu chuẩn này là xây dựng một quy trình đảm bảo chất lượng và minh bạch cho các mô-đun AI. Các tiêu chí chất lượng sẽ được xác định rõ ràng, từ đó giải quyết hiệu quả những vấn đề cụ thể liên quan đến lĩnh vực AI. Để đạt được điều này, tiêu chuẩn sẽ cung cấp một hệ thống yêu cầu chất lượng dựa trên siêu mô hình đã được công nhận cho công nghệ AI.

Dự thảo cũng nhấn mạnh rằng, không phải tất cả các mô-đun AI đều cần tuân thủ những yêu cầu chất lượng giống nhau. Do vậy, tiêu chuẩn đề xuất sự khác biệt giữa các mô - đun AI liên quan đến tính an toàn, bảo mật, quyền riêng tư và tiêu chuẩn đạo đức. An toàn, bảo mật, quyền riêng tư hoặc đạo đức của một mô - đun AI cần phải được xem xét kỹ lưỡng để đáp ứng các yêu cầu chất lượng, trong khi những yêu cầu này sẽ ít nghiêm ngặt hơn nếu không đưa ra các tiêu chí về tính phù hợp.

Tiêu chuẩn được áp dụng cho mọi giai đoạn vòng đời của mô - đun AI, từ giai đoạn ý tưởng, phát triển cho đến triển khai, vận hành và cuối cùng là dừng hoạt động; đồng thời cũng đề cập đến nhiều quy trình vòng đời khác nhau. Bởi vì công nghệ AI được áp dụng cho rất nhiều nhiệm vụ đa dạng, nên tiêu chuẩn này không chỉ nhắm đến một lĩnh vực cụ thể mà còn mở rộng đến tất cả các công ty và sản phẩm AI trong mọi lĩnh vực khác nhau.

Sẽ xây dựng 17 tiêu chuẩn quốc gia về trí tuệ nhân tạo

Tháng 12/2023, Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế (ISO) và Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC) đã công bố Tiêu chuẩn ISO/IEC 42001:2023, Công nghệ thông tin - AI - Hệ thống quản lý. Đây là tiêu chuẩn hệ thống quản lý quốc tế đầu tiên dành cho AI, áp dụng cho tất cả các loại hình công ty trong bất kỳ ngành nào, để bảo đảm việc sử dụng các công nghệ AI một cách an toàn, có lợi và hợp lý, đáp ứng sự phát triển của AI và những thách thức mà nó tạo ra. Tiêu chuẩn này nhanh chóng được nhiều tổ chức xin đăng ký chứng nhận.

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang bám sát vào Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 để ban hành Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển. Do vậy, việc xây dựng tiêu chuẩn cho những công nghệ này ngày càng cần thiết. Trong đó, tiêu chuẩn quốc gia cho AI sẽ giúp loại bỏ các vấn đề về rủi ro, nguy cơ mất an toàn hệ thống; tăng cường năng lực cho các tổ chức, doanh nghiệp thâm nhập thị trường, thúc đẩy thương mại, tăng cường năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo.

Trong năm 2024-2025, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan tập trung xây dựng 17 tiêu chuẩn quốc gia về AI, cùng một số tiêu chuẩn quốc gia về các công nghệ mới như: Điện toán đám mây, Big data… Cùng với đó, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia sẽ phối hợp xây dựng 8 tiêu chuẩn quốc gia về Cyber security (an toàn thông tin), 3 tiêu chuẩn quốc gia về Cloud computing (điện toán đám mây), 5 tiêu chuẩn quốc gia về IoT (Internet kết nối vạn vật), 3 tiêu chuẩn quốc gia về Big data (dữ liệu lớn) và 5 tiêu chuẩn quốc gia về công nghệ Nano.

PT

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)