Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang phát biểu chào mừng Hội nghị.
Phát biểu chào mừng sự kiện, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang cho biết, Hội nghị các nhà khoa học trẻ năm nay bàn về chủ đề: “Nhà khoa học trẻ và khởi nghiệp sáng tạo”. Đây là vấn đề đang được các cơ quan quản lý quan tâm, xây dựng các chính sách để tạo môi trường thuận lợi nhất giúp người trẻ phát huy sức sáng tạo, đam mê nghiên cứu, làm ra những sản phẩm thiết thực, phục vụ cho phát triển kinh tế và cuộc sống hằng ngày. Thứ trưởng kỳ vọng, tại diễn đàn này các diễn giả, nhà quản lý, nhà khoa học sẽ chia sẻ những câu chuyện từ thực tế, nêu những bài học, khó khăn để cùng nhau nhìn nhận, thông qua những trải nghiệm thực tế, đưa ra các đề xuất giải pháp, định hướng giúp quá trình nghiên cứu thuận lợi hơn, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh mới.
Trong khuôn khổ Hội nghị, phiên tọa đàm với chủ đề “Làm thế nào để nhà khoa học trẻ khởi nghiệp từ kết quả nghiên cứu?”, với sự tham dự của đại diện doanh nghiệp và các nhà khoa học, giảng viên, chuyên gia. Các diễn giả đã cùng chia sẻ, thảo luận về những thuận lợi, khó khăn từ thực tế mà cá nhân, tổ chức đã gặp phải trong quá trình khởi nghiệp. Từ thực tiễn đó, những kiến nghị, giải pháp được các diễn giả đưa ra giúp các nhà khoa học trẻ có một cái nhìn tổng quát và cụ thể trên con đường khởi nghiệp.
Cuộc thi Sáng kiến Khoa học năm 2024, chính thức khởi động từ ngày 02/12/2023, gồm những lĩnh vực có tính ứng dụng rộng rãi bao gồm: y sinh - hóa sinh, công nghệ, nông nghiệp, môi trường và vật liệu mới. Đặc biệt, Cuộc thi năm nay có thêm một hạng mục mới là vật liệu vi mạch bán dẫn. Số lượng hồ sơ năm gửi về là 135 hồ sơ, nhiều hơn so với 2 năm trước.
Giải Nhất được trao cho giải pháp/sản phẩm “Công nghệ chuyển hóa bùn giấy thành cellulose vi khuẩn” - nhóm Biomass Lab, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Qua quá trình đánh giá, 7 giải pháp/sản phẩm xuất sắc đã được lựa chọn trao giải bao gồm:
Giải Nhất trị giá 70 triệu đồng được trao cho giải pháp/sản phẩm “Công nghệ chuyển hóa bùn giấy thành cellulose vi khuẩn” - nhóm Biomass Lab, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Giải Nhì trị giá 50 triệu đồng được trao cho giải pháp/sản phẩm “Air Boots - Robot gieo hạt, phun thuốc, bón phân sử dụng đa chong chóng đẩy” - nhóm Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Giải Ba trị giá 30 triệu đồng được trao cho giải pháp/sản phẩm “Bê tông ‘xanh’ truyền sáng chế tạo từ thuỷ tinh, tro, xỉ, bùn thải, không sử dụng xi măng” - nhóm Bê tông "Xanh", Trường Đại học Mỏ - Địa chất.
3 Giải Khuyến khích (mỗi giải 10 triệu đồng) được trao cho các giải pháp/sản phẩm: i) “Bảng viết theo độ tuổi cho học sinh vùng khó khăn” - tác giả Phạm Thu Trang; ii) “Chẩn đoán, tiên lượng và dự đoán điều trị ung thư gan dựa vào gene F12” - nhóm MedVNU Oncology; iii) “Ô cửa học tập thông minh cho học sinh Mầm non miền núi” - nhóm Mầm non Hoa sen Tuyên Quang.
Giải Sáng kiến trị giá 30 triệu đồng được trao cho giải pháp/sản phẩm “Bếp nước ấm vùng cao” - nhóm Thủy Sơn Năng.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Các giải pháp/sản phẩm đoạt giải năm nay đều có khả năng ứng dụng cao, mang lại hiệu quả kinh tế, giúp tối ưu hóa các nguồn lực hiện có giúp doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao hơn, góp phần hình thành các mô hình phát triển kinh tế mới.
Xuân Bình