Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết, Việt Nam xác định đột phá về hạ tầng là 1 trong 3 đột phá chiến lược nhằm xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối và liên thông cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước. Với sự quyết tâm, nỗ lực của ngành giao thông vận tải, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ cùng với sự hỗ trợ hết sức quý báu của bạn bè quốc tế (đặc biệt là sự hỗ trợ đến từ Chính phủ và nhân dân Nhật Bản), diện mạo cơ sở hạ tầng giao thông tại Việt Nam đã có sự thay đổi đáng khích lệ.
Trong thời gian tới, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Việt Nam sẽ tập trung triển khai đầu tư, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông theo quy hoạch quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt trong các lĩnh vực đường bộ, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không, nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến 2045 trở thành nước có thu nhập cao, phát triển giao thông vận tải hiện đại, đồng bộ, bền vững. Mục tiêu này đặt ra những áp lực và nhiệm vụ nặng nề đòi hỏi các nhà quản lý phải xây dựng những chiến lược về quản lý và quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông cũng như chuẩn bị, triển khai và vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian tới. Đây cũng là cơ sở quan trọng để Việt Nam kêu gọi hợp tác, hỗ trợ và đầu tư với các đối tác/bạn bè quốc tế, đặc biệt là các đối tác đến từ Nhật Bản.
Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học, chuyên gia, nhà hoạch định chính sách từ Nhật Bản và Việt Nam trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, bài học của Nhật Bản trong xây dựng các chính sách, cơ chế cũng như đề xuất áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại trong các lĩnh vực hàng không, hàng hải, đường sắt...
Hoàng Thạch