Thứ hai, 21/10/2024 10:31

Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ra thế giới: Cơ hội và thách thức

Ngày 17/10/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị Đưa doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ra thế giới - Cơ hội và thách thức nhằm giúp các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nắm bắt các cơ hội đầu tư và mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài.

Toàn cảnh Hội nghị.

Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển

Ông Nguyễn Thanh Tuyên - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ tại Hội nghị.

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Tuyên - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghệ và thông tin đang có tốc độ tăng trưởng kép từ năm 2020-2023 là 15,4% nhưng tỷ trọng còn nhỏ. Thông qua các chính sách đầu tư hấp dẫn của Việt Nam đã giúp thúc đẩy đầu tư cho lĩnh vực công nghệ, đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghệ và thông tin tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, tỷ trọng của ngành này còn chiếm tỷ lệ rất nhỏ, cho thấy Việt Nam vẫn còn dư địa để tiếp tục phát triển và thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai gần.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 1,5 triệu người lao động làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó có gần 500.000 kỹ sư. Theo cấu trúc ngành công nghiệp công nghệ thông tin vào năm 2023, sẽ có khoảng 63% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phần cứng và điện tử, 17% chuyên về phần mềm, 14% hoạt động trong buôn bán phân phối công nghệ thông tin và 8% cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin mà không liên quan đến buôn bán hay phân phối. Khoảng 70% trong tổng số các trường đại học và cao đẳng tại Việt Nam hiện nay đang giảng dạy về nhóm ngành công nghệ thông tin, điều này thể hiện sự nỗ lực của quốc gia trong việc mở rộng nguồn nhân lực cho lĩnh vực này. Thêm vào đó, các cơ sở giáo dục cũng đang cập nhật thêm nhiều chuyên ngành mới để theo kịp xu thế công nghệ toàn cầu, như trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng. Việc này không chỉ giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn đảm bảo có đủ nhân viên công nghệ thông tin đạt trình độ cao trên thị trường.

Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ngày càng thể hiện được vị thế trên trường quốc tế

Ông Vũ Văn Chung - Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ tại Hội nghị.

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Vũ Văn Chung - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin, Việt Nam hiện đã triển khai tổng cộng 1772 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng số vốn đăng ký đạt 22,12 tỷ USD. Những dự án này hiện đang được thực hiện tại 81 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài những thị trường truyền thống, xu thế đầu tư đang dần chuyển hướng sang các nước phát triển như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.

Bên cạnh những lĩnh vực đầu tư quen thuộc, đã có sự gia tăng rõ rệt trong việc đầu tư vào những ngành công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cũng như sản xuất công nghiệp. Các lĩnh vực có hàm lượng kỹ thuật hiện đại cũng đang nhận được nhiều sự quan tâm hơn bao giờ hết. Đáng chú ý, riêng trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, Việt Nam đang sở hữu 223 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn là 2,84 tỷ USD, chiếm khoảng 13% trong tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của cả nước. Các dự án hiện nay chủ yếu hướng tới thị trường Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Xét về quy mô, các dự án trong lĩnh vực viễn thông lớn hơn, tập trung tại Myanmar, Peru và một số quốc gia châu Phi. Ngược lại, các dự án công nghệ thông tin thường có quy mô nhỏ hơn và tập trung vào Singapore, Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Trong những năm gần đây, doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng lẫn khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Các doanh nghiệp cung cấp đa dạng sản phẩm, dịch vụ và giải pháp số nhằm hỗ trợ tiến trình chuyển đổi số cũng như phát triển kinh tế và xã hội số, từ đó góp phần thu hẹp khoảng cách số toàn cầu và phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp quốc tế để xây dựng một thế giới số.

Để thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ số trở thành một lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế quốc dân và biến Việt Nam thành một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp công nghệ số, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Dự thảo này được mong đợi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ số, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, góp phần tiến tới việc hình thành Chính phủ số và thúc đẩy kinh tế và xã hội số. Đồng thời tiên phong hóa các ngành công nghiệp, giúp công nghệ số thâm nhập vào nhiều lĩnh vực khác nhau, từ đó làm thay đổi cách thức hoạt động và tạo ra giá trị mới, mang đến một cuộc cách mạng về thông minh hóa.

Tại Hội nghị, các lãnh đạo và chuyên gia cũng nhất trí rằng, các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam đang có cơ hội lớn để mở rộng hoạt động ra nước ngoài. Vì vậy, cần tăng cường hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực chuyển đổi số và thương mại điện tử thông qua việc ký kết thêm các biên bản ghi nhớ với các tổ chức xúc tiến thương mại cũng như các đối tác lớn toàn cầu. Đồng thời tận dụng các nguồn lực quốc tế để hỗ trợ trao đổi kinh nghiệm và nâng cao kỹ năng chuyển đổi số cũng như thương mại điện tử cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin.

PT

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)