Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Văn Dương - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ GTVT) cho biết, năm 2023 được đánh giá là năm có ý nghĩa rất quan trọng, là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2020-2025. Trong bối cảnh đó, ngành GTVT đã thực hiện mạnh mẽ các biện pháp quyết liệt để thực hiện Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đó là thực hiện các giải pháp đồng bộ, phát triển đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông nhằm sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, đồng thời thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác.
Hiện nay, ở nước ta nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng là rất lớn, trong đó việc xây dựng các công trình hạ tầng (công trình xây dựng, công trình giao thông) luôn đòi hỏi một khối lượng lớn vật liệu, trong đó có vật liệu cát dùng để đắp nền đường, san lấp, làm vữa xây dựng và bê tông.
Với thực tế nguồn tài nguyên cát sông ngày càng khan hiếm, đặc biệt là trong bối cảnh ngành GTVT đang triển khai các dự án xây dựng đường ô tô trên cả nước (nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long), việc cung ứng kịp thời vật liệu cát sông phục vụ cho các dự án đang gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, yêu cầu cấp bách và cần phải nghiên cứu, thử nghiệm nhằm tìm ra loại vật liệu thay thế cho cát sông (trong đó có vật liệu cát biển) nhằm đáp ứng nhu cầu trong tương lai...
Tại hội thảo có 9 báo cáo đến từ các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu, doanh nghiệp nhằm chia sẻ những thông tin mới về kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu cho công trình xây dựng, từ đó đóng góp cho sự phát triển chung của ngành xây dựng trong thời gian tới.
Văn Chương