Thứ sáu, 22/12/2023 09:25

Quản trị địa phương: Tiếp cận liên ngành và khu vực học

Theo khảo sát của Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (VNH&KHPT) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) thì chương trình đào tạo về Quản trị địa phương ở cả bậc cao đẳng, đại học và sau đại học từ lâu đã được triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới; 66,7% các cơ quan, đơn vị tại các địa phương ở Việt Nam có nhu cầu tuyển dụng nhân sự trình độ sau đại học có kiến thức chuyên sâu, bài bản về Quản trị địa phương…

Những thông tin này đã được đưa ra tại hội thảo “Quản trị và phát triển địa phương từ tiếp cận liên ngành và khu vực học” do Viện VNH&KHPT tổ chức ngày 21/12/2023. Đây là hội thảo khoa học tạo tiền đề cho việc đào tạo thạc sỹ Quản trị địa phương trong thời gian sắp tới.

Quản trị địa phương là hoạt động quản trị nhà nước ở địa phương, phản ánh phương thức tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, gắn với các công việc của địa phương và lợi ích của nhân dân địa phương. Ở Việt Nam, quản trị quốc gia hay quản trị địa phương là những hướng tiếp cận còn khá mới mẻ.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã trình bày nhiều tham luận dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn, đây là góc tiếp cận liên ngành, tiền đề cho việc mở ngành thạc sỹ Quản trị địa phương: Một số vấn đề cơ bản về phát triển địa phương ở Việt Nam - tiếp cận, thực tiễn và gợi ý chính sách; Phát triển và quản trị đô thị - kinh nghiệm thế giới gắn với chuyển đổi số ở Việt Nam; Quản trị địa phương khu vực dân tộc miền núi - một số vấn đề đặt ra; Một số vấn đề về quản trị và phát triển địa phương - trường hợp ở tỉnh Hải Phòng, tỉnh Nam Định.

Các nhà khoa học tham dự hội thảo bày tỏ nhất trí về việc Viện VNH&KHPT mở ngành và đào tạo chương trình thạc sỹ Quản trị địa phương. Mặc dù quản trị địa phương không phải là mới ở Việt Nam, tuy nhiên hiện tại chưa có cơ sở nào đào tạo chính quy, bài bản về ngành học này. Việc mở ngành học này là hướng đi tiên phong của cả nước nhằm xây dựng năng lực cho đội ngũ nhân lực là cán bộ có chuyên môn cao công tác tại địa phương.

Đại diện nhà quản lý tại địa phương, TS Vũ Đại An - Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định bày tỏ, ngành học thạc sỹ Quản trị địa phương là chương trình hữu ích với tình hình hiện nay. Ông mong muốn các chương trình đào tạo của ngành cần bám sát với thực tiễn để người học có góc nhìn thực tiễn tại địa phương. Trong quá trình giảng dạy, các thầy nên có cách truyền tải tới người học một cách thực tế, học gắn với thực hành và mong muốn lực lượng học viên tham gia học chương trình này sẽ trở thành đội ngũ nhân lực chủ chốt để phát triển tại địa phương.

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng Ban Đào tạo của ĐHQGH cho biết, ĐHQGHN nhận thức được tầm quan trọng của công tác quản trị địa phương. Ở Việt Nam, công tác quản trị quốc gia hay quản trị địa phương là những hướng tiếp cận còn khá mới mẻ. ĐHQGHN là một trung tâm đào tạo và nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; tiên phong trong phát triển các hướng nghiên cứu mới và xây dựng các chương trình đào tạo thí điểm, dựa trên lợi thế liên ngành nhằm phục vụ sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, phục vụ cộng đồng xã hội.

Từ nền móng của những khoa học chuyên ngành (Chính trị học, Khoa học quản lý, Luật học, Sử học, Văn hóa học… ), ĐHQGHN dần phát triển hướng nghiên cứu về quản trị địa phương từ tiếp cận liên ngành. Một trong những đơn vị đi đầu trong phát triển hướng nghiên cứu và đào tạo về quản trị địa phương từ tiếp cận liên ngành và dựa trên nền tảng khu vực học chính là Viện VNH&KHPT. Nội dung của chương trình thạc sỹ Quản trị địa phương được xây dựng dựa trên 3 khối kiến thức cơ bản, gồm: khối kiến thức về khoa học quản trị, quản trị công; khối kiến thức về địa phương học, khu vực học, Việt Nam học; khối kiến thức về các công cụ và phương pháp quản trị (thể chế, chính sách, nền tảng công nghệ…).

Theo khảo sát của Viện VNH&KHPT, chương trình đào tạo về Quản trị địa phương ở cả bậc cao đẳng, đại học và sau đại học từ lâu đã được triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Đức… Tuy nhiên, tại Việt Nam, đây là chương trình đào tạo đầu tiên về Quản trị địa phương được xây dựng. Cũng theo kết quả khảo sát: 66,7% các cơ quan, đơn vị tại các địa phương có nhu cầu tuyển dụng nhân sự trình độ sau đại học có kiến thức chuyên sâu, bài bản về Quản trị địa phương; 68,2% cơ quan, đơn vị có nhu cầu cử cán bộ tham gia bồi dưỡng kiến thức, đào tạo ở trình độ thạc sỹ về Quản trị địa phương.

VH, TD

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)