Ngày 07/10/2024, tại Hội trường Nguyễn Văn Đạo (ĐHQGHN), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF GS Klaus Schwab đã thăm ĐHQGHN và giao lưu với sinh viên về chủ đề Định vị Việt Nam trong kỷ nguyên thông minh - Tầm nhìn cho thế hệ trẻ. Sự kiện có sự tham dự của các đại biểu quốc tế và lãnh đạo các bộ, ban, ngành.
Thế hệ trẻ là tương lai của Việt Nam
GS Klaus Schwab chia sẻ bức tranh tổng quan về các lực lượng đang định hình thế giới, với nhiều yếu tố biến đổi và phức tạp hơn, mang lại cả thách thức và cơ hội cho tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Có thể kể đến đó là: sự chuyển đổi từ một trật tự toàn cầu ổn định sang một thế giới đa cực, thường xuyên xảy ra xung đột; sự chuyển tiếp từ thời đại công nghiệp sang thời đại thông minh; sự phân cực ngày càng gia tăng trong xã hội. Chủ tịch WEF nhấn mạnh, các bạn trẻ là tương lai của Việt Nam và những biến chuyển được đưa ra thảo luận chính là những yếu tố sẽ định hình sự nghiệp, cơ hội và cuộc sống của các bạn. Thời đại thông minh không chỉ là một khái niệm trừu tượng; đó là một thực tế mà những người trẻ tuổi của Việt Nam sẽ sống, lao động và học tập trong đó.
GS Klaus Schwab đưa ra những gợi ý để Việt Nam có thể nắm bắt những cơ hội phía trước, nhằm tạo ra một tương lai thịnh vượng, bền vững và bao trùm. Thông qua các sáng kiến như Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, WEF đang nỗ lực cung cấp các nguồn lực và kết nối cần thiết để các quốc gia như Việt Nam phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, đầu tư vào hạ tầng số và chuẩn bị lực lượng lao động thích ứng với những thách thức phía trước.
Về các yếu tố cần trong một kỷ nguyên thông minh, GS Klaus Schwab nhấn mạnh đến cơ sở hạ tầng số, tài nguyên về nguồn nhân lực, hệ sinh thái kinh doanh, hợp tác công tư, hội nhập và hợp tác toàn cầu. Ngoài công nghệ, cơ hội thực sự vẫn nằm ở nhân tố con người. Theo GS, lợi thế thực sự của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào xây dựng được nền kinh tế tri thức, không chỉ bao gồm các kỹ năng, năng lực chuyên môn mà còn gồm cả môi trường, xã hội và lợi thế địa chính trị, tất cả đều là những yếu tố quan trọng cho một xã hội thịnh vượng và phát triển bao trùm.
GS Klaus Schwab cũng đánh giá cao kế hoạch, tầm nhìn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bao trùm, không có ai bị bỏ lại phía sau; cũng như bày tỏ lạc quan về cơ hội rất lớn của thế hệ trẻ Việt Nam trong đóng góp, định hình xây dựng tương lai đất nước.
Ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại, thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đang là xu thế tất yếu
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cuộc đối thoại là minh chứng thể hiện kết quả của mối quan hệ ngày càng gắn bó, chặt chẽ và đầy sức sống giữa Việt Nam và WEF; gần đây nhất, WEF đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại TP Hồ Chí Minh, trung tâm thứ hai trong mạng lưới của WEF tại Đông Nam Á.
Thủ tướng khẳng định, trên cương vị Chủ tịch WEF liên tục trong hơn 50 năm qua, GS Klaus Schwab đã dẫn dắt WEF theo đuổi cách tiếp cận đa phương, đa chiều, hợp tác công - tư, hợp tác nhiều bên, góp phần giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu trên nhiều phương diện. Về tính đại diện, WEF đã trở thành diễn đàn quy tụ nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà trường, nhà sáng tạo - khởi nghiệp trong tất cả lĩnh vực. Về tính kết nối, các hội nghị WEF là cơ hội để cộng đồng quốc tế thúc đẩy hợp tác, đoàn kết quốc tế và thúc đẩy các ý tưởng hợp tác. WEF cũng phát huy tính tiên phong, tạo nên sự chuyển đổi (như mạng lưới Trung tâm về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; các sáng kiến hợp tác công - tư trong các lĩnh vực…).
Đề cập đến chủ đề cho Hội nghị WEF Davos năm 2025 sắp tới tại Davos, Thụy Sỹ là "Định hình kỷ nguyên thông minh", Thủ tướng đánh giá đây là nội dung mang tầm thời đại, là vấn đề thế giới phải nghiên cứu, thích ứng và làm chủ; nhất trí với GS về cách tiếp cận bao trùm, toàn diện, phản ánh xu hướng phát triển của thời đại mới khi đề cập "kỷ nguyên thông minh". Theo Thủ tướng, sự thông minh không chỉ đơn thuần là sự phát triển bùng nổ của công nghệ mới mà còn gắn kết, cộng hưởng ở nhiều khía cạnh rộng lớn khác. Từ khía cạnh kinh tế, thông minh phải thực sự chuyển hoá thành sự cải thiện về năng suất, trở thành động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, cũng như phát huy hiệu quả trong khâu phân phối. Từ khía cạnh xã hội, thông minh phải làm xã hội bình đẳng hơn, tự do hơn, bao trùm hơn, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, không ai bị bỏ lại phía sau. Từ khía cạnh môi trường, thông minh phải đi đôi với sử dụng hiệu quả năng lượng, phát triển bền vững các nền kinh tế. Từ khía cạnh địa chính trị, thông minh phải thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển, phải ngăn ngừa xung đột, đối đầu, chia rẽ, gác lại quá khứ, khai thác điểm tương đồng, hướng tới tương lai.
Tôi cho rằng kỷ nguyên thông minh phải là kỷ nguyên phát triển vì con người, phục vụ con người, lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể - Thủ tướng nhấn mạnh. Phân tích về thách thức và cơ hội của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam trong bối cảnh này, Thủ tướng cho rằng, phát triển bền vững, bao trùm trên cơ sở ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại, thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đang là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của thế giới ngày nay. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững là vấn đề có tính toàn cầu, tác động đến toàn dân, toàn diện, đến mọi hoạt động của con người, mọi quốc gia. Vì vậy, cần đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế để thúc đẩy và mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và kỷ nguyên thông minh mang lại.
Thủ tướng chỉ ra 3 thách thức lớn với Việt Nam: Khoảng cách về công nghệ, thiếu hụt về hạ tầng; Quy mô kinh tế, nguồn lực còn hạn chế, đất nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi; Biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, đe dọa an ninh lương thực, nguồn nước và năng lượng. Bên cạnh đó, cũng có những cơ hội với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, như cơ hội của người đi sau (có điều kiện đi thẳng lên những công nghệ, giải pháp mới nhất); nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, trong đó có vai trò, đóng góp quan trọng của các bạn sinh viên, thanh niên; hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương là xu thế không thể đảo ngược.
Chia sẻ về mục tiêu của Việt Nam tới năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao, Thủ tướng cho rằng, cả dân tộc phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực), huy động mọi nguồn lực để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khai thác nguồn lực nội sinh (thiên nhiên, truyền thống văn hóa - lịch sử, con người), đồng thời kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, lấy nguồn lực bên ngoài (vốn, quản trị, công nghệ, đào tạo nhân lực…) là quan trọng, đột phá.
Nhấn mạnh vai trò của thế hệ trẻ trong kỷ nguyên thông minh, Thủ tướng nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: Một năm khởi đầu từ mùa xuân; một đời khởi đầu từ tuổi trẻ; tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội. Thủ tướng mong muốn, tin tưởng thế hệ trẻ sẽ phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa hào hùng, dám đương đầu khó khăn, thách thức, vượt qua khó khăn, thách thức, có tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận để giải quyết các vấn đề đặt ra, phát huy vai trò nòng cốt, tiên phong, bản lĩnh, tự tin bước vào kỷ nguyên thông minh, đóng góp cho giai đoạn phát triển tới của đất nước.
VH, SV, QT