Sản xuất thông minh là con đường tất yếu
Thuật ngữ sản xuất thông minh đang thịnh hành hiện nay và có xu hướng phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang phát triển như vũ bão. Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data)… đã được tích hợp vào quy trình sản xuất để tối ưu hóa hiệu suất và giảm chi phí. Đặc biệt, các công nghệ 5G và 6G đang tạo ra một bước tiến mới, cho phép kết nối tốc độ cao giữa các thiết bị sản xuất, giúp thu thập và phân tích dữ liệu theo thời gian thực, nâng cao khả năng tự động hóa.
Hoa Kỳ, Đức và Nhật Bản là những quốc gia tiên phong trong lĩnh vực sản xuất thông minh với các mô hình nhà máy thông minh - nơi công nghệ giúp tự động hóa toàn bộ quy trình sản xuất, tăng cường hiệu quả và giảm thiểu chi phí. Mục tiêu cốt lõi của sản xuất thông minh là tăng cường tính linh hoạt, chất lượng, năng suất, đồng thời tạo ra giá trị lớn hơn với chi phí thấp hơn và hạn chế tối đa lãng phí.
Các đại biểu tham dự Khóa đào tạo chụp ảnh lưu niệm.
Đài Loan (Trung Quốc) mới đây nổi lên như một trung tâm lớn về sản xuất thông minh hàng đầu châu Á, với sự tiên phong trong lĩnh vực sản xuất máy móc và công nghệ robot. Đài Loan (Trung Quốc) đã phát triển các giải pháp tích hợp như robot cộng tác (cobots), hệ thống thị giác máy (3D machine vision) và nền tảng internet vạn vật công nghiệp (IIoT). Đài Loan đã trở thành đối tác quan trọng trong chuỗi cung ứng quốc tế, đặc biệt với khả năng thiết kế mạch tích hợp (IC) và các giải pháp sản xuất chính xác. Các doanh nghiệp Đài Loan không chỉ tiên phong ứng dụng các giải pháp sản xuất thông minh mà còn cung cấp các giải pháp này cho nhiều quốc gia khác trong khu vực. Các ngành như điện tử, robot công nghiệp và công nghệ bán dẫn, máy công cụ của Đài Loan đều đạt chuẩn quốc tế về mức độ tự động hóa và ứng dụng công nghệ cao.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng của lĩnh vực sản xuất thông minh, Trung tâm Năng suất Trung Quốc (CPC) đã thành lập Trung tâm Xuất sắc (COE) về sản xuất thông minh. Trung tâm này đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu - phát triển các công nghệ sản xuất thông minh. CPC hỗ trợ các doanh nghiệp ở Đài Loan (Trung Quốc) và khu vực trong việc áp dụng các hệ thống sản xuất tự động, tối ưu hóa quy trình và nâng cao năng lực cạnh tranh. COE cung cấp các dịch vụ tư vấn, đào tạo và chuyển giao công nghệ, giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khu vực tiếp cận với các giải pháp công nghệ tiên tiến. CPC không chỉ là đơn vị dẫn đầu tại Đài Loan (Trung Quốc) mà còn là một trong những đối tác quan trọng của Tổ chức Năng suất châu Á trong việc thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp sản xuất ở châu Á nhằm phát triển và thúc đẩy sản xuất thông minh, giúp nâng cao năng suất, giảm lãng phí và tạo ra các giá trị bền vững cho nền kinh tế toàn cầu.
Theo các chuyên gia, các công nghệ và yếu tố cốt lõi trong sản xuất thông minh bao gồm các yếu tố: AI được sử dụng để phân tích dữ liệu và tối ưu hóa quy trình sản xuất theo thời gian thực; IoT kết nối các máy móc và thiết bị với hệ thống quản lý, cho phép giám sát và điều chỉnh từ xa; Big Data sẽ thúc đẩy tận dụng dữ liệu lớn để đưa ra dự đoán chính xác về nhu cầu sản phẩm, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và quy trình sản xuất. Còn tự động hóa là các robot và hệ thống tự động đảm nhận những công việc phức tạp, chính xác và nguy hiểm, giúp giảm thiểu sự can thiệp của con người và tăng tính hiệu quả.
Xu hướng và tương lai của sản xuất thông minh trong thời gian tới là phát triển sản xuất bền vững, hướng đến việc tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, giảm thiểu lãng phí và ô nhiễm môi trường. Có thể khẳng định, sản xuất thông minh sẽ tiếp tục phát triển và là một phần không thể thiếu trong việc định hình tương lai của ngành công nghiệp.
Các chuyên gia cho rằng, quá trình chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất thông minh không chỉ đòi hỏi đầu tư vào công nghệ mà còn phải thay đổi về cấu trúc và quy trình làm việc. Do đó, các doanh nghiệp cần thực hiện các bước như: đánh giá hiện trạng và lựa chọn công nghệ, đào tạo nhân lực, tích hợp hệ thống quản lý và tối ưu hóa quy trình sản xuất.
Bài học tham khảo
Một số bài học kinh nghiệm từ quá trình chuyển đổi sang sản xuất thông minh của Đài Loan (Trung Quốc) có thể tham khảo gồm:
Thứ nhất, sự chuẩn bị về tư duy và chiến lược: chuyển đổi sang sản xuất thông minh không chỉ đơn giản là áp dụng công nghệ mới, mà còn yêu cầu sự thay đổi về tư duy quản lý và chiến lược dài hạn. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị một tầm nhìn rõ ràng về việc ứng dụng công nghệ kết hợp với mục tiêu kinh doanh tổng thể. Việc lập kế hoạch chi tiết, từ giai đoạn thử nghiệm đến triển khai toàn bộ, giúp doanh nghiệp tránh được rủi ro và thất bại khi chuyển đổi.
Thứ hai, đầu tư vào hạ tầng công nghệ và tự động hóa: một trong những thách thức lớn là chi phí đầu tư ban đầu vào công nghệ cao. Các doanh nghiệp cần ưu tiên phát triển hạ tầng công nghệ như mạng 5G, IoT, AI và hệ thống robot cộng tác để tận dụng lợi thế của sản xuất thông minh. Tuy nhiên, việc đầu tư phải đi kèm với kế hoạch cụ thể và lựa chọn các giải pháp phù hợp với quy mô của doanh nghiệp.
Thứ ba, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: sự thành công của sản xuất thông minh phụ thuộc lớn vào khả năng quản lý và vận hành hệ thống công nghệ của nhân viên. Đào tạo nhân lực là yếu tố cốt lõi, từ việc sử dụng các hệ thống điều khiển tự động đến khả năng phân tích và ra quyết định dựa trên dữ liệu lớn. Doanh nghiệp cần đầu tư vào các chương trình đào tạo và phát triển kỹ năng cho nhân viên để tận dụng tối đa hiệu quả của công nghệ mới.
Thứ tư là, khả năng thích nghi và quản lý sự thay đổi: trong quá trình chuyển đổi, không thể tránh khỏi những thay đổi về quy trình và văn hóa doanh nghiệp. Khả năng thích nghi nhanh chóng với các thay đổi này là yếu tố then chốt. Các doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa linh hoạt, khuyến khích đổi mới và khả năng thích ứng với các công nghệ và quy trình mới.
Thứ năm là, tích hợp liền mạch các hệ thống và dữ liệu: một bài học quan trọng từ quá trình chuyển đổi là việc tích hợp liền mạch các hệ thống quản lý và dây chuyền sản xuất thông qua công nghệ IoT. Dữ liệu thu thập từ các thiết bị cần được phân tích và xử lý theo thời gian thực để đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác, tránh tình trạng ngừng trệ sản xuất hoặc lãng phí tài nguyên.
Thứ sáu là, quản lý rủi ro và bảo mật thông tin: việc bảo vệ dữ liệu sản xuất, thông tin khách hàng và các hệ thống tự động hóa đòi hỏi các doanh nghiệp đầu tư vào các giải pháp bảo mật tiên tiến.
Chuyển đổi sang sản xuất thông minh là một hành trình phức tạp nhưng đầy tiềm năng. Các doanh nghiệp cần học hỏi từ những bài học kinh nghiệm trong việc lập chiến lược, quản lý sự thay đổi, phát triển nhân lực, và tích hợp công nghệ. Chìa khóa thành công là sự chuẩn bị kỹ lưỡng, linh hoạt trong quản lý và đầu tư vào công nghệ phù hợp.
Hồng Anh