Toàn cảnh hội thảo.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước khoảng 60.000 tấn/ngày. Chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mỗi ngày có 7.000-9.000 tấn chất thải sinh hoạt. Dự báo đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tăng 10-16%/năm. Về vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt, hiện có trên 70% lượng chất thải được xử lý bằng chôn lấp và chỉ có 15% trong đó được chôn lấp hợp vệ sinh. Vấn đề xử lý nước rỉ rác là một việc rất phức tạp và tốn kém. Đặc biệt, công nghệ chôn lấp hiện tại vẫn chưa thu gom được khí mêtan - một trong những nguyên nhân chính gây ra hiệu ứng nhà kính. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 400 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, 37 dây chuyền sản xuất phân hữu cơ tập trung, trên 900 bãi chôn lấp, trong đó có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, một số cơ sở áp dụng phương pháp đốt chất thải rắn sinh hoạt chưa đạt hiệu quả cao.
Theo Phó tổng thư ký VUSTA, TS Lê Công Lương, trước những thách thức này, rất cần những giải pháp như phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tái chế chất thải rắn sinh hoạt, giảm dần việc chôn lấp trực tiếp chất thải. Ông cho rằng, một trong những giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn từ xử lý chất thải là phát triển công nghiệp chế biến chất thải, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt, khuyến khích đầu tư và phát triển các nhà máy chế biến chất thải để tách và tái chế các thành phần của chất thải sinh hoạt. Điều này tạo ra nguồn cung mới cho các nguyên liệu tái chế và giúp giảm tải lên môi trường. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống quản lý chất thải hiệu quả, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ xử lý chất thải để tối ưu hoá quá trình xử lý và tái chế. Sử dụng các công nghệ tiên tiến như: xử lý sinh học, xử lý nhiệt, biến chất thải thành năng lượng.
Trong bối cảnh nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường do xử lý rác thải không hiệu quả, ThS Đặng Huy Đông - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển đã phân tích và kiến nghị giải pháp cho Việt Nam. Ông chỉ ra rằng, mặc dù hàng nghìn tỷ đồng ngân sách được chi trả hàng năm cho dịch vụ xử lý rác thải, tình trạng ô nhiễm vẫn trầm trọng do những sai lầm trong quá trình chọn nhà đầu tư và công nghệ. Nguyên nhân chủ yếu đến từ bất cập và sai phạm trong việc chỉ định thầu hoặc tổ chức đấu thầu, thường mang tính chất hình thức hơn là chất lượng. Vấn đề không chỉ đơn thuần là thiếu vốn đầu tư mà còn xuất phát từ những bất cập trong thu gom, vận chuyển, đến xử lý rác thải sinh hoạt. Điều này tạo nên một chuỗi bất cập, từ quy hoạch đến dự báo và tập kết đưa về các điểm trung chuyển không có mái che, dẫn đến rò rỉ rác thải và ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm cũng như không khí.
Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ xử lý chất thải rắn hiệu quả, ông Trần Đình Long - Viện trưởng Viện môi trường và nông nghiệp ECO kiến nghị, các bộ, ngành có liên quan rà soát tổng hợp đánh giá các công nghệ điển hình đang hoạt để tìm ra những công nghệ phù hợp nhất, với những tiêu chí đánh giá cụ thể như: tái chế được nhiều tài nguyên nhất, phát thải ít nhất, chi phí vận hành và chi phí đầu tư thấp nhất. Cùng quan điểm trên, TS Lê Công Lương đề xuất cần hoàn thiện hoạt động thẩm định công nghệ các dự án đầu tư liên quan đến xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đồng thời cơ quan quản lý cần kịp thời ban hành, hoàn thiện cơ chế khuyến khích đủ hấp dẫn để doanh nghiệp tham gia chuyển giao công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt gắn liền với các dự án đầu tư, nghiên cứu nhiệm vụ khoa học và công nghệ có quy mô lớn. Ngoài ra, cần bổ sung chính sách về đơn giá xử lý rác/mua điện từ dự án điện rác cho từng loại hình công nghệ khác nhau, cơ chế miễn giảm thuế, hỗ trợ/giảm lãi suất.
NMK