Thứ năm, 22/08/2024 10:02

Mối liên quan giữa sắt heme và tiểu đường type 2

Một nghiên cứu mới do các nhà nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng Harvard thực hiện cho thấy, việc tiêu thụ nhiều sắt heme - loại sắt có trong thịt đỏ và các sản phẩm động vật khác - có liên quan đến nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2 (T2D).

Mặc dù mối liên hệ giữa sắt heme và T2D đã được chứng minh trước đây, nhưng nghiên cứu này đã cung cấp một cái nhìn rõ ràng và chi tiết hơn về mối liên hệ đó. Tác giả chính của nghiên cứu, Fenglei Wang cho biết, so với các nghiên cứu trước đây chỉ dựa vào dữ liệu dịch tễ học, nhóm nghiên cứu đã kết hợp nhiều lớp thông tin khác nhau, bao gồm dữ liệu dịch tễ học, các chỉ số sinh học trao đổi chất thông thường và các phương pháp phân tích trao đổi chất tiên tiến. Điều này giúp hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa lượng sắt tiêu thụ và nguy cơ T2D, cũng như các con đường trao đổi chất có thể liên quan.

Các nhà nghiên cứu đã đánh giá mối liên hệ giữa sắt heme và T2D dựa trên 36 năm báo cáo chế độ ăn uống của 206.615 người lớn tham gia. Họ đã xem xét lượng sắt dưới nhiều dạng khác nhau - tổng lượng, heme, không heme, từ thực phẩm và từ nguồn bổ sung - và tình trạng T2D của người tham gia, đồng thời kiểm soát các yếu tố sức khỏe và lối sống khác. Ngoài ra, họ cũng phân tích các cơ chế sinh học liên quan đến mối quan hệ giữa sắt heme và T2D trên các nhóm nhỏ hơn của người tham gia. Các nhà khoa học đã xem xét các chỉ số sinh học trong máu của 37.544 người tham gia, bao gồm các chỉ số liên quan đến mức insulin, đường huyết, lipid trong máu, viêm nhiễm và 2 chỉ số về chuyển hóa sắt. Họ cũng tiến hành phân tích hồ sơ chuyển hóa của 9.024 người tham gia - mức độ các chất chuyển hóa nhỏ trong huyết tương, vốn là các chất sinh ra từ quá trình trao đổi chất trong cơ thể như phân hủy thực phẩm hoặc hóa chất.

Nghiên cứu này chứng minh, mức tiêu thụ sắt heme cao hơn có liên quan mật thiết đến nguy cơ phát triển T2D. Những người tiêu thụ sắt heme nhiều có nguy cơ mắc T2D cao hơn 26% so với những người tiêu thụ ít. Ngoài ra, sắt heme chiếm hơn một nửa nguy cơ T2D liên quan đến việc tiêu thụ thịt đỏ chưa qua chế biến và một phần nguy cơ trong một số kiểu ăn uống liên quan đến T2D. Ngược lại, các nhà nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ đáng kể nào giữa sắt không heme từ chế độ ăn uống hoặc bổ sung và nguy cơ T2D. Nghiên cứu cũng cho thấy, mức tiêu thụ sắt heme cao hơn có liên quan đến các chỉ số sinh học trong máu liên quan đến T2D. Mức tiêu thụ sắt heme cao hơn có liên quan đến các chỉ số sinh học như C-peptide, triglyceride, protein C-reactive, leptin và các dấu hiệu của tình trạng thừa sắt, cũng như mức độ thấp hơn của các chỉ số sinh học có lợi như HDL cholesterol và adiponectin. Các nhà nghiên cứu cũng đã xác định được một số chất chuyển hóa trong máu, bao gồm L-valine, L-lysine, acid uric và một số chất chuyển hóa lipid, có thể đóng vai trò trong mối liên hệ giữa tiêu thụ sắt heme và nguy cơ T2D. Những chất chuyển hóa này đã được liên kết với nguy cơ T2D trong các nghiên cứu trước đó.

Ở mức độ dân số, các phát hiện của nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng hướng dẫn dinh dưỡng và chiến lược y tế công cộng nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường. Đặc biệt, các phát hiện này làm dấy lên lo ngại về việc bổ sung sắt heme vào các sản phẩm thay thế thịt có nguồn gốc thực vật để tăng cường hương vị và màu sắc giống thịt. Những sản phẩm này đang trở nên phổ biến, nhưng cần phải nghiên cứu thêm về những tác động của chúng đến sức khỏe.

Giáo sư dinh dưỡng và dịch tễ học Frank Hu cho biết, nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lựa chọn chế độ ăn uống lành mạnh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường. Giảm tiêu thụ sắt heme, đặc biệt là từ thịt đỏ và áp dụng chế độ ăn uống dựa trên thực vật có thể là những chiến lược hiệu quả trong việc giảm nguy cơ mắc căn bệnh này. Các nhà nghiên cứu lưu ý, nghiên cứu này có một số hạn chế, bao gồm khả năng không kiểm soát đầy đủ các yếu tố gây nhiễu và các lỗi đo lường trong dữ liệu dịch tễ học. Ngoài ra, các kết quả này - dựa trên một nhóm nghiên cứu chủ yếu là người da trắng, vì vậy, cần phải được thực hiện thêm trên các nhóm chủng tộc và sắc tộc khác.

TXB (theo Science Daily)

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)