Lấp dần khoảng trống về giới trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ
Với chủ đề “Vai trò của phụ nữ trong khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế: Thông minh, Sáng tạo & Bền vững”, Hội nghị đã thu hút sự tham gia của 60 đại biểu quốc tế từ 13 quốc gia, vùng lãnh thổ và hơn 300 hội viên nữ trí thức, nhà khoa học, báo cáo viên đến từ 8 Hội thành viên, 35 Chi hội trực thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, với lực lượng ngày càng đông đảo, góp mặt ở hầu hết các lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội, đội ngũ nữ kỹ sư đang mạnh mẽ tiến bước và ngày càng thể hiện tài năng, trí tuệ và tiềm năng đổi mới sáng tạo. Sự có mặt của đội ngũ này đã lấp dần khoảng trống về giới trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, kỹ thuật và toán học. Hội nghị là cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, tiếp tục khẳng định vai trò của phụ nữ trong khoa học và công nghệ, góp phần tham gia tốt hơn vào sự phát triển. Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương là minh chứng cho khả năng to lớn và đóng góp vô cùng quan trọng của phụ nữ cho sự phát triển bền vững của nhân loại. Bằng sự chân thành, trí tuệ, các đại biểu có thể cùng nhau chia sẻ, tìm hiểu và làm rõ hơn chủ đề hội nghị đề ra, đó là “Vai trò của phụ nữ trong khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế”.
GS.TS Lê Thị Hợp - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam cho biết, Trải qua 13 năm xây dựng và phát triển, Hội Nữ trí thức Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, từ 350 hội viên ban đầu, đến nay hội đã có gần 6.000 hội viên. Hội đã tập trung vào việc thúc đẩy, nâng cao vai trò của nữ trí thức trong nghiên cứu khoa học, thông qua việc tổ chức trên 100 hội thảo khoa học; hàng trăm công trình nghiên cứu được công bố và trình bày tại các hội nghị cấp quốc gia đã khẳng định năng lực của nữ trí thức Việt Nam góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong quan hệ quốc tế, Hội Nữ trí thức Việt Nam đã chủ động mở rộng hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài. Việc trở thành thành viên của Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APNN), thuộc tổ chức các nhà khoa học công nghệ nữ quốc tế (INWEST), là một minh chứng rõ nét cho sự hội nhập quốc tế của Hội. Đây là lần thứ 2, Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức tại Việt Nam. Hội nghị lần này không chỉ là diễn đàn để chia sẻ kiến thức, mà còn là cầu nối để cùng nhau xây dựng một tương lai bền vững hơn, nơi mà phụ nữ được trao quyền và đóng góp hết mình vào sự phát triển của cộng đồng.
Phụ nữ Việt Nam đang dần khẳng định vai trò của mình trong khoa học và công nghệ
Bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.
Chia sẻ tại Hội nghị, Bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, những năm qua Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đã có nhiều hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế như: ban hành Nghị quyết về “Hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đến năm 2030”; đề xuất Chính phủ phê duyệt các đề án hỗ trợ để phụ nữ chủ động, tích cực hơn trong quá trình hội nhập toàn cầu như: Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”. Biểu dương, tôn vinh những nhà khoa học nữ và nữ trí thức qua việc duy trì xét, trao Giải thưởng Kovalevskaia cho các nhà khoa học nữ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên; trao học bổng cho các em nữ sinh chuyên Toán có thành tích học tập xuất sắc; tổ chức Cuộc gặp mặt Lãnh đạo Chính phủ với nữ trí thức tiêu biểu toàn quốc; hỗ trợ, thúc đẩy việc thành lập Hội nữ trí thức Việt Nam ở các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Những năm gần đây, thu hẹp bất bình đẳng và nâng cao tỷ lệ nữ giới nghiên cứu khoa học đã đạt nhiều kết quả tích cực nhưng sự chênh lệch giới trong lĩnh vực STEM Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học vẫn còn rõ rệt. Kể từ khi Giải thưởng Nobel ra đời vào năm 1901, đã có hơn 640 nhà khoa học đã được trao giải trong các lĩnh vực: Vật lý, Hóa học và Y học, trong đó chỉ có 26 phụ nữ, chiếm 3%. Theo số liệu thống kê mới nhất, chỉ có 30% nhà nghiên cứu trên thế giới là nữ và tính riêng tại Đông Nam Á, tỷ lệ này là 27%. Phụ nữ chỉ tham gia 21% công việc trong lĩnh vực STEM trên toàn cầu. Nghiên cứu cũng cho thấy, tỷ lệ sinh viên nữ học các ngành liên quan đến công nghệ ở Việt Nam chiếm 37% (tỷ lệ chung của khu vực là 46%) so với tỷ lệ 61% (tỷ lệ chung khu vực là 47%) ở các ngành học khác. Khoảng cách giới tồn tại từ bậc giáo dục phổ thông và đại học sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lựa chọn nghề nghiệp sau này của phụ nữ. Vấn đề này trở nên cấp bách hơn nữa khi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là chìa khóa, động lực phát triển ở thời đại mới.
TS Sarah Peers - Chủ tịch Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ quốc tế (INWES) cho rằng, sự hợp tác và đoàn kết sẽ giúp vượt qua mọi rào cản, định kiến tạo nên sức mạnh chung. Bà hy vọng, Hội nghị sẽ giúp nâng cao kiến thức về vai trò của phụ nữ trong hội nhập, quốc tế, vì một tương lai phát triển bền vững.
Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ châu Á - Thái Bình Dương lần này không chỉ là cơ hội để Việt Nam lắng nghe và học hỏi từ các nước trong khu vực mà còn là dịp để các nhà khoa học nữ, từ mọi quốc gia có thể kết nối, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác nhằm tạo ra những sáng kiến đột phá thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ.
PT