Thứ ba, 22/10/2024 10:02

Chính sách quản lý công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Nhằm tạo ra một không gian đối thoại, thảo luận sâu rộng giữa các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, Diễn đàn Chính sách quản lý công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội tổ chức (ngày 30/09/2024 tại Hà Nội) đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, ý tưởng và tầm nhìn về các chính sách và chương trình hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tạp chí xin trích đăng một số ý kiến nổi bật tại Diễn đàn.

Toàn cảnh Diễn đàn.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh: Thiết lập và tăng cường gắn kết với các viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những năm gần đây giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST), việc ứng dụng chuyển giao công nghệ và ĐMST có vai trò quan trọng giúp nâng cao năng suất chất lượng, cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động sâu rộng và mạnh mẽ, trình độ và năng lực công nghệ là yếu tố then chốt để doanh nghiệp tạo được sản phẩm dịch vụ có tính cạnh tranh vượt trội, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Mặt khác, cạnh tranh thương mại giữa các nền kinh tế trong thời gian gần đây dẫn đến gia tăng các biện pháp bảo hộ cạnh tranh khốc liệt về công nghệ cùng với những đòi hỏi của mục tiêu phát triển bền vững, buộc doanh nghiệp phải có giải pháp cốt yếu để hấp thụ, đổi mới công nghệ, tiến tới tự chủ được công nghệ và vượt qua khó khăn, thách thức.

Với chủ trương lấy doanh nghiệp là trung tâm của ĐMST quốc gia, thời gian qua, Bộ KH&CN đã đẩy mạnh hoạt động ứng dụng chuyển giao và phát triển công nghệ, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương đánh giá trình độ và năng lực công nghệ của doanh nghiệp với một số ngành chủ lực, mũi nhọn, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, triển khai các chương trình KH&CN quốc gia..., từ đó hỗ trợ tìm kiếm, giới thiệu, kết nối nguồn cung công nghệ. Đồng thời, Bộ KH&CN cũng thiết lập và tăng cường gắn kết chặt chẽ với các viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao đổi mới công nghệ trong các ngành, lĩnh vực sản xuất và kinh doanh.

Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ TS Nguyễn Hoàng Linh: Cần xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số chính sách liên quan đến chuyển giao công nghệ.

Nhìn chung, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ đã được quy định ngày một hoàn thiện hơn, thông qua một loạt chính sách ưu đãi, hỗ trợ, cùng với các chính sách quản lý nhà nước phù hợp, nhằm thúc đẩy hoạt động CGCN ở nước ta. Trong thời gian tới, để chính sách quản lý nhà nước về công nghệ được hoàn thiện, đóng góp ngày càng hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, cần xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số chính sách liên quan đến chuyển giao công nghệ như: i) Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; ii) Áp dụng ưu đãi miễn, giảm thuế cho dự án đầu tư của bên nhận công nghệ trong nhiều năm; iii) Tiếp tục hoàn thiện quy định ưu đãi đối với hoạt động CGCN trong pháp luật hướng dẫn Luật Đất đai; vi) Đối với hoạt động thẩm định công nghệ thuộc dự án đầu tư, cần xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Chuyển giao công nghệ. v) Đối với hoạt động xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, để khắc phục tình trạng còn có nhiều cách hiểu khác nhau như hiện nay, dẫn đến vướng mắc trong việc xác định dự án đầu tư…

Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Kinh doanh VinFast - Ông Trần Lê Phương: Thành công từ chiến lược chuyển giao công nghệ với các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Hoạt động chuyển giao công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất lao động và ĐMST. Việc áp dụng các công nghệ tiên tiến cũng giúp các doanh nghiệp Việt Nam, vốn dĩ có xuất phát điểm thấp hơn về mặt công nghệ so với các quốc gia phát triển, rút ngắn khoảng cách và tiến gần hơn đến các tiêu chuẩn quốc tế.

Được thành lập năm 2017, đến nay, VinFast đã từ một doanh nghiệp non trẻ trở thành hãng xe điện hiếm hoi trên thế giới sở hữu hệ sinh thái sản phẩm thuần điện hoàn chỉnh, từ ô tô điện, xe máy điện, xe đạp điện, xe buýt điện, tới mạng lưới hàng trăm ngàn cổng sạc được quy hoạch tại tất cả các tỉnh/thành phố trên cả nước. Không chỉ đạt được doanh số ấn tượng tại thị trường trong nước với các mẫu xe đứng đầu phân khúc, ô tô điện VinFast hiện đã được xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như Mỹ, Canada và châu Âu. Để đạt được điều này, VinFast đã thực hiện chiến lược chuyển giao công nghệ với các tập đoàn hàng đầu thế giới và nhanh chóng làm chủ các công nghệ mới. Hoạt động chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có VinFast, đạt được những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, góp phần thúc đẩy nền công nghệ quốc gia, tạo ra một hệ sinh thái công nghiệp có tính cạnh tranh cao. Những thành tựu bước đầu của VinFast trong việc làm chủ các công nghệ tiên tiến đã chứng minh, Việt Nam có thể tự lực phát triển và sánh ngang với các quốc gia có nền công nghiệp phát triển, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trên bản đồ công nghiệp toàn cầu.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thiết kế Công nghiệp Hóa chất Nguyễn Thị Vân Anh: Công tác thẩm định, có ý kiến về công nghệ tại các dự án đầu tư vẫn còn vướng mắc.

Công tác thẩm định dự án đầu tư nói chung và thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ nói riêng đã được cơ quan quản lý, nhà đầu tư và các doanh nghiệp quan tâm. Việc thẩm định giúp họ đưa ra những quyết định đúng đắn trong việc đầu tư, tài trợ các dự án. Vì vậy, hoạt động này đưa ra vai trò vô cùng quan trọng, phục vụ nhiều mục đích cho các bên liên quan.

Trước đây, một số nhà đầu tư thực hiện thay đổi phương án công nghệ trong quá trình hoạt động của dự án đầu tư mà không báo cáo, không có sự xem xét, thẩm định, có ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, dẫn đến gây hậu quả nghiêm trọng. Từ thực tiễn này, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 đã có 1 chương quy định về thẩm định công nghệ dự án đầu tư. Theo đó, luật quy định về loại dự án phải được thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; quy định thẩm quyền thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ…

Tuy vậy, trong công tác thẩm định/có ý kiến về công nghệ tại các dự án đầu tư vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Với số lượng dự án từ mọi nguồn vốn triển khai lớn như hiện nay, khối lượng công việc rất lớn trong khi nhân lực thiếu, không được đào tạo thường xuyên sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng, tiến độ thẩm định hồ sơ. Bộ KH&CN nên chủ trì việc xây dựng chương trình đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn tham gia công tác thẩm định công nghệ. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách, quy chế làm việc, đãi ngộ phù hợp để vừa khuyến khích cán bộ chuyên môn nâng cao trình độ, vừa an tâm thực hiện nhiệm vụ, nâng cao cả về chất và lượng trong công tác thẩm định. Nhà nước cũng cần thường xuyên cập nhật danh mục các công nghệ mới, khuyến khích chuyển giao, hạn chế và cấm chuyển giao trong các văn bản pháp quy.

Công tác thẩm định/có ý kiến về công nghệ hiện nay còn chịu sự chi phối bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng…, chưa kể các văn bản dưới luật. Điều này phần nào gây trở ngại, dễ chồng chéo, tạo cách hiểu khác nhau cho cả chủ đầu tư lẫn phía cơ quan thẩm định trong việc xác định đúng đối tượng, thẩm quyền thẩm định.

Việc thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ đều nằm ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư, dù quy định nội dung thẩm định/có ý kiến ở mỗi giai đoạn khác nhau. Việc trải qua 2 bước thẩm định/có ý kiến về công nghệ liên tiếp nhau trong giai đoạn chuẩn bị dự án là chưa hợp lý, mất nhiều thời gian, công sức và làm kéo dài quá trình thẩm định, phê duyệt dự án nói chung; đồng thời tạo áp lực lớn lên cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm tiếp nhận thẩm định/có ý kiến. Do đó, cơ quan quản lý cần xem xét gộp 2 bước này vào 1 giai đoạn để giảm tải áp lực cho cả chủ đầu tư và cơ quan thẩm định.

Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Kết: Chuyển giao công nghệ trở thành yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực và khả năng thích ứng

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt và sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, việc chuyển giao công nghệ trở thành yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực và khả năng thích ứng. Để tối ưu hóa quá trình này, các doanh nghiệp cần chú trọng vào những giải pháp chiến lược, không chỉ đảm bảo hiệu quả ngắn hạn mà còn mang lại giá trị bền vững. Trong suốt những năm qua, kiên định con đường phát triển bằng KH,CN&ĐMST, Rạng Đông đã thực hiện thành công 4 lần chuyển tầng công nghệ, từ đèn dây tóc sang đèn phóng điện áp suất thấp, sau đó là đèn LED và hiện nay là chiếu sáng thông minh lấy con người làm trung tâm. Chuyển đổi này đã giúp Rạng Đông từ một nhà máy sản xuất công nghiệp truyền thống tiền internet, chuyên sản xuất bóng đèn và phích nước trở thành một nhà máy sản xuất điện tử quy mô công nghiệp, với những dây chuyền hiện đại. Kinh nghiệm của Rạng Đông cho thấy, Nhà nước và doanh nghiệp cần chú trọng vào những giải pháp chiến lược không chỉ đảm bảo hiệu quả ngắn hạn mà còn mang lại giá trị bền vững trong dài hạn, cụ thể là:

Thứ nhất, tăng cường hợp tác công - tư. Việc xây dựng môi trường hợp tác giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình đổi mới công nghệ. Đồng thời, Nhà nước cần đưa ra các cơ chế ưu đãi về thuế và hỗ trợ tài chính để khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình này một cách tích cực.

Thứ hai, có chính sách hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (R&D). Đây là hoạt động không thể thiếu trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế. Về phía Nhà nước và các cơ quan quản lý, cần tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư vào R&D, từ đó nâng cao khả năng ĐMST. Việc hỗ trợ các chương trình đào tạo và chuyển giao công nghệ cũng sẽ giúp doanh nghiệp phát triển năng lực nghiên cứu một cách bền vững.

Thứ ba, đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao. Doanh nghiệp cần đầu tư vào các chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghệ cho nhân viên, nhằm nâng cao kỹ năng và kiến thức cần thiết, đặc biệt trong thời đại số hóa hiện nay.  Nhà nước cần quan tâm tới việc xây dựng các cơ sở đào tạo và huấn luyện kỹ thuật cao, giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về nhân lực kỹ thuật của doanh nghiệp trong bối cảnh đổi mới công nghệ.

Thứ tư, quan tâm đầu tư vào công nghệ xanh và bền vững. Muốn vậy, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo và phát triển công nghệ thân thiện với môi trường cần được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, việc Chính phủ đưa ra các mục tiêu phát triển bền vững rõ ràng, cụ thể sẽ giúp doanh nghiệp tập trung vào các giải pháp công nghệ xanh, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển lâu dài.

Lê Hạnh - Phạm Thịnh (Thực hiện)

 

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)